8 tác phẩm điện ảnh khiến các hãng phim bị xóa sổ
Lần lượt “ The Golden Compass”, “ Mars Needs Mom”, “ Superman IV” từng khiến các hãng sản xuất rơi vào tình cảnh bị thâu tóm hoặc phá sản.
Trailer Mars Needs Moms
Mars Needs Moms (2011): Robert Zemeckis có một sự nghiệp điện ảnh lên xuống thất thường. Ông đứng sau Forrest Gump (1994) và Back to the Future (1985), nhưng đồng thời cho ra đời những tựa phim nhạt nhòa như What Lies Beneath (2000) hay Welcome to Marwen (2018). Dù Zemeckis không trực tiếp làm đạo diễn, công ty của ông là ImageMovers đã hợp tác đầu tư cùng Disney để sản xuất Mars Needs Moms .
Kết quả là bộ phim lỗ nặng khi chỉ thu về 39 triệu USD so với kinh phí lên tới 150 triệu USD. Nguyên nhân công chúng không hứng thú với bộ phim bắt nguồn từ công nghệ ghi hình chuyển động (motion capture) mà Zemeckis từng áp dụng cho A Christmas Carol nay khiến Mars Needs Moms trông vừa kỳ quặc, vừa ghê rợn. Thậm chí, từ trước lúc bộ phim công chiếu, các bên đã tuyên bố đơn vị ImageMovers Digital sẽ ngừng hoạt động.
Trailer The Golden Compass
The Golden Compass (2007) : Từ năm 1967, New Line Cinema đã gây dựng tiếng tăm qua nhiều dự án đầy hoài bão. A Nightmare on Elm Street cùng Teenage Mutant Ninja Turtles từng là thành tựu lớn nhất của hãng cho đến khi loạt chuyển thể The Lord of The Rings ra đời đầu thế kỷ XXI và đạt tổng doanh thu phòng vé gần 3 tỷ USD toàn cầu. Từ thành công vang dội ấy, New Line đầu tư 180 triệu USD vào một dự án giả tưởng chuyển thể khác là His Dark Materials của nhà văn Philip Pullman, với ước mơ biến đây thành thương hiệu điện ảnh mới.
Thật không may, thương hiệu “chết yểu” bởi doanh thu bộ phim mở đầu không tốt như kỳ vọng. Tồi tệ hơn, The Golden Compass chỉ thu 70 triệu USD tại Bắc Mỹ, nhưng New Line không kiếm được đồng nào từ quá trình phát hành quốc tế do đã bán quyền này trước đó để chi trả cho quá trình sản xuất. Toàn bộ dự án bị cho là sai lầm từ phía công ty mẹ Time Warner, và New Line bị thôn tính bởi Warner Bros. chỉ hai tháng sau đó.
Looney Tunes: Back in Action (2003): Đầu những năm 2000, tài tử Xác ướp Ai Cập Brendan Fraser là ngôi sao sáng giá. Loạt phim The Mummy đã khiến Hollywood quyết tâm đưa anh vào mọi dự án có thể, nhưng thất bại mang tên Looney Tunes đã khiến mọi chuyện thay đổi. Warner Bros. muốn đây là hậu truyện cho Space Jam (1996), nhưng Michael Jordan từ chối trở lại. Hãng bèn đổi tên dự án thành Spy Jam và cố chào mời Thành Long, nhưng cũng không thành công.
Cuối cùng, đạo diễn Joe Dante được chọn lựa để dẫn dắt dự án. Tiếc thay, dù là người hâm mộ thương hiệu lâu năm, Dante không được tự do sáng tạo. Điều đó thể hiện rất rõ qua những chi tiết cẩu thả bị nhồi vào mạch phim vốn đã trúc trắc. Doanh thu 68,5 triệu USD so với kinh phí 80 triệu USD khiến Warner Bros. nhanh chóng hủy bỏ kế hoạch phát triển tiếp thương hiệu, đồng thời giải thể luôn đơn vị hoạt hình Warner Brothers Feature Animation.
Battlefield Earth (2000): Là tín đồ trung thành của Khoa luận giáo (Scientology), tài tử John Travolta đã cố gắng trong nhiều năm để chuyển thể nguyên tác cùng tên của người thành lập giáo phái L. Ron Hubbard lên màn ảnh rộng. Đến năm 1998, nam diễn viên mới tìm thấy nhà tài trợ là hãng phim mới Franchise Pictures. Song, doanh thu phòng vé của Battlefield Earth không bằng một nửa vốn sản xuất, còn giới phê bình chỉ trích bộ phim về mọi mặt, từ đạo diễn cho đến hiệu ứng kỹ xảo.
