9X nhận học bổng 5 tỷ đồng từ trường đại học hàng đầu thế giới
Vũ Thảo Phương khẳng định bạn sẽ quay về cống hiến cho đất nước sau khi tốt nghiệp ĐH Pennsylvania, Mỹ.
Vũ Thảo Phương (học sinh lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đã vỡ òa vui sướng khi biết mình sắp được đặt chân đến ngôi trường của những người nổi tiếng. Cô bạn được nhận học bổng 5 tỷ đồng trong 4 năm tại ĐH Pennsylvania nổi tiếng thế giới.
Trò chuyện cùng Phương mới thấy đây là cô gái rất cá tính và độc lập. Mọi việc nữ sinh làm đều có kế hoạch khá rõ ràng, trong đó có cả con đường du học.
Thành quả của 3 năm cố gắng
- Phương có ý định du học từ lúc nào và tại sao lại chọn Đại học Pennsylvania (Penn) mà không phải trường khác?
- Mình có ý định du học từ năm lớp 8 vì muốn có cơ hội trải nghiệm các môn học đa dạng, được làm nghiên cứu về những chủ đề mình quan tâm. Mình cũng rất thích môi trường đa dạng văn hóa tại Mỹ.
Mình chọn Đại học Pennsylvania vì hầu như ngành học trong trường đều rất tốt. Trường cũng chú trọng việc kết hợp các ngành học với nhau, thay vì chỉ học một cách riêng lẻ. Sinh viên có nhiều cơ hội làm nghiên cứu và thực tập.
Sau này, mình muốn học, làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm lý. Đại học Pennsylvania có nhiều anh chị từng học trường Hà Nội – Amsterdam giống mình. Mọi người thông minh, thân thiện nên mình cũng muốn được là một phần của cộng đồng đó.
Vũ Thảo Phương – cô gái có niềm say mê đặc biệt đối với lĩnh vực sức khỏe tâm lý.
- Bài luận là một trong những yếu tố khác biệt để được nhận học bổng, Phương đã “khác biệt” như thế nào?
Video đang HOT
- Trong bài luận, mình viết về giá trị của sự gắn bó trong gia đình và những gì học được từ các thành viên: tìm sự cân bằng, hòa hợp giữa giá trị truyền thống và hiện đại, lắng nghe và tiếp nhận những tiếng nói khác nhau nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.
Trước đó, mình thử viết về một số chủ đề độc và to tát hơn nhưng cuối cùng đây vẫn là chủ đề mình thấy thích, thể hiện rõ bản thân nhất.
Trong bài luận phụ, mình viết về vấn đề sức khỏe tâm lý ở Việt Nam – từ những định kiến của xã hội đối với các bệnh tâm lý đến sự hạn chế về chất lượng khám chữa bệnh.
Qua đó, mình nói rõ về mục tiêu của mình là xóa bỏ định kiến sai lầm và phát triển các phương pháp trị liệu hiệu quả cho những bệnh tâm lý đó.
- Những hoạt động ngoại khóa sôi nổi của ứng viên cũng là yếu tố quan trọng khi muốn trúng tuyển vào các trường đại học Mỹ. Phương có cho rằng lợi thế của những học sinh ở thành phố là bảng thành tích hoạt động ngoại khóa phong phú?
Đại học Pennsylvania (Penn), thuộc khối Ivy League và đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng của USNews.
Trong số những cựu sinh viên của trường có nhiều nhân vật nổi tiếng như Tổng thống Mỹ Donald Trump, tỷ phú Elon Musk hay Warren Buffet.
- Điều quan trọng trong hoạt động ngoại khóa là phải thích và phải thể hiện được sự gắn bó, đam mê của mình, không phải bảng thành tích để làm đẹp hồ sơ.
Ban tuyển sinh của trường cũng sẽ xem xét những hoạt động đó thể hiện ứng viên là người như thế nào, có phù hợp trường của họ không, thay vì chỉ xét theo số lượng.
Ba chủ đề chính trong hoạt động ngoại khóa của mình là tâm lý học, tiếng Anh – ngôn ngữ và hoạt động cộng đồng.
Mình tham gia thành lập câu lạc bộ Tâm lý học của trường Ams (Psi Ams), tổ chức các hoạt động giúp đỡ và nâng cao nhận thức của mọi người về sức khỏe tâm lý. Đây là lĩnh vực mình rất hứng thú, cũng là hướng nghiên cứu trong tương lai của mình ở Penn.
