9 điều giáo viên nên quên
Người thầy nên quên 9 điều này để soi lại bản thân nhằm giáo dục học sinh có hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa
1. Hãy quên đi những vẻ mặt xấc xược, những ánh mắt đầy thách thức, những lời nói xúc phạm của học trò. Chúng chỉ là trẻ con. Những biểu hiện đó không do chúng muốn thế mà do chúng không được uốn nắn từ ấu thơ nên mới thành ra như thế.
2. Hãy quên đi xuất thân của học trò. Bất kể chúng được sinh ra trong gia đình giàu có quyền lực hay nghèo khó khổ sở cỡ nào cũng không phải là một đảm bảo cho nhân cách và lòng tự trọng, ý thức nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của chúng.
3. Thành công hay thất bại của học trò chỉ là kết quả cụ thể của một quá trình phấn đấu cụ thể đã qua. Nó không có nhiều ý nghĩa với hiện tại, không đảm bảo cho những gì thuộc về hiện tại. Hãy quên đi và dạy cho học trò của mình cách quên đi để trở nên thực tế hơn với những diễn biến của hiện tại.
4. Hãy quên đi chuyện mình đã từng được học sinh yêu quý, ca ngợi, tôn sùng thế nào trong quá khứ. Mỗi lứa học sinh mới sẽ là những cá thể mới với những vui buồn yêu ghét của chính chúng. Yêu ghét của chúng với chúng ta hình thành ra sao, tàn phai mất mát thế nào đều rất tự nhiên từ ứng xử và những nỗ lực của chúng ta trong hiện tại.
5. Đừng mong mỏi sự đền đáp của học trò. Làm nên thành tựu của chúng không chỉ có công lao của ta đâu. Kể cả chúng ta có thực sự là người khai mở, người đắp bồi và hoàn thiện những năng lực cho chúng thì vai trò của ta cũng chẳng phải là duy nhất.
6. Hãy quên đi những bực bội khó chịu riêng tư của bản thân. Đừng có mang tất cả những hậm hực tức tối ở đẩu đâu ném vào học trò. Chúng không phải là nguyên nhân tạo nên chuyện đó nên không được phép bắt chúng chịu trách nhiệm cho những điều đó.
7. Hãy quên đi những gì tồi tệ ta được nghe, được thấy hoặc đã nghĩ về đồng nghiệp khi ta đứng trước mặt học trò. Việc kể lể về đồng nghiệp với học trò là điều tối kị. Vì chúng không có nhu cầu biết, cũng không thích nghe đâu. Đừng bắt chúng phải nghe bằng tai của ta, nhìn bằng mắt của ta, nghĩ bằng cái đầu của ta về chính những đồng nghiệp của ta. Hãy để chúng tự cảm nhận. Vì chúng có mắt, có tai, có cái đầu biết suy nghĩ độc lập. Hãy dành cơ hội cho chúng phát huy giá trị của những thứ chúng có.
8. Hãy quên chuyện sử dụng quyền lực của mình với học trò. Cái quyền mà ta tưởng ta có chỉ là một thứ quyền lực ảo, nó không có giá trị gì ngoài việc gây tổn thương cho học trò và làm tổn hại chính bản thân ta.
Video đang HOT
9. Khi đến với một lứa học trò mới, hãy quên đi những thành tích hay lỗi lầm của lứa học trò ta đã gắn bó trước đó. Đừng đem ra để so sánh, đối chiếu gây áp lực và đem đến những cảm giác khó chịu cho học trò. Vì chúng chẳng thích bị so sánh, dù để hạ bệ hay để tôn vinh. Và còn vì thực sự chúng chả liên quan gì đến những kí ức mà ta mang giữ. Sao phải rót vào tai chúng những gì vốn không liên quan đến chúng chứ?
Phan Thế Hoài
Theo Dân trí
Lương nhà giáo, con gà có trước hay quả trứng có trước?
Dùng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đưa đất nước phát triển nhanh nhất, bền vững nhất; đơn giản nhất là nâng lương "chiến sĩ diệt giặc dốt".
LTS: Bàn về câu chuyện mức lương của giáo viên, thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra những hiệu quả tác động đến ngành giáo dục khi giáo viên sống được bằng lương.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhiều ý kiến đề nghị, lương giáo viên phải được nâng ngang bằng lương bộ đội, công an!
Bộ đội, công an đang chiến đấu với giặc ngoại xâm, tội phạm, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chế độ, lương cao là đúng rồi.
Nhờ lương cao, có công việc ổn định, không sợ thất nghiệp, nên mới thu hút được học sinh có năng lực học tập vào hai ngành này, tạo nên thế hệ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên".
