8 nguyên tắc để học tiếng Anh hiệu quả
Học giỏi tiếng Anh là ước muốn của rất rất nhiều người, nhưng làm thế nào để học giỏi tiếng Anh thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là 8 bí kíp để giúp các bạn học tiếng Anh một cách dễ dàng.
1. Mỗi ngày học 1 ít
Mỗi ngày dành ít nhất 30 phút để học tiếng Anh sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc một hôm cố nhồi nhét thật nhiều kiến thức vào đầu, rồi một vài ngày sau lại không đụng đến. Việc nhồi nhét quá mức sẽ dễ làm bạn chán nản và nhanh chóng bỏ cuộc. “Kiến tha lâu sẽ đầy tổ”, mỗi ngày học một ít, qua một thời gian bạn sẽ thấy ngỡ ngàng vì sự tiến bộ của bản thân.
2. Học tiếng Anh song song với chương trình học trên lớp
Nhiều bạn hay có suy nghĩ để kết thúc kỳ học hay qua giai đoạn thi cử mới có thời gian học tiếng Anh. Tốt nhất bạn nên dừng ngay suy nghĩ “để mai tính” này! Dù bạn đang bù đầu với bài vở trên lớp và ngộp thở với những deadline liên miên, bạn vẫn nên sắp xếp thời gian hợp lý để chọn cho mình 1 khóa học tiếng Anh song song với chương trình học trên lớp. Ban đầu có thể bạn sẽ thấy rất bận rộn với một thời gian biểu dày đặc, nhưng bạn sẽ quen ngay thôi. Đây cũng là cơ hội tốt để rèn luyện bản thân làm việc với cường độ cao và nhiều áp lực.
3. Chọn một partner thích hợp
Ai cũng biết cách tốt nhất để nâng cao trình độ tiếng Anh là trò chuyện với người bản ngữ, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội để trò chuyện với họ. Thay vì đó, bạn nên lựa chọn một vài người bạn thích hợp có trình độ tương đương hoặc giỏi hơn bạn để cùng trò chuyện, giao tiếp bằng tiếng Anh hàng ngày.
4. Viết giấy nhớ
Video đang HOT
Viết những từ, những câu mới hoặc những từ bạn hay quên lên giấy nhớ và dán chúng khắp mọi nơi cũng được xem là một cách học hiệu quả. Khi bạn nhìn đến bất kỳ chỗ nào, những từ này cũng có thể đập ngay vào mắt bạn và bạn sẽ ghi nhớ chúng một cách vô thức.
5. Sử dụng thời gian rảnh rỗi của bạn để thực hành
Hãy tận dụng mọi khoảng thời gian rảnh rỗi của bạn như khi đi xe bus, lúc ra chơi, hay thậm chí là lúc đi vệ sinh để thực hành tiếng Anh. Bạn có thể tranh thủ những khoảng thời gian đó để nghe các bài hát, đọc tin tức bằng tiếng Anh hoặc xem phim bằng tiếng Anh. Đây vừa là cách thư giãn, vừa là một cách học tiếng Anh hiệu quả.
6. Luyện nói vào lúc tắm
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, con người thường hay nảy sinh những ý tưởng mới lạ và độc đáo trong lúc tắm. Tắm là lúc đầu óc tỉnh táo và linh hoạt nhất, tại sao bạn không tận dụng khoảng thời gian này để tự hội thoại với bản thân bằng cách tự đặt câu hỏi và tự trả lời? Ngoài ra còn phải kể đến những công dụng khác của việc luyện nói lúc tắm: thứ nhất, bạn sẽ không thấy xấu hổ hay ngượng ngùng gì vì bạn đang “riêng một góc trời”, có thể thỏa thích thể hiện bản thân; thứ hai, phòng tắm nhỏ có tác dụng gần như 1 phòng thu, giúp giọng nói của bạn vang hơn, nhờ đó bạn có thể cảm nhận rõ âm điệu của mình và điều chỉnh cho hợp lý.
7. Ôn lại kiến thức trước khi đi ngủ
Nghe có vẻ không hợp lý nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra, thời gian trước khi chìm vào giấc ngủ là lúc não hoạt động hiệu quả nhất để tiếp nhận và ghi nhớ thông tin. Do đó, bạn nên tận dụng cơ hội này để nhẩm lại những nội dung tiếng Anh đã học được trong ngày. Việc làm này sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu và sâu hơn những kiến thức đã học.
8. Đừng bỏ cuộc
Nhiều khi bạn sẽ thấy nản lòng hay tức giận bản thân khi học hành chăm chỉ mà tiếng Anh của bạn mãi vẫn dậm chân tại chỗ. Thực tế, việc học tiếng Anh cũng giống sự phát triển cơ thể của bạn, nếu ngày nào bạn cũng “soi” mình chằm chằm thì sẽ không nhận ra sự thay đổi nào đáng kể. Nhưng nếu bạn tiếp tục kiên trì và không từ bỏ, chỉ sau vài tháng, bạn sẽ nhận ra mình “lớn” nhanh thế nào.
