900.000 học sinh đang học theo sách công nghệ giáo dục lớp 1 bị… loại
Bộ sách giáo khoa lớp 1 – công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã bị Hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá không đạt và loại khỏi vòng thẩm định đầu tiên. Trong khi hiện tại, riêng sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục 1 được triển khai dạy học cho khoảng 900.000 học sinh.
Loại sách Tiếng Việt 1, Toán 1 – Công nghệ giáo dục
Với những dẫn chứng lý luận rằng bộ sách giáo khoa lớp 1 – công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vượt chương trình, quá khó với học sinh, Hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá không đạt và loại khỏi vòng thẩm định đầu tiên.
Thông tin trên được chính tác giả của bộ sách – GS Hồ Ngọc Đại, khẳng định với báo chí vào ngày 12/9, về kết quả thẩm định SGK do Hội đồng Quốc gia thực hiện. Theo đó, bộ SGK lớp 1 – Công nghệ giáo dục của ông đã bị xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách “vượt chương trình”, “quá khó với học sinh lớp 1″.
Trong đợt thẩm định đầu tiên, có SGK Công nghệ giáo dục (bao gồm các môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức) cùng 5 bộ sách giáo khoa khác đầy đủ các môn của lớp 1 được đăng ký.
Theo quy định, hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sẽ có 3 mức xếp loại “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa” và “Không đạt”.
Chủ biên bộ SGK lớp 1 – công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại
Tuy nhiên, một số SGK Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên bị xếp “không đạt” trong đợt thẩm định này. Môn Toán và Tiếng Việt không đạt, riêng môn Đạo đức đạt.
Cụ thể, Hội đồng quốc gia thẩm định đánh giá sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục (gồm 3 tập) có những ưu điểm như bộ sách được tập thể tác giả biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng.
Sách chú ý đến việc dạy học đọc thành tiếng và chính tả để học sinh có thể đọc đúng và viết đúng chính tả; nội dung, hình thức phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm; nội dung sách đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn…
Tuy nhiên, sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “Không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa hoặc bỏ, phần lớn là những nội dung bị đánh giá “vượt chương trình”, “quá khó với học sinh lớp 1″ và một số vấn đề về kỹ thuật, trình bày.
Lý do được đưa ra là hầu hết các thành ngữ, tục ngữ Việt Nam được GS Hồ Ngọc Đại trực tiếp chọn ghi ở chân trang sách có chứa những từ, ngữ học sinh đã học để ghi nhớ tiếng Việt qua đó đều bị hội đồng đề nghị bỏ do “không phù hợp với học sinh lớp 1″…
Cùng với sách Tiếng Việt 1, sách Toán 1 – Công nghệ giáo dục cũng được nhận định có nhiều nội dung không nằm trong hoặc vượt yêu cầu của chương trình.
Điều đáng nói là thông tin này gây ra bất ngờ không nhỏ, bởi bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại đã được triển khai rộng rãi ở nhiều trường học trong hàng chục năm qua. Thời điểm hiện tại, riêng sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục 1 được triển khai dạy học cho khoảng 900.000 học sinh theo học. Sách này xuất phát từ đề tài khoa học cấp nhà nước được nghiệm thu do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì, sau đó được dạy thử nghiệm thành công ở nhiều địa phương
Bất ngờ bị loại khỏi vòng thẩm định đầu tiên, dư luận lo ngại bộ SGK lớp 1 – Công nghệ giáo dục, trong đó có sách Tiếng Việt sẽ gây xáo trộn ở nhiều địa phương đang áp dụng dạy học chương trình này.
“Tôi không bất ngờ”
Ngay trong ngày 12/9, GS Hồ Ngọc Đại đã có những chia sẻ ban đầu với báo chí về thông tin này. Theo đó, ông khẳng định ông không bất ngờ. “Sau khi hội đồng thẩm định bộ sách thông báo kết quả và hỏi có ý kiến gì không, tôi trả lời “không”. Cả hội đồng đứng dậy chào, và tôi đi về. Cá nhân tôi thấy thanh thản”.
Điều mà GS Hồ Ngọc Đại cảm thấy băn khoăn chính là 15 thành viên của Hội đồng đúng hay hơn 930.000 học sinh đã học bộ sách của ông, với sự tồn tại 40 năm qua là đúng? Nói cách khác, ông băn khoăn về việc quyết định lựa chọn giữa bộ sách được nghiên cứu và triển khai hàng chục năm, và những bộ sách đang thuê người viết vội.
“Trước đó, tôi được yêu cầu chỉnh sửa bộ sách và nộp lại, nhưng tôi từ chối. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán. Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Chúng chấp nhận được thì tôi tin, và tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay” – ông nói.
Sách Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên được hoàn thành năm 1978, sau đó được Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi đó cho phép thực hiện thí điểm tại trường thực nghiệm tại phố Liễu Giai, Hà Nội và dần triển khai rộng hơn.
Tuy nhiên, vào năm 2000, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT được biên soạn một chương trình mới, một bộ sách giáo khoa mới thống nhất trong cả nước. Năm học 2002 – 2003, cả nước thống nhất chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1. Sách của GS Hồ Ngọc Đại lại chỉ thí điểm ở trường thực nghiệm Liễu Giai.
