Ai đang là “vua” tiền mặt?
Các doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn luôn có nhiều lợi thế. Nắm giữ cổ phiếu ở những công ty này, nhà đầu tư cũng yên tâm và tin tưởng hơn.
Trên thị trường chứng khoán có không ít doanh nghiệp nắm trong tay hàng ngàn tỉ đồng tiền mặt. Sự giàu có này tạo lợi thế chủ động đặc biệt cho họ trong phục vụ sản xuất, đầu tư, mở rộng kinh doanh cũng như phòng vệ rủi ro. Khi nắm giữ cổ phiếu ở một doanh nghiệp có nhiều tiền mặt, nhà đầu tư cũng yên tâm và tin tưởng hơn về khả năng hoạt động ổn định, chi trả cổ tức, mua lại cổ phiếu quỹ.
Tuy nhiên, theo phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), “việc xem xét nguồn tiền từ đâu đến, nghĩa vụ thanh toán nợ của doanh nghiệp cũng như kế hoạch sử dụng lượng tiền mặt này trong tương lai như thế nào… mới cần thiết trong quyết định đầu tư”.
Ảnh minh họa.
Ai đang giữ tiền khủng?
Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê từ các sở giao dịch chứng khoán, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã nộp báo cáo tài chính quý IV/2015. Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp đã cơ bản hiện ra.
Năm 2015, bỏ qua các công ty hoạt động trong ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, danh sách “ông vua tiền mặt” vẫn thuộc về những gương mặt thân quen. Đó là PV Gas (GAS), Vingroup (VIC), Vinamilk (VNM), Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Masan (MSN), Đạm Phú Mỹ (DPM), Kinh Đô (nay là Kido – KDC), FPT, PVDrilling (PVD), Hòa Phát (HPG), REE…
Trong khoảng 30 công ty nắm giữ hàng ngàn tỉ đồng tiền mặt, các doanh nghiệp thuộc họ dầu khí đã chiếm gần 30%. Đây là đặc điểm từng được nhìn thấy ở các năm trước. PV Gas hiện là doanh nghiệp có tiền mặt khủng nhất. Nguồn tiền qua các quý của PV Gas luôn duy trì trong mức 17.000-20.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể số tiền hơn 6.038 tỷ đồng mà PV Gas đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, dưới các hình thức như gửi ngân hàng có kỳ hạn, các khoản cho vay thu lãi định kỳ.
Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành khác, Vingroup là cái tên vượt trội. Đến ngày 31/12/2015, riêng tiền mặt của VIC đã là hơn 7.600 tỷ đồng. Nếu cộng với lượng tiền đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, nguồn tiền của Vingroup đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Đó là vì Tập đoàn đã gia tăng 2,5 lần lượng tiền cho khoản đầu tư này. Diễn biến trên cũng đang xảy ra ở nhiều doanh nghiệp.
Chẳng hạn, PV Gas, PVS, Đạm Phú Mỹ, FPT, REE, Vinamilk, KDC… đều đẩy mạnh đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Đây được xem như cách thức sinh lời tạm thời trong lúc chờ đợi những cơ hội đầu tư tốt hơn.Cùng thuộc nhóm doanh nghiệp dầu khí có lượng tiền ngất ngưởng phải kể đến PVS. Theo báo cáo tài chính mới nhất, cuối năm 2015, PVS có hơn 8.118 tỷ đồng tiền mặt và 450 tỷ đồng từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Hay Đạm Phú Mỹ, PVDrilling cũng là những doanh nghiệp có lượng tiền mặt rất cao.
Không kém cạnh Vingroup là Masan. Đến cuối năm 2015, tiền trong túi của tập đoàn này còn hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến trường hợp ở CotecCons. Mặc dù CotecCons xếp hạng không cao trong nhóm các “ông vua” tiền mặt, nhưng đây lại là doanh nghiệp có tốc độ tăng tiền mặt cao đáng chú ý trên sàn chứng khoán. Cụ thể, tiền và tương đương tiền trong kỳ của CotecCons đạt hơn 970 tỷ đồng, trong khi năm trước đó bị âm. Đây đều là nguồn tiền đến từ kinh doanh.
