Ai cũng nói bằng đại học không còn quan trọng, sao không ai thay đổi?
Người lớn chúng ta ngày càng khuyến khích người trẻ tin tấm bằng đại học không là tất cả. Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu người lớn không chịu thay đổi trước tiên.
Lê Đình Hiếu – Chuyên gia giáo dục
Lê Đình Hiếu được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2016. Anh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018. Anh tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế học Đại học California, Los Angeles (Mỹ) và là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Khởi nghiệp Giáo dục, Đại học Pennsylvania (Mỹ). Lê Đình Hiếu đồng sáng lập Học viện Đào tạo Phương pháp Tư duy và Kỹ năng G.A.P; sáng lập dự án giáo dục Hear.Us.Now cho người khiếm thính. Hiện Lê Đình Hiếu công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Cụm từ khóa “tỷ phú không bằng cấp” cho 64 triệu kết quả trên Google chỉ sau 0,39 giây. Trong Danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes công bố hàng năm, hơn 15% không có tấm bằng đại học.
Phải chăng bây giờ việc vào đại học không còn quá quan trọng? Bạn vẫn có thể giàu có và thành công mà không cần phải bước đến cánh cổng đại học?
Ở một chiều hướng khác, cuộc đua vào đại học vẫn mỗi ngày một khốc liệt hơn. Và điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam.
Tại Mỹ, số đơn nộp vào các trường đại học tăng với tốc độ khủng khiếp trong gần 20 năm qua. Theo Pew Research, các trường nhóm trung bình khá tại nước này (tỷ lệ chấp nhận học vào khoảng 20 – 50% số đơn nộp vào) chứng kiến mức tăng trưởng về số đơn từ 120% – 140% trong giai đoạn 2002 – 2017. Tại Trung Quốc, cuộc thi tuyển sinh đại học (Gaokao) thu hút gần 10 triệu lượt sỹ tử hàng năm, là một trong những bài kiểm tra khốc liệt nhất thế giới, và thường được gọi là cuộc thi có thể thay đổi cuộc đời của hàng triệu người.
Không chỉ thế, khi nhìn vào rất nhiều cách các công ty, tập đoàn đa quốc gia hay nội địa đang tuyển dụng tại Việt Nam, tấm bằng đại học vẫn được xem là một tiêu chí nghiễm nhiên, là một điều kiện “sàn” để chọn lựa nhân viên.
Liệu tấm bằng đại học bây giờ có giá trị như thế nào? Đâu là giá trị thật sự của nó?
Điều này làm nhiều em học sinh cùng phụ huynh không tránh khỏi băn khoăn, và cả hoang mang. Liệu tấm bằng đại học bây giờ có giá trị như thế nào? Đâu là giá trị thật sự của nó?
Sử gia nổi tiếng người Israel Yuvah Noah Harari (tác giả của những cuốn sách best-seller như Sapiens: Lược sử loài người hay 21 bài học cho thế kỷ 21) đã nói rằng: “Loài người chưa bao giờ có thể dự đoán chính xác được tương lai. Nhưng ngày hôm nay, việc dự đoán ấy càng trở nên khó khăn hơn bao giờ khi công nghệ đã cho phép chúng ta lập trình cơ thể, bộ não, và trí tuệ.
Vì vậy, nếu như ngày trước, trường học tập trung nhồi nhét thông tin cho học sinh là một điều dễ hiểu do khi ấy thông tin là quý giá và hữu hạn. Ngày hôm nay, điều thầy cô nên tránh tối đa chính là cung cấp thêm thông tin cho lũ trẻ, đơn giản vì thông tin đã quá thừa mứa trong thế giới công nghệ ngày hôm nay”.
Thật vậy, ngày hôm nay, đại học không còn là nơi duy nhất có thể cung cấp những giá trị về thông tin và kiến thức cho thế hệ bây giờ.
Trong thế kỷ 21, sứ mệnh lớn nhất của các ngôi trường đại học chính là trang bị một hành trang về năng lực cốt lõi cho những công dân toàn cầu – đó là những kỹ năng, thái độ, phẩm chất sẽ đi theo suốt cuộc đời của một bạn trẻ, trong bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề, chức vụ hay chuyên môn nào.
Thậm chí, ngay cả khi có sự chuyển dịch về địa lý, sự thay đổi về môi trường sống, sự biến chuyển về văn hóa, xã hội, điều sẽ giúp một bạn trẻ tồn tại và thành công là những năng lực cốt lõi mà bạn có.