Sau này, ban lãnh đạo của Franchise bị kết tội thổi phồng chi phí làm phim để lừa nhà đầu tư. Công ty nộp đơn tuyên bố phá sản vào năm 2007, để lại di sản là hàng loạt thỏa thuận lừa đảo, cùng tác phẩm thường xuyên bị liệt vào danh sách những bộ phim tệ hại nhất mọi thời đại. Ngoài ra, sự nghiệp của John Travolta tiếp tục lao đao kể từ sau bộ phim trong suốt 20 năm qua.
Superman IV: The Quest for Peace (1987) : Ngành điện ảnh bước sang trang mới khi phim nhựa đầu tiên về Siêu Nhân chạm đến màn ảnh rộng vào năm 1978. Gây tiếng vang nhờ hiệu ứng kỹ xảo cũng như những khoảnh khắc xúc động trong phim, Superman đã báo trước tiềm năng của dòng phim siêu anh hùng tại Hollywood. Lẽ đương nhiên, ba phần hậu truyện tiếp tục ra mắt để thu về càng nhiều lợi nhuận càng tốt.
Song, đến Superman IV , bộ phim trông thực sự rẻ tiền. Trong cảnh Siêu Nhân tiếp cận tòa nhà Liên Hợp quốc ở New York, khán giả dễ dàng nhận ra bối cảnh không phải ở Mỹ. Thực chất, trường đoạn được quay tại thị trấn Milton Keynes, Anh, và đoàn phim cũng không thèm chỉnh sửa cho giống xứ sở cờ hoa. Hãng Cannon Group vẫn đứng trên bờ vực phá sản dù đã cắt kinh phí chỉ còn khoảng 18 triệu USD – tức bằng một nửa các phần trước. Một năm sau thất bại của Superman IV , Pathe Communications mua lại hãng phim và cái tên Cannon Group chính thức trôi vào dĩ vãng.
Heaven’s Gate (1980): Từ giữa thập kỷ 1960 đến đầu thập kỷ 1980, Hollywood là thiên đường cho các thử nghiệm điện ảnh. Những nhà làm phim tiên phong như Martin Scorsese, Robert Altman và Francis Ford Coppola đều đi lên từ thời kỳ này, nhưng thời hoàng kim nào rồi cũng phải kết thúc. Sau chiến thắng tại Oscar với The Deer Hunter (1978), Michael Cimino quyết định đưa xung đột giữa giới địa chủ và dân khai hoang ở Wyoming cuối thế kỷ XIX lên màn ảnh với Heaven’s Gate .
Khi ra mắt, bộ phim vấp phải sự chỉ trích từ mọi phía trong ngành điện ảnh, đến nỗi hãng United Artists phải dừng chiếu tác phẩm chỉ sau một tuần ra mắt. Heaven’s Gate bị coi là một trong những bộ phim dở nhất lịch sử, nhưng hãng vẫn cố phát hành nó một năm sau đó dưới phiên bản của đạo diễn (director’s cut). Với doanh thu vỏn vẹn 3,5 triệu USD so với kinh phí 44 triệu USD, bộ phim khiến United Artists phải ngừng hoạt động trước khi sáp nhập vào MGM.
The Lady Vanishes (1979) : Hãng Hammer Productions và đạo diễn Alfred Hitchcock là hai trong số những cái tên khổng lồ của ngành điện ảnh nước Anh. Nhờ thương hiệu “Hammer Horror” – ý chỉ những tác phẩm kinh dị kinh điển của hãng như The Quatermass Xperiment (1955) hay Dracula (1958), họ vẫn duy trì được danh tiếng đến ngày nay. Về phần Hitchcock, tên ông luôn gắn liền với những tượng đài như Psycho (1960) và Vertigo (1958). Khi hãng Hammer làm lại kiệt tác năm 1938 của Hitchcock, kế hoạch tưởng chừng sẽ đem lại thành công.
Cuối những năm 1970, phong cách gothic trong phim của Hammer không còn được ưa chuộng, nên hãng muốn tận dụng The Lady Vanishes để chuyển hướng. Nhưng cả công chúng lẫn giới phê bình đều không mấy mặn mà với sự thay đổi. Bộ phim trở thành là giọt nước tràn ly sau chuỗi dự án thất bại, khiến hãng phim phải ngừng hoạt động. Sau lần cải tổ năm 2007, Hammer trở thành bến đỗ cho những dự án kinh dị không quá tiếng tăm và khó có thể trở lại thời hoàng kim.
It’s a Wonderful Life (1946): Trước Thế chiến II, Frank Capra đã là một huyền thoại Hollywood với ba giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc . Trở lại từ chiến trường vào năm 1945, ông thành lập công ty Liberty Films cùng đồng đội, và tựa phim đầu tiên của họ là It’s a Wonderful Life . Thuộc nhóm các tác phẩm Giáng sinh kinh điển với thành tích phòng vé không tệ, nhưng doanh thu của bộ phim không bù đắp nổi chi phí sản xuất, chưa kể đến các khoản chi khác.
