ACV được quản lý, khai thác tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư
ACV sẽ quản lý, khai thác tài sản hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư mà bị không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến hết 31/12/2025.
Hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất – kết cấu hạ tầng quan trọng do Nhà nước đầu tư sẽ giao lại cho ACV quản lý, khai thác.
Đây là nội dung đáng chú ý nhất trong Quyết định số 2007/QĐ – TTg ngày 7/12/2020 của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Theo đó, Thủ tướng giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại 22 cảng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý theo phương thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong thời hạn từ ngày ban hành Quyết định này đến hết ngày 31/12/2025.
Thủ tướng giao Bộ GTVT quyết định Danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không để bàn giao cho ACV quản lý, sử dụng, khai thác ngay sau khi Quyết định này có hiệu lực.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định này, Bộ GTVT có trách nhiệm hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản bàn giao và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định bổ sung trong Danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không giao cho ACV nêu trên với đầy đủ các thông tin về giá trị tài sản để thực hiện việc hạch toán, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo đúng quy định.
Bộ GTVT cũng được giao chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không trong thời gian giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không; đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết các phát sinh hoặc có điều chỉnh phù hợp để công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không có hiệu quả, bảo đảm lợi ích nhà nước.
Cục Hàng không Việt Nam được giao trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ và thời hạn báo cáo của doanh nghiệp được giao, quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không; tTổng hợp, kiểm tra và báo cáo Bộ Giao thông vận tải tình hình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của ACV.
Video đang HOT
Trong khi đó, ACV có trách nhiệm và nghĩa vụ lập hồ sơ, quản lý, lưu trữ đầy đủ hồ sơ về tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được giao theo quy định của pháp luật về hồ sơ, chứng từ kế toán và lưu trữ.
ACV có trách nhiệm sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được giao đúng mục đích; không được chuyển nhượng, bán, tặng, cho, thế chấp, góp vốn bằng tài sản kết cấu hạ tầng được giao.
Liên quan đến cơ chế thực hiện quản lý bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Quyết định số 2007 quy định kinh phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do doanh nghiệp được giao chịu trách nhiệm thực hiện theo điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do doanh nghiệp được giao quản lý được sử dụng để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 99 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan, căn cứ vào tình trạng kỹ thuật của công trình kết cấu hạ tầng hàng không, quy trình bảo trì, định mức kinh tế – kỹ thuật, các quy định hiện hành của nhà nước, ACV lập kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không hàng năm trình Cục Hàng không Việt Nam thẩm định, báo cáo Bộ GTVT phê duyệt.
Trên cơ sở kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không được Bộ GTVT phê duyệt, ACV tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo trì theo quy định của pháp luật. Cục Hàng không Việt Nam thực hiện chức trách của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trong công tác bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không.
Đối với công tác khắc phục sự cố, sửa chữa đột xuất công trình kết cấu hạ tầng hàng không để bảo đảm khai thác, để bảo đảm vai trò và trách nhiệm của ACV trong công tác bảo đảm an toàn bay, ACV chủ động thực hiện công tác khắc phục sự cố, sửa chữa đột xuất công trình kết cấu hạ tầng hàng không để bảo đảm khai thác kịp thời và chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hồ sơ, chi phí khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý đượcc đề cập trong Quyết định số 2007 bao gồm các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại 22 cảng hàng không, sân bay này đã không tính vào giá trị doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để CPH ACV và các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không hình thành sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được bàn giao lại cho Nhà nước quản lý do Bộ GTVT làm đại diện chủ sở hữu.
Theo ACV, hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại 22 sân bay do Nhà nước đầu tư có giá trị khoảng 8.550 tỷ đồng (chưa tính hệ thống đường cất, hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được đầu tư cải tạo với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng), bao gồm hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống hỗ trợ hạ cánh chính sách, đèn tín hiệu, biển báo, tường rào trạm gác, trạm biến thế, máy phát điện, xe cắt cỏ, xe quét đường băng…; vật tư thiết bị dự phòng trị giá 2.785 tỷ đồng; hệ thống khí tượng hơn 380 tỷ đồng.
Trước khi thực hiện cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV. Đơn vị này chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan bằng nguồn vốn của ACV. Song, sau cổ phần hóa ACV, việc thực hiện công tác bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng khối tài sản này gặp nhiều khó khăn.
