9X xinh xắn chia sẻ kinh nghiệm du học châu Âu: Có nên mang mì tôm, nồi cơm điện?
Cao Thị Mỹ Quyên, sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Em hiện là du học sinh của trường Đại học khoa học ứng dụng Hameen (Hameen University of applied sciences), Phần Lan và Đại học khoa học ứng dụng Worms ( Hochschule Worms), Đức.
Từ trải nghiệm cá nhân, Quyên chia sẻ một số kinh nghiệm chuẩn bị hành trang trước khi xuất ngoại.
Mỹ Duyên bật mí về “đi du học nên mang gì”
Lí do mà Mỹ Quyên học hai trường vì em hiện đang học theo diện double degree (văn bằng 2), 2 năm đầu học ở Phần Lan và năm thứ 3 học ở Đức.
Nói về hành trình du học của mình, Quyên cho hay, đầu năm lớp 12, em tình cờ được biết nền giáo dục Phần Lan được đánh giá là tốt nhất trên thế giới nên đã tự mình tìm hiểu về đất nước này và nuôi giấc mơ được du học ở Phần lan từ đấy.
“Tất cả quá trình tìm hiểu, làm hồ sơ, đi thi đều là em chuẩn bị, không có sự giúp đỡ của bất kì trung tâm nào. Em tìm kiếm các thông tin từ internet, đặc biệt là qua nhóm Hội sinh viên Việt nam tại Phần Lan.
Sau khi vượt qua được kì thi đầu vào, em đã may mắn trúng tuyển vào trường Hameen. Năm em thi vào được miễn toàn bộ học phí đến hết đại học nên em chỉ cần chi trả chi phí sinh hoạt”, Quyên tâm sự.
Là cô gái năng động, ham học hỏi, Mỹ Quyên từng giữ vị trí Bí thư lớp C6K42 trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn trường. Em đạt giải Ba kì thi Học sinh Giỏi Tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2014-2015, là trưởng BTC chương trình “Vì tiếng cười trẻ thơ 2016″, Quản lý ban “fundraising and sales” của dự án ” nternational Christmas Market 2017″ ở Valkeakoski.
Mỹ Quyên đang học tại 2 nước Phần Lan và Đức.
Trong clip của mình, Quyên chia sẻ cụ thể về hành lý cần chuẩn bị khi lên đường sang châu Âu du học. Không ít bạn trẻ bối rối vì có quá nhiều thứ muốn mang theo.
Về thức ăn, đa phần du học sinh Việt có thể mua nguyên liệu nấu món Việt ở chợ châu Á, thành phố nào cũng có, đặt biệt ở những nước có nhiều người Việt học tập sinh sống như Đức, Pháp, Cộng hòa Séc; còn ở Phần Lan chỉ những thành phố lớn mới có.
Các gia vị như nước mắm, xì dầu, tương ớt đều có thể tìm ở chợ châu Á nên bạn không cần mang vì chúng khá nặng. Tân du học sinh nên mang các đồ khô, ruốc bông hoặc bò khô (mỗi thứ có thể mang tối đa 2 kg).
“Những chỗ trống trong vali nên được lấp đầy bằng đồ ăn Việt Nam” là kinh nghiệm mà giới du học sinh truyền đạt lại. Thời gian đầu khi bạn chưa quen với thức ăn bản địa, đồ ăn đem theo từ Việt Nam, đặc biệt là mì gói, sẽ là “cứu tinh” của bạn.
Dù các nước đều có siêu thị châu Á, nhưng đa số đều bán thực phẩm Trung Quốc, ít đồ Việt Nam, gia vị Việt (bột nêm, gia vị phở, bò kho…) vì thế lại càng hiếm, nếu có thì mùi vị cũng không đậm đà. Do đó với những bạn dự định tự nấu ăn thì đừng quên đem theo nồi cơm điện và gia vị.
Những món đồ ăn gọn nhẹ, dễ ăn như ruốc, lạc rim, tôm khô, bò khô, măng khô, ngũ cốc và đặc biệt mì tôm gói… sẽ là “cứu cánh” của bạn trong những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo đến nước bạn mà chưa thể làm quen ngay với các món ăn bản địa.
Không nhất thiết mang đồ ăn vặt qua nhưng nếu nghiện những món đặc trưng của Việt Nam như ô mai, khô gà lá chanh, cà phê thì hãy mang một ít nếu thừa cân.
