Ác mộng thời đi học của công nương Kate Middleton
Không gây hấn bất kỳ ai, công nương Kate Middleton vẫn trở thành nạn nhân bị bắt nạt bởi chiều cao vượt trội và vẻ ngoài hiền lành.
Catherine Middleton (thường gọi là Kate), vợ hoàng tử William được xem là một trong những công nương được mến mộ nhất nước Anh. Tuy nhiên, cuộc đời cô không được trải thảm từ đầu đến cuối. Thậm chí, công nương xứ Cambridge từng chịu nhiều đau khổ khi là nạn nhân của bắt nạt học đường với nguyên nhân rất kỳ quặc.
Bị bắt nạt vì quá hoàn hảo
Trước khi bước vào hoàng gia, Kate là con cả trong gia đình trung lưu ở Berkshire. Bố mẹ cô, ông Michael và bà Carole Middleton, đều là cựu tiếp viên hàng không. Sau đó, ông Michaelthành lập công ty tư nhân Party Pieces chuyên các mặt hàng phục vụ tiệc và đồ trang trí, nhanh chóng trở thành triệu phú.
Kate xinh đẹp, cao ráo, thông minh và chơi khúc côn cầu rất giỏi khi chuyển đến trường nữ sinh nội trú Downe House năm 13 tuổi. Tuy nhiên, tại ngôi trường có học phí gần 29.000 bảng Anh mỗi năm, công nương tương lai chịu rất nhiều tra tấn về tinh thần.
Công nương Kate từng là nạn nhân bị bắt nạt. Ảnh: Elle
Cơn ác mộng đến từ một nhóm nữ sinh trong trường được ghi chép trong tiểu sử của Kate, theo Express. Tác giả Sean Smith đã sử dụng lời kể của những người bạn cũ từ trường Downe House. Jessica Hay nói: “Cô ấy vô cùng ghét điều đó. Các cô gái kia thật khủng khiếp. Họ từng bỏ phân lên giường cô ấy, bắt nạt theo cách rất tồi tệ”. Kate thường xuyên bị giật sách, bị đẩy xuống cuối khi xếp hàng lấy cơm trưa và không ai muốn ngồi ăn cùng.
Người bạn này cho biết thêm, công nương Kate rơi vào tầm ngắm của những kẻ bắt nạt vì là “một người hoàn hảo, ăn mặc đẹp và đáng yêu”. Quá hiền lành và không biết bảo vệ bản thân, Kate khiến những kẻ xấu khó chịu.
Theo tác giả Smith, công nương từng là học sinh của các trường có cả nam lẫn nữ, do đó không hề lường trước những điều xấu xa mà hội bạn gái có thể gây ra. Sự tổn thương đó khiến cô thường xuyên rơi nước mắt và buồn bã vì nhớ nhà. Khi bố mẹ phát hiện, Kate được chuyển sang trường Marlborough College ở Wiltshire vào mùa xuân năm 1996, chỉ sau hai học kỳ ở Downe House.
Tờ Telegraph phân tích, ông Michael và bà Carole cảm thấy chuyển trường là cách duy nhất giúp con gái thoát khỏi tình huống tồi tệ. Tuy nhiên, cô có nguy cơ lặp lại chuyện bị bắt nạt ở trường mới, trừ khi biết vận dụng kinh nghiệm để đối mặt.
Tại Marlborough College, Kate gây ấn tượng là một cô gái rất gầy và gặp vấn đề về sự tự tin. Nhưng cô gái bị bắt nạt năm nào dần giũ bỏ được nỗi ám ảnh cũ, đạt thành tích tốt trong học tập và cảm thấy hạnh phúc khi ở đây.
Truyền cảm hứng về sự tử tế
Những ngày tháng u ám thời niên thiếu của công nương Kate gây xôn xao dư luận, khi cô đề nghị khách dự đám cưới của cô và hoàng tử William quyên góp cho tổ chức từ thiện chống bắt nạt Beatbullying cùng 25 tổ chức khác thay vì tặng quà như thường lệ.
