Ai được miễn thi, cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi THPT 2015?
Theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, một số đối tượng sẽ được miễn thi, xét đặc cách tốt nghiệp, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích.
Nhiều đối tượng được miễn thi
Năm nay, đối tượng thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ; thí sinh có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ. Thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp.
Những thí sinh được miễn thi cả 4 môn thi trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông là người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bản thân bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Những thí sinh được miễn thi tất cả các môn là người đã tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc khu vực các môn văn hoá. Ngoài ra còn có những người trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ.
Theo quy chế mới trong kỳ thi THPT năm nay, một số đối tượng sẽ được miễn thi, xét đặc cách tốt nghiệp, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Ảnh: TTXVN
Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xét đặc cách đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông cho các thí sinh không may gặp tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt vào thời điểm không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên; thí sinh không thể dự thi hoặc đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số môn thi còn lại. Tuy nhiên, những thí sinh này phải đạt điều kiện về học lực, hạnh kiểm và phải có hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.
Video đang HOT
Cộng điểm ưu tiên, khuyến khích
Kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định những mức ưu tiên khác nhau với các mức điểm khuyến khích khác nhau từ 0,25 điểm đến 2 điểm tùy từng đối tượng để đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên chỉ được hưởng theo tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất. Những trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.
Những thí sinh được cộng 0,25 điểm gồm: Con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; người dân tộc thiểu số; người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hộ khẩu thường trú ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc và miền núi, học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương ít nhất 2 phần 3 thời gian học cấp trung học phổ thông. Người bị nhiễm chất độc da cam; con của người bị nhiễm chất độc da cam; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người được cơ quan có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động do hậu quả của chất độc hoá học cũng thuộc đối tượng được cộng 0,25 điểm. Đối với giáo dục thường xuyên, những đối tượng hưởng mức ưu tiên này là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%; con của người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa năm 1945; người có tuổi đời từ 35 trở lên.
Những thí sinh được cộng 0,5 điểm gồm: Người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, ven biển và hải đảo, vùng dân tộc và miền núi, đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (đối với giáo dục thường xuyên); con của liệt sĩ; con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Người học tham gia các cuộc thi và các hoạt động dưới đây được cộng điểm khuyến khích từ 1-2 điểm để xét công nhận tốt nghiệp THPT: thí sinh đoạt giải cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hoá lớp 12; thí sinh đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn Vật lí, Hoá học, Sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức. Đối với giải đồng đội, thí sinh chỉ được cộng nếu đó là giải quốc gia.
Những học sinh trong diện xếp loại hạnh kiểm có giấy chứng nhận nghề do sở Giáo dục và Đào tạo hoặc các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong chứng nhận. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tin học được cộng 1 điểm đối với mỗi loại chứng chỉ.
Theo Danviet
Nhiều băn khoăn với quy chế mới
Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh vào ĐH, CĐ vừa mới được công bố nhưng những vấn đề mới đặt ra cho kỳ thi năm nay đang làm các nhà tổ chức thi, tuyển sinh băn khoăn.
Liệu có nhiều thí sinh ảo, rút hồ sơ ầm ầm?
Mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi (CNKQ), theo quy định phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) có ghi rõ đợt xét tuyển, nhưng không hiểu giấy CNKQ có ghi "cứng" đợt xét tuyển bổ sung thứ mấy không hay chỉ là CNKQ một cách chung chung, ông Đặng Văn Tùng, trưởng phòng đào tạo Học viện Bưu chính viễn thông đặt câu hỏi.
Theo ông, nếu ấn định rõ CNKQ bổ sung lần mấy và chỉ cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển thì khả năng ảo sẽ đỡ hơn.
Những thí sinh sẽ dự kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Như vậy, cơ hội vào từng trường của thí sinh sẽ cao hơn (vì mỗi lần đăng ký được 4 ngành) nhưng cơ hội vào nhiều trường khác nhau sẽ ít hơn. Ông Tùng tính toán: dù được rút ra rút vào nhưng trong 15 ngày thì cũng chỉ rút ra được 1-2 lần vì mỗi lần rút thí sinh phải mất thời gian đến tận trường ĐH, CĐ và mang giấy tờ tùy thân đến. Các trường cũng tốn thời gian với chế độ cập nhật thông tin 3 ngày/lần.