Quyên thường đi du lịch các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) trong những kì nghỉ lễ.
Quần áo không cần mang nhiều, mang càng ít càng tốt vì du học sinh sang trời Âu thường xuyên săn “sale”, mà sale thì rất nhiều.
Đối với các bạn năm nhất mới qua nên mang một bộ áo dài cho nữ và một bộ vest cho nam vì thường trường đại học sẽ tổ chức cho sinh viên ngày “International day” để tìm hiểu văn hóa giữa các nước với nhau vì vậy sẽ rất tuyệt nếu có bộ trang phục của dân tộc mình.
Đồ gia dụng như nồi cơm điện, đồ bếp, máy sấy, bình đun nước nóng: Đối với các bạn biết rằng mình sẽ ở chung nhà với người Việt thì tốt nhất không cần mang theo vì người ta đã có sẵn và có thể dùng chung.
Nếu ai ở một mình thì cũng không cần mang đồ gia dụng vì có thể đặt mua trên Amazon khá tiện và giá không đắt. Nên mang một ít bát đũa sang cho những ngày đầu không mua sắm được còn có để dùng. Đũa ở đây khá khó mua nên có thể mang theo 1 bao.
Và không thể quên là thuốc thang. Tân du học sinh nên mang theo một ít thuộc cơ bản như thuốc cảm, thuốc hạ sốt, thuốc đau bụng lành tính.
Vì ở Mỹ muốn có thuốc thì phải đi khám bác sĩ, phải bác sĩ kê đơn thì nhà thuốc mới bán cho mình chứ không phải chỉ cần bị đau bụng ra nhà thuốc sẽ mua được. Các bạn du học sinh Việt khi mới qua Mỹ, chưa có bảo hiểm, chưa quen khu vực sinh sống, nếu có bị gì thì khó xoay sở kịp.
Nếu có máy ảnh nên mang đi vì ở châu Âu đi du lịch rất nhiều nước và tự do giữa các nước, cảnh đẹp vô cùng để ở hành lý xách tay.
Cô bạn có tính cách vui vẻ và dễ hoà nhập.
Cuối cùng, quan trọng không kém là giấy tờ tùy thân. Bạn nên mang hộ chiếu, visa, căn cước công dân, bằng lái xe vì ở đây có nhiều khi cần check, chẳng hạn đi mua đồ có cồn thì kiểm tra xem có trên 18 tuổi ở châu Âu (trên 21 tuổi ở Mỹ). Ở các nước châu Âu bạn sẽ quen với việc bị kiểm tra tuổi do chúng mình mặt thường non thì người ta sẽ luôn kiểm tra.
Nếu các bạn mới sang thường ngần ngại việc mua đồ vì tâm lý nhìn gì cũng thấy đắt, có thể tìm các hội trao đổi mua bán hàng hóa của hội sinh viên Việt Nam ở các đất nước ấy.
Quyên trong chuyến đi đến thành phố Heidelberg, Đức.
“Những chia sẻ của mình chỉ mang tính chất tham khảo vì cách sống, cách sinh hoạt của mỗi người là khác nhau”, Quyên nói thêm.
Khi được hỏi về điều nhắn nhủ với những bạn trẻ có ước mơ du học mà xuất phát từ tỉnh lẻ, Mỹ Quyên nói: “Chúng mình là những người trẻ sinh ra trong kỷ nguyên công nghệ, mọi thông tin đều có thể tìm thấy ở internet nên xuất phát từ tỉnh lẻ hay thành phố trực thuộc trung ương đều như nhau. Giấc mơ của mình phụ thuộc nhiều vào cách mình hành động chứ không phải hoàn cảnh”.
Nữ du học sinh 9X nhấn mạnh, việc tìm hiểu trước thông tin về đất nước mình sắp đến rất quan trọng. Vừa để tránh những cú sốc văn hoá, vừa là phương tiện để mình dễ kết bạn hơn với người nước ngoài nếu mình hiểu tính cách của họ.
“Đừng bị động. Đừng bao giờ ngại học hỏi và hãy không ngừng cố gắng vì mục tiêu tương lai”.
Từ trải nghiệm bản thân, Mỹ Quyên mở kênh youtube chia sẻ kinh nghiệm và cuộc sống du học.
