Ai đang sai lầm trong “tiếp sức” mùa thi cho sĩ tử?
Cha mẹ chờ con cái ở bên ngoài một điểm thi
Một ông bố theo con đi thi bị đột tử vì nắng nóng, một ông bố khác bị ngất xỉu trong lúc chờ con làm bài. Nhiều vị cha mẹ nôn nóng gọi điện thoại, nên con “ngậm quả đắng” bị đình chỉ vì vi phạm quy chế mang điện thoại vào phòng thi… Những chuyện buồn và vô lý ấy hoàn toàn có thể tránh được nếu nhận thức, có biện pháp đúng đắn về việc tiếp sức mùa thi.
Thi cử xưa nay vốn là việc quan trọng đối với người đi học. Ngày xưa thi cử được ví là ngày vượt vũ môn, ngày hội long vân của sĩ tử vì tùy theo từng triều đại, ba đến năm năm mới có một kỳ thi, thậm chí những lúc loạn lạc hoặc do vua chúa bê tha xao lãng, 10 năm mới tổ chức thi.
Trường thi cũng hiếm, phải ba bốn tỉnh gom lại mới có một trường thi Hương. Thi Hội, hay thi Đình thì phải lều chõng ra tận kinh kỳ Hà Nội hay Huế mất hàng tháng trời. Thế nhưng việc đi thi ngày ấy cũng chỉ là một thí sinh với một tiểu đồng giúp việc mang vác lều chõng, mài mực, cơm nước.
Càng hỗ trợ, càng nhiều nước mắt vô lý
Ngày nay, điều kiện đi lại đã thuận tiện dễ dàng hơn, việc thi cử đã thành nề nếp hàng năm, thi cử dù đã qua biết bao nhiêu lần cải cách, giảm tải, thế nhưng mỗi lần thi là một cuộc vận động của toàn nước, một “cuộc chiến”.
Ngành giáo dục phải huy động hàng vạn cán bộ coi thi và hàng ngàn cán bộ thanh tra các điểm thi. Thí sinh đi thi và cán bộ coi thi là chuyện đương nhiên, nhưng phải huy động thêm một lực lượng khổng lồ để kiểm tra việc tổ chức thi là điều bất thường trong hoạt động bình thường.
Video đang HOT
Bên cạnh ngành giáo dục, nhà nước phải huy động cảnh sát bảo vệ cơ sở thi, chống ách tắc giao thông. Các tổ chức xã hội đoàn thể thanh niên cũng huy động thanh niên tình nguyện tham gia tiếp sức mùa thi, tiếp đón, hướng dẫn thí sinh nơi ăn ở, thủ tục dự thi. Theo thống kê của Trung ương Đoàn TNCS HCM thì số thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi của các tỉnh thành năm nay là 60 ngàn người…
Đặc biệt là các gia đình có con cái dự thi cũng bầu đoàn gồng gánh nhau cùng đồng hành dự thi. Số người trực tiếp, gián tiếp tham gia kỳ thi, như vậy cao gấp ba, gấp bốn lần số thí sinh.
Quy mô, chu đáo như thế nhưng nước mắt mùa thi vẫn cứ rơi vì những nguyên cớ không đâu, làm đau lòng người. Một người cha đột tử vì nắng nóng khi chờ con trước cổng trường ở Thái Bình.
Một gia đình ở tỉnh Gia Lai đưa con lên TP.Pleiku dự thi. Đêm đến, người cha (có uống rượu) đã té ngã từ trên lầu xuống đất bị chấn thương sọ não. Thí sinh này chưa hoàn tất kỳ thi đã nhận phải tin dữ, phải tiếp tục dự thi trong tâm trạng căng thẳng nặng nề.
Một ông bố khác ra Hà Nội tiếp sức mùa thi cho con đã ngất xỉu vì không chịu nổi cái nóng bức khắc nghiệt và trạng thái căng thẳng. Từ vai trò người hỗ trợ, ông bố đã trở thành gánh nặng tâm lý cho con đúng vào thời điểm đứa con đang căng thẳng nhất.
Còn những giọt nước mắt uất nghẹn vì cái điện thoại. Một thí sinh đã làm xong bài thi, sắp nộp, bỗng nhận điện thoại của người cha đang chờ ngoài cổng. Tiếng chuông điện thoại reo trong túi thí sinh là bằng chứng không thể chối cãi về việc vi phạm quy chế thi đã có từ nhiều năm nay. Thí sinh đã bị lập biên bản vi phạm.
Bất chấp thí sinh này có sử dụng điện thoại để gian lận thi cử hay không nhưng việc mang điện thoại vào phòng thi và cố ý giữ điện thoại không trình báo với cán bộ coi thi là sai sót không thể biện minh.
Hàng năm có rất nhiều thí sinh bị kỷ luật đình chỉ thi vì mang điện thoại vào phòng thi. Quy chế này được dán, đọc công bố tại các phòng thi, các phương tiện thông tin báo chí, được các sinh viên tình nguyện tư vấn, giám thị coi thi nhắc nhở; nhưng rất tiếc vẫn còn nhiều thí sinh để lọt.
