Ai chịu trách nhiệm về sách Công nghệ giáo dục?
Con gái tôi vừa nhập học lớp 1 được hơn một tuần. Nhiều lần trò chuyện cùng bố mẹ có con bước vào lớp 1, chúng tôi băn khoăn vô cùng khi tiếp xúc với sách Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Dù không ít lần tìm kiếm sự giúp đỡ, tham vấn của giáo viên tiểu học mà bản thân quen biết, nhưng thú thật, tôi đang rối với nội dung và phương pháp dạy tiếng Việt theo chương trình này.
Ngoài cách phát âm khác lạ, xem qua sách Công nghệ giáo dục, dễ dàng nhận thấy hệ thống từ ngữ được lựa chọn để đưa vào sách có vấn đề khi người viết sử dụng quá nhiều từ địa phương; sách đưa vào nhiều từ, cụm từ, thành ngữ có nội dung vượt xa nhận thức, tư duy của trẻ lớp 1. Chẳng hạn: khuýp khùym khuỵp, thế chẻ tre, dĩ hòa vi quý, bạt ngàn man dã…
Văn học là nhân học. Ngay từ lớp đầu cấp này, bên cạnh việc lựa chọn ngữ liệu đảm bảo nguyên tắc học tiếng Việt thông qua âm và chữ, tăng dần số lượng từ ngữ thì việc đưa ngữ liệu phải có tính giáo dục, định hướng thẩm mĩ và uốn nắn tâm hồn trẻ thơ hướng đến lối sống tử tế. Tuy nhiên, nhiều đoạn văn, câu chuyện được trích dẫn trong sách Công nghệ giáo dục với nội dung không trong sáng có thể làm vẩn đục tâm hồn trẻ thơ. Tôi muốn lấy hai ví dụ về câu chuyện “Quả bứa” và “Vẽ gì khó”. Những câu chuyện dường như gợi lên suy nghĩ về những cách sống ích kỷ, hám lợi và cách nghĩ lệch lạc, không dám nhìn thẳng vào sự thật, sợ bị đánh giá, bị phê bình…
Trong khi các khối lớp 2, 3, 4, 5 vẫn sử dụng bộ sách của chương trình năm 2000 thì các cháu sinh năm 2012 trở về một vài năm trước lại học thí điểm bộ sách Công nghệ giáo dục lớp 1. Lên các lớp trên, chính các cháu lại quay về học chương trình cũ. Tính kế thừa và tính hệ thống trong giáo dục đã bị đứt gãy. Và ai sẽ chịu trách nhiệm cho một vài lứa học sinh rẽ ngang sang học chương trình Công nghệ giáo dục?
Đặc biệt là song song với việc thực hiện chương trình hiện hành và thí điểm rối rắm đó, Bộ GD-ĐT lại đang tiến hành biên soạn chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể và sách giáo khoa áp dụng cho lớp 1 từ năm học 2019-2020. Vậy là chỉ thêm một năm nữa thôi, các cháu lớp 1 sinh từ năm 2013 lại bắt đầu làm quen với một chương trình mới, bộ sách giáo khoa mới.
Vậy số phận của bộ sách Công nghệ giáo dục mà con tôi và hàng triệu trẻ trên khắp cả nước sẽ học trong năm học này sẽ đi về đâu? Hay nó đã làm tròn “sứ mệnh lịch sử” là chuyển tiếp giữa chương trình cũ và chương trình mới nên sẽ “ra rìa”? Nhưng trước khi thẳng tay dẹp bộ sách này để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nỗi băn khoăn của tôi và nhiều phụ huynh khác hy vọng sẽ có được lời giải đáp: Chất lượng của bộ sách, chất lượng của chương trình Công nghệ giáo dục này như thế nào? Và sau một thời gian dài thực hiện chương trình Công nghệ giáo dục lớp 1 này, Bộ GD-ĐT đã có thống kê đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình thí điểm này chưa?