Quyên tâm sự, điều quý báu nhất em học được khi đi du học là tính tự lập. Đi du học tức là mình phải tự lo cho bản thân mình, tự quản lí và có trách nhiệm về cuộc sống và những quyết định của mình.
Ấn tượng nhất của cô gái Việt về nền giáo dục Phần Lan chính là sự trung thực và tính tự học. Phần Lan không phải là đất nước cho gian lận, dối trá. Phần Lan cũng cho phép sinh viên được thoả sức sáng tạo và sắp xếp cách học của mình, không nhồi nhét và luôn giữ cân bằng giữa học và trải nghiệm.
Dự định của Mỹ Quyên trong tương lai gần là tốt nghiệp 2 trường với kết quả tốt còn xa hơn là tìm kiếm cơ hội làm việc ở Phần Lan trong một vài năm tới.
Lệ Thu
Ảnh: NVCC
Theo Dân trí
Tự học, cô gái 9X lọp tốp 1% điểm SAT cao nhất thế giới
Chỉ bằng cách tự học, Phạm Thị Thùy Linh đã đạt kết quả 1530/1600 SAT và lọt vào tốp 1% điểm cao nhất thế giới.
Một năm theo đuổi ước mơ
Linh kể: "Mẹ mình có mở một quán bán bánh cuốn nóng. Mỗi lần thấy mẹ lúng túng dùng "ngôn ngữ tay" với khách nước ngoài, mình ước có thể hiểu và trao đổi được với họ. Mình cũng mơ ước du học nên quyết tâm tự học và chinh phục kỳ thi SAT".
Sau khi tốt nghiệp THPT, cô gái sinh năm 1997 đã trúng tuyển vào một trường đại học ở Việt Nam. Nhưng cảm thấy không phù hợp nên Linh quyết định tạm dừng việc học để theo đuổi ước mơ du học.
Việc tự học để thi SAT có rất nhiều khó khăn. Linh phải chủ động trong mọi thứ như, tự tìm hiểu về nội dung và "format" bài thi, tự tìm câu trả lời cho các thắc mắc của mình, tự làm bài "test" để đặt mức điểm cho từng phần thi, tự lên lộ trình học...
Có lúc, cô cũng bối rối không biết nên dùng sách nào để tự học và thậm chí thấy nản vì đọc đề toán mà không hiểu, không nắm được văn phạm, hay không biết nên làm thế nào để hoàn thành phần đọc...
"Mình hiểu ba mẹ sẽ khó lòng chấp nhận nếu mình nói dừng học đại học. Thay vào đó, mình xin ba mẹ cho bảo lưu kết quả học tập một năm. Nếu hết thời gian bảo lưu mà đạt SAT 1400 điểm thì mình được toàn quyền đưa ra quyết định cho bản thân.
Trong một năm đó, mình phải cố gắng thực hiện được kết quả đã cam kết với ba mẹ. Nếu không, mình phải từ bỏ giấc mơ du học để tiếp tục học đại học Việt Nam", Linh chia sẻ.
"Chiếc phao" tư liệu
Hiện tại, Thùy Linh và một số bạn thành lập dự án "Hit The Target Vietnam - The quest to realize your full potenial" có gần 2.000 thành viên, với hy vọng hỗ trợ cho các bạn học sinh không chỉ riêng về SAT mà còn về các kỳ thi ACT, AP, TOEFL, IELTS, bài luận.
Linh bày tỏ: "Mình cũng vất vả khi tự tìm tài liệu, tìm kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi SAT nên hiểu cảm giác "bơi" giữa muôn vàn thông tin về các kỳ thi sẽ khiến nhiều bạn hoang mang. Vậy tại sao, mình không làm một "chiếc phao" giúp các bạn tìm đúng thông tin, tài liệu muốn".
Trong quá trình tự học, Linh hiểu, mỗi phần thi trong bài thi SAT đều có tính chất và yêu cầu riêng. Trong ba phần thi, thi viết là phần dễ có điểm nhất. Chủ yếu cần nắm chắc các nguyên tắc văn phạm được kiểm tra, các dạng câu hỏi và nguyên tắc trả lời cho từng dạng câu hỏi.