Cựu hiệu trưởng trường Downe House, Susan Cameron cho rằng Kate không hòa nhập được với bạn bè vì từng học ở môi trường có con trai. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận nữ sinh thường khá bản năng và đôi khi có thể tàn nhẫn, trong khi việc bạn quá hấp dẫn cũng có thể được xem là một mối đe dọa.
Video đang HOT
“Cô ấy đã bất an và không thực sự hạnh phúc. Thật tốt khi cô ấy chọn một tổ chức từ thiện nhằm giúp đỡ mọi người vượt qua điều đó”, bà nói.
Công nương Kate thời đi học. Ảnh: Pinterest
Trải nghiệm tồi tệ ở Downe House có thể là một trong những lý do công nương Kate làm việc với các tổ chức từ thiện về sức khỏe tinh thần nhằm hỗ trợ nạn nhân bị lạm dụng về cảm xúc. Trong bài phát biểu năm 2016, Kate kìm nén những giọt nước mắt khi truyền đạt về nhận thức đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em.
“Mọi đứa trẻ xứng đáng được biết chúng có tiềm năng để cảm thấy tự tin trong quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, một số trẻ phải đương đầu với nhiều thách thức trong cuộc sống và điều đó có thể là một trở ngại”, công nương nói.
Kate Middleton từng khuyến khích giáo viên và học sinh cùng bàn về sự tử tế, nói ra cảm giác cô đơn và tuyệt vọng vốn giấu kín trong tâm hồn. Cô và hoàng tử William cũng khẳng định đang làm bất cứ điều gì có thể để dạy hoàng tử George và công chúa Charlotte sự tử tế, trung thực và biết tôn trọng người khác.
Theo VNE
Quá khứ bị bắt nạt làm thay đổi cuộc đời tỷ phú Elon Musk
Từ đứa trẻ cô đơn và tổn thương sâu sắc thời đi học, Elon Musk vực dậy để trở thành nhân vật tầm cỡ, góp phần thay đổi thế giới.
Hiện nay, thế giới biết đến Elon Musk như một thiên tài giàu trí tưởng tượng, người đã chế tạo ra những chiếc xe điện sử dụng năng lượng sạch và đưa tên lửa vào không gian.
Tỷ phú người Nam Phi đạt được nhiều thành công đáng kinh ngạc ở Mỹ, được Financial Times của London mô tả là "doanh nhân kiên định nhất ở thung lũng Silicon sau Steve Jobs". Cũng giống như nhà sáng lập Apple, cuốn tiểu sử về cuộc đời Musk được thế giới săn lùng nhờ tầm nhìn đi trước thời đại và hành trình vươn lên đỉnh cao thế giới từ quá khứ khó khăn.
Thần đồng bị đánh nhập viện thời đi học
Sinh năm 1971 tại Pretoria, Nam Phi, Elon Musk mang một nửa dòng máu Canada từ mẹ. Bố mẹ ly hôn năm 8 tuổi, Musk và em trai sống cùng bố, còn em gái sống cùng mẹ.
Ông từng là "người bé tuổi nhất và nhỏ con nhất ở trường", theo lời mẹ ông, Maye Haldeman. Với bản tính tò mò, ông đọc mọi cuốn sách tìm được, kể cả bách khoa toàn thư.
Tố chất thần đồng được phát hiện từ sớm. Năm lên 10, Musk làm một bài kiểm tra của IBM - tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ và kết quả cho thấy ông có khả năng đặc biệt với việc lập trình máy tính. Ông bắt đầu bán phần mềm đầu tiên - trò chơi không gian có tên Blastar - cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD ở tuổi 12.
Cậu bé Musk không dễ hòa nhập với bạn bè. Phát triển thể chất khá chậm, đầu óc trên mây vì mơ mộng về những thế giới khác, Musk là mục tiêu của một nhóm học sinh "đầu gấu" ở trường trung học Bryanston.
Elon Musk là nạn nhân của bắt nạt học đường. Ảnh: Bloomberg News
Em trai Kimbal cho biết những đứa trẻ ngày đó khiến Elon Musk phải trải qua thời đi học khổ sở. "Mọi thứ khá khắc nghiệt ở Nam Phi. Nếu bạn bị bắt nạt, bạn vẫn phải đi học. Tất cả những gì bạn cần làm là thức dậy và đến trường. Anh ấy rất ghét điều đó", Kimbal nói.