Trong khi Nhà nước phải chật vật lo vốn để bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt là hệ thống đường cất, hạ cánh tại 22 cảng hàng không, thì dù dư thừa hơn 20.000 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản, nhưng ACV (hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2015) lại không thể ứng vốn để sửa chữa bởi những quy định chặt chẽ của Luật Đầu tư công.
Điều đáng báo động là hiện nay, nhiều đường cất, hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không đã vượt tần suất khai thác so với thiết kế ban đầu, xuất hiện hư hỏng lớn, có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và có thể dẫn tới phải đóng cửa đường băng bất cứ lúc nào.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, việc giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, nhưng không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ưu điểm là phù hợp với pháp luật hiện hành, đảm bảo quy định về “Người khai thác cảng hàng không” theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và nguyên tắc “mỗi cảng hàng không, sân bay có một người khai thác”, đồng thời đảm bảo tính sẵn có và kế thừa bộ máy năng lực, kinh nghiệm của ACV.
Đặc biệt, giao ACV sẽ giúp đảm bảo không tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước, do việc đầu tư được thực hiện bởi ACV trên cơ sở nguồn thu từ hoạt động khu bay và nguồn tiền ứng trước của ACV được hoàn trả lại thông qua nguồn thu từ hoạt động khu bay trong khoảng thời gian nhất định. Điều này đặc biệt quan trọng khi mà nguồn thu từ hoạt động khai thác khu bay hiện nay chỉ đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên chứ chưa đủ để đầu tư, nâng cấp trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách ngày một hạn chế.
Thủ tướng đồng ý bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ bổ sung vốn điều lệ lên mức 3.827,63 tỷ đồng giai đoạn 2018-2021.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự.
Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam quản lý.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 10161/VPCP - KTTH ngày 3/12/2020 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam theo đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính. Việc quản lý, sử dụng vốn điều lệ hiện có và được bổ sung của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm về mức vốn điều lệ xác định lại, mức vốn thiếu cần bổ sung cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; quyết định, phê duyệt việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Vào cuối tháng 10/2020, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cho phép bộ này được quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021 với mưc vôn điêu lê mơi đến ngày 31/12/2021 là 3.827,63 tỷ đồng, nguồn bổ sung vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2018 --2021.
Mức vốn điều lệ này sẽ tăng 689,229 tỷ đồng so vơi vôn điêu lê đa đươc Bô GTVT phê duyêt tai Quyết định số 1983/QĐ - BGTVT ngày 18/10/2019.
Bộ GTVT cho biết, việc điều chỉnh bổ sung tăng vốn điều lệ giúp Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có thêm nguồn lực tài chính đáp ứng một phần nhu cầu vốn đầu tư còn thiếu cho các dự án đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu kinh tế, chính trị được nhà nước giao, đảm bảo an toàn hàng không, an ninh quốc phòng theo đúng định hướng phát triển đã được phê duyệt.
Đồng thời, việc đầu tư bổ sung tăng vốn điều lệ giúp Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tăng năng lực của toàn hệ thống trong dây chuyền cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đáp ứng điều hành từ 2 triệu đến 4 triệu lần chuyến/năm. Qua đó giúp Tổng công ty tăng nguồn thu từ điều hành bay, tối đa hóa lợi nhuận và bảo toàn phát triển vốn, đặc biệt là làm tăng thu ngân sách nhà nước hàng năm từ phí điều hành bay qua vùng trời Việt Nam. Trước đó, qua các lần tăng vốn điều lệ, quy mô sản xuất kinh doanh, lợi nhuận cũng như nộp ngân sách nhà nước của Tổng công ty đều tăng nhanh qua các năm.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1754/QĐ-BGTVT ngày 25/6/2010 của Bộ trưởng Bộ GTVT, trên cơ sở tổ chức lại cơ quan quản lý, điều hành của Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam. Tổng công ty được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự trong vùng trời trách nhiệm được giao, bao gồm dịch vụ không lưu; dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm cứu nạn. Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là dịch vụ công ích. Ngoài ra, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam còn phối hợp với các cơ quan quân sự, quốc phòng để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, an ninh quốc phòng góp phần bảo vệ chủ quyền vùng lãnh thổ Việt Nam.
Cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán: Chỉ thu thuế khi chuyển nhượng Trả lời báo chí về việc có "thuế chồng thuế" hay không khi cơ quan thuế thu thuế của cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán rồi lại thu thuế khi giao dịch chứng khoán, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định không có chuyện "thuế chồng thuế" và chỉ khi cá nhân chuyển nhượng cổ...