Đau nhất, người “giúp” cơ quan chức năng phát hiện vi phạm này phần lớn là phụ huynh, đã gọi con vào lúc cuối giờ thi. Hóa ra không hỗ trợ được cho con, chính cha mẹ lại là tác nhân làm con bị kỷ luật, đình chỉ thi.
Hãy dạy con tự bước chân vào đời
Thực tế thì với mọi hoạt động xã hội đông người, không thể tránh khỏi những sự cố đáng tiếc. Thế nhưng với một số lĩnh vực, nếu có thái độ ứng xử đúng ngay từ đầu, sẽ có thể tránh khỏi những sự cố đáng tiếc.
Về phía cha mẹ thí sinh, liệu có cần thiết phải đồng hành cùng đi thi với con? Nhiều người sẽ phản đối câu hỏi này và lấy lý lẽ tình thương yêu bao bọc, trách nhiệm cha mẹ hướng dẫn, đưa đón con đi thi.
Thế nhưng về tâm lý giáo dục, việc cha mẹ đưa đón con đi thi không chỉ dẫn đến những hệ quả như đã nêu; mà còn gây ra nhiều hệ quả tâm lý không hay khác. Kỳ thi, một chuyến đi xa nhà trong tuổi đầu đời không chỉ là thử thách về kiến thức sau 12 năm học phổ thông, mà còn là cơ hội cho thanh niên rèn luyện kỹ năng sống tự lập trong môi trường mới.
Với sự giúp đỡ hỗ trợ của các tình nguyện viên, với những dịch vụ ăn ở đa dạng hiện nay, thanh niên tự lực đi thi là điều quá dễ dàng. Cả gia đình đùm túm theo con đi thi chẳng những không giúp đỡ được gì, mà còn gây thêm sức ép tâm lý, tạo ra sự ỷ lại, thụ động trong cuộc sống sau này.
Cùng con cái đi thi, không hỗ trợ được gì cho con; có khi cha mẹ lại tước đi hạnh phúc quan trọng nhất của con cái là tự bước đi vào đời bằng những bước chân của chính mình.
Nếu có ý thức đúng, không nhất thiết phải cùng đi, mà ở ngay tại gia đình, cha mẹ vẫn có thể hỗ trợ tinh thần cho con cái hiệu quả hơn nhiều bằng những việc cần thiết như: Theo dõi các quy định về quy chế thi để nhắc nhở, lưu ý con không vi phạm những lỗi như mang điện thoại, thiết bị ghi âm phát hình vào phòng thi, hướng dẫn con cách đi lại trong thành phố. …
Cần lưu ý rằng ở thế hệ 7X trở về trước (cũng chính là các vị cha mẹ thí sinh hiện nay), việc đi thi là việc cá nhân thí sinh, những cha mẹ cùng đi thi với con chỉ là cá biệt.
Nước mắt không chỉ rơi từ phía thí sinh mà còn cả từ phía những người hỗ trợ, tiếp sức mùa thi. Một sinh viên tình nguyện được phân công giữ trật tự bên ngoài trường thi đã thái quá đến mức ngăn cản nhà báo đến tác nghiệp.
Thanh niên này rơi nước mắt hối hận, nhưng hành vi của em đã bị tổ chức quản lý sinh viên tình nguyện buộc lòng chấm dứt công việc. Một số căng thẳng, xung đột khác cũng đã xảy ra giữa các tình nguyện viên giữ trật tự và các phụ huynh ở một số điểm thi, nguyên nhân cơ bản là do tâm lý muốn tiếp cận điểm thi của phụ huynh; và thái độ cứng nhắc, thiếu thuyết phục của các tình nguyện viên.
Với các tổ chức hỗ trợ mùa thi, tổ chức quản lý tình nguyện viên, cũng cần ý thức xác định giới hạn trách nhiệm của mình là hỗ trợ, tư vấn cho thí sinh về đi lại sinh hoạt, quy chế thi. Tình nguyện viên chỉ đóng khung nhiệm vụ trong hoạt động này, không nên lấn sân sang việc hỗ trợ cho các cơ quan công quyền làm các nhiệm vụ công quyền như điều khiển giao thông, giữ trật tự giao thông hay giữ trật tự bên ngoài phòng thi.
Việc phân công cho tình nguyện viên làm những việc ngoài chức năng này dễ gây ra những va chạm đáng tiếc, ảnh hưởng không tốt đến ý nghĩa tốt đẹp của công việc tình nguyện. Bản chất của công tác xã hội và công việc thiện nguyện nói chung là hỗ trợ cho người yếu thế trong xã hội, qua đó nâng cao nhân cách, tính nhân văn cho người làm tình nguyện.
Tình nguyện viên chỉ có nghĩa vụ, tình thương, ý nguyện phục vụ cộng đồng làm động lực, phương tiện làm việc; mà không có quyền hạn. Giao cho người tình nguyện thực hiện công quyền sẽ ngược lại với nguyên tắc này, sẽ không có lợi cho cả đôi bên. Khi được giao quyền quản lý, tâm lý kiêu căng, cửa quyền sẽ làm vẩn đục ý nghĩa của công việc tình nguyện.
Theo motthegioi