Trong thế kỷ 21, sứ mệnh lớn nhất của các ngôi trường đại học chính là trang bị một hành trang về kỹ năng, thái độ, phẩm chất sẽ đi theo suốt cuộc đời của một bạn trẻ, trong bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào.
Theo Báo cáo “Future of Jobs” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) phát hành vào năm 2016, 10 kỹ năng quan trọng nhất của con người trong năm 2020 sẽ là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nhân sự, cộng tác và làm việc nhóm, trí tuệ cảm xúc, khả năng đánh giá và đưa ra quyết định, tinh thần khách hàng và dịch vụ, đàm phán, nhận thức linh hoạt.
WEF tuyệt nhiên không nói về việc thuộc nhiều, nhớ nhiều kiến thức.
Trong suốt 10 năm qua khi làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tư vấn tuyển dụng, và nhân sự, tôi đã gặp hàng chục giám đốc nhân sự và lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam cũng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi luôn đặt một câu hỏi: Tấm bằng đại học quan trọng đến như thế nào với công ty quý vị ?
Câu trả lời có thể khác nhau, nhưng đều có những mẫu số chung như sau: (a) tấm bằng đại học ngày hôm nay không còn là bảo chứng cho sự thành công của người nhân viên, (b) nhưng các doanh nghiệp và tổ chức vẫn muốn nhìn thấy nó như một đảm bảo tối thiểu về những năng lực cốt lõi của đội ngũ.
Những năng lực cốt lõi đó thường là (a) những kỹ năng làm việc cơ bản mà người sinh viên sẽ ít nhiều trang bị được cho bản thân trong quá trình học đại học, và (b) một khả năng tư duy tối thiểu để tiếp thu kiến thức mới và tiếp tục phát triển.
Trong nhiều buổi tiếp xúc với giới doanh nghiệp để tìm hiểu chính xác những nhu cầu và đòi hỏi nhân lực của họ, hầu như không có doanh nghiệp nào đặt câu hỏi về lượng kiến thức mà sinh viên được đào tạo. Thay vào đó, họ tập trung rất nhiều vào khả năng tiếng Anh, năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo, và nhiều yếu tố khác.
Video đang HOT
Và điều đó cũng dẫn đến áp lực đòi hỏi trường đại học phải đổi mới, không chỉ từ cách giảng dạy, đào tạo, mà còn ngay từ đầu vào ở khâu tuyển sinh. Điểm số sẽ không còn là thang đo duy nhất để quyết định việc học đại học nữa. Các đại học tinh hoa của thế giới đã áp dụng những phương thức tuyển sinh toàn diện – đánh giá một học sinh phổ thông đầy đủ mọi mặt từ điểm số, đến tư chất, phẩm chất, tiềm năng…
Đây là xu thế chung. Để trường đại học trở thành nơi cung cấp trọn vẹn cả kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm sống, và các năng lực khác cho người học, chúng ta bắt buộc phải có một cuộc cách mạng toàn diện về đầu vào lẫn quá trình đào tạo.
Năm ngoái, tôi có đến nói chuyện ở một trường đại học tại Thừa Thiên Huế. Cuối giờ buổi giao lưu, một bạn nữ lên tiếp cận tôi và ấp ủng hỏi: “Anh ơi, đi làm có khó không anh?”
Thật sự tôi khá bất ngờ với câu hỏi này. Một câu hỏi rất ngây ngô, không nên đến từ một em sinh viên chuẩn bị ra trường một chút nào. Nhưng đồng thời, nó cũng giúp tôi hiểu rằng nhà trường đã thiếu sự chuẩn bị cho các em đến như thế nào.
Trong suốt những năm tôi nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tất cả các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, và các chuyên gia khoa học tôi gặp gỡ trên thế giới đều khẳng định rằng đại học không phải là con đường duy nhất để phát triển tối đa bộ năng lực cốt lõi. Mặc dù, đây vẫn là một lựa chọn tốt và an toàn để làm điều này.
Từ những năm 1980, 3 nhà khoa học giáo dục Morgan McCall, Michael M. Lombardo and Robert A. Eichinger thuộc Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo (bang North Carolina, Mỹ) đã đưa ra mô hình Học tập & Phát triển 70-20-10. Trong đó, các tác giả chứng minh rằng 70% những gì chúng ta học được đến từ những trải nghiệm thực tiễn liên quan đến công việc, 20% đến từ việc học hỏi từ những người xung quanh, và 10% đến từ trường lớp.