Theo BizNews, thủ đoạn bắt nạt của nhóm học sinh rất tàn bạo. Một lần nọ, khi đang ngồi ở cầu thang, tỷ phú tương lai bị đá vào đầu và đánh đập dã man đến mức phải nhập viện để phẫu thuật.
Cha ông, Errol Musk nói con trai bị thương nặng đến nỗi ông không thể nhận ra khi gặp ở bệnh viện. Hai tuần liền, Musk chịu đựng nỗi đau thể xác, còn nỗi đau tinh thần theo ông đến những năm tháng về sau.
Tồi tệ hơn, không ai tỏ ra quan tâm đến vụ việc nghiêm trọng này. "Tôi đã buộc tội hành hung nhưng cảnh sát Randburg từ chối can thiệp, cho rằng đó chỉ là hành động đùa vui xốc nổi của các nam sinh. Chính nhà trường cũng tỏ ra vô can. Elon khi đó 12 tuổi", Errol kể lại.
Sau vụ tấn công, Musk chuyển đến trường trung học nam sinh Pretoria, nơi ông kể có kỷ luật tốt hơn và nạn bắt nạt ít hơn. Cha ông ngày ngày lái xe đưa con đi học. Tuy nhiên, ký ức kinh hoàng đã in sâu trong tâm trí và khiến ông muốn rời Nam Phi càng sớm càng tốt. Chuyến bay đến Canada năm 17 tuổi mở đầu cho những ngày tháng theo đuổi tri thức để khẳng định mình của Elon Musk.
Tự tìm lối thoát, trở thành "người sắt" trong giới công nghệ
Trên tạp chí Esquire năm 2012, tác giả Tom Junod nói rằng Musk sống sót qua sự bắt nạt theo hai cách. Đầu tiên là lối thoát dạng tinh thần. Gia đình Musk tự nhận mọi thành viên đều có thể làm nên những điều vĩ đại. Sống trong môi trường đó, Elon Musk cũng không phải ngoại lệ.
"Ông lớn lên ở Nam Phi nhưng không thực sự nghĩ mình là người Nam Phi. Giống những người khác trong nhà, ông như đang di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Hơn cả một gia đình, họ còn như một dòng giống với bản tính thích phiêu lưu. Mỗi thành viên nhà Musk đều có thể kể câu chuyện về tổ tiên mà những thành tựu của họ là nguồn cảm hứng và năng lượng như được truyền từ đời này sang đời khác.
Một người ông trong gia đình từng thắng một cuộc đua từ Cape Town đến Algiers; một bà cố là người đầu tiên ở Canada chữa các bệnh thuộc hệ vận động mà không dùng thuốc, không tiêm, không phẫu thuật; hai ông bà khác là những người đầu tiên bay từ Nam Phi đến Australia bằng máy bay động cơ đơn", Junod viết.
Elon Musk được gọi là "người sắt" trong giới công nghệ. Ảnh: Reuters
Lối thoát thứ hai của Elon Musk là thông qua máy tính và kinh doanh. 17 tuổi, ông đã khởi động việc kinh doanh riêng về video game. Từng theo học Đại học Queen's (Canada) và Đại học Pennsylvania (Mỹ), ông lấy hai bằng kinh tế và vật lý. Thời gian học tại Mỹ, ông cùng người bạn Adeo Ressi thuê căn nhà 10 phòng ngủ để biến thành hộp đêm và kinh doanh.
Sau đó, ông tới Đại học Stanford để học tiến sĩ về Vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu, nhưng bỏ ngang để theo đuổi cách mạng công nghệ. Năm 1995, ông và em trai Kimbal vay bố 28.000 USD để khởi nghiệp với dự án Zip2 - một website cung cấp phần mềm ấn hành nội dung số cho các tờ báo như New York Timeshay Chicago Tribune. Compaq sau này mua lại Zip2 với giá 341 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu, theo Business Insider.
Số tiền từ Zip2 giúp Musk lập công ty cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến X.com. Một năm sau, họ sáp nhập với Confinity của Peter Thiel để lập ra PayPal. Sau khi lên sàn chứng khoán năm 2001, Musk thu được 170 triệu USD.
