80% ngân sách chi cho giáo dục dùng để trả lương
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tỷ lệ này không hợp lý, cần cơ cấu lại; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quỹ lương cho đơn vị sự nghiệp rất lớn, nhưng chất lượng hoạt động không cao.
Sáng nay, tại trụ sở Chính phủ, Bộ Nội vụ báo cáo đề cương đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian qua các đơn vị sự nghiệp mở ra với 2,1 triệu viên chức, chưa kể số công chức quản lý đi kèm. Sức ép biên chế và quỹ lương rất lớn, chất lượng hoạt động cũng không cao. “Nếu cứ bao cấp thì chất lượng rất kém. Như giáo dục đại học hiện nay, sinh viên ra trường không có việc làm, kỹ sư không ra kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ cũng thế”, ông Đam nói.
Theo Phó thủ tướng, hiện có sự nhầm lẫn tự chủ là tự lo kinh phí, nhà nước không cho nữa nên ai cũng sợ. Nhưng thực tế có 3 nhóm tự chủ gồm: chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính. Tự chủ tài chính không có nghĩa là ngân sách không hỗ trợ mà nhà nước vẫn có ngân sách đầu tư, thay vì cào bằng thì cấp theo đầu ra và hỗ trợ đối tượng người thụ hưởng.
Video đang HOT
Đi sâu vào lĩnh vực giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra những năm gần đây, nhiều trường hàng năm vẫn nhận đều đặn 10 tỷ đồng với trung cấp, và 20 tỷ đồng với đại học dù chỉ tiêu đào tạo ít hay nhiều. “Bây giờ cần đầu tư theo đối tượng. Nhà nước khuyến khích ngành nghề gì thì ưu tiên ngành đó, có học bổng cho con em miền núi, người diện chính sách và hỗ trợ thông qua chương trình nghiên cứu khoa học”, ông Đam nói.
Hiện nay, chỉ có gần 20 trường tự chủ, trong khi cả nước có 400 đại học, cao đẳng. Vì vậy Phó thủ tướng mong Bộ Tài chính cho phép các trường tự chủ về chuyên môn từ bây giờ để khuyến khích tiến đến tự chủ hoàn toàn.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
Với số lượng giáo viên đại học tới gần 70.000, giáo viên dạy nghề 75.600, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hiện tới 80% là chi cho con người, còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình. Tỷ lệ này không hợp lý, cần cơ cấu lại.
“Tại sao muốn đào tạo chất lượng cao nhưng lại đòi miễn học phí, làm gì có chuyện đó. Hiện một số đơn vị còn không muốn tự chủ, vẫn giơ hai túi, một túi xã hội hóa, một túi xin ngân sách, như vậy là không thể chấp nhận”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Theo ông, mục tiêu số 1 của đề án là cần tạo điều kiện cơ cấu lại chi ngân sách và giảm biên chế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.
Xem lại nhân viên y tế và kế toán trong trường học
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, lĩnh vực y tế không thể nói giảm biên chế vì thế giới có một bác sĩ trên 10.000 dân, trong khi Việt Nam là 0,7. Điều dưỡng viên các nước là 3-10 người trên 10.000 dân, Việt Nam chưa được 1,5. Số điều dưỡng viên trên bác sĩ ở ta cũng rất thấp, chưa được gấp đôi trong khi các nước đã là 7-8. Như vậy y tế phải tăng chứ không giảm. Khi các bệnh viện tự chủ nguồn thu thì để họ tự chủ nhận thêm người.
“Hiện có 40.000 nhân viên y tế ở các trường phổ thông, tại sao không trở thành nhân viên y tế cơ sở, tiến tới y tế cơ sở tự chủ”, ông Đam góp ý.
Phó thủ tướng cũng cho rằng, nhân viên phụ trách kế toán ở các trường khoảng 40.000. Một xã có 2-3 trường, vì vậy một nhân viên kế toán có thể làm cho cả mấy trường này vì thu chi các trường không nhiều. “Nếu làm được thì sẽ giảm 10% biên chế với 200.000 người là không khó”, Phó thủ tướng khẳng định.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, muốn đổi mới, sắp xếp gì thì đều nằm trong bài toán giá, phí, thu, chi ngân sách. Có tự chủ tài chính thì mới có quyền tổ chức bộ máy. Như bệnh viện tự chủ rồi thì toàn quyền tăng số điều dưỡng, nhưng nếu bệnh viện công thì không thể tăng được.
“Chúng ta sắp xếp không lo xã hội mất việc làm, các đơn vị khi tự chủ sẽ tuyển nhiều, từ đó nhu cầu lao động sẽ tăng lên. Động chạm đến tiền nong, con người là khó vô cùng, vì vậy cần làm quyết liệt, chọn một số mô hình tốt để chia sẻ kinh nghiệm”, Phó thủ tướng nói.
Theo VNE