Mặc dù nhận xét, phiên bản Quy chế tuyển sinh chính thức đã tiếp thu nhiều đóng góp của các trường, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đặt vấn đề: Các nhà hoạch định chính sách cần xem xét kỹ và làm rõ một số vấn đề.
Theo ông Điền, Bộ GD&ĐT không muốn các trường dùng những tổ hợp môn xét tuyển lạ so với các tổ hợp truyền thống để không gây bất ngờ cho thí sinh. Nhưng thực tế, các trường sẽ dùng nhiều tổ hợp môn thi khác nhau để tuyển và các thí sinh cũng sẽ thi nhiều môn nhất có thể để mở rộng khả năng dự tuyển. Và ông Phong Điền đặt câu hỏi: Trong một đợt xét tuyển, nếu một trường dùng nhiều tổ hợp môn thi khác nhau cho một ngành hoặc một nhóm ngành, thí sinh có được dùng tất cả các tổ hợp môn đã thi để ĐKXT không?
Ông Điền bày tỏ quan ngại, việc dữ liệu được cập nhật 3 ngày 1 lần sẽ khiến thí sinh rút hồ sơ ầm ầm khi thấy rủi ro và việc này sẽ khiến các trường cực kỳ bận rộn. Ông Phong Điền đề xuất phương án: Đối với ĐH Bách khoa, nếu thí sinh không rút hồ sơ sang trường khác mà chỉ đổi ngành thì trường sẽ thực hiện đăng ký online, xóa - đăng ký thoải mái và trường sẽ lấy kết quả đăng ký giờ chót để "ấn định" kết quả trúng tuyển.
Theo quy chế thi THPT quốc gia, ông Điền dẫn chứng, thí sinh có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT được miễn thi môn ngoại ngữ và được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, ông Phong Điền cho rằng, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xem xét và khả năng sẽ không công nhận một số chứng chỉ như bằng B1, B2... và chỉ công nhận bằng do một số chương trình quốc tế cấp. Bởi theo ông Điền, nếu cho điểm 10 tất thì bằng B1, B2 được công nhận tương đương như thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ hay sao? Chắc chắn nhiều trường sẽ xem xét lại, ông Điền khẳng định.
Chưa rõ về tổ hợp môn thi mới
Đó là câu hỏi mà một nhà tuyển sinh ở khu vực Hà Nội nêu khi phân tích: Bộ GD&ĐT quy định trong Quy chế tuyển sinh mới là nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GD&ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
Vậy một trường, năm trước tuyển theo khối A và A1, năm nay thêm khối D có phải thông báo trước 3 năm hay không, quy chế không nói rõ là mới đối với ai - toàn hệ thống hay với trường, nhà tuyển sinh này đặt câu hỏi.
Nhìn chung, các nhà tuyển sinh cho rằng có thể do sức ép về thời gian nên quy chế còn có nhiều điểm chưa rõ ràng. Ví dụ, một nhà tuyển sinh nói, quy định về việc không được có người thân dự thi thì lại quy định ở các bộ phận khác "loanh quanh", trong khi, bộ phận làm phách hay bộ phận thư ký lại không có quy định này. Một ví dụ khác, theo một nhà tuyển sinh, thu học bạ THPT và quản lý trên Sở GD&ĐT để làm gì trong khi chính các trường mới là nơi cần phải kiểm tra loại hồ sơ này...
Nhiều trường băn khoăn về việc cứ mỗi 3 ngày các trường phải cập nhật thông tin tuyển sinh của trường mình trên toàn hệ thống. "Liệu phần mềm của Bộ GD&ĐT có giải quyết được tổng thể khả năng trúng tuyển của thí sinh theo cả 4 NV hay không" đang là câu hỏi được nhiều nhà tuyển sinh đặt ra. "Chúng tôi chưa được tiếp cận nên chưa hình dung phần mềm nắm bắt thông tin trên toàn hệ thống sẽ hoạt động thế nào nên vẫn còn băn khoăn" - ông Đặng Kim Vui, GĐ ĐH Thái Nguyên nói.
Theo Hồ Thu/Báo Tiền phong
Nên bỏ quan niệm đậu, rớt ở kỳ thi quốc gia (GDVN) - Sự thay đổi liên tục kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng làm cho xã hội không an tâm, cần có giải pháp lâu dài đối với kỳ thi này. Dự kiến trong tháng 2 này, Bộ GD&ĐT sẽ kết thúc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Với tâm huyết...