Tấm bằng đại học thực sự của mỗi chúng ta – một hành trang về năng lực sống và làm việc, những kỹ năng, tư duy, và khả năng trả lời được những câu hỏi của cuộc đời.
Giáo sư Barry Schwartz, tác giả của gần mười cuốn sách nổi tiếng và hàng trăm công trình nghiên cứu tâm lý học, cho rằng sứ mệnh mới của đại học là giúp trang bị một hành trang về kỹ năng, tri thức, và vốn sống để mỗi sinh viên có thể tự trả lời được 4 câu hỏi của cuộc đời:
1. Điều gì ta nên biết trong cuộc đời?
2. Trong số những điều ta biết, điều gì đáng để ta làm?
3. Trong những điều ta biết và ta làm, điều gì sẽ tạo nên một cuộc đời, một con người tốt đẹp?
4. Và cuối cùng là, trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với những người xung quanh và cộng đồng là gì?
Tôi tin rằng đó chính là tấm bằng đại học thực sự của mỗi chúng ta – một hành trang về năng lực sống và làm việc, những kỹ năng, tư duy, và khả năng trả lời được những câu hỏi của cuộc đời.
Người lớn chúng ta ngày càng khuyến khích người trẻ tin tấm bằng đại học không là tất cả. Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu chỉ muốn người trẻ tin vào điều đó mà người lớn không chịu thay đổi trước. Đổi mới từ cách tuyển sinh, cách đào tạo, cách nhìn nhận đánh giá năng lực của mỗi người và cách tuyển dụng.
Trong giáo dục, đại đa số mọi người – từ các bậc phụ huynh, các chuyên gia, các nhà làm chính sách – đều khá e dè trước các đổi mới, mặc dù ai cũng chỉ trích những cái cũ chưa được tốt.
Việc xây dựng một hệ sinh thái, một cộng đồng kiến tạo đổi mới cùng nhau thực sự là rất quan trọng. Tôi đôi khi rất mong muốn được thấy ý tưởng của mình bị phản bác, bị vùi dập, vì có vậy thì mới có thể xây dựng được nó tốt hơn. Còn hiện nay, thì không ai buồn thử nghiệm, và không ai buồn cho ý kiến.
Trong một xã hội vẫn còn nặng tư tưởng bằng cấp, những thay đổi đó càng cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Lê Đình Hiếu
Illustration: Như Ý
Theo Zing
Tương lai thế hệ Z: Khi nào tấm bằng đại học sẽ trở nên vô giá trị?
Trong bối cảnh công nghệ thay đổi chóng mặt, nhiều công việc mới liên tục sản sinh, tấm bằng đại học không thể là "chìa khóa vạn năng", đảm bảo sự thành công cho thế hệ Z.
Zing.vn tổng hợp bài viết trên các trang CNBC, Forbes, Business Insider & The Guardian, đề cập đến xu hướng việc làm trong tương lai, khi tấm bằng đại học chỉ là yếu tố phụ và các kỹ năng nghề nghiệp lên ngôi.
Il Kadyov, kỹ sư phát triển Blockchain, sở hữu kết quả học tập xuất sắc những năm trung học. Anh nhận được huy chương danh dự cho các học sinh có thành tích nổi bật nhất và nhập học tại một trong những đại học danh giá hàng đầu nước Nga về công nghệ máy tính.
Trong suy nghĩ số đông, Kadyov dễ dàng trải qua bốn năm học hành và ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi.
Trên thực tế, chàng trai bỏ dở đại học khi mới kết thúc năm hai vì cảm thấy môi trường, thầy cô và giảng đường không còn giúp ích cho mình nữa.
"Nhiều người hỏi tôi về lý do bỏ học giữa chừng và liệu tôi có hối hận về điều đó. Câu trả lời là tôi chưa bao giờ thất vọng với quyết định của mình", Kadyov tự tin nói.
"Không học đại học nữa, tôi trở thành con người năng động hơn và có thêm nhiều thời gian học thứ có ích cho bản thân. Tôi đi làm ở một vài công ty và điều họ quan tâm không phải là bằng cấp, mà là khả năng giải quyết công việc của tôi", anh chàng nói thêm.
Qua nhiều trải nghiệm, Kadyov khẳng định cuộc sống không có sự xuất hiện của tấm bằng đại học hoàn toàn không phải là vấn đề.
Khi các "ông lớn" cũng "lắc đầu" với tấm bằng đại học
Thực tế, nhiều công ty, tập đoàn lớn hàng đầu thế giới không còn quan trọng ứng viên phải sở hữu bảng điểm đẹp, thành tích học tập nổi trội hay tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc.