Nhìn vào chi tiết báo cáo lưu chuyển tiền tệ của các doanh nghiệp có nguồn tiền dồi dào, có thể thấy, không nhiều đơn vị được như CotecCons. Chẳng hạn, trừ PVTrans, hầu hết các doanh nghiệp nhóm dầu khí đều có lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm. Nếu không bị âm thì cũng là suy giảm, như trường hợp của PVDrilling, Đạm Phú Mỹ. Vì thế, dòng tiền của các doanh nghiệp dầu khí tuy vẫn ở mức cao nhưng đã có sự sa sút so với năm trước đó.
Với những đơn vị thuộc ngành khác, tình trạng cũng tương tự. Chỉ một số công ty như Masan, REE, Hòa Phát, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC)… là có dòng tiền trong kỳ tăng.
Video đang HOT
Những trạng thái của tiền
Thực tế, khi xem xét đến nguồn gốc và trạng thái dòng tiền, nhà đầu tư sẽ nhận thêm được nhiều thông tin giá trị hơn. Đơn cử, nếu dòng tiền đến từ nguồn thu đột biến, như Đạm Phú Mỹ từng có khoản thu đột biến 1.663,6 tỷ đồng trong năm 2014 từ cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác thì ở năm tiếp theo, sự suy giảm nguồn tiền là khó tránh khỏi.
Nếu nguồn tiền trong kỳ tăng nhưng lại chỉ đến từ hoạt động tài chính như ở PLC, tiền này thường đi kèm với những nỗi lo mới về trả nợ, trả lãi. Chẳng hạn, đến hết năm 2015, dù PLC vẫn còn giữ hơn 1.300 tỷ đồng tiền mặt nhưng do tiền này đến từ nguồn thu đi vay hơn 5.800 tỷ đồng, nên tiền dành cho chi trả nợ gốc, tiền lãi vay của PLC trong năm 2015 đều tăng mạnh.
Đó là lý do mà các chuyên viên phân tích cho rằng cần “soi” thêm nguồn tiền từ đâu tới để xác định tính ổn định của dòng tiền. Ngoài ra, niềm vui sẽ khó trọn vẹn nếu các công ty vướng nợ nần nhiều. Đó là trường hợp của Masan, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup. Mặc dù đánh giá vay nợ ở các đơn vị này cần xét thêm tương quan ngành nghề, khả năng phát hành thêm hoặc chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu cùng các chiến lược và hướng đi cụ thể, nhưng cứ nhìn những con số vay nợ ngắn hạn, dài hạn hơn 30.000 tỉ đồng, giới đầu tư ít nhiều cảm thấy e dè. Năm qua, riêng tiền lãi đã trả của Masan là gần 2.700 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.
FPT dự kiến sẽ đổ vốn vào các mảng như xuất khẩu phần mềm, viễn thông, bán lẻ…
Ở chiều ngược lại, tuy Vinamilk, FPT không tích lũy và làm dày thêm lượng tiền trong năm nhưng nhà đầu tư vẫn lạc quan. Bởi các công ty này dùng tiền cho những chiến lược đầu tư vì mục tiêu phát triển dài hạn. Chẳng hạn, tiền chi cho đầu tư ở FPT trong năm 2015 đã gần 3.000 tỉ đồng, gấp đôi năm 2014.
Theo thông tin từ FPT, năm qua, công ty này đã có sự đầu tư mạnh cho hoạt động kinh doanh. Đó là đẩy mạnh hoạt động quang hóa hạ tầng viễn thông và phủ sóng dịch vụ truyền hình trong nước, mở 2 trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin ở Philippines và Myanmar, phát triển công nghệ trong và ngoài Tập đoàn, ra mắt Quỹ FPT Ventures, cán mốc 250 cửa hàng ở mảng bán lẻ, thành lập Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) hay mở đại học trực tuyến.
Kết quả là doanh thu lợi nhuận năm 2015 của FPT đều vượt kế hoạch và kinh doanh ở nhiều mảng của FPT phát triển mạnh. Trong đó, viễn thông, xuất khẩu phần mềm, bán lẻ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, lần lượt tăng 31,8%, 40% và 50% so với cùng kỳ. Đặc biệt, dù mới xuất hiện 1 năm, dịch vụ truyền hình IPTV của FPT tiếp tục tăng trưởng mạnh với 280 thuê bao, chiếm 2% thị phần.
