8 điều làm sinh viên sợ nhất
Đây đều là những nỗi sợ rất quen thuộc và “rất sinh viên”.
1. Đóng tiền học phí
Học phí không những là nghĩa vụ, là trách nhiệm mà còn là gánh nặng của đa số sinh viên. Không chỉ lo cho chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, đến mỗi kỳ học, các bạn sinh viên còn phải chạy vạy để có tiền đóng học phí. Nhiều sinh viên được bố mẹ trợ cấp cho tiền học phí, nhưng cũng có rất nhiều bạn phải tự lập, thậm chí “gánh” luôn cả khoản tiền không hề nhỏ này. Nghĩ đến việc phải gồng mình để có tiền đóng học phí mỗi khi bước sang học kỳ mới, sinh viên không khỏi lắc đầu ngao ngán.
2. Cuối tháng
Nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất của các sinh viên thuê nhà trọ là đây. Đối với sinh viên, khái niệm chi tiêu hợp lý tỏ ra quá vô nghĩa. Đầu tháng, được ba mẹ gửi tiền ra, được nhận tiền lương (nếu có làm thêm) nhưng rồi những cuộc vui cùng bạn bè, những lần tiêu xài không tính toán đã đẩy sinh viên rơi vào hoàn cảnh “cháy túi” mỗi lúc cuối tháng. Đau đớn hơn, thời điểm này các bạn phải đóng tiền trọ, tiền điện nước. “Nước tới chân mới chạy”, nhiều sinh viên không may bị đuổi khỏi trọ cũng ở thời điểm cuối tháng.
3. Tiếng Anh
Là nỗi ám ảnh thường trực, tiếng Anh không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn làm mất đi thể diện của rất nhiều sinh viên trong giờ học trước bạn cùng lớp. Tiếng Anh bao đời nay vẫn luôn là một môn học “kinh khủng” nhất đối với nhiều bạn có nền tảng và kiến thức không vững chắc. Thành ra, khi thầy cô gọi đứng dậy trả lời câu hỏi hay bắt phải lên bảng làm bài tập, nhiều sinh viên tỏ ra lúng túng, khốn đốn và đôi khi làm cho giảng viên bực mình. Là sinh viên, việc bị thầy cô lớn tiếng chê trách vì học dốt tiếng Anh là một nỗi “nhục” khôn tả.
4. Mì gói
Mỗi lúc hết tiền, đói nghèo, sinh viên luôn chọn mỳ gói làm người bạn tri kỷ của mình. Đó là lí do vì sao giới sinh viên có câu “nhịn đói ăn mỳ gói”. Thực ra, món ăn “vừa ngon, vừa rẻ” này của sinh viên chỉ mang tính chất cầm hơi chứ chẳng ai vui vẻ gì khi ngày nào cũng phải ăn mì gói thay vì những món cơm rau, canh cá tươi ngon và hấp dẫn kia. Ăn quá nhiều mì gói trong một thời gian dài sẽ khiến cho nhiều sinh viên cảm thấy bị ám ảnh vì phát ngấy với nó.
Video đang HOT
5. Không có Internet
Sinh viên bây giờ giao lưu, nói chuyện, giải trí và kể cả làm việc đều thông qua Facebook, qua mạng Internet. Thử hỏi nếu một ngày không có Internet, sinh viên sẽ cảm thấy như thế nào? Rõ ràng là vô cùng buồn tẻ và vô vị. Sinh viên không thể sống mà không có Internet và cũng không thể chịu nỗi cảm giác bức rức, khó chịu vì không thể lên được Facebook, không được lướt web để giải trí và làm việc. Suy cho cùng, cuộc sống mà không có Internet chẳng khác nào ăn cơm trong bóng tối.
