ABBank: Tổng tài sản giảm nhẹ, lợi nhuận quý III chỉ thu về vỏn vẹn 65 tỷ đồng
Tính đến hết 30/9/2018, Ngân hàng TMCP An Bình này chỉ thu về vỏn vẹn 65 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ
Ngân hàng TMCP An Bình ( ABBank) vừa công bố kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2018.
Theo đó, đến hết quý 3 năm nay, ABBank ghi nhận lãi trước thuế đạt hơn 658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của ABBank đến từ nửa đầu năm. Riêng quý III, ngân hàng này chỉ thu về vỏn vẹn 65 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ABBank hiện hoàn thành hơn 73% kế hoạch lợi nhuận 900 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm.
Theo BCTC, lãi thuần vẫn là nguồn thu nhập chính của ABBank, đạt 483 tỷ đồng trong quý III và hơn 1.551 tỷ đồng trong 9 tháng, giảm lần lượt hơn 10% và 3,24% cùng kỳ. Tuy nhiên, mảng dịch vụ đạt hơn 130 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với hai quý trước và tương đương cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2017.
Tính đến hết 30/9, tổng tài sản đạt 83.808 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với hồi đầu năm. Huy động vốn đạt trên 74.252 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ 2017. Đối với hoạt động tín dụng, cho vay khách hàng cá nhân hiện đã cán đích kế hoạch năm với hơn 21.331 tỷ đồng dư nợ. Cho vay với nhóm SME cũng đạt hơn 9.142 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm và được kiểm soát dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại một diễn biến khác, ngày 17/10 vừa qua ngân hàng này cũng đã công bố thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm chức Tổng giám đốc vì lý do cá nhân trong khi ông Phạm Duy Hiếu, người từng là tổng giám đốc ở ABBank giai đoạn 2012-2015 quay lại điều hành ngân hàng ở vị trí Phó Tổng giám đốc và chờ NHNN chấp thuận để bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Bà Dương Thị Mai Hoa cũng là cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC). Bà Hoa rời khỏi Vingroup từ ngày 25/2. Trước đó, bà Hoa đã có gần 5 năm công tác tại vị trí Tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính của tập đoàn này.
Video đang HOT
Mai An
Theo antt.vn
Hàng loạt ngân hàng báo lãi tăng mạnh, do đâu?
Các ngân hàng liên tiếp báo lãi lớn trong 9 tháng đầu năm nay, đặc biệt là tại các ngân hàng nhỏ. Trong tình hình tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức khiêm tốn so với cùng kỳ, điều gì đã khiến nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng tích cực?
Lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 1.720 tỷ đồng, tăng mạnh 176% so với cùng kỳ năm trước và đạt 86% kế hoạch cả năm. Với con số này, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB đạt mức khá cao ở 19,4%.
Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng báo lãi trước thuế đạt hơn 658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh bộ máy nhân sự cấp cao đang có sự xáo trộn, khi Tổng giám đốc là bà Dương Thị Mai Hoa sau 3 tháng được bổ nhiệm đã bất ngờ từ chức và ông Phạm Duy Hiếu quay trở lại điều hành ngân hàng này.
Tại ngân hàng Việt Á, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt lợi nhuận trước thuế đạt 138,6 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Trái với giai đoạn trước, mùa công bố kết quả kinh doah quý 3 năm nay lại chứng kiến các ngân hàng nhỏ đua nhau báo lãi đầu tiên.
Một ngân hàng nhỏ khác là Kienlongbank báo lãi trước thuế đạt 222 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Động lực tăng trưởng chính đến từ khoản lãi đột biến của hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng gần 10 lần và việc giảm 56% chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, ngân hàng Tiên phong trở thành ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận trước thuế quý 3 , với con số lãi hơn 1.600 tỷ đồng trong 9 tháng năm nay, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và đạt 75% kế hoạch 2.200 tỷ đặt ra trong năm nay.
Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng có quy mô lớn, ngân hàng Sài Gòn (SCB) công bố lợi nhuận trước thuế đạt 119 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến cuối tháng 9/2018, SCB đã trích lập 2.528 tỷ đồng chi phí dự phòng, gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng trái phiếu VAMC, tăng gần 3 lần so với mức trích lập 890 tỷ đồng năm 2017.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất thực hiện vào tháng 9 của NHNN, lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 18,63% trong năm 2018, đồng thời hơn 88% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017.
