Ai Cập khám phá sửng sốt nhất 50 năm: Khai quật ngôi đền mất tích của pharaoh
Các nhà khảo cổ Ai Cập đã có một trong những khám phá sửng sốt nhất trong 50 năm sau khi khai quật một ngôi đền mặt trời đã mất của pharaoh Ai Cập.
Dấu vết một trong những ngôi đền mặt trời của pharaoh Ai Cập. Ảnh chụp màn hình Telegraph.
Người ta cho rằng, các pharaoh Ai Cập của triều đại thứ năm dựng lên sáu ngôi đền mặt trời để bổ sung cho các kim tự tháp.
Các kim tự tháp rộng lớn được các pharaoh xây dựng để làm nơi an nghỉ cuối cùng và để đảm bảo họ trở thành một vị thần ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, các ngôi đền mặt trời đã tiến xa hơn một bước nhằm biến pharaoh trở thành một vị thần khi vẫn còn sống.
Trong khi các chuyên gia tin rằng, sáu ngôi đền mặt trời được các pharaoh khác nhau xây dựng, chỉ có hai ngôi đền từng được các nhà khảo cổ học hiện đại tìm thấy.
Tiến sĩ Massimiliano Nuzzolo, Phó giáo sư Ai Cập học tại Học viện Khoa học ở Warsaw, Ba Lan, đã dành cả sự nghiệp của mình để cố gắng khám phá những ngôi đền còn lại.
Tiến sĩ Massimiliano Nuzzolo dành cả sự nghiệp để tìm kiếm những ngôi đền mặt trời đã mất. Ảnh chụp màn hình Telegraph.
Tờ Telegraph dẫn lời tiến sĩ Nuzzolo nói: “Mỗi vị vua Ai Cập đều muốn có một kim tự tháp để phục sinh nhưng điều này là chưa đủ đối với các vị vua thuộc triều đại thứ năm. Họ muốn một thứ gì đó hơn thế nữa. Nhà vua đã xây dựng một ngôi đền mặt trời để biến mình thành một vị thần – Thần mặt trời”.
Thần mặt trời Ra là vị thần quyền năng nhất ở Ai Cập cổ đại. Mỗi ngôi đền mặt trời có một sân lớn bao gồm tháp cao, giống như kim tự tháp, đặt song song với trục đông-tây của mặt trời. Công trình này được thiết kế sao cho vào ngày hạ chí, mặt trời mọc và chiếu ánh sáng qua lối vào của đền thờ và phủ ánh sáng lên tháp vào lúc rạng đông. Đến chiều tối, mặt trời lặn ở phía đối diện chính xác của ngôi đền.
Tiến sĩ Nuzzolo tập trung nghiên cứu một trong những ngôi đền mặt trời đã được biết đến, được vua Nyuserre xây dựng ở Abu Goab. Vua Nyuserre trị vì Ai Cập khoảng 30 năm vào thế kỷ 25 trước Công nguyên.
Trong quá trình khai quật cẩn thận bên dưới những mảnh vỡ còn sót lại của ngôi đền, tiến sĩ Nuzzolo phát hiện một cấu trúc nền cổ hơn được làm bằng gạch bùn, cho thấy có một công trình đã tồn tại trước đây tại địa điểm này.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nuzzolo và các đồng nghiệp, bao gồm cả tiến sĩ Mohamed Osman, không có bằng chứng về việc cấu trúc này là gì hoặc nó có linh thiêng hay không.
Theo tiến sĩ Nuzzolo, sau quá trình khai quật cẩn thận hơn nữa đã làm lộ ra phần chân cột bằng đá vôi trắng sâu khoảng 60cm, có nghĩa là công trình đầu tiên được xây dựng tại địa điểm này là “khá ấn tượng”.
Đền mặt trời trong hình dung của các hoạ sĩ. Ảnh chụp màn hình Telegraph.
Những khám phá tiếp theo đã cho phép các nhà nghiên cứu thu thập xong chứng cứ, hoàn thành bộ ghép hình và chắc chắn rằng đây là một ngôi đền mặt trời, ngôi đền thứ ba được tìm thấy và cũng là ngôi đền mặt trời lần đầu tiên được phát hiện sau nửa thế kỷ.
Tuy nhiên, người xây dựng và là chủ nhân của ngôi đền mặt trời vẫn chưa được biết đến, nhưng có khả năng là một trong những người cai trị triều đại thứ năm bí ẩn.
Các đền thờ mặt trời chỉ được một vài pharaoh xây dựng. Pharaoh Khufu là vị vua Ai Cập cuối cùng thực sự được hưởng lợi từ trận lũ lụt hàng năm của sông Nile, nơi cung cấp đất đai màu mỡ và năng suất cây trồng dồi dào, đồng nghĩa với việc thu nhập từ thuế rất dồi dào.
Tuy nhiên, thời hậu Khufu, hạn hán đã bao trùm phần lớn Ai Cập, khiến thu nhập từ thuế của triều đình giảm mạnh và khiến những người trị vì sau này gặp khó khăn về tài chính so với các vị vua trước.
Do đó, các kim tự tháp sau này là cái bóng của các phiên bản trước, và các ngôi đền mặt trời là một cách tiết kiệm chi phí để đảm bảo các pharaoh giữ được quyền lực của họ và vẫn được người dân tôn thờ bất chấp những khó khăn ngày càng tăng.
