9.000 y bác sĩ Mỹ nhiễm nCoV
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thống kê tới 9.000 nhân viên y tế lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nCoV.
Ngày 15/2, một bệnh viện ở quận Solano, bang California tiếp nhận bệnh nhân có vấn đề về hô hấp. Khi ấy chính quyền Mỹ chưa ban hành lệnh giãn cách xã hội hay quy định đeo khẩu trang. Trong thời gian người bệnh nằm viện 4 ngày, đội ngũ y tế thực hiện nhiều thủ tục hỗ trợ hô hấp mà không có trang phục bảo hộ chuyên dụng.
11 ngày sau, bệnh nhân được xác định dương tính nCoV. 121 nhân viên y tế đã tiếp xúc gần bệnh nhân, theo CDC. 43 người sau đó biểu hiện triệu chứng như cúm mùa và được xét nghiệm. Kết quả, ba y bác sĩ dương tính. Đây là các nhân viên y tế đầu tiên tại Mỹ bị lây nhiễm chéo nCoV trong khi điều trị bệnh nhân.
Số lượng nhân viên y tế lây nhiễm nCoV tại nước này từ đó tăng lên nhanh chóng. Theo phân tích của CDC công bố hôm 14/4, tính đến ngày 9/4 Mỹ có 9.000 y bác sĩ mắc bệnh.
Nhân viên y tế tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Maimonides, thành phố New York, Mỹ hôm 11/4. Ảnh: NY Times
Trong số đó, hơn một nửa tiếp xúc với virus trong môi trường làm việc. Họ chủ yếu là người da trắng, nữ, độ tuổi 40. Hầu hết triệu chứng không đủ nghiêm trọng để nhập viện. 27 người tử vong. Không nằm ngoài đặc điểm dịch tễ ở Mỹ, những bác sĩ qua đời hầu hết trên 65 tuổi.
Các chuyên gia nhận định các ca nhiễm ở nhân viên y tế thường do thiếu thiết bị xét nghiệm. Một số cơ sở ưu tiên kiểm tra những bệnh nhân nặng nhất, bỏ qua y bác sĩ.
Trường hợp của bệnh nhân ở Solano cho thấy số lượng nhân viên y tế tham gia điều trị cho một ca nhiễm nCoV nhiều đến thế nào. Bệnh viện đã phải tiến hành xét nghiệm cho 22 y tá, 4 chuyên gia trị liệu hô hấp, 4 bác sĩ phẫu thuật, ba trợ lý điều dưỡng, ba bác sĩ, ba nhân viên quét dọn, hai chuyên viên dinh dưỡng và một dược sĩ. Giãn cách xã hội là cần thiết nhưng không đủ để ngăn ngừa lây lan trong cơ sở y tế.
Video đang HOT
CDC lưu ý hai trong số ba bác sĩ nhiễm bệnh “thường xuyên tiếp xúc gần với bệnh nhân”. Một người đã ở trong phòng bệnh ba giờ liền khi bệnh nhân thở máy. Người còn lại trực tiếp đặt nội khí quản.
CDC cũng cho rằng báo cáo mới có thể chưa ghi nhận đầy đủ số lượng nhân viên y tế nhiễm nCoV trong môi trường làm việc vì thống kê không đồng đều trên cả nước. Một số bang cho biết chỉ 3% y bác sĩ nhiễm nCoV. Tuy nhiên trên thực tế con số này lớn hơn nhiều. Các báo cáo đôi khi cũng bỏ sót những trường hợp dương tính không triệu chứng và chưa được xét nghiệm.
Nghiên cứu của CDC làm gia tăng mối lo ngại về môi trường làm việc của nhân viên y tế.
“Điều quan trọng nhất là nỗ lực đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của 18 triệu người trong lực lượng chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc, thường xuyên báo cáo để cải thiện hiệu quả giám sát không chỉ có lợi cho nhân viên y tế, nó còn hiệu quả đối với bất cứ lao động nào trong đại dịch”, thông điệp từ CDC.
Thục Linh
Y bác sĩ rời khỏi nhà để bảo vệ người thân
Nhiều y bác sĩ dù trong tình trạng nghi nhiễm hay chưa vẫn chọn cách dọn ra ngoài sống để tránh nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên gia đình.
Trong lúc Lisa Neuburger, 37 tuổi, ở Minnesota, đang chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 thì ống thở của người này bị rớt ra. Chất từ phổi của bệnh nhân có thể lan ra không khí khiến cô nhiễm bệnh dù cô vẫn mặc đồ bảo hộ. Bởi Lisa không sống một mình, cô đã có con, nên rất lo sợ lây nhiễm cho gia đình.