Sau chưa đầy một năm kể từ khi thành lập, Liberty bị Paramount thu mua, còn Capra và cộng sự bị hãng này ràng buộc bằng các hợp đồng làm phim. Sau này, Liberty chỉ ra mắt thêm hai tác phẩm trước khi chính thức tan rã vào năm 1951. Capra có lần nói về công ty của bản thân rằng: “Mục đích của hãng là gây ảnh hưởng đến xu hướng làm phim của Hollywood, giúp bốn người lính trở nên giàu có bằng công sức của chính họ. Song, tác phẩm đã phá hủy sự nghiệp của tôi”.
10 ý tưởng điện ảnh thú vị bị lãng phí
"Hancock", "In Time", "Prometheus" hay "Age of Ultron" là những bộ phim đặt ra ý tưởng nội dung hấp dẫn, nhưng lại không được khai thác triệt để.
Star Wars: Episode I - The Phantom Menace (1999): Chuyện gì xảy ra trước ba phần phim Star Wars? Mối quan hệ giữa Ben Kenobi với Anakin Skywalker ra sao? Anakin tại sao lại trở thành Darth Vader? Có quá nhiều câu hỏi hấp dẫn khán giả mong loạt tiền truyện Star Wars trả lời. Nhưng kỳ vọng quá lớn có lẽ đã giết chết The Phantom Menace. Bàn tay của George Lucas không còn màu nhiệm như xưa khi kỹ xảo điện ảnh trong phim bị lạm dụng, các nhân vật được xây dựng tẻ nhạt, dàn diễn viên non kém kinh nghiệm thấy rõ... Anakin Skywalker khiến người xem khó chịu hơn là cảm thông, và nguồn gốc của Darth Vader dường như làm giảm giá trị ác nhân. Attack of the Clones (2002) không khá hơn là bao; và phải tới Revenge of the Sith (2005), mọi chuyện mới có chút tiến triển, nhưng đã quá muộn.
The Matrix Reloaded (2003): Sự ăn khách của The Matrix (1999) khiến các nhà sản xuất không thể bỏ qua cơ hội làm phần tiếp theo. Warner Bros. biến Ma trận thành bộ ba phim (trilogy). Nhưng càng thực hiện, họ càng cho thấy lẽ ra The Matrix nên là một tác phẩm độc lập. Đem tới thêm nhiều cảnh quay hành động hoành tráng, nhưng tính bí ẩn xoay quanh "ma trận" trong phim không còn nữa. Sự rối rắm về mặt nội dung cũng là thách thức không nhỏ đối với khán giả đại chúng. Tuy nhiên, The Matrix tới đây sẽ có tiếp phần bốn.
The Golden Compass (2007): Nguyên tác văn học His Dark Materials vốn được đánh giá rất cao, với không ít tình tiết đen tối, dù trung tâm tác phẩm là một cô bé. Tuy nhiên, phiên bản điện ảnh chuyển thể từng vấp phải phản đối từ phía nhà thờ, và nhà sản xuất quyết định giảm nhẹ nội dung của The Golden Compass. Hậu quả là bộ phim làng nhàng, thiếu đi tính đột phá trong thời kỳ các bộ phim giả tưởng được sản xuất liên tục. Tới đây, His Dark Materials sẽ có phiên bản truyền hình, và fan của nguyên tác mong rằng sai lầm trong quá khứ sẽ không lặp lại.
Hancock (2008): Hancock (Will Smith) là một siêu anh hùng. Nhưng gã nghiện rượu, sở hữu tính cách đáng ghét, và thế giới dường như không cần anh ta. Giờ thì Hancock cần một nhân viên PR để lấy lại hình ảnh. Sự thú vị về mặt ý tưởng của Hancock giúp bộ phim trở nên ăn khách bất ngờ. Song, sự hấp dẫn thực tế chỉ nằm ở 2/3 đầu phim. Ở 1/3 cuối, Hancock bỗng nhiên thêm thắt câu chuyện tình tay ba, cũng như đem tới cái kết có hậu hơi khiên cưỡng. Có lẽ chính điều đó khiến nhà sản xuất đến giờ chưa thể nghĩ ra nội dung cho Hancock 2.