6. Thi cử
Không còn là những cô cậu học trò lúc nào cũng phải vùi đầu vào sách vở, cách dạy và học theo phương pháp nghiên cứu, tự học là chủ yếu vô tình đã phát huy thế mạnh lười biếng của sinh viên. Vì thế, chuyện thi cử giống như một cơn ác mộng định kỳ vậy. Dù muốn hay không, sinh viên vẫn phải ngồi vào phòng thi để làm bài. Nhưng việc phải bỏ ra một quãng thời gian gồm nhiều ngày để ôn bài đối với sinh viên thật xa xỉ. Đối với sinh viên, không niềm vui nào bằng việc được thầy cô cho nghỉ học hoặc miễn thi và không có nỗi đau nào lớn bằng 2 chữ thi cử.
7. Điểm danh
Dù mang tiếng là đào tạo theo học chế tín chỉ, đi học theo lớp học phần nhưng ở nhiều trường đại học, các giảng viên vẫn luôn có một cột điểm chuyên cần để đánh giá kết quả học tập cho sinh viên của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu sinh viên nào chẳng may vắng mặt vào buổi học mà thầy cô tiến hành điểm danh thì coi như sinh viên ấy trở thành kẻ đen đủi, kẻ xấu số tội nghiệp. Thế nên, câu hỏi mà bất cứ sinh viên nào sau khi nghỉ học đều hỏi bạn của mình là: “Hôm nay đi học cô có điểm danh không vậy?”
8. Thủ tục, giấy tờ
Những thủ tục pháp lý như làm đơn xin miễn giảm, đơn xin vay vốn hay các thủ tục ở trường lớp luôn khiến cho sinh viên tiêu tốn rất nhiều thời gian và cực kỳ vất vả. Để có được chữ ký của phòng ban, của giáo viên hay là để có được con dấu xác nhận của nhà trường, sinh viên phải trải qua nhiều cửa ải khác nhau, từ thủ tục này đến thủ tục khác, vô cùng phức tạp và rườm rà. Đó là lí do vì sao nhiều sinh viên ví việc làm thủ tục, giấy tờ ở đại học giống như hóa thân thành một thám tử, phải vượt qua mọi cửa ải, thử thách mới phá được vụ án.
TheoNguyễn Duy Thi / MASK Online
Những sai lầm phổ biến cần tránh khi trở thành sinh viên
Trở thành sinh viên sẽ là một trải nghiệm quý báu của cuộc đời mỗi người. Bên cạnh sự háo hức, hồi hộp mong chờ một môi trường hoàn toàn mới thì những sai lầm sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Hãy cùng chỉ ra những lỗi phổ biến mà không ít sinh viên Việt Nam từng mắc phải và cùng nhau tìm cách loại bỏ chúng để có những ngày tháng sinh viên tuyệt vời nhất có thể.
1. Lười khám phá
Một trong những điều tuyệt vời nhất của thời sinh viên là tự mình khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống. Đừng chỉ nhất nhất vào việc học, hãy thử các điều tuyệt vời khác "màu mè" hơn. Hãy năng động hơn bằng việc tham gia các câu lạc bộ, các hội nhóm của trường. Hãy "bụi bặm" hơn bằng các chuyến đi phượt xa nhà. Hãy uyên bác hơn khi tham gia các đề tài khoa học do khoa hay trường tổ chức. Hãy trải nghiệm hơn với những công việc làm thêm. Hãy nhiệt huyết hơn bằng việc tham gia các kì thi... Bỏ qua những điều này chính là sai lầm lớn nhất đời sinh viên của bạn.
2. Chi tiêu không hợp lí
Ăn uống, đi lại, dã ngoại, tiệc tùng, yêu đương, bạn bè,... là những điều không thể thiếu đối với mỗi người, đặc biệt là với sinh viên. Nhưng nếu không biết cách chi tiêu hợp lí thì tất yếu sẽ dẫn đến sự hoang phí. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng, tiền này là ở đâu ra, kiếm được nó có dễ không,... và có cách chi tiêu thật hợp lí để không làm phí đi công sức của người kiếm ra tiền đưa cho bạn.
