8 đặc điểm của môn Vật lý trong Chương trình giáo dục phổ thông
PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ biên Chương trình môn Vật lý trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, chương trình môn Vật lý trong chương trình giáo dục phổ thông có 8 đặc điểm quan trọng.
Cô giáo trẻ và những sáng tạo ấn tượng về môn Vật lý ở Hải Dương
Trong nhà trường phổ thông, môn Vật lý giúp học sinh có được những tri thức phổ thông cốt lõi của Vật lý học và ứng dụng của chúng trong cuộc sống. Cụ thể, chương trình môn Vật lý được định hướng xây dựng với 8 đặc điểm cơ bản.
Tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản, phân hóa ở trung học phổ thông
Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục vật lý được phân bố ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau, thông qua các môn học: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Khoa học (lớp 4 và lớp 5); Khoa học tự nhiên (Trung học cơ sở); Vật lý (trung học phổ thông).
Ở trung học phổ thông, Vật lý là môn học thuộc nhóm môn Khoa học tự nhiên, được lựa chọn theo nguyện vọng của học sinh. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp này, môn Vật lý giúp học sinh tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, củng cố các phẩm chất, kỹ năng cốt lõi, tạo điều kiện để học sinh bước đầu nhận biết đúng năng lực, sở trường của bản thân, có thái độ tích cực đối với môn học.
Giúp phát triển năng lực học sinh, có tính hướng nghiệp
Chương trình môn Vật lý giúp học sinh đạt được các phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; đồng thời nhận biết đúng được một số năng lực, sở trường của bản thân và lựa chọn được một số ngành nghề liên quan đến lĩnh vực mà môn học đề cập.
Kiến thức được tiếp cận theo quan điểm mới
Thiết kế chương trình chú trọng vào bản chất, ý nghĩa vật lý của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về toán học; tạo điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn. Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.
Chú ý thích đáng đến việc phát triển năng lực thông qua thực hành
Bên cạnh việc sử dụng các mô hình vật lý và toán học, chương trình chú trọng thích đáng đến việc hình thành năng lực tìm tòi khám phá các thuộc tính của đối tượng vật lý thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành dưới các góc độ khác nhau.
Video đang HOT
Chương trình coi trọng việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng vận dụng tri thức vật lý vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống; vừa bảo đảm phát triển năng lực trên nền tảng những năng lực chung và Năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng vào một số ngành nghề cụ thể.
Ngoài nội dung giáo dục cốt lõi còn có các chuyên đề
Cùng với các nội dung giáo dục cốt lõi có thời lượng 70 tiết/năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều tri thức vật lý được học thêm 35 tiết chuyên đề/năm học. Trong các chuyên đề này; một số có tác dụng mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực đáp ứng yêu cầu phân hóa ở cấp trung học phổ thông; một số nhằm tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng thực tế, giúp học sinh phát triển tình yêu, sự say mê, ham thích tìm hiểu khoa học, định hướng nghề nghiệp.
Đ ổi mới phương pháp giáo dục là yếu tố quyết định để phát triển năng lực học sinh
Các phương pháp giáo dục của môn Vật lý góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, nhằm hình thành Năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lý (Năng lực vật lý) cũng như góp phần hình thành các phẩm chất và năng lực chung được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Chương trình được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Tùy theo yêu cầu cần đạt, có thể sử dụng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề.
Đánh giá kết quả giáo dục là một khâu then chốt trong phát triển năng lực học sinh
Đánh giá kết quả giáo dục là hoạt động xem xét, so sánh mức độ đạt được của mỗi học sinh theo yêu cầu cần đạt của môn học, tìm ra nguyên nhân, dự đoán năng lực phát triển còn tiềm ẩn ở học sinh. Đánh giá là một bộ phận hợp thành quan trọng của quá trình giáo dục. Nó cho phép thu thập các thông tin về chất lượng học tập của học sinh, nhằm tạo các cơ hội và thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. Vì vậy, việc đánh giá kết quả giáo dục học sinh phải xuất phát từ mục tiêu giáo dục của môn học.
Trong nội dung, hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá phát triển năng lực học sinh, chương trình tạo điều kiện để chú trọng tập trung đánh giá các thành phần của năng lực vật lý. Bên cạnh đánh giá kiến thức, coi trọng đánh giá khả năng đề xuất các phương án thí nghiệm và các kỹ năng thực hành vật lý. Do hình thức trắc nghiệm khách quan không phù hợp cho đánh giá kỹ năng thực hành nên chương trình quan tâm hợp lý đến việc sử dụng cách đánh giá qua các sản ph ẩm thực hành của học sinh (ví dụ sản phẩm của các dự án học tập) cũng như các đánh giá mang tính tích hợp (ví dụ STEM).
Có tính đến các đối tượng và khu vực khác nhau
Chương trình có cấu trúc nội dung cũng như yêu cầu cần đạt về cơ bản là giống nhau cho tất cả các vùng, miền. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện những kỹ năng cơ bản trong tìm tòi, khám phá đối tượng vật lý, giáo viên có thể chủ động tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm và thực hành một số nội dung mang sắc thái riêng của địa phương mình.
Theo Dân Trí
'Chúng ta đang lao đao bởi nền giáo dục ứng thí'
Theo PGS.TS Trần Kiều, bản chất giáo dục nước ta vẫn là ứng thí khiến Bộ GD&ĐT luôn loay hoay về chuyện thi cử.