Liệu Bộ GD-ĐT có nhận được phản hồi rằng chương trình Công nghệ giáo dục khá nặng với các cháu đang bập bẹ đánh vần, cha mẹ không thể dạy con vì cách phát âm, cách ghép vần xa lạ? Và cả tình trạng các cháu không theo kịp chương trình làm bùng phát nạn học thêm, rồi cô giáo phải dạy theo chương trình cũ song song chương trình mới khi có dự giờ?… Hàng loạt vấn đề liên quan đến bộ sách mà con cái chúng tôi đang phải làm “chuột bạch” đang chờ Bộ GD-ĐT lên tiếng.
Video đang HOT
Trang Nguyễn
Theo nld.com.vn
GS.TS NGUYỄN VĂN HIỆP: "Đánh vần theo Công nghệ Giáo dục chỉ là một lựa chọn trong những cách dạy"
Gần đây, có nhiều diễn đàn tranh luận về sách Tiếng Việt 1 theo Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, ủng hộ có và phản đối cũng có. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - liên quan đến cuốn sách này.
Ảnh minh họa, nguồn: vnschool.
GS Nguyễn Văn Hiệp cho biết:
- Với tư cách là một người được đào tạo về ngôn ngữ học và hiện nay làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ, tôi chỉ bàn luận về cách dạy học đánh vần ở lớp 1 theo đường lối ngữ âm học của Công nghệ Giáo dục, do GS Hồ Ngọc Đại chủ trương.
Trước khi trao đổi cách dạy học đánh vần của Tiếng Việt 1-Công nghệ Giáo dục (từ đây gọi tắt là TV1-CNGD), tôi thấy cần khẳng định chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" sắp được triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn. Theo đó, cách dạy học đánh vần của một cuốn sách giáo khoa cụ thể chỉ là một trong nhiều cách khác nhau để đạt đến mục tiêu được xác định trong chương trình giáo dục.
Nói cách khác, chương trình chỉ nêu ra đích đến, còn đi đến đó bằng cách nào thì do các tác giả sách giáo khoa lựa chọn và thể hiện trong sách của mình. Theo quan điểm đó thì cách dạy đánh vần của TV1-CNGD chỉ là một lựa chọn, và nếu được chấp nhận, sẽ tồn tại song song với những cách dạy đánh vần khác, ở trong các bộ sách khác.
Hiện nay, nhiều người "cãi nhau" về cách đánh vần theo sách TV1-CNGD, GS có thể phân tích rõ hơn về ngôn ngữ học?
- Để đánh giá cách học vần theo "ngữ âm học" của TV1-CNGD, cần nắm được một số khái niệm rất cơ bản, trong đó quan trọng nhất là phân biệt được tên của con chữ (hay chữ cái), và âm vị mà chữ cái ấy ghi lại.
Chẳng hạn, chữ cái C trong hệ thống chữ viết tiếng Việt có tên gọi là "xê", chữ cái K có tên gọi là "ca", chữ cái Q có tên gọi là "cu" (hay "quy") . Tuy nhiên, trong tiếng Việt, cả 3 chữ cái này đều dùng để ghi âm vị /k/, đọc là "cờ". Đằng sau hệ thống chữ ghi âm bao giờ cũng có một giả thuyết âm vị học.
Cũng cần phân biệt "âm vị" hiểu nôm na là cái chung, cái trừu tượng được trừu xuất ra từ những biểu hiện ngữ âm cụ thể, "âm tố" với tư cách là cái biểu hiện ngữ âm cụ thể. Chẳng hạn, với từ "mẹ" thì người Hà Nội và người Nam Định có thể phát âm khác nhau về nguyên âm (âm tố khác nhau), nhưng đằng sau sự khác biệt đó, có một âm vị chung, cho phép ta phân biệt mẹmạmệmộ.
Tương tự, phụ âm đầu trong các từ "ca", "kỳ", "quê" khi phát âm có khác nhau đôi chút, nhưng trong cả ba trường hợp, xét ở phương diện âm vị học, chúng đều là âm vị /k/, và đây là giả thuyết âm vị học được đa số các nhà ngôn ngữ học chấp nhận.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.