Xác ướp nữ ca sĩ bí ẩn trong cỗ quan tài cổ chưa bao giờ được mở nắp
Cỗ quan tài chứa xác ướp 2.700 tuổi của nữ ca sĩ nhà thờ Ai Cập cổ đại chưa từng được mở nắp nhưng đã bị thiêu rụi trong một vụ hỏa hoạn ở nơi đất khách quê người.
Theo Ancient Pages, năm 1875, hoàng đế Brazil Dom Pedro II (1825-1891) có chuyến thăm Ai Cập và được quốc vương Ai Cập Ismail Pasha tặng cho cỗ quan tài tuyệt đẹp chứa một xác ướp còn nguyên vẹn bên trong làm quà.
Là người yêu thích tìm hiểu lịch sử và văn hóa Ai Cập cổ đại, hoàng đế Dom Pedro II đã đưa chiếc quan tài 2.700 năm tuổi đến cung điện São Cristóvão của ông, nơi nó được trưng bày cho đến năm 1889.
Cỗ quan tài tuyệt đẹp chứa xác ướp ca sĩ nhà thờ kiêm nữ tu Ai Cập cổ đại trước khi bị thiêu rụi.
Được biết nhân vật nằm bên trong quan tài là Sha-Amun-en-su, ca sĩ nhà thờ kiêm nữ tu Ai Cập cổ đại sinh ra vào khoảng năm 800 trước Công nguyên và sống trong Vương triều thứ 22 của Ai Cập do Pharaoh Shishak (Sheshonq I) cai trị.
Khi còn sống, Sha-Amun-en-su là một thành viên quan trọng của xã hội. Những đồ vật danh dự tinh xảo, tuyệt đẹp được chôn cùng bà bên trong quan tài là minh chứng cho điều này.
Theo những dòng chữ tượng hình trên quan tài thì Sha-Amun-en-su là một "Heset", có nghĩa là "ca sĩ". Bà là con gái một ca sĩ của đền thờ Amun. Các thành viên của Heset là những nữ ca sĩ kiêm nữ tu tại đền thờ Amun. Họ thực hiện trọng trách làm lễ cho các vị thần và nữ thần. Trong các nghi lễ và lễ hội, Sha-Amun-en-su tham gia vào một số nghi thức và hát thánh ca để tôn vinh thần Amun.
Tuy nhiên đa phần thông tin về Sha-Amun-en-su rất ít ỏi. Các nhà nghiên cứu không biết khi nào, ở đâu và ai đã khai quật quan tài của Sha-Amun-en-su. Chỉ biết rằng, quan tài của bà được tìm thấy ở đâu đó gần Thebes (một trong những thành phố quan trọng nhất của Ai Cập cổ đại), nhưng vị trí chính xác thì không thể xác định được. Cũng không có thông tin gì về gia đình của ca sĩ kiêm nữ tu này, nhưng một dòng chữ trên quan tài tiết lộ bà có một cô con gái nuôi.
Bên cạnh đó quan tài của Sha-Amun-en-su chưa bao giờ được mở ra nên các nhà khoa học chỉ có thể nghiên cứu xác ướp bên trong bằng công nghệ tia X.
Xác ướp được bảo quản trong tình trạng khá tốt.
Theo đó, xác ướp của nữ ca sĩ dường như được bảo quản trong tình trạng khá tốt, không có chấn thương hay thương tích. Điều này cho thấy bà qua đời vì nguyên nhân tự nhiên ở tuổi 50. Sha-Amun-en-su có hàm răng nguyên vẹn, cổ họng được bao phủ bởi một lớp bọc nhựa để bảo vệ họng nhằm đảm bảo bà vẫn có thể tiếp tục cất tiếng hát ở kiếp sau. Trong số đồ tạo tác danh dự của Sha-Amun-en-su có một con bọ hung hình trái tim được làm bằng đá xanh tuyệt đẹp có khắc tên của bà.
Tiếc rằng các chuyên gia chưa kịp tìm hiểu sâu hơn về cỗ quan tài cùng xác ướp quý hiếm thì nó đã bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn sau nhiều lần "gặp nạn".
Lần đầu do một trận bão, chiếc quan tài đã bị gió thổi rơi khỏi giá trưng bày trong cung điện São Cristóvão của Brazil. Nó bị thổi bay và đâm vào cửa sổ văn phòng của hoàng đế Dom Pedro II.
Sau đó dù được sửa lại nhưng cỗ quan tài không thể hoàn chỉnh như ban đầu. Đến năm 1889, món cổ vật được chuyển đến bảo tàng Quốc gia Rio de Janeiro để được trưng bày và nghiên cứu trong nhiều năm.
Song vào ngày 2/9/2018, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi mọi đồ vật trong bảo tàng này. Cỗ quan tài của Sha-Amun-en-su cùng với xác ướp nữ ca sĩ cổ đại bí ẩn và tất cả các đồ tạo tác bằng vàng của bà cũng bị ngọn lửa "nuốt trọn".
Đây là một tổn thất lớn đối với giới khảo cổ và những người quan tâm đến lịch sử Ai Cập cổ đại, vì một tuyệt tác đã biến mất và nhiều bí ẩn về cỗ quan tài vẫn chưa được khám phá cũng bị chôn vùi mãi mãi.
Khai quật thành phố vàng niên đại hơn 3.000 năm Các nhà khảo cổ đang gấp rút khai quật Aten, thành phố lớn nhất của Ai Cập cổ đại. Đây được coi là phát hiện lớn nhất thế kỷ, mở đầu cho một khám phá hoàn toàn mới mẻ.