"Đêm đó, tôi không thể ngủ. Tôi nghĩ, nếu mình về nhà, mình sẽ lây bệnh cho mẹ, bà sẽ chết và đó là lỗi của tôi. Vì vậy, tôi đã phải tìm một cách khác", Neuburger chia sẻ.
Điều dưỡng Neuburger dọn ra ngoài, sống trên xe cắm trại sau khi tiếp xúc với bệnh nhân nCoV. Ảnh: AP
Trên đường đi làm về, cô gọi cho bố. Cô nhờ ông đưa con trai Xander Ponkin lên lầu, trong khi cô đi thẳng xuống tầng hầm để ở. Cô tránh xa những người còn lại trong gia đình trong hai ngày trước khi tìm được xe cắm trại.
Cha tôi bảo tôi hãy ôm ông nhưng tôi không muốn. "Ông nói điều gì xảy ra nếu con bị bệnh và chết? Bố sẽ không được gặp lại con", Neuburger nhớ lại.
Cô đã sử dụng facebook để tìm người cho thuê xe cắm trại với giá 200 USD mỗi tháng. "Tôi cảm thấy mình đang làm tốt nhất có thể. Tôi đang cố gắng. Đôi khi tôi chỉ ngồi đây và khóc. Nhưng sau đó, tôi cảm thấy như mình ngủ ngon hơn khi biết mình không thể lây bệnh cho gia đình".
Không biết khi nào sẽ có thể được ôm con trai 11 tuổi nhưng cô cảm thấy đúng đắn vì đã tự cách ly. Bởi 5 ngày sau, cô bắt đầu có triệu chứng bệnh.
Neuburger là một trong vô số bác sĩ và y tá trên khắp thế giới chọn chuyển đến khách sạn, lều, lán trại, xe cắm trại, nhà xe... tự cách ly để bảo vệ người thân trong lúc chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.
Một số chủ khách sạn đôi khi miễn phí chỗ ở cho các bác sĩ và y tá cần cách ly. Các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cũng kết nối với các đơn vị bất động sản để hỗ trợ nhân viên y tế các căn hộ trống.
Mica Sosa, điều dưỡng tại bệnh viện Phoenix, chuyển ra căn hộ gần nhà để sống trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: AP
Mica Sosa, một điều dưỡng tại khoa ung thư ở bệnh viện Phoenix, người đã chuyển đến căn hộ trống của một người bạn vài tuần trước, chia sẻ: "Thật là kỳ quái khi phải rời khỏi những người mà bạn thân thiết"
Sosa biết cô sẽ không tham gia lễ Phục Sinh với đứa con trai 4 tuổi; sinh nhật lần thứ 71 của mẹ cô và kỷ niệm 7 năm ngày cưới. Một số đồng nghiệp nghĩ rằng cô quyết định rời khỏi nhà là quá sớm. Nhưng mẹ cô và chồng ở nhóm tuổi 60 trở lên, Sosa không muốn tăng thêm nguy cơ nhiễm bệnh cho họ.
Khi đại dịch Covid-19 leo thang, việc lây nhiễm trong nhân viên y tế luôn là mối lo ngại của nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân. Hiện có hàng trăm nhân viên Mỹ nhiễm nCoV vì thiếu đồ bảo hộ cùng trang thiết bị và họ tự mò mẫm chữa cho người bệnh vì chưa có hướng dẫn điều trị. Một số bệnh viện đã hết đồ bảo hộ dùng một lần, buộc các nhân viên y tế phải tái sử dụng đồ cũ.
Tại thành phố Portland, bang Maine, thai phụ Joy Engel ở nhà với đứa con chập chững, còn người chồng bác sĩ dọn ra sống nhờ căn hộ bỏ không của một người bạn.
"Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều cho lần mang thai này và chúng tôi không muốn rủi ro", Engel nói.
Joy Engel. Ảnh: AP
Lê Cầm
Dịch Corona: Vũ Hán siết 'vòng kim cô' Khi Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đến Vũ Hán ngày 6/2, bà nhấn mạnh thành phố đang trong một cuộc chiến và không được có người đào ngũ. Chính quyền Trung Quốc từ ngày 6/2 áp dụng các biện pháp ngày càng quyết liệt ở Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus họ corona mới (nCoV),...