9 năm đến trường trên đôi chân của bạn
Có ai đã từng nói: “Hãy tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Nhưng với riêng tôi, tôi đã đứng lên bằng đôi chân của bạn tôi”. Đó là tâm sự của cô học trò khuyết tật Nguyễn Thị Liên, lớp 11B8, trường THPT Lê Văn Hưu.
Nói đến em Nguyễn Thị Lân, học sinh lớp 11B8, trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, thầy cô và bạn bè trong trường không ai là không biết và cảm phục trước nghị lực, và tình cảm của Lân đối với bạn.
Lân là con cả trong gia đình có ba chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ Lân phải tha hương vào Nam kiếm sống. Là chị cả trong nhà nên Lân sớm trở thành trụ cột chính của gia đình với ông bà nội bị mù lòa, năm nay đã hơn 80 tuổi và hai đứa em thơ.
Hơn 9 năm qua, Liên đến trường trên đôi chân của bạn
Hàng ngày, Lân phải dậy thật sớm để chuẩn bị cơm nước cho ông bà và đưa hai em đến trường. Xong xuôi mọi việc, Lân mới vội vàng cắp sách tới trường. Học xong, lại cập rập về nhà nấu cơm cho ông bà và hai em, rồi dọn dẹp nhà cửa. Tuy còn ít tuổi, nhưng Lân đã phải lo toan mọi công việc chính trong gia đình, thay bố mẹ chăm sóc ông bà và hai em.
Gánh nặng gia đình sớm đè nặng lên đôi vai cô học trò nghèo. Nhưng vượt lên những khó khăn trong cuộc sống, hơn 9 năm qua, hàng ngày cô học trò nghèo Nguyễn Thị Lân vẫn kiên trì làm đôi chân cho bạn đến trường.
Đôi bạn thân nhau từ bé, nhưng điều bất hạnh ập đến với Liên sau một lần em bị sốt cao, biến chứng thành co rút gân trên các khớp trong cơ thể. Liên bị liệt hai chân, mắt phải mờ dần, hai tay cũng teo lại và yếu đi. Không lâu sau, bố Liên lại qua đời do căn bệnh xơ gan. Bản thân mẹ Liên cũng bị căn bệnh tiểu đường dày vò, ăn uống thất thường nên cơ thể suy nhược. Cuộc sống tưởng chừng như sụp đổ trước mặt Liên. Nhiều lần Liên đã phải nghỉ học vì không có ai đưa đón.
Thấy bạn ham học nhưng vì hoàn cảnh tật nguyền, mẹ lại đau ốm triền miên, hai chị gái Liên lại học xa nhà nên Lân đã tới động viên và tình nguyện cõng bạn tới trường. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Liên chưa có xe đạp để đi nên hàng ngày Lân đã làm đôi chân đồng hành cùng bạn đến trường.
Đôi bạn thân thường xuyên trao đổi trong quá trình học tập
Video đang HOT
Những hôm trời nắng, mồ hôi Lân nhễ nhải ướt cả lưng áo. Những hôm trời mưa còn vất vả hơn, nhưng những ngón chân nhỏ bé của em vẫn bám chặt xuống đường để bạn yên tâm đến trường trên chính đôi chân của mình..
Đến cuối năm lớp 4, gia đình Liên mua được một chiếc xe đạp, việc đi lại nhờ đó cũng dễ dàng hơn. Nhưng buổi đầu đi xe chưa thạo, sức còn yếu, thêm vào đó đường làng lại khó đi nên hai bạn cứ bị ngã suốt. “ Lúc đó em cứ ước sao con đường ngắn lại, dễ đi hơn cho bạn em bớt khổ“, Liên tâm sự.
“ Nhiều lần đi xe không vững nên Lân bị té ngã, em không sao nhưng vì Lân lo cho em nên bạn cứ khóc mãi. Em thấy mình thật may mắn vì cuộc sống đã cho em có được người bạn như Lân“, Liên chia sẻ.