Giáo viên đang chiến đấu với một lực lượng vô cùng nguy hiểm, nó có thể làm mất nước, mất chế độ, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của mọi dân tộc - Chính là giặc dốt.
Giặc dốt còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó mà biết bao thảm án thương tâm, tham nhũng nổi cộm, ... xảy ra trên đất nước ta, được phạm nhân nói là "không biết".
Nếu được giáo dục tử tế, chắc chắn không thể xảy ra những đau lòng khi phải kỷ luật đồng chí của mình. Người ta đổ lỗi do giáo dục, đào tạo ra lũ "sâu dân, mọt nước" đó!
Tăng lương giáo viên để các thầy cô sống được bằng lương, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa: VTV
Chúng ta thường nghe cụm từ "Học để thay đổi số phận", hay khi nói về một tấm gương thủ khoa, nhà nghèo hiếu học, đều được phụ huynh phát biểu theo kiểu mẫu số chung:
" Tôi nói với con, bố mẹ học ít, nên khổ; cho nên các con cố gắng học để có cuộc sống sung sướng hơn, bố mẹ chịu mọi thiệt thòi, đầu tư cho con học".
Như vậy, một gia đình nghèo khó, biết rằng đầu tư cho con cái học, đầu tư cho tương lai; đầu tư cho giáo dục là làm kinh tế, một vốn, vô cùng lời.
Với quốc gia, bên cạnh chúng ta, Singapore là ví dụ điển hình, đầu tư cho giáo dục bằng biện pháp đơn giản nhất, lương giáo viên cao nhất; thời gian ngắn, từ một "làng chài lạc hậu", sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đầu tư cho giáo dục, chính là nhà giáo sống được bằng lương! Điều kiện tiên quyết cho mọi sự "đổi mới" giáo dục. Chỉ có giáo viên đủ sống, những sự đầu tư khác mới đi vào cuộc sống.
Nếu chờ cho đất nước giàu có, mới nâng lương cho giáo viên đủ sống, thì lúc đó cũng chẳng cần quan tâm đến lương giáo viên.
Nâng lương cho giáo viên đủ sống, nâng cao chất lượng giáo dục, con đường đi đến đất nước giàu có, ngắn nhất. Vậy mới gọi là đầu tư! Vậy mới gọi là quốc sách.
Tranh cãi giữa nâng lương cho giáo viên và ngân sách nhà nước như chúng ta hiện nay, chẳng khác gì tranh cãi con gà có trước hay quả trứng có trước!
Nâng lương cho giáo viên đủ sống bằng lương của mình, chất lượng giáo dục có nâng lên không?
Chắc chắn chất lượng giáo dục nâng lên. Dễ lý giải thôi, con người đó, đã đủ sống bằng công việc của họ, sẽ toàn tâm toàn ý làm công việc đó, hiệu quả công việc chắc chắn sẽ nâng cao. Giáo viên không ngoại lệ!
Nâng lương cho giáo viên đủ sống đủ sống bằng lương của mình, có dẹp được dạy thêm, học thêm không?
Tất yếu nạn dạy thêm sẽ giảm hẳn; dạy thêm học thêm biến tướng hiện nay không dẹp được không phải vì không làm được, mà người làm công việc đó, không muốn làm.
Trong suy nghĩ của họ "Giáo viên nhờ thu nhập dạy thêm để nuôi dạy chính", nên "thông cảm". Còn nếu đủ sống bằng lương rồi, chỉ một tuần sau, không ai còn dạy thêm trái phép. Các hiện tượng tiêu cực khác tất yếu cũng sẽ giảm theo.
Lương đủ sống, các nhà hoạch định chính sách giáo dục sẽ thông thoáng, tìm ra chiến lược, biện pháp, đem lại lợi ích cho người học, cho xã hội, cho đất nước; không còn phải cân đo, giáo viên có đủ ăn để làm việc đó không?
Thầy cô giáo sống được bằng lương, mới đem lại hạnh phúc cho người dạy, người học là một thực tế không tranh cãi.
Dùng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đưa đất nước phát triển nhanh nhất, bền vững nhất; đơn giản nhất là nâng lương "chiến sĩ diệt giặc dốt", sống được bằng lương của mình!
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net.vn
Con nhà giàu dễ thành đạt hơn con nhà nghèo Những đứa trẻ kém tài nhất nhưng sinh ra trong gia đình giàu có có tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao hơn nhóm trẻ tài năng nhất nhưng sinh ra trong gia đình nghèo khó. Đó là một mối nghi ngờ mà nhiều người đã từng đặt ra, nhưng nghi ngờ ấy đã được xác nhận bằng một nghiên cứu được công...