Cô nói về cấu trúc bài thi SAT mới gồm 3 phần thi chính, gồm: "Writing" (400 điểm), "Math" (800 điểm), "Reading" (400 điểm). Với Linh, "Reading" là phần thi khó tăng điểm nhất khi thi SAT.
"Để đạt được điểm cao ở phần này, mình đã phải làm quen với từ vựng và cách viết của bốn dạng văn bản thường xuất hiện trong bài thi là: Khoa học, khoa học xã hội, lịch sử, văn học.
Bên cạnh đó, để tăng điểm phần "Reading", mình phải có chiến lược làm bài phù hợp để vượt qua giới hạn thời gian", Linh nói thêm.
Cô còn chia sẻ, để vượt qua phần "Reading", cần hiểu bài đọc, nắm chủ đề chính và cấu trúc của bài đọc. Riêng phần "Math" yêu cầu phải nắm chắc kiến thức, kỹ năng toán được kiểm tra, luyện tập nhiều các câu hỏi và dịch nhuần nhuyễn các từ thành các ký hiệu toán học đối với các câu hỏi toán đố.
Thùy Linh (bên trái) học nhóm cùng bạn.
Tự tạo áp lực để cố gắng hơn
Khi mới bắt đầu luyện thi, các bạn cũng như Linh đều tìm tới các đầu sách từ vựng của SAT cũ để học. Một điều các bạn cần lưu ý là đặt trường hợp còn rất nhiều thời gian để luyện thì có thể tham khảo các đầu sách trên để mở rộng vốn từ vựng.
Nhưng nếu chỉ còn vài tháng đến một năm thì việc đạt được chỉ tiêu điểm cao, "ngốn" 3.500 - 5.000 từ là không khả thi. Hơn nữa, bài thi SAT mới vẫn kiểm tra từ vựng bằng cách lồng các từ vựng khó vào bài đọc và kiểm tra từ vựng qua các câu hỏi "word in context".
Thay vì học thuộc nghĩa của càng nhiều từ, các bạn nên đọc nhiều văn bản ở các chủ đề khác nhau để quen với cách hành văn và cách dùng từ của tác giả.
Linh kể: "Lúc học thi, mình áp lực nhất về thời gian. Áp lực cũng đến từ những người khác như người thân, hàng xóm về việc mình nghỉ học đại học.
Mình còn có một áp lực vô hình do chính mình tự đặt ra để cố gắng hơn. Khoảng thời gian đó, mình cũng khá stress nhưng ba mẹ luôn ủng hộ quyết định của mình".
Thùy Linh có cách thư giãn và giải tỏa áp lực trước kỳ thi khá thú vị: "Trước ngày thi SAT, mình căng thẳng do lượng kiến thức quá nhiều. Nhưng thay vì cố gắng "nhồi nhét" thêm kiến thức vào những ngày trước khi thi, mình để tập sách qua một bên và cố gắng quên đi những áp lực đó bằng cách ra phụ mẹ bán bánh cuốn.
Nhìn lượng khách ra vào quán và được trò chuyện với khách hàng, mình cảm thấy thư giãn, thoải mái. Đôi lúc, mình còn được các cô chú hỏi han, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho mình".
Thùy Linh nói thêm về các dạng bài đọc trong SAT thường gặp để các bạn lưu ý. Các bài đọc trong SAT thường có 3 dạng. "Expository prose" được dùng để cung cấp thông tin thường xuất hiện trong các bài đọc khoa học. "Rhetorical prose" được dùng để thuyết phục người đọc về một vấn đề nào đó thường xuất hiện trong các bài đọc khoa học, lịch sử. "Narrative prose" được dùng để kể chuyện thường xuất hiện trong các bài đọc văn học.
Bình Nguyễn - Thuận Tùng
Theo Sinh viên Việt Nam
Profile học vấn siêu đỉnh của CEO Go-Viet vừa từ chức đang xôn xao MXH: Tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh tại Harvard Trang Dealstreet Asia đưa tin, CEO Go-Viet Nguyễn Vũ Đức và một Giám đốc cấp cao khác của Go-Viet đã chính thức từ chức. Nguyễn Vũ Đức đảm nhận vị trí này đã được hơn một năm nay, từ tháng 2/2018. Trước đó, anh từng gây sốt nhiều trang báo và mạng xã hội khi sở hữu profile học vấn đáng ngưỡng mộ....