Những công ty nhiều tiền còn là các doanh nghiệp tích cực trong các hoạt động mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Theo lộ trình phát triển, Vinamilk đặt mục tiêu cán mốc doanh thu 3 tỷ USD và nằm vào tốp 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. Để đạt đến đích này, Công ty dồn vốn cho các dự án đầu tư ra nước ngoài nhằm gia tăng năng lực cung cấp. Cụ thể, Vinamilk đã triển khai một số khoản đầu tư như đầu tư 19,3% cổ phần công ty sữa tại New Zealand, thâu tóm 70% cổ phần công ty sữa Driftwood Dairy ở Mỹ, mở doanh nghiệp mới tại Ba Lan.
Mới đây, Vinamilk bày tỏ ý định đón đầu cơ hội ở thị trường Nga thông qua khả năng thành lập văn phòng đại diện tại đây. Mặc dù Vinamilk chưa có ký kết hợp đồng thương mại nào ở Nga tính đến thời điểm hiện tại, nhưng Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng Nga là một thị trường tiềm năng với quy mô thị trường ở mức 17 tỷ USD năm 2015, theo báo cáo của Euromonitor.
Năm 2015, Vinamilk dành hơn 6.000 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng gấp rưỡi so với năm trước đó
Với lượng tiền mặt dồi dào, Vinamilk cũng như PV Gas, KDC, REE, Masan… đã thuận lợi khi triển khai M&A. Ngoài ra, tiền nhiều cũng đã giúp các công ty dễ bề chuyển hướng trước những trở ngại trong mảng kinh doanh chính. REE là một ví dụ. Khi lĩnh vực điện lạnh sa sút, REE tham gia phát triển bất động sản và hiện quản lý hơn 100.000 m2 văn phòng cho thuê tại TP.HCM. REE cũng đã chi ra hơn 4.000 tỉ đồng trong 5 năm qua để nắm giữ cổ phần lớn hoặc chi phối tại các công ty trong lĩnh vực hạ tầng như thủy điện, nước. Các mảng mới đã trở thành nguồn thu chính, đóng góp 70-80% lợi nhuận hằng năm cho REE.
Tiền mặt nhiều còn được xem là khoản đảm bảo cho doanh nghiệp trong những tình huống khó khăn. Năm qua, dù chịu biến động tiêu cực từ giá dầu và kinh doanh suy giảm, PV Gas vẫn có trong tay hơn 1.000 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay, trong khi chi phí lãi vay của PV Gas chưa tới 200 tỉ đồng. Nghĩa là dù không làm gì mà chỉ gửi tiền ở ngân hàng, PV Gas vẫn sống khỏe.
Những doanh nghiệp nhiều tiền cũng hào phóng trong chi trả cổ tức. Năm 2015, cả FPT và Vinamilk đều gia tăng nguồn tiền cho chi trả cổ tức. Trong đó, Vinamilk dành hơn 6.000 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng gấp rưỡi so với năm trước đó. Tuy nhiên, ấn tượng nhất phải kể đến KDC. Với gần 8.000 tỷ đồng thu được từ bán mảng bánh kẹo, KDC đã chi khoảng 4.900 tỷ đồng để trả cổ tức và 1.300 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu quỹ.
Năm 2016 và các năm tiếp theo, những công ty nhiều tiền như Vinamilk, FPT sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư để duy trì tăng trưởng. FPT dự kiến sẽ đổ vốn vào các mảng như xuất khẩu phần mềm, viễn thông, bán lẻ… Ngoài ra, FPT có thể sẽ mở rộng khách hàng sang các công ty thương mại điện tử và đầu tư vào chuỗi bảo hành điện thoại như một cách khắc phục khó khăn từ mảng phân phối.
Với PV Gas, việc hoàn thành đấu nối Thiên Ưng vào dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1, đưa vào vận hành dự án cấp bù khí ẩm Nam Côn Sơn cho GPP Dinh Cố, chuẩn bị và thực hiện đầu tư các dự án GPP Cà Mau, Nhà máy sản xuất Polypropylene, lô B – Ô Môn, Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2, Sư Tử Trắng, Cá Rồng Đỏ… là những cơ sở để công ty này xoay chuyển tình hình theo hướng khả quan hơn.
