8X Việt học nhờ máy tính trở thành tiến sĩ công nghệ, dạy ở ĐH Hàn Quốc
Từ miền núi xuống Sài Gòn học đại học ngành công nghệ, Thạnh không biết gì về máy tính, nhưng nhờ những cố gắng, anh đã thành công.
Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạnh, 33 tuổi, hiện là Giáo sư tập sự, Trưởng nhóm nghiên cứu mạng Internet vạn vật – Trường Đại Học Soongsil, Hàn Quốc.
Cuối năm 2019, anh được nhận giải thưởng Quả cầu vàng về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Bộ Khoa học Công nghệ. Đồng thời, anh cũng là 1 trong số 20 gương mặt được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019.
‘Nhận được giải thưởng, mình rất vui và tự hào, nhưng nhận thấy trách nhiệm của mình lớn hơn’, Tiến sĩ Thạnh nói.
Tuổi thơ đi câu cá, hái nấm
Tiến sĩ Thạnh trong một giờ dạy ở trường đại học.
Bố Thạnh là bộ đội. Sau giải phóng, ông đưa vợ con rời Hà Nội đến Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới. ‘Tuổi thơ của tôi gắn liền với những buổi chiều đi câu cá và hái nấm để giúp bố mẹ cải thiện bữa cơm gia đình’, Thạnh kể.
Dù điều kiện kinh tế không khá giả nhưng bố mẹ Thạnh luôn tạo điều kiện cho các con đi học đầy đủ. ‘Bố mẹ dạy anh em tôi, nếu muốn vươn lên thì nhất định phải học và học nhiều hơn. Anh em tôi đã luôn phấn đấu để bố mẹ vui’, Thạnh nói.
Tuy nhiên, con đường học hành của Thạnh có một chút gập ghềnh khi anh rời quê Lâm Đồng đến Sài Gòn học đại học.
‘Tôi chọn học ngành công nghệ thông tin mà chưa từng tiếp xúc với nó. Máy tính cá nhân không có. Những ngày mới nhập học, tôi rất bỡ ngỡ’, Thạnh kể. Sau đó, anh nghĩ, có thể điểm xuất phát mình thấp nhất, nhưng mỗi ngày kiên trì một chút anh sẽ không phải là người cuối cùng về đích.
Thạnh cho biết, trước khi học đại học, anh không biết gì về công nghệ.
Thạnh quyết tâm trở thành sinh viên có thành tích tốt, săn học bổng bằng những nỗ lực của chính mình. ‘Bố mẹ phải nuôi cả mình và anh trai học đại học nên rất khó khăn. Mình muốn tự lập và tự mua chiếc máy tính bằng tiền làm thêm’, Thạnh kể.
Giờ lên lớp, Thạnh chăm chỉ đọc sách, tận dụng thời gian tìm tòi, học thực hành ở máy tính của nhà trường để tiết kiệm. Thời gian rảnh, anh đi làm gia sư, phục vụ ở các quán ăn, nhà hàng rồi đi bán hàng kiếm tiền trang trải cuộc sống sinh viên.
Video đang HOT
Đến năm thứ hai đại học, Thạnh tự mua được máy tính.
Thạnh cũng nỗ lực rất nhiều trong việc học tiếng Anh. Vì không có điều kiện học ở trung tâm, Thạnh tự học ngữ pháp và viết. Phần luyện nói, anh cùng một vài người bạn thành lập câu lạc bộ tiếng Anh miễn phí để cả nhóm vừa có cơ hội tham gia nói chuyện tiếng Anh với người nước ngoài vừa có cơ hội tham gia làm tình nguyện cùng họ. ‘Đó là cách học tiếng Anh của mình, vừa miễn phí, lại vừa ‘thực chiến”, Thạnh hài hước.
Nhờ những nỗ lực của mình, từ một chàng trai miền núi, mù mờ về công nghệ thông tin, Thạnh đã cho vào bộ sưu tập của mình học bổng trị giá $10,000 của hãng viễn thông Hàn Quốc SKT và là một trong những sinh viên được tốt nghiệp trước thời hạn.
Với những nỗ lực của mình, anh đã săn được học bổng, trở thành sinh viên giỏi về ngành công nghệ thông tin.
‘Để học nâng cao về công nghệ, tôi nghĩ, phải đi du học. Tôi may mắn nhận được học bổng cao học của trường Đại học Soongsil, Hàn Quốc, và Đại học Paris, Pháp. Tôi chọn trường Soongsil vì nghĩ mình có duyên’, Thạnh nói.
Thành công nhờ có vợ ở phía sau
Lúc mới đến xứ sở kim chi, Thạnh đã gặp phải những khó khăn về nghiên cứu do ngành học cao học khác với ngành học đại học. Nhưng nhờ kiên trì học hỏi và tìm tòi khám phá, anh đã vượt qua những khó khăn ban đầu.