Ngoài ra, mình tham gia câu lạc bộ SEALNet Club Hanoi, dạy tiếng Anh hàng tuần cho trẻ em ở Tân Ấp và tổ chức gây quỹ để thành lập tủ sách nhỏ ở Bệnh viện Bạch Mai.
Hè năm ngoái, mình đã thực hiện dự án về phát triển ngôn ngữ cho trẻ em tự kỷ và dự định tiếp tục trong hè này.
Hãy là chính mình
- Phương khá hứng thú với lĩnh vực sức khỏe tâm lý, vậy trong 4 năm tới bạn sẽ nghiên cứu gì ở Penn?
- Mình dự định chọn ngành Khoa học nhận thức (Cognitive Science) và Y tế cộng đồng (Public Health).
Sự kết hợp của hai ngành này sẽ giúp mình thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm lý ở Việt Nam. Một vấn đề mình đã quan tâm từ lâu và luôn muốn giải quyết một cách hiệu quả nhất.
Vũ Thảo Phương chung lớp với Nguyễn Đình Tôn Nữ – tân sinh viên của ĐH Harvard.
- Áp lực là một phần không thể thiếu trong những kỳ nộp hồ sơ xin học bổng ở các trường đại học Mỹ. Bạn đã vượt qua nó như thế nào?
- Quá trình chuẩn bị hồ sơ vào các trường đại học ở Mỹ gồm rất nhiều giai đoạn. Các kỳ thi chuẩn hóa cứ nối tiếp nhau mà xen giữa đó là những bài kiểm tra trên lớp và các hoạt động ngoại khóa. Mình vừa phải giữ được điểm cao trên lớp, vừa tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khóa nên khá áp lực.
Tuy nhiên, áp lực đó chủ yếu là từ chính bản thân vì mình khá tham vọng và luôn muốn đạt được kết quả tốt nhất.
May mắn là mình có định hướng ngay từ đầu nên có thời gian chuẩn bị khá dài. Mình học được cách đối mặt với áp lực tốt và hiệu quả hơn nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè.
Mình cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho bản thân. Nếu không được chọn thì mình sẽ thi đại học và tìm kiếm những cơ hội khác.
- Chỉ còn 4 tháng nữa là phải sang Mỹ nhập học, Phương đã chuẩn bị những gì cho cuộc sống ở Mỹ trong 4 năm sắp tới?
- Mình đang nghiên cứu qua về những kiến thức liên quan tới ngành mình định học và tập trung ôn cho kỳ thi AP vào tháng 5 để có thể lấy được tín chỉ sớm trước khi vào học.
Mình còn học tiếng Tây Ban Nha vì đây là thứ tiếng đang trở nên khá phổ biến ở Mỹ. Mình cũng muốn tìm hiểu về một ngôn ngữ, nền văn hóa khác sau khi đã gắn bó với tiếng Anh trong suốt 11 năm.
Thời gian này, mình cũng cố tranh thủ ngủ nhiều hơn vì biết rằng khi vào đại học, mình sẽ không còn thời gian ngủ nhiều như bây giờ nữa.
- Phương có dự tính gì xa hơn sau khi học xong ở Penn không?
- Theo kế hoạch hiện tại, mình dự tính sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ và có thể là tiến sĩ để nghiên cứu sâu hơn về các bệnh tâm lý rồi về Việt Nam thực hiện mục tiêu ban đầu là cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm lý.
Tuy nhiên, kế hoạch của mình khá linh hoạt nên cứ chờ sau 4 năm ở Penn mọi thứ đi đến đâu. Nhưng chắc chắn mình sẽ về nước, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
- Phương có muốn nhắn nhủ điều gì đến các ứng viên đang có ý định xin học bổng?
- Hãy tự tin thể hiện đúng bản thân mình. Quá trình nộp hồ sơ đúng là gian khổ nhưng mình tin là nếu các bạn chăm chỉ và dồn nhiều công sức vào nó, bạn sẽ nhận được kết quả xứng đáng nhất.
Đừng vì ngại hy sinh, ngại làm việc mà “đi đường tắt” (nói dối, làm giả hồ sơ…) vì nó có thể giúp bạn vào trường nhưng sẽ không thể giúp bạn “sống sót” trong trường, thậm chí còn ảnh hưởng đến các thế hệ sau ở Việt Nam khi muốn học tập tại trường đó.
Theo Zing