Năm 2009, GS Hồ Ngọc Đại đề nghị và Bộ GD&ĐT cho phép triển khai thí điểm ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc, có 7 tỉnh tham gia. Và đến năm 2016, đã có 48 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện thí điểm.
Theo phunuvietnam
SGK Công nghệ Giáo dục bị loại: GS Hồ Ngọc Đại không bất ngờ
Bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được dạy cả ở vùng sâu vùng xa, nhưng lại bị hội đồng thẩm định SGK đánh giá không đạt, vì quá khó.
Thông tin về bộ sách giáo (SGK) khoa lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định quốc gia chấm không đạt ngay từ vòng đầu tiên đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Được biết, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo 3 mức: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa", "Không đạt". Những bộ sách được đánh giá "Đạt nhưng cần sửa chữa" có thể mang về sửa chữa, bổ sung và đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK để thẩm định lại.
Bộ SGK lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên gồm các môn Tiếng Việt, Toán. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá, bộ SGK lớp 1- Công nghệ giáo dục được tập thể tác giả biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng. Nội dung, hình thức phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm. Nội dung sách cũng được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.
GS Hồ Ngọc Đại cho biết sẽ không sửa bất cứ nội dung nào trong sách dù bị đánh giá là không đạt.
Tuy nhiên, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1".
Liên quan đến thông tin này, trao đổi với báo chí sáng nay (12/9), GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, đánh giá của hội đồng chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí cứng nhắc, cơ học.
GS Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định sẽ không chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào trong sách Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục. "Sản phẩm của tôi khác với khác với nguyên lí sư phạm về bộ SGK. Sản phẩm của tôi căn cứ vào sự phát triển của trẻ em làm chuẩn. Một chương trình hiệu quả hay không là chương trình có mang lại lợi ích cho trẻ mỗi ngày. Học tiếng Việt với tôi là ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy", GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.
"Tôi sẽ không sửa bởi công trình ấy tôi đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh.
Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin. Trẻ con làm được và chúng vui vẻ với điều đó thì sao gọi là quá sức được.
Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay. Tôi đã về hưu và không phụ thuộc vào lương bổng hay làm vì lương bổng. Tôi không nhân danh cái này cái khác mà tôi làm vì đất nước này", GS Hồ Ngọc Đại nói thêm.
GS cũng cho rằng, những giáo viên dạy theo công nghệ giáo dục đều rất hạnh phúc. Các thầy cô thích vì học sinh học đến đâu, chắc đến đấy. Hơn nữa, khi trẻ học và hiểu, bản thân chúng cũng thấy thích thú, như vậy đi học mới thực sự là hạnh phúc.
Nói về tâm trạng khi công trình nghiên cứu cả đời bị đánh đổ, GS Đại cười lớn nói bản thân ông cảm thấy thanh thản, vì đó là bộ sách của Nhà nước, ông ăn lương Nhà nước 50 năm để làm, chứ không phải của riêng mình.
"Việc này giờ không phải là việc của tôi nữa. Quyển sách ấy thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ động bảo tôi là cuốn sách tốt quá, nên nhân rộng ra. Nhưng tôi thấy anh ấy lúng túng, tôi hiểu là không có tiền. Tôi nói luôn: "Tôi cho không đấy". Tôi ăn lương nhà nước 50 năm để tôi làm ra bộ sách ấy, cho nên nó là tài sản nhà nước đầu tư chứ không phải tài sản của tôi. Do vậy, việc này giờ tôi không xử lý được nữa", ông nói.
Song, vị Giáo sư cũng đặt cây hỏi, 15 người trong hội đồng thẩm định hơn, hay hơn 930.000 học sinh đang theo học bộ sách này trong suốt hơn 40 năm qua hơn? Giữa bộ sách đang thuê người viết vội được thông qua hay bộ sách ông nghiên cứu cả đời hơn?
"Thẩm định SGK là việc nghiêm túc, không phải chỉ là cuộc họp biểu quyết thông qua của 15 người".
Khi được hỏi, làm thế nào để bộ sách Công nghệ Giáo dục có thể "sống" được trong khi Bộ GD-ĐT không thẩm định. GS Đại nói rằng: "Không tình huống nào không có lối thoát, vì chân lý sẽ còn tồn tại".
Được biết, hiện sách Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục 1 được triển khai dạy học ở nhiều nhà trường suốt 40 năm qua với khoảng hơn 930.000 học sinh theo học. Sách này xuất phát từ đề tài khoa học cấp Nhà nước được nghiệm thu do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì, sau đó được dạy thử nghiệm thành công ở nhiều địa phương, trong đó có cả các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ./.
Theo VOV
'Sách của GS Hồ Ngọc Đại dạy một mớ kiến thức không cần thiết' Thông tin từ Hội đồng thẩm định cho hay nếu tính chi tiết từng tiêu chí, bản thảo sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại có 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ. Trả lời báo chí chiều 12/9, Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt và Toán đã nêu rõ lý do sách giáo khoa (SGK) Công nghệ Giáo dục...