Tốt nghiệp cao học, Thạnh được các trường đại học trong nước mời về giảng dạy, nhưng anh quyết định ở lại Hàn Quốc để tiếp tục con đường nghiên cứu. ‘Một phần trong quyết định ấy là vì gia đình. Vợ tôi cũng làm tiến sĩ ở Hàn. Thế mạnh của cô ấy là tiếng Hàn. Sau khi làm tiến sĩ xong, cô ấy ở nhà sinh và chăm sóc em bé, gác lại nhiều ước mơ và dự định. Vợ đã hy sinh cho gia đình như vậy, tôi là chồng nên phải nỗ lực nhiều hơn’, Tiến sĩ Thạnh chia sẻ.
Hiện, vợ chồng Tiến sĩ Thạnh đang sống tại Hàn Quốc. Thời gian tới, khi hai vợ chồng hoàn thành xong các dự định thì sẽ cân nhắc việc về nước.
Anh cho biết, khi còn làm nghiên cứu sinh, anh tham gia tối ưu tìm kiếm với Amazon để mang lại thu nhập. Còn bây giờ, anh là ‘nhân viên’ cho công ty của vợ. Tuy nhiên, dù làm công việc gì, mục tiêu Thạnh hướng đến vẫn là giáo dục.
Hiện, Thạnh đang nghiên cứu về Internet vạn vật và các thế hệ mạng tương lai. Song song đó, anh cùng vợ tham gia nhiều dự án chính phủ Hàn Quốc tài trợ đào tạo cho các bộ ngành, các trường đại học, chương trình hỗ trợ đào tạo cho thanh niên thất nghiệp; các giải pháp số hóa giúp giải quyết những vấn đề cụ thể của Việt Nam từ ô nhiễm môi trường tới giáo dục và quản lý…
Tiến sĩ Thạnh cho biết, thành công của anh hôm nay là nhờ có sự hỗ trợ lớn của vợ phía sau.
Thạnh cũng cho biết, vì hai vợ chồng cùng làm nghiên cứu nên cũng có những khó khăn. Nhiều hôm tới hạn làm dự án, con ốm, hai vợ chồng phải làm tới đêm, rồi cùng nhau thức trông con.
‘May mắn, vợ chồng mình cùng đồng lòng và có sự giúp sức của bố mẹ hai bên. Tuy nhiên, hiện mọi khó khăn đã lùi lại, gia đình mình đang có cuộc sống ổn định ở Hàn Quốc. Em bé thứ hai vừa tròn một tuổi. Thành công của mình hôm nay là nhờ có bàn tay của vợ phía sau. Thời gian tới, mình muốn dành thời gian nhiều hơn để vợ phát huy thế mạnh bản thân và làm các dự định của cô ấy’, Thạnh nói, giọng biết ơn.
Thông qua câu chuyện của mình, Thạnh muốn nhắn với các bạn trẻ rằng, đừng tự giới hạn bản thân dù điểm xuất phát của bạn có thể thấp, hãy cứ kiên trì và ham học hỏi từng ngày, mọi việc sẽ thay đổi dù sớm hay muộn.
‘Tương lai của mình do chính những việc mình làm ngày hôm nay quyết định. Everything is difficult before it is easy, so just do it – Mọi thứ đều khó trước khi chúng trở nên dễ dàng, vì thế cứ bắt tay vào làm rồi mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn’.
TS Đinh Ngọc Thạnh đang là 1 trong số 20 gương mặt được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019.
Giải thưởng do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức thường niên. 20 gương mặt đề cử năm nay được chọn ra từ 137 hồ sơ từ 39 đơn vị thuộc 10 lĩnh vực: Học tập; Nghiên cứu khoa học – sáng tạo; Lao động sản xuất; Kinh doanh – khởi nghiệp; Quốc phòng; An ninh trật tự; Thể dục thể thao; Văn hóa nghệ thuật; Hoạt động xã hội; Quản lý hành chính nhà nước.
Vòng bình chọn trực tuyến diễn ra từ ngày 10/2 đến 29/2/2020 tại địa chỉ www.tainangtrevietnam.vn
Sau khi có kết quả bình chọn trực tuyến, hội đồng sẽ họp phiên cuối cùng vào đầu tháng 3/2020 để chọn ra 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019.
Tú Anh
Theo vietnamnet
Năm ấm áp của PGS Khôi
"Sự thành công của tôi hôm nay có công rất lớn của gia đình đặc biệt là ba và bác ruột và những người thầy"- PGS Đào Nguyên Khôi, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM chia sẻ.
Tôi gặp PGS Đào Nguyên Khôi vào một chiều cuối năm Kỷ Hợi. 35 tuổi anh Khôi hiện là phó trưởng khoa môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Năm nay anh cũng được công nhận đạt chuẩn phó giáo sư. Đặc biệt niềm vui nhân đôi khi anh là một trong 10 nhà nghiên cứu nhận Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2019, rồi một trong 12 công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM.