Rõ ràng, việc có nhiều tiền đã giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong các quyết định, chớp lấy thời cơ, giành lợi thế trên thị trường. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế dự báo sẽ còn nhiều biến động, những cú sốc có thể bất ngờ ập đến, nhiều tiền sẽ giúp doanh nghiệp phòng vệ tốt hơn.
Nhưng tiền mặt nhiều có phải luôn tốt? Cùng với xem xét nguồn gốc tiền, nghĩa vụ trả nợ, các vấn đề chi tiêu thì lịch sử thua lỗ từ đầu tư ngoài ngành tràn lan ở nhiều đơn vị đã minh chứng, doanh nghiệp nhiều tiền thường bị sức ép phải sinh lời tương xứng. Các công ty này dễ bị cám dỗ rót tiền vào những lĩnh vực không phải là thế mạnh, từ đó có thể đưa đến rủi ro, mất mát trong đầu tư. Bởi thế, các công ty nhiều tiền cần thận trọng khi đầu tư, nên được tư vấn kỹ lưỡng và cần người lãnh đạo tỉnh táo, có tầm nhìn xa để biết cách dùng tiền hiệu quả.
Theo Ngọc Thủy (Nhịp Cầu Đầu Tư)
Vì sao doanh nghiệp Việt đang nhỏ dần?
Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách thể chế, hoàn thiện nền kinh tế thị trường và tái cấu trúc thực tế nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2015, sáng 1/12 tại Hà Nội.
Theo VCCI, doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng.
Theo Bộ trưởng, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhưng khâu thực thi còn nhiều tồn tại, yếu kém.
Với chủ đề của diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế" Bộ trưởng Vinh cho biết sẽ có 10 nhóm vấn đề liên quan đến đất đai, ngân hàng, cơ sở hạ tầng... sẽ được tập trung thảo luận và đây là những vấn đề Việt Nam rất quan tâm.
Càng thành công, càng bị kiểm tra nhiều
Thông điệp chính của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến lộc tại diễn đàn: Thúc đẩy kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh cần phải là trọng tâm chính sách thời hội nhập.
Đây là VBF đầu tiên được tổ chức sau khi Việt Nam vừa kết thúc đàm phán với các quốc gia trong TPP và cơ bản hoàn tất đàm phán FTA với EU và một số đối tác thương mại quan trọng khác, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp của VCCI cho thấy ghi nhận tích cực của doanh nghiệp về những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ ngành và địa phương. Nhưng sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.
VCCI cũng nhìn nhận, cải cách thể chế, nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Nghịch lý được Chủ tịch VCCI nêu rõ là qua các cuộc khảo sát gần đây về cải cách thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.
"Đây là một lực cản đáng kể để các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây", ông Lộc phát biểu.
Những tín hiệu không tốt
Nhấn mạnh quan niệm một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn, Chủ tịch VCCI cho rằng sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.
Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và toà án huỷ các phán quyết trọng tài khá tùy tiện... đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.
Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới, ông Lộc đề nghị.
Điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển, theo Chủ tịch VCCI lại là khu vực giữ vai trò động lực - khu vực tư nhân trong nước.
"Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh", Chủ tịch VCCI quan ngại.
Theo VCCI, Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. Doanh nghiệp Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Việc tái cấu trúc lại cơ cấu vốn của các doanh nghiệp và giảm lãi suất cho vay, tuy rất khó khăn, nhưng đang là nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp và là thách thức lớn cần tập trung giải quyết đối với chính sách tiền tệ và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong những năm tới, Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Theo VnEconomy
Siêu thị Việt "chật" hàng ngoại, hàng nội đi đâu về đâu? Dù chưa phải là thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn đối với hàng hoá nước ngoài theo khuôn khổ các hiệp định tự do hóa toàn cầu và khu vực nhưng ngay lúc này hàng ngoại đã đổ bộ và hiện diện ở mọi nơi. Đặc biệt, tại các siêu thị lớn, hàng ngoại đang chiếm áp đảo. Mặc dù TPP...