85% người dùng Internet Việt lên mạng xem video
Có đến 24% người dùng bắt đầu biết và sử dụng Internet khi họ sở hữu điện thoại thông minh (smartphone). Đây cũng là thiết bị dùng truy cập Internet nhiều nhất.
Bà Sophie Trần (giữa) – Giám đốc marketing Việt Nam (Google châu Á – Thái Bình Dương) – trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Tiến Long
Đây là số liệu được Google công bố về xu hướng “smartphone đang số hóa Việt Nam” qua nghiên cứu Hành vi trực tuyến của người tiêu dùng 2014 (Global Connected Consumer Study 2014) do Công ty nghiên cứu thị trường TNS thực hiện trong quý I và II/2014 đối với 1.000 người tham gia khảo sát có độ tuổi từ 16 trở lên tại mỗi quốc gia (trong đó có Việt Nam). Nghiên cứu thực hiện tại 56 quốc gia, không bao gồm Mỹ.
Smartphone: “Công thần” số hóa VN
Video đang HOT
Kết quả nghiên cứu từ thị trường công nghệ kết nối Internet cho thấy smartphone đang góp phần rất lớn vào kỷ nguyên số hóa tại Việt Nam. Tỉ lệ dân số sử dụng smartphone tại Việt Nam đã tăng lên hơn 36%, gần gấp đôi so với tỉ lệ 20% của năm 2013. Trong khi tỉ lệ dùng máy tính để bàn (desktop PC) chỉ tăng gần 5%, đạt 44% dân số. Đáng chú ý, có đến 24% người dùng Internet chỉ bằng smartphone.
Theo Google, những con số tăng trưởng lạc quan này đến từ nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là thái độ lạc quan, thích nghi nhanh với công nghệ mới và độ phủ rộng của smartphone.
“Người Việt rất cởi mở và lạc quan với công nghệ mới, hơn 59% cho rằng công nghệ mới mang đến nhiều cơ hội hơn là rủi ro”. Thái độ lạc quan này hơn hẳn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Tỉ lệ gia tăng người sử dụng smartphone chủ yếu ở giới trẻ, độ tuổi 16-24, tăng gấp đôi chỉ sau một năm (từ 27% lên 58%). Mặc dù sự gia tăng diễn ra trên tất cả nhóm tuổi nhưng nhóm người dùng này đặc biệt yêu thích và chủ động tiếp cận công nghệ mới, bao gồm smartphone, đồng thời là nhóm thường truy cập Internet nhất.
Bên cạnh đó giá thành smartphone ngày càng rẻ. Phân khúc smartphone bình dân hiện rất đa dạng, giá 2-3 triệu đồng, tạo cơ hội cho mọi người, bao gồm học sinh sinh viên, sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Hạ tầng mạng tại Việt Nam có độ phủ rộng đưa người dùng lên mạng.
Người Việt làm gì trên mạng?
Câu trả lời chủ yếu là giải trí, trong đó thường xem video là thói quen của người Việt khi lên mạng. Tỉ lệ 85% đưa người Việt vào vị trí thứ ba sau Trung Quốc (92%) và Saudi Arabia (97%) trong danh sách các quốc gia có người dân xem video trực tuyến nhiều nhất. Trong đó 75% người khảo sát cho biết xem video trực tuyến trên smartphone.
Tuy nhiên, cập nhật tin tức trên mạng mới là thói quen yêu thích nhất của người Việt, chiếm tỉ lệ 95%. Ngoài các báo điện tử, trang tin, các nguồn tin tức khác như mạng xã hội, blog cũng có tỉ lệ truy cập cao.
Số liệu nghiên cứu còn thể hiện mức độ tin tưởng của người Việt vào thông tin trên Internet, qua đó ảnh hưởng đến quyết định mua sắm. Người dùng tìm kiếm thông tin trên Internet chiếm 93%, chỉ đứng sau thói quen cập nhật tin tức, 69% thường tìm thông tin trực tuyến về sản phẩm, 42% so sánh giá cả trực tuyến và 28% mua hàng trực tuyến. Điều này là tín hiệu lạc quan không chỉ cho ngành thương mại điện tử mà còn là cơ hội quảng bá hiệu quả cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp còn chậm chân “di động”
Khảo sát của Google cho thấy hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chưa theo kịp xu hướng di động hóa bùng nổ này.
Theo bà Sophie Trần – giám đốc marketing Việt Nam, Google châu Á – Thái Bình Dương, doanh nghiệp cần bắt đầu những bước cơ bản trong xu hướng di động hóa, như cần đảm bảo trang web công ty có thể hiển thị tốt trên các thiết bị di động. Bốn trong năm doanh nghiệp Việt Nam không tối ưu hóa website trên phiên bản di động.
“Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược di động, cần nghĩ xa hơn thay vì chỉ tạo ra một ứng dụng di động. Họ cần bắt đầu từ việc hiểu rõ mục tiêu mình muốn đạt được qua di động là gì. Họ cũng phải hiểu rõ khách hàng mục tiêu của mình, ngữ cảnh mà khách hàng sẽ gặp phải khi sử dụng thiết bị di động và làm thế nào để tiếp cận họ hiệu quả nhất. Qua đó, xây dựng được chiến lược phù hợp”.
Theo Thanh Trực/Tuổi Trẻ