Ai có thể “đấu” với Putin?
Chính quyền mới ở Mỹ sẽ phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến nước Nga của Putin.
Trong vai trò Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton từng thành công trong việc “cài đặt lại” quan hệ với Nga giai đoạn 2009-2011. Trong quãng thời gian ngắn ngủi này, Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Nga khi đó Dmitry Medvedev đã nhất trí hợp tác thiết thực trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, thúc đẩy thương mại và cung ứng cho các lực lượng của NATO tại Afghanistan. Nhưng từ năm 2012, căng thẳng đã bắt đầu leo thang, hai bên lên án nhau là những mối đe dọa hiện hữu.
Là ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Clinton dường như hài lòng với việc tiếp tục kiểu tiếp cận đầy mâu thuẫn, khi vừa tìm cách cô lập Nga vừa muốn cam kết với “Gấu Misa” tùy từng vấn đề. Đội ngũ tranh cử của bà khẳng định rằng bà sẽ “đương đầu được với Putin” và bản thân Tổng thống Nga cũng nói rằng bà Clinton “đã đưa ra dấu hiệu” về sự phản đối công khai chống lại ông năm 2011. Như vậy, không có cơ sở vững chắc nào cho sự hợp tác trong tương lai giữa họ.
Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: ABCnews
Về phần mình, ông Trump đã bóng gió là sẽ theo đuổi quan hệ tốt hơn với ông Putin, người mà ông gọi là một “vị lãnh đạo tốt hơn Obama”. Các bình luận khác của ứng cử viên Cộng hòa này cho thấy ông sẽ sẵn sàng bảo lưu hoặc thậm chí đảo ngược sự ủng hộ hiện nay của Washington dành cho Kiev, các nhóm nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và cả các thành viên châu Âu trong NATO mà ông trách là đã không thanh toán đủ các chi phí cho an ninh của chính họ.
Những thay đổi này, theo ông Trump, sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của Nga trong cuộc chiến lớn hơn chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan toàn cầu. Nhưng những người có bề dày kinh nghiệm về an ninh quốc gia nghi ngờ khả năng ông Trump đạt một thỏa thuận có lợi với Putin, và lo ngại ông sẽ chỉ làm hỏng các quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu chủ chốt nếu thực hiện những điều ông nói.
Thực tế đơn giản là nước Nga là người chơi chính trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh châu Âu – từ Biển Baltic, Biển Đen đến Trung Đông và Bắc Cực. Nga hiện vẫn là một thế lực lớn, với 145 triệu dân, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngày càng gia tăng các năng lực quân sự thông thường và sở hữu một kho vũ khí hạt nhân chiến lược khổng lồ. Các thực tế này có thể khiến các đội ngũ tranh cử của hai đảng lớn ở Mỹ càng lo ngại về mối đe dọa của ông Putin và nước Nga trong những tháng tới, nhưng chứng hoang tưởng này có thể làm lu mờ thách thức cơ bản mà nước Nga đặt ra cho chính sách đối ngoại Mỹ.
Đúng là chính quyền mới ở Mỹ sẽ phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến Nga – các cuộc xung đột tại Syria và Ukraine không thể được giải quyết nếu không có sự hợp tác của Nga – nhưng sự can thiệp của Nga rõ ràng nhằm làm yếu đi sự ủy nhiệm của Mỹ và gia tăng sức ép lên Washington.
Đúng là sự can thiệp của Nga đóng vai trò quan trọng trong việc đạt thỏa thuận đột phá nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, nhưng khi quan hệ với Washington đang ngày một xuống cấp, Moscow có thể dễ dàng ủng hộ Tehran nếu thấy bị phản bội. Và dù giá dầu và khí đốt ở mức thấp thảm hại đã giáng một cú đau vào nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Nga, nhưng Moscow vẫn có thể quay lại trả đũa châu Âu khi mùa đông tới, nhằm trừng phạt những nước láng giềng đã đứng về phía phương Tây.
Giờ là lúc các ứng cử viên tổng thống Mỹ nên bắt đầu một tầm nhìn rõ ràng về thách thức mà họ bắt buộc phải đối diện.
Theo Vietnamnet