Không dừng lại ở đó, ông tiếp quản công ty xe hơi điện Tesla, vào thời điểm phương tiện giao thông này bị xem là giấc mơ viển vông. Giờ đây, giới thượng lưu ở Mỹ lại muốn bỏ tiền mua xe của Elon Musk hơn BMW hay Mercedes. Ông tiếp tục mở hãng công nghệ vũ trụ SpaceX chuyên chế tạo tên lửa và đưa chúng vào không gian.
Những ý tưởng điên rồ và khả năng phi thường của Elon Musk khiến ông được gọi là "người sắt" trong đời thực, xuất phát từ nhân vật Iron Man nổi tiếng trên phim ảnh. Điểm mấu chốt ở đây là Musk đã trải qua quãng thời gian khủng khiếp thời đi học. Ông đã làm điều mà những đứa trẻ bắt nạt ông ngày đó không bao giờ có thể tưởng tượng nổi.
Tự xây trường cho con
Có 6 con trai với người vợ đầu Justine Wilson (một người đột tử lúc 10 tuần tuổi), Elon Musk mong muốn tạo ra môi trường giáo dục khác biệt nhằm phát triển tiềm năng tốt nhất cho những đứa trẻ.
Ngôi trường do thiên tài công nghệ sáng lập năm 2014 có tên Ad Astra, dịch theo tiếng Latin là "vươn tới những vì sao". Theo Quartz, ngôi trường nằm ở phía nam California (Mỹ), nhưng điều kỳ lạ là không hề có website hay hướng dẫn đăng ký. Thực chất, đây là ngôi trường thực nghiệm được Elon Musk lập ra với mục đích dạy con của ông và một số con của nhân viên trong công ty SpaceX. Sau đó, trường mới bắt đầu mở rộng.
Không theo cấu trúc phân lớp truyền thống như nền giáo dục tiểu học ở Mỹ, Ad Astra muốn hướng đến khả năng của những đứa trẻ, sử dụng các phương pháp giải quyết vấn đề để dạy tư duy phản biện.
Tỷ phú lập trường riêng cho 5 con vì không tin tưởng vào hệ thống giáo dục hiện tại. Ảnh: Newyorker
"Nếu bạn muốn trẻ hiểu cách hoạt động của động cơ, bạn không cần dạy tất cả về cờ lê và tua vít. Bạn sẽ cho chúng xem động cơ, hỏi chúng tháo ra theo cách nào. Sau đó, sự liên quan của các chi tiết sẽ trở nên rõ ràng", ông nói.
Trên truyền hình Trung Quốc, Musk cho biết ông quyết định mở trường riêng vì các trường khác "không làm điều tôi nghĩ họ nên làm". Khi còn nhỏ, ông rất ghét đi học và xem đó là một sự tra tấn.
Không chỉ chịu tổn thương bởi là nạn nhân của bắt nạt học đường, ông còn bị điểm kém trong một số môn yêu cầu học vẹt, dù thể hiện năng khiếu vượt trội ở toán, vật lý và khoa học máy tính.
Những khó khăn giúp Elon Musk quyết tâm tạo ra thực tại cho riêng mình. Vì thế, ông cũng bày tỏ sự lo lắng về ảnh hưởng của các sự kiện trong cuộc sống đến tính cách các con. "Tôi đã đối mặt với rất nhiều nghịch cảnh khi lớn lên. Tôi lo các con không đối mặt đủ với gian khó", ông nói.
Tuy nhiên, ông hạnh phúc khi con nói rất thích đi học và thường than vãn khi kỳ nghỉ quá dài.
Theo VNE
Bị bắt nạt vì thân hình quá khổ, nữ sinh Australia giảm 60 kg Nữ sinh 17 tuổi lột xác hoàn toàn chỉ sau một năm, khiến những kẻ bắt nạt ở trường không còn lý do để tiếp tục. Một năm trước, Josephine Desgrand (Australia) nặng 120 kg, thường xuyên là tâm điểm của các trò nhạo báng ở trường. Hiện nữ sinh này khiến bạn bè không thể nhận ra khi cân nặng giảm còn...