VIB là ngân hàng có con số lợi nhuận tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ
Do đâu?
Nếu nhìn vào kết quả tăng trưởng ở quy mô kinh doanh của các ngân hàng, có thể thấy huy động vốn và dư nợ tín dụng không có quá nhiều đột biến. Theo số liệu cập nhật mới nhất thì tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đến cuối tháng 9 chỉ đạt 10,41%, còn số liệu huy động vốn đến ngày 20/9 công bố trước đó còn thấp hơn khi chỉ đạt 9,15%. Tuy nhiên, lợi nhuận tại nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, có thể đến từ những lý do sau.
Đầu tiên nguồn thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 9 tháng qua. Như tại ngân hàng An Bình, lãi thuần từ dịch vụ đạt hơn 130 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng lợi nhuận trước thuế. Tại SCB, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lên tới 575 tỷ đồng, cao hơn 24% so với thực hiện cả năm 2017, đóng góp lớn trong con số lợi nhuận của ngân hàng. Với những ngân hàng có hoạt động liên kết với công ty bảo hiểm, phát triển các sản phẩm bancassuarance thì dự kiến nguồn thu từ dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Yếu tố thứ hai là tuy tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay không đột biến, nhưng với con số tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong năm 2017, đặc biệt là thời điểm quý 4, giúp dư nợ bình quân của các ngân hàng thực tế đã tăng đáng kể so với cùng kỳ, do đó nguồn thu nhập từ lãi tăng mạnh là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, trong bối cảnh NHNN có định hướng thắt chặt chính sách và kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng trở lại, nhiều ngân hàng đã linh hoạt chuyển dịch cơ cấu tín dụng, tập trung phát triển cho vay khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng với biên lợi nhuận cao hơn, từ đó cũng nâng cao nguồn thu nhập tín dụng. Như tại VIB, dư nợ tín dụng bán lẻ hiện nay đạt trên 67.400 tỷ, tăng 58% so với cùng kỳ, giúp doanh thu của mảng này 9 tháng đầu năm đã tăng 92% so với cùng kỳ.
Yếu tố thứ ba là các nguồn thu nhập ngoài lãi khác cũng có sự tăng trưởng tích cực, đặc biệt là thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, đầu tư trái phiếu. Với thị trường ngoại hối vừa qua có những đợt sóng lên xuống mạnh hơn so với năm 2017, cũng là cơ hội để các ngân hàng gia tăng lợi nhuận kinh doanh ngoại tệ. Trong khi đó, những tháng đầu năm nay chứng kiến lợi suất trên thị trường trái phiếu Chính phủ xuống mức thấp kỷ lục, tức giá tăng lên nên nhiều ngân hàng cũng kịp thời chốt lãi.
Như ở SCB, hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh trái phiếu chính phủ đạt được kết quả rất tích cực với lợi nhuận thu được là 429 tỷ đồng. Tại ngân hàng Kiên Long, hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi gần 9 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bất ngờ có lãi 29 tỷ trong khi cùng kỳ chỉ lãi gần 3 tỷ đồng. Đặc biệt nguồn thu nhập này từ nhóm các ngân hàng lớn khả năng sẽ tăng trưởng cao do có thế mạnh ở các hoạt động này.
Và cuối cùng, với tiến độ xử lý nợ xấu tích cực hơn, theo đó nợ xấu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, thì nguồn thu nhập khác từ thu hồi nợ tại đa số các ngân hàng có thể tăng mạnh, trong khi chi phí trích lập dự phòng giảm xuống so với năm trước, hoặc thậm chí còn được hoàn nhập lớn, do đó cũng đóng góp đáng kể vào kết quả lợi nhuận của các ngân hàng.
MẪN NHI
Theo thegioitiepthi.vn
Chứng khoán HSC: 9 tháng đạt 603 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 74% kế hoạch năm Lãnh đạo của HSC cho biết, nhiều khả năng HSC khó có thể cán đích được kế hoạch lợi nhuận năm 2018 do tình hình thị trường không mấy khả quan do ảnh hưởng của những yếu tố từ bên ngoài Việt Nam và do HSC chưa phát hành thêm cổ phần để huy động vốn như kế hoạch đã đề ra. CTCP...