PGS Đào Nguyên Khôi được trao thưởng Quả Cầu Vàng 2019
Anh Khôi bảo những giải thưởng thể hiện sự cố gắng trong nhiều năm như thừa nhận những nỗ lực của bản thân, nhưng không phải là cái đích để hướng tới. Với vai trò là giảng viên anh muốn làm những điều thiết thực cho sinh viên. Còn ở lĩnh vực nghiên cứu phải tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao.
Anh Khôi quan niệm người thầy đứng trên bục giảng đầu tiên phải chuẩn mực không chỉ về kiến thức mà còn nhân cách. Để dạy tốt không những cần chuyên môn vững mà phải nghiên cứu tìm tòi cái mới để có thực tiến. Người thầy phải thoát ra khỏi sách giáo khoa, thoát ra khỏi bản thân.
Tôi học tập tính ba và được truyền cảm hứng từ bác ruột
Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, trong một gia đình có ba là viên chức ngành công đoàn, còn mẹ là nhân viên ngành xuất bản, nghề giáo với anh là sự kết hợp học những đức tính của ba và của người bác ruột. Anh bảo chính ba đã truyền cho mình ý chí mạnh mẽ để học tập. Đặc biệt bằng tình thương yêu vô bờ bến, tư tưởng tiến bộ, ba mẹ anh đã cho con quyền tự quyết định cuộc đời.
"Đến bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh ba ngày xưa. Lúc đó dù ba đã là một viên chức công đoàn dạy dạn, đã lớn tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn tranh thủ chạy xe đi học để trau dồi thêm nghiệp vụ chuyên môn. Ông bảo với tôi sự học là không ngưng, không tuổi tác. Tôi tự nhủ với bản thân "đấy" ba lớn tuổi rồi, đã có công việc ổn định vẫn đi học thì tại sao mình lại không"- anh Khôi kể.
Anh bảo chính ba đã truyền cho anh tính kiên trì, chịu khó.
Những ngày còn là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, nhờ được truyền cảm hứng từ người bác ruột làm việc ở Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, anh Khôi đã mạnh dạn đi theo con đường nghiên cứu khoa học.
"Bác là người khuyến khích và chia sẻ rằng một khi đã theo đuổi nghiên cứu thì phải nỗ lực, cố gắng".
Hai người thầy quan trọng
PGS Đào Nguyên Khôi bảo, trên con đường nghiên cứu của anh có nhiều sự may mắn. Đặc biệt trong những năm tháng học đại học anh đã gặp được những người thầy, người cô nhiệt tình hướng dẫn, mở đường cho anh đến với hướng nghiên hiện nay.
Hai trong số những người thầy này chính là giáo sư Nguyễn Kỳ Phùng, hiện là phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM và PGS.TS Nguyễn Thị Bảy, đang công tác ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Thầy Phùng và cô Bảy đã định hướng, truyền đam mê cho anh. Không chỉ vậy, họ còn là tấm gương mà anh học được sự tận tụy, lối sống khiêm nhường.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Nhật Bản, anh Khôi không ngần ngại về nước và về trường cũ công tác. Ngoài giảng dạy, tới nay anh Khôi công bố được hơn 60 bài báo khoa học trên các tạp chí và tuyển tập hội nghị trong và ngoài nước, trong đó có 17 bài báo trong danh mục ISI và 06 bài báo trong danh mục Scopus . Anh đã hướng dẫn thành công hơn 25 sinh viên đại học và 20 học viên cao học hoàn thành đề tài tốt nghiệp...
"Nghiên cứu khoa học không phải là con đường trải hoa hồng. Tôi từng nhiều va vấp nhưng sau mỗi lần thất bại lại có thêm động lực. Khi nghiên cứu tôi từng bị từ chối rất nhiều công bố, thậm chí có một bài báo nhưng bị từ chối không dưới 2 lần và phải mất 2 năm chính sửa và được công bố lại. Những lần như thế, tôi rút ra bài học là nhìn vào sự nỗ lực, kiên trì của ba, của bác mình ngày xưa, của những người thầy đã dạy mình mà tiếp tục"- anh nói.
Anh Khôi bảo điều anh đang hướng tới hiện nay thông qua các quỹ nghiên cứu để hỗ trợ bạn trẻ trên con đường khoa học. Với nghiên cứu anh sẽ đầu tư những đề tài thực tế và có tính ứng dụng cao.
Lê Huyền
The vietnamnet
Tài sản duy nhất cha mẹ nghèo để lại cho anh em tiến sỹ Giàu Người cha quan niệm, "dù có chết cũng không để lại cho con bất cứ tài sản gì" ngoài thứ duy nhất. TS. Võ Văn Giàu (SN 1986) - nhà nghiên cứu vừa đoạt giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2019 là một người con của vùng đất Quảng Nam. Anh kể, tuổi thơ gắn liền với...