Năm 2018, trang tìm kiếm việc làm Glassdoor công bố danh sách 15 doanh nghiệp không còn yêu cầu bằng cấp, trong đó có những cái tên lớn như Google, Apple, Starbuck...
Phó chủ tịch Ginni Rometty của IBM - Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, cho biết 15% nhân viên của công ty không có bằng đại học hệ 4 năm.
"Thay vì chỉ nhìn vào điểm số, chúng tôi hiện nhắm tới những người có trải nghiệm thực tế và kinh nghiệm đối với các ngành nghề liên quan mật thiết đến công việc của tập đoàn", bà Ginni cho hay.
Trong tương lai, nhiều nghề nghiệp mới liên tục ra đời, đòi hỏi thế hệ Z phải thích nghi liên tục. Ảnh: LinkedIn.
Laszlo Bock, cựu phó chủ tịch nhân sự cấp cao của Google, cũng thể hiện quan điểm tương tự.
Theo ông Bock, kết quả học tập nổi trội phán ánh sự chăm chỉ khổ luyện và chỉ đơn thuần là thành quả của việc được đào tạo bài bản.
"Những người không đến trường và tự đi con đường của mình trên thế giới này mới là người đặc biêt. Và Google làm mọi thứ để tìm những người đó", cựu phó chủ tịch khẳng định.
"Trình độ học vấn sẽ được ghi nhận và vẫn là một cân nhắc cần thiết khi đánh giá toàn diện một ứng viên. Tuy nhiên nó sẽ không là yếu tố cản trở một người bước chân vào doanh nghiệp của chúng tôi", bà Maggie Stillwell, lãnh đạo cấp cao của Ernst & Young, kết luận.
Stephane Kasriel, CEO của mạng lưới Upwork chuyên kết nối giữa những người làm việc tự do và các công ty, khẳng định bộ mặt của việc làm trong tương lai phụ thuộc vào các kỹ năng nghề nghiệp và tấm bằng đại học chỉ là yếu tố phụ.
Gánh nặng thi cử nặng nề cùng "án" trả nợ học phí cả đời
Trong bối cảnh bằng cấp dần có xu hướng bị xem nhẹ, các câu chuyện xoay quanh câu chuyện học đại học cũng trở thành vấn đề được đem ra "mổ xẻ" ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại châu Á, tính chất khốc liệt của các kỳ thi đại học ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã trở nên quá nổi tiếng và quen thuộc.
Mọi việc không đơn giản ở mức một cuộc thi cuối cấp, mà là "tấm vé vàng" thông hành cho tương lai, sự nghiệp sau này. Lý do cốt lõi đó biến thi cử thành một "cuộc chiến sinh tử" của cả xã hội, nơi ai cũng sẵn sàng làm tất cả mọi cách để đỗ đạt.
Hình ảnh những đứa trẻ ngày ngày "vùi đầu" vào hàng tá sách vở, bài tập cao ngất, ngồi chật ních trong các trung tâm luyện thi từ sáng sớm đến tối khuya, phản chiếu chính xác tâm lý bằng đại học quyết định tất cả vẫn còn in sâu.
Đỗ đại học danh tiếng có thể là thành quả ngọt ngào của cả học sinh và cha mẹ. Song, cái giá phải đánh đổi cũng "đắng ngắt" không kém khi nhiều em vì quá căng thẳng, áp lực mà trở nên trầm cảm, tìm đến các loại thuốc gây nghiện.
Tồi tệ hơn, có người tìm đến cái chết để giải thoát. Tháng 4 vừa qua, 20 học sinh Ấn Độ tự tử do thất vọng bản thân thất bại trong kỳ thi đại học.
Gánh nặng học hành, thi cử ở châu Á khiến nhiều học sinh, sinh viên đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, tâm lý nghiêm trọng. Ảnh: SCMP.
Tại Mỹ, trả nợ học phí trở thành "bản án" chung thân của nhiều người Mỹ, kéo các sinh viên ở xứ cờ hoa vào "vòng tròn" luẩn quẩn kéo dài cả đời mang tên vay tiền đi học, học xong lại vất vả đi làm hàng chục năm để trả hết số tiền đã vay.
Vài tuần trước khi tốt nghiệp, Aaron Mitchom, sinh viên năm cuối tại trường Morehouse College, đã phải lập một bảng tính để xem cần bao lâu mới trả hết khoản vay 200.000 USD cho việc học đại học.