In Time (2011): Đến khi 25 tuổi, con người chỉ sống được thêm một năm nữa. Thời gian lúc này hóa thành tiền bạc. Người giàu có thể sống tới hàng trăm, hàng nghìn tuổi; còn người nghèo phải chấp nhận số phận ngắn ngủi. Ý tưởng thú vị đó của In Time tỏ ra hiệu quả trong khoảng nửa đầu tác phẩm. Nhưng nửa sau, phim chẳng khác nào một tác phẩm hành động thông thường. Các bình luận xã hội, ý nghĩa xung quanh ý tưởng độc đáo không còn nữa. Cộng thêm diễn xuất không ăn ý giữa Justin Timberlake và Amanda Seyfried, In Time không thể đi đến tận cùng ý tưởng ban đầu đặt ra.
Prometheus (2012): Điều giúp Prometheus trở nên ăn khách là việc phim được quảng bá như phần tiền truyện của loạt phim kinh điển Alien, có thể giúp công chúng hiểu hơn về nguồn gốc của loài quái vật khát máu ngoài không gian. Song, đạo diễn Ridley Scott thực tế đặt ra thêm câu hỏi xoay quanh thương hiệu với Prometheus, thay vì đem tới những đáp án thuyết phục. Màn trình diễn của Michael Fassbender rất tuyệt vời, nhưng tất cả chỉ nhằm phục vụ cho các tập tiếp theo. Song, đến Alien: Covenant (2017), bầu không khí tại các phòng vé đã trở nên nguội lạnh.
Elysium (2013): Sau thành công vang dội của District 9 (2009), Neil Blomkamp khiến tất cả thấp thỏm chờ đợi Elysium - bộ phim viễn tưởng lấy bối cảnh năm 2154, khi người giàu sống trên một trạm không gian xa hoa, còn người nghèo phải bám trụ lại nơi Trái Đất khô cằn. Tuy nhiên, chủ đề phân biệt giai cấp trong phim không được khai thác hiệu quả. Elysium có Matt Damon đóng chính chỉ dừng lại ở một tác phẩm khoa học viễn tưởng thông thường, ít đột phá. Điều đáng tiếc hơn là ngay cả dự án tiếp theo - Chappie (2016), đạo diễn Neil Blomkamp cũng vấp phải vấn đề tương tự.
Transcendence (2014): Transcendence là câu chuyện về một khoa học gia tìm cách chế tạo ra trí tuệ nhân tạo siêu phàm. Sau khi bị ám sát hụt, anh ta quyết định tải tiềm thức bản thân vào một cỗ máy. Quy tụ nhiều ngôi sao với Johnny Depp đóng chính, lại do Wally Pfister - quay phim lâu năm của Christopher Nolan - làm đạo diễn, nhưng bộ phim rốt cuộc gây thất vọng. Những câu hỏi liên quan tới trí tuệ nhân tạo và mối quan hệ giữa nó với con người bị bỏ ngỏ. Trái lại, phim mắc phải nhiều lỗi logic và trở nên đáng quên.
The Good Dinosaur (2015): The Good Dinosaur là "cú bước hụt" hiếm hoi của xưởng hoạt hình Pixar. Chuyện phim đặt giả thiết nếu thiên thạch không rơi xuống Trái Đất và quét sạch loài khủng long thì mọi chuyện sẽ thế nào. Tuy nhiên, tác phẩm chỉ tập trung vào chuyến hành trình và mối quan hệ giữa bộ đôi nhân vật chính là chú khủng long hiền hòa Arlo và cậu bé con người Spot. Nội dung phim không cố gắng đẩy mọi thứ đi xa hơn, và tỏ ra thiếu chiều sâu nếu so với nhiều phim Pixar khác.
Avengers: Age of Ultron (2015): Phần hai của loạt Avengers cài cắm nhiều chi tiết cho tương lai, nhưng đồng thời chứa đựng không ít điều bị bỏ ngỏ - đơn cử như cảnh Thor (Chris Hemsworth) cởi trần trong hang thần. Trên thực tế, giữa đạo diễn Joss Whedon và Marvel Studios đã tồn tại những tranh cãi trong quá trình làm phim. Một trong những hậu quả là trí tuệ thông minh nhân tạo Ultron (James Spader) nhạt nhòa, tỏ ra không xứng tầm là đối thủ của cả biệt đội Avengers. Theo đó, Avengers: Age of Ultron để lại không ít tiếc nuối cho khán giả, dù rằng đây không hẳn là một bộ phim tệ.
Bí mật hậu trường 'Nhiệm vụ bất khả thi II' của Tom Cruise sau 20 năm Mùa hè năm nay, bom tấn hành động "Mission: Impossible II" tròn 20 tuổi. Đằng sau bộ phim ăn khách của Tom Cruise hồi đầu thiên niên kỷ mới là nhiều câu chuyện lý thú. Bộ phim ăn khách nhất năm 2000: Bất chấp sự thiếu mặn mà từ giới phê bình, Mission: Impossible II vẫn thu hút lượng lớn khán giả tới...