ảnh minh họa
Sáng 15/12, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Trong số 17 ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giáo dục, nhiều chuyên gia quan tâm chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ Giáo dục loay hoay về thi cử
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Kiều - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - cho rằng có một điều tuy không được sửa đổi trong Luật Giáo dục, nhưng nếu xem xét được sẽ rất tốt. Đó là bản chất của nền giáo dục nước ta từ trước đến nay là ứng thí. Trong khi đó, Nghị quyết 29 nói rất rõ việc chuyển hướng giáo dục trong bối cảnh đổi mới tư duy thành thực học và thực tiễn.
"Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng nền giáo dục này. Đến giờ, Bộ GD&ĐT luôn loay hoay về việc thi cử", PGS.TS Trần Kiều nói.
Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, mục đích của sách giáo khoa nêu "yêu cầu cụ thể hóa phẩm chất và năng lực" nhưng không tác giả nào viết được như thế, vì phẩm chất và năng lực là kết quả của giáo dục chứ không phải đối tượng trực tiếp để dạy học.
Học 11 môn cũng không thể chuyên sâu
Ông Đào Tuấn Đạt - giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Hội đồng chuyên môn trường THPT Anhxtanh - đề cập chương trình phổ thông phải đảm bảo 3 tiêu chí là toàn diện, phân hóa và chuyên sâu.
Về tính chất toàn diện, chương trình hiện hành đang có 11 môn văn hóa. Theo ông Đạt, nhiều người quan niệm sai lầm rằng phải học hết 11 môn mới là toàn diện.
"Hiện nay, số môn học ở phổ thông trên thế giới khoảng 50 môn và không ngừng tăng thêm. 11 môn truyền thống trong 50 môn thì không thể gọi là toàn diện được. Học hết 50 môn thì sao? Không ai học và không thể học hết được 50 môn. Giải pháp là người ta chia các môn học làm những lĩnh vực hay nhóm môn; ví dụ ngôn ngữ, toán và khoa học máy tính, bộ môn khoa học, bộ môn khoa học nhân văn, thể chất - thể dục thể thao, các môn nghệ thuật...", ông Đạt nói.
Theo đó, học sinh buộc phải chọn các môn từ các nhóm để đảm bảo tính toàn diện. Em nào giỏi một vài môn văn hóa, giỏi thể thao, am hiểu nghệ thuật mới là toàn diện.
"Chương trình A-level của Anh, học sinh thông thường chọn 4 môn, ít nhất 3 môn và có thể 5 môn tùy vào nhu cầu nghề nghiệp sau này. Sẽ có người giả sử rằng nếu một em không chọn môn Địa lý thì sao? Không sao cả, sẽ có em khác chọn. Phép tính trung bình phải tính cho số đông chứ không phải cá nhân. Mỗi học sinh không phải là cái thùng đựng nước để người lớn thích thì cứ rót nước vào", ông Đạt phân tích.
Ông Đào Tuấn Đạt - Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên.
Theo giảng viên này, tính chất phân hóa thể hiện ở việc, mỗi học sinh sẽ có thiên tư khác nhau, một thế mạnh bẩm sinh và có các kiểu trí thông minh khác nhau. Vì vậy, chương trình phải cho phép các em tập trung nhiều hơn môn học thuộc về thế mạnh của các em.
Xu thế từ cuối thế kỷ trước là học sinh học chuyên sâu các môn phân hóa, nhờ đó có thể rút ngắn được thời gian đại học. Nhiều người e ngại chương trình hiện nay quá tải và hàn lâm. Thực chất thì không, tính hàn lâm thể hiện ở chỗ môn học phải dựa trên hệ thống khái niệm và định luật chặt chẽ, logic, khoa học.
"Sách giáo khoa của chúng ta chỉ diễn đạt phức tạp hơn các vấn đề chứ không hàn lâm. Học sinh bị quá tải vì phải học quá nhiều môn trong khi thời gian lại ít và không chuyên sâu môn nào", ông Đạt nêu quan điểm.
Vì vậy, theo ông, để đảm bảo tính chất chuyên sâu, chương trình và sách giáo khoa được chia làm 2 phần liên hệ hữu cơ với nhau là kiến thức lõi để phục vụ nhu cầu cơ bản và phần nâng cao cho nhu cầu chuyên sâu.
Đề xuất miễn học phí cho cả trường ngoài công lập
Tham dự hội nghị, nhiều chuyên gia đề xuất miễn học phí cho học sinh trường ngoài công lập. Ông Nguyễn Hoàng Quân, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Quảng Ninh, đồng ý với việc miễn học phí cho cấp THCS và đề xuất chính sách ưu tiên cho học sinh các trường ngoài công lập để đảm bảo công bằng.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng chúng ta có hai loại hình trường ngoài công lập. Đó là trường tư dịch vụ tư, dành cho giới nhà giàu. Thứ hai là trường tư dịch vụ công.
"Tôi đồng ý không miễn học phí trường tư dịch vụ tư nhưng nếu trường tư dịch vụ công không được sự đầu tư của Nhà nước là không công bằng", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết ông từng đi nhiều nơi, đến nhiều trường tư có dịch vụ công. Ở đó, nhiều học sinh con nhà nghèo, con em lao động... theo học vì không đủ điều kiện vào trường công lập. Vì vậy, đề xuất của ông là chia đều ngân sách cho cả trường tư cung cấp dịch vụ công, đảm bảo công bằng cho xã hội.
Theo Zing
Chi tiết lịch thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông 2018 Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2018, tiếp tục tổ chức thi nói (độc thoại) của thí sinh đối với các môn Ngoại ngữ và thi thực hành đối với các môn khác. Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phạm vi nội dung thi của Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia theo chương trình...