Các tính toán đưa ra câu trả lời là phải mất đến 25 năm để trả hết số nợ.
Theo ước tính của chính phủ nước này, có đến 45 triệu người Mỹ phải vay tiền để chi trả các khoản phí đắt đỏ tại môi trường đại học. Tổng số tiền nợ lên đến 1.600 nghìn tỷ USD.
Nợ sinh viên ngày càng nghiêm trọng hơn khi không hiếm các trường hợp, có đến 2 thế hệ trong một gia đình "mắc kẹt" với việc mãi không thể trả hết số tiền đã vay.
Vấn đề này gây nhức nhối cho cả nước Mỹ đến nỗi nó trở thành câu chuyện được đem ra thảo luận chính giữa các ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
"Vòng tròn" luẩn quẩn xoay quanh việc trả nợ tiền học phí từ thời sinh viên ám ảnh nhiều người Mỹ. Ảnh: NY Times.
Nhiều công việc "chưa xuất hiện" liên tục ra đời
Trong một khảo sát về số lượng freelancer (những người làm việc tự do) tại Mỹ vào năm 2018, các con số thu về đưa ra kết quả trải nghiệm thực tế về công việc có xu hướng được đề cao hơn.
93% số người được hỏi sở hữu tấm bằng đại học hệ 4 năm cho biết các kĩ năng nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ thành công của mỗi người. Ngược lại, 79% số người lại quan niệm bằng cấp giúp ích cho công việc hiện tại của họ.
Ngoài ra, 70% số người làm việc tự do toàn thời gian tham gia vào các khóa học hay các lớp đào tạo kỹ năng trong 6 tháng gần nhất, so với con số 49% những người làm việc trong các công ty, doanh nghiệp.
Theo CEO Stephane Kasriel, báo cáo trên phần nào phản ánh tình hình. Theo ông, trong bối cảnh thay đổi về mặt công nghệ diễn ra nhanh chóng cùng với mức chi phí giáo dục tăng lên khiến hệ thống đào tạo đại học truyền thống trở thành cách thức lỗi thời và rủi ro.
CEO Tim Cook của Apple và nhiều lãnh đạo cấp cao khác của các tập đoàn lớn trên thế giới đều đồng ý bằng cấp đại học không còn nói lên tất cả. Ảnh: Fortune.
"Bằng cấp vẫn được coi là đại diện cho năng lực nghề nghiệp và tạo ra cảm giác an toàn sai lầm cho những người sở hữu nó. Là lãnh đạo của một công ty công nghệ, tôi đã thuê nhiều lập trình viên. Và điều quan trọng với tôi không phải là liệu ai đó có bằng khoa học máy tính hay không mà là họ có thể viết mã tốt như thế nào", vị CEO nói.
CEO Tim Cook của "ông lớn" Apple cho hay có sự "không phù hợp" giữa các kỹ năng học tại trường đại học và các yếu tố chuyên môn mà doanh nghiệp cần, đặc biệt với đặc thù công việc tại công ty ông.
"Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tấm bằng đại học là điều bạn phải làm được bằng mọi giá", vị CEO cho biết.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016, các ngành nghề đòi hỏi nguồn nhân lực và trình độ cao hiện tại ở nhiều ngành công nghiệp mới chỉ xuất hiện trong vòng 5-10 năm trước. Và xu hướng này sẽ còn tăng mạnh với số lượng lớn các công việc mới liên tục ra đời.
Theo đó, 65% số trẻ em đang theo học tiểu học sẽ gia nhập vào lực lượng lao động với hàng tá việc làm thậm chí còn chưa tồn tại để "điểm mặt đặt tên".
"Trong tương lai, trình độ học vấn càng không nói lên được nhiều điều, các kỹ năng mới quyết định tất cả. Và khía cạnh này thì chẳng trường Harvard hay bất kỳ ngôi trường danh giá, thầy cô giỏi nào dạy bạn được cả", ông Stephane nhấn mạnh.
Theo Zing
Trả nợ tiền học: 'Vòng tròn' luẩn quẩn cả đời của sinh viên Mỹ Tấm bằng đại học danh giá đánh đổi bằng không ít công sức, tiền bạc của sinh viên Mỹ. Nhiều người vay số tiền lớn đi học rồi làm việc suốt phần đời còn lại để "kéo cày trả nợ". "Thay mặt cho tám thế hệ của gia đình tôi đã sống ở đất nước này, tôi sẽ tài trợ để loại bỏ...