Không chỉ là một người bạn tốt, Lân còn là một người con ngoan của gia đình, học trò giỏi của thầy cô. Suốt những năm học qua, Lân đều là học sinh tiên tiến của lớp và tham gia các hoạt động ngoại khóa rất năng nổ. Năm lớp 9, em thi học sinh giỏi và đạt giải khuyến khích môn Văn cấp huyện. Lân còn vinh dự được nhận danh hiệu đoàn viên xuất sắc trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2009″. Năm nào Lân cũng nhận được những phần thưởng và biểu dương trong các hoạt động của đoàn, đội của trường.
Những dòng tâm sự nói lên tình cảm của Liên với người bạn bao năm của mình
Cô Lữ Thị Thanh Thùy, giáo viên chủ nhiệm lớp 11B8 tự hào: “Lân là một học trò rất chăm ngoan, học giỏi và giúp bạn rất chân thành. Em được các thầy cô giáo và bạn bè trong lớp rất quý mến bởi tính khiêm tốn và nghị lực vượt lên khó khăn của mình. Em không bao giờ nhận những công lao của mình trong việc giúp bạn cũng như trong học tập, đặc biệt là không thích ai nói nhiều về bản thân. Tôi đã đọc không nên lời bài văn với tựa đề “Đôi chân của tôi”, mà Liên viết về người bạn của mình”.
Năm nay, đôi bạn ấy là học sinh lớp 11B8, trường THPT Lê Văn Hưu. Do điều kiện đi lại khó khăn nên Liên phải thuê trọ gần trường ở, nhưng hàng ngày Lân vẫn đều đặn đến cõng bạn tới lớp.
Theo Dân Trí
Khâm phục cậu bé "một ngón" viết chữ, vẽ tranh tuyệt đẹp
Từ khi chào đời, mỗi bàn tay của Nguyễn Duy Đạt đã chỉ có duy nhất một ngón. Bằng nỗ lực vươn lên của chính mình, cậu bé Đạt đã tập viết chữ và vẽ tranh rất đẹp. Ước mơ sau này của em là trở thành họa sĩ.
Đến xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có lẽ không mấy ai không biết đến cậu bé Nguyễn Duy Đạt (10 tuổi) ở thôn Hoàng Lý 1. Cậu "nổi tiếng" bởi có tài vẽ tranh và viết chữ rất đẹp dù chỉ với một ngón tay.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình Đạt nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Gặp chúng tôi, Đạt "khoe" đôi bàn tay chỉ với 2 ngón út.
Dù mỗi bàn chỉ có một ngón tay nhưng Đạt viết chữ rất đẹp
10 tuổi, dù đôi tay không lành lặn như bạn bè cùng trang lứa nhưng cơ thể Đạt vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường. Đặc biệt Đạt rất thông minh, sáng dạ. Từ ngày còn bé tí, Đạt đã lấy những mảnh gạch vỡ, kẹp chặt giữa hai bàn tay hầu như không có ngón để tập viết chữ và vẽ tranh trên nền sân.
Lên 6 tuổi, thấy các bạn đi học, Đạt nằng nặc đòi bố mẹ cho đến trường. Lúc đầu, thấy Đạt đến lớp bị bạn bè cười nhạo, bố mẹ Đạt thương con nên để Đạt ở nhà. Nhưng vốn bản chất thông minh lại ham học nên Đạt vẫn quyết tâm đi học.
Giống như đôi tay, đôi chân Đạt mỗi bên cũng chỉ nhú ra một ngón bé tí tẹo. Nhưng ngay từ những ngày đầu đi học, Đạt đã tự mình đến trường mà không cần bố mẹ đưa đón. Cơ thể chịu thiệt thòi nhưng Đạt học rất giỏi và đặc biệt cậu học trò này còn viết chữ, vẽ tranh rất đẹp. Những giờ ra chơi, Đạt thường ngồi lại vẽ tranh, những nét vẽ tuy khó khăn nhưng lại đẹp đến lạ kỳ.