3. Không học ngoại ngữ
Chúng ta chẳng cần nói nhiều về tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với sự thành công của con người trong xã hội hiện nay. Tất nhiên vẫn có những người "mù tịt" ngoại ngữ nhưng vẫn thành công, làm "ông nọ bà kia", nhưng đó chỉ là thiểu số. Còn với xã hội hiện tại, không học ngoại ngữ là sai lầm lớn nhất của sinh viên. Bởi yếu tố quyết định đến khả năng xin việc sau khi tốt nghiệp chính là ngoại ngữ.
4. Không mở rộng các mối quan hệ
Một trong những yếu tố tạo nên thành công là các mối quan hệ. Người có mối quan hệ rộng sẽ được người khác đánh giá cao bởi chỉ có người năng động, tự tin, giỏi giao tiếp,... mới có được những mối quan hệ xã hội rộng lớn. Các mối quan hệ cũng đem lại các lợi ích không ngờ. Chính vì thế thật sai lầm nếu không chú ý việc "nâng cấp" mối quan hệ xã hội của bản thân. Hãy liên tục mở rộng các mối quan hệ của mình, mở rộng theo hướng vừa sâu vừa rộng trong xã hội.
5. Mất định hướng ngay trong ngày nhập học
Rất nhiều bạn xem nhẹ buổi định hướng trong ngày đầu tiên (các buổi học chính trị cho các khóa tân sinh viên của trường). Không phải tự nhiên mà các thầy cô lại dành thời gian cho việc mà bạn coi là "thừa thãi". Chắc chắn sẽ có rất nhiều điều bổ ích bạn sẽ tích lũy được từ các buổi học chung đầu tiên đó.
6. Vi phạm những điều cấm
Trước khi đến bất kì nơi nào, hãy bỏ một chút thời gian để tìm hiểu về nơi đó. Và với sinh viên, hai nơi đầu tiên bạn cần tìm hiểu là trường học của bạn và nơi ở của bạn. Với trường học hãy đọc kĩ các nội quy của trường để nắm rõ các điều được làm và không được làm. Với nơi bạn ở, hãy tìm hiểu qua chủ nhà, qua bạn cùng xóm để biết được những điều cấm kỵ nơi đây. Sự vi phạm vào những điều cấm kị luôn rất khó được tha thứ dù bạn là người mới đến.
7. Để bị lừa đảo
Có hàng chục loại "tặc" mà bạn phải đề phòng khi là sinh viên. Từ các loại "tặc" nhỏ như: tăm tặc, xe ôm, ăn xin giả,... đến các loại "tặc" lớn như: bán hàng đa cấp, môi giới việc làm,... Tất cả đều đòi hỏi sự tìm hiểu kỹ lưỡng và kỹ năng đối phó của sinh viên, nếu không bạn sẽ phải "ôm hận".
8. "Bỏ quên" gia đình
Nỗi nhớ nhà thường chỉ "rộn ràng" những tháng ngày mới xa nhà. Sau khi đã hòa nhập được với cuộc sống mới, bạn rất dễ bỏ quên gia đình. Rồi khi bạn về nhà, bạn sẽ thấy mình bị lệch pha so với mọi người. Hãy thường xuyên về thăm nhà nếu có thể, nếu không hãy thường xuyên gọi điện hỏi thăm và hỏi về tất cả những thứ liên quan về gia đình. Có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để về đó là gia đình và những người thân của bạn.
TheoHiến Nguyễn / MASK Online
7 nỗi sợ hãi của tân sinh viên Đỗ đại học đã mở ra một trang mới cho cuộc đời bạn. Niềm vui và phấn khởi, tự hào còn kèm theo những nỗi sợ hãi mà chỉ có tân sinh viên mới hiểu được. 1. Sống tự lập Phải sống tự lập và tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của riêng bạn, là vấn đề làm nhiều sinh viên sợ...