Theo zing
Xác định mục đích học tiếng Anh của bản thân
"Yêu cầu của công ty hay các nhà tuyển dụng", "nếu không có bằng tiếng Anh sẽ không thể ra trường",... Đó là câu trả lời bạn sẽ nhận được khi hỏi "học tiếng Anh để làm gì?".
Rất ít khi bắt gặp sinh viên nào trả lời học tiếng Anh để có thể tiếp thu thêm nguồn kiến thức phong phú trên thế giới, hay để có thể giao tiếp được với người nước ngoài. Chính vì tâm lý học để ra trường, học để xin được công việc theo yêu cầu của công ty, mà không ít các bạn sinh viên đã đổ xô đi học tiếng Anh chỉ để lấy bằng.
Học tiếng Anh để xin việc
Đây không phải là một trường hợp hiếm gặp khi bạn hỏi về mục đích học tiếng Anh của sinh viên ngày nay. Rất nhiều sinh viên đều xác nhận việc có được tấm bằng tiếng Anh và bằng Tin học kha khá sau khi ra trường, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi đi xin việc. Bạn Nguyễn Thị Thu Thảo (cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cho biết: "Trước khi ra trường mình cũng có học bằng B tiếng Anh, nhưng sau khi đi làm chỉ sử dụng nó một lần là nộp kèm theo hồ sơ xin việc. Nhưng vì công việc không cần dùng đến, nên cái bằng của mình cũng nằm yên một xó, kiến thức về tiếng Anh thì mình cũng chẳng nhớ".
Tiếng Anh - nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên
Nếu bạn vào Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp, dù bạn chọn bất cứ ngành nào đi chăng nữa thì tiếng Anh cũng là môn không thể thiếu trong chương trình học của bạn. Nhiều sinh viên lắc đầu ngao ngán vì phải học môn này đến ba học kỳ và cũng không ít sinh viên phải nộp tiền "ngu" cho học phần này không ít lần.
Bạn Nguyễn Thị Mỹ Ánh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: "Nói về tiếng Anh với mình có thể dùng từ "mù chữ". Tuy đã học tiếng Anh nhiều năm, nhưng mình vẫn rất tệ môn này và chuẩn bị sắp tới mình cũng như nhiều bạn trong lớp phải nộp tiền "ngu" để học lại".
Trong những buổi học tiếng Anh, số lượng sinh viên tham gia có thể nói là ít hơn các học phần khác. Nhiều bạn tham gia đầy đủ các buổi học vì sợ giáo viên điểm danh. Bạn Nguyễn Thị Anh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nói: "Khi còn học cấp hai, vì không mặn mà với môn này nên những buổi học trên lớp chỉ mang tính đối phó, lên đến Đại học mình cũng không thoát khỏi và còn phải học nó đến 3 học kỳ. Mỗi lần có tiết là mình cảm thấy chán nản, sợ nhất là những bài kiểm tra kết thúc học phần, nhiều khi thầy cô dễ dãi thì còn hỏi được vài câu trắc nghiệm, nếu không thì chỉ biết làm theo phương pháp "hên xui".
Không chỉ sinh viên, tiếng Anh còn là nỗi ám ảnh của nhiều người đi làm. Quan sát ở các trung tâm tiếng Anh, nhiều người đi làm quay trở lại trung tâm để học lại tiếng Anh sơ cấp vì công việc của mình cần sử dụng, trong khi trong tay vẫn có bằng tiếng Anh này nọ.
Nói về vấn đề này, bạn Mỹ Ánh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho biết thêm: "Mình dự định học bằng C tiếng Anh ở một trung tâm theo lời giới thiệu của mấy đứa bạn, nhưng mình cũng đang phân vân vì sợ sau này ra trường tấm bằng tốt quá mà mình không biết gì thì cũng khổ. Vì theo như lời giới thiệu của mấy đứa bạn, trung tâm sẽ đảm bảo đầu ra thấp nhất là loại khá".
Vậy cần xác định lại "học tiếng Anh để làm gì?"
Điều bạn cần làm là xác định ngay từ đầu: "Học tiếng Anh để làm gì?". Nếu bạn xác định được mục đích học của mình, nó sẽ giúp bạn tránh được tình trạng có bằng, có kiến thức nhưng vì công việc không sử dụng đến mà dần dần quên đi hết. Có bằng loại khá tốt trở lên nhưng lại quay lại học tiếng Anh sơ cấp vì không thể sử dụng chúng trong giao tiếp cũng như công việc.
Đặc biệt khi có được mục đích một cách rõ ràng, bản thân bạn cũng nhận ra được con đường phía trước một cách chính xác, hiểu bản thân cần học gì, cần có phương pháp như thế nào là hợp lý. Khi như thế, việc tiếp thu kiến thức của bạn cũng nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều và sẽ tránh việc phí phạm thời gian, công sức lẫn tiền bạc.
Theo Trí Thức Trẻ
Thời điểm học tiếng Anh tốt cho con Một số chuyên gia cho rằng bậc trung học cơ sở là thời điểm tốt để đầu tư cho con học tiếng Anh, bởi trẻ có nhu cầu thể hiện và tự chủ hơn trong việc học, đủ khả năng kết hợp các kỹ năng đa dạng về ngôn ngữ. Theo kết quả của một khảo sát về chỉ số đánh giá Anh...