Những nét chữ ngay thẳng và sạch sẽ của Đạt
Với những nỗ lực phi thường của mình và từ những kết quả mà Đạt đã dành được trong quá trình học tập, năm lớp 2, Đạt được nhà trường chọn tham dự cuộc thi vẽ tranh của huyện. Niềm hạnh phúc đã đến với cậu học trò khuyết tật khi bức tranh vẽ về cảnh quê hương với đồng ruộng và cánh diều của em đã giành được giải nhất tại cuộc thi.
Đạt kể về những ngày đầu tập viết bằng một ngón tay của mình: " Hồi mới tập viết hai bàn tay em sưng rốp, đau lắm, em phải đan chéo hai tay mới cầm chặt được bút. Nhưng dần dần em viết quen và thấy thoải mái như bình thường".
Để trổ tài cho chúng tôi thấy, cậu bé lật giở cuốn vở học sinh ra và đôi tay Đạt chụm lại với chỉ một ngón tay út chìa ra ôm trọn cây viết và từ từ đưa từng nét chữ vừa đẹp vừa rất điêu luyện. Nhìn cuốn vở ghi chép của Đạt không một nét nghệch ngoạc hay một chữ nhô ra khỏi dòng kẻ, ít ai nghĩ rằng những nét chữ ấy được viết bởi đôi bàn tay tật nguyền. Những bức tranh vẽ của em cũng đầy đủ gam màu và những đường nét tỉ mỉ mà ít bạn bè bình thường có thể làm được.
Bức tranh em vẽ trong những giờ ra chơi với nhiều gam màu khác nhau
Mỗi bàn tay của Đạt chỉ dài khoảng 6cm và ngón tay duy nhất là ngón út cũng chỉ dài 4cm. Từ gót chân đến bàn chân em cũng chỉ vỏn vẹn có 14cm mà thôi. Không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, từ bé, Đạt đã phải kiên trì luyện tập nên mới có thể đi lại thoải mái được.
Hiện tại Đạt đang học lớp 5, trường tiểu học xã Hoàng Đông. Cô giáo chủ nhiệm của em cho biết, cả bốn năm học vừa qua, Đạt đều là học sinh tiến tiến của lớp. Thấy Đạt học giỏi lại khéo tay nên các bạn trong lớp rất quý mến. Đạt luôn vinh dự khi được nhà trường chọn đi dự thi vở sạch chữ đẹp ở các cuộc thi cấp huyện, tỉnh.
Ngoài những giờ học trên lớp, lúc ở nhà em vẫn giúp đỡ bố mẹ quét dọn nhà cửa, cắt tỉa cây cảnh hay phụ mẹ đan mây giang. Em biết kinh tế gia đình em chẳng mấy dư giả.
Thời gian rảnh, em giúp mẹ những công việc nhẹ trong gia đình
Bà Nguyễn Thị Thỉnh, mẹ Đạt, chia sẻ: " Thương con không được lành lặn như bao đứa trẻ khác, chẳng biết sau này lớn lên có làm được việc gì không. Nhưng dù khó khăn mấy, vợ chồng tôi cũng cố dành dụm tiền nuôi cháu ăn học đến nơi, đến chốn".
Được đi học với Đạt là một niềm hạnh phúc lớn, niềm vui ấy hiện rõ trên đôi mắt long lanh và khuôn mặt khôi ngô của cậu bé tài hoa: " Em ước sau này sẽ trở thành họa sĩ, em sẽ vẽ những bức tranh thật đẹp để tặng bố mẹ, thầy cô và bạn bè mình. Em cũng muốn sau này đi làm có tiền để đỡ đần cho bố mẹ bớt khổ".
Cao Tuân - Duy Tuyên
Theo Dân Trí
Học sinh khuyết tật hào hứng... thử việc Khoảng 70 học sinh khuyết tật tại một trường giáo dục đặc biệt ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đang thử nghiệm vị trí đầu bếp và nhiều công việc khác nhau tại một trung tâm hướng nghiệp của tỉnh này. Thử tay nghề đầu bếp Tập làm bác sĩ Nhập vai diễn hài... ... và mặc đồng phục làm cảnh...