Có nhiều ý kiến cho rằng, cách đánh vần từ trước đến nay đã ổn định, người Việt học tiếng Việt đều đọc được tốt, không cần phải thay đổi, còn quan điểm giáo sư?
- Tạm bỏ qua những cách đánh vần đã có từ đầu thế kỉ hoặc giai đoạn ngay sau 1945 (gắn với phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ), ta thấy cách dạy đánh vần trong TV1-CNGD không khác nhiều lắm so với cách đánh vần hiện nay, chủ yếu là dựa trên hệ thống âm vị mà con chữ biểu thị. Theo tôi, sự khác biệt quan trọng (mà mạng xã hội bàn rất nhiều trong những ngày qua), liên quan đến việc dạy đánh vần những từ có C, K, Q . Sự khác biệt này cho thấy điểm mạnh và điểm chưa được của TV1-CNGD.
Tôi cho rằng cách của TV1-CNGD là cách triệt để tuân theo phương pháp âm vị học. Cả 3 chữ cái này đều dùng để ghi âm vị /k/ trong tiếng Việt.
Trong khi đó, cách dạy phổ biến hiện nay của Tiếng Việt, lớp 1 đại trà (khác với TV1-CNGD) hướng dẫn học sinh, đối với từ "cá" phải đánh vần là "cờ-a-ca-sắc-cá", đối với từ "kể" phải là "ca-ê-kê-hỏi-kể", đối với từ "quê" phải là "quờ-ê-quê". Cách dạy này không nhất quán: Vừa muốn dạy cách đọc từ (kết quả cuối cùng là học sinh phải đọc đúng âm mà các từ "cá", "kể", "quê" biểu thị), vừa muốn dạy tên con chữ, thay vì đọc âm là "cờ" thì Tiếng Việt, lớp 1 đại trà hướng dẫn học sinh đọc tên chữ cái là "ca" (K). (Đối với trường hợp Q, do Q luôn đi với U, TV1 đại trà xử lí "QU" như là âm vị riêng và hướng dẫn học sinh đọc là "quờ").
Trong tiếng Việt, cũng như trong các thứ tiếng dùng hệ thống chữ viết ghi âm khác, việc dạy tên các con chữ của bảng chữ cái là rất cần thiết để có thể: ghi đúng tên người, địa danh (thường không có nghĩa, tức không có cái cơ sở giúp cho việc suy đoán nên viết như thế nào cho đúng) hay đọc các tên gọi được viết tắt. Ví dụ: Đài VOV (đài "vê ô vê", chứ không phải đài "vờ ô vờ"), ngân hàng ADB (ngân hàng "a đê bê", chứ không phải ngân hàng "a đờ bờ").
Tuy nhiên, việc dạy tên con chữ khác với việc dạy đánh vần để đọc đúng âm do chữ biểu thị. Nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng là nhiệm vụ hàng ngày mà chữ viết ghi âm thực hiện là mã hóa dưới dạng kí tự cái ý nghĩa của ngôn ngữ (trước hết là ý nghĩa của các từ trong kho từ vựng).
Nhưng ngoài nhiệm vụ ấy, các con chữ còn có thể dùng để gọi tên sự vật, thực hiện chức năng quy chiếu. Chẳng hạn, khi nói "Hôm nay họp ở Hội trường B" thì con chữ B ("bê") cho biết sẽ họp ở Hội trường nào.
Xin cám ơn giáo sư.
(Còn tiếp)
LÊ THANH PHONG THỰC HIỆN
Theo laodong.vn
Tiếng Việt công nghệ giáo dục: tranh cãi vì đâu? Dư luận mấy ngày nay xôn xao về một clip dạy đánh vần 'lạ' thật ra là của chương trình công nghệ giáo dục đã tồn tại mấy mươi năm qua. Tài liệu dạy tiếng Việt lớp 1 của công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) đến nay tròn 40 năm ra đời nhưng chỉ tính riêng 5 năm gần đây, dưới hai thời bộ...