8 bài tập Yoga làm tăng số lượng tinh binh
Số lượng tinh trùng thấp, hay ít tinh trùng, là một rối loạn sức khỏe đặc trưng bởi số lượng tinh trùng ít hơn bình thường và là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nam.
Chẩn đoán số lượng tinh trùng ít được đưa ra khi lượng tinh trùng giảm xuống dưới 20 triệu trong một mililít tinh dịch. Phạm vi bình thường của số lượng tinh trùng cần từ 20 triệu đến 120 triệu/ml tinh dịch, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Những nguyên nhân nào khiến số tinh binh giảm?
Nguyên nhân chính gây giảm số lượng tinh binh là các rối loạn di truyền, suy dinh dưỡng, tổn thương tinh hoàn, uống nhiều bia rượu, thuốc kê đơn, độc tố môi trường, hút thuốc, sử dụng ma túy, thiếu chất dinh dưỡng như kẽm, béo phì, căng thẳng và các yếu tố khác.
Yoga có thể giúp tăng số lượng tinh trùng như thế nào?
Các bài tập yoga giúp tăng cường sức mạnh của đáy chậu, thắt lưng và vùng bụng cũng như cải thiện lưu lượng máu và cung cấp oxy cho vùng chậu. Yoga cũng có thể giúp giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe của tuyến sinh sản, duy trì số lượng tinh trùng và tăng tuổi sinh sản của nam giới.
8 bài tập Yoga để tăng số lượng tinh trùng:
1. Sarvang Asana (Tư thế cây nến)
Lợi ích: Tư thế yoga này kích thích tuyến giáp và làm vững chắc toàn bộ cơ thể.
Cách làm: Nằm ngửa, hai chân chạm vào nhau và hít sâu đồng thời nâng hai chân lên tạo thành một góc vuông. Đặt hai bàn tay dưới hông và giữ chân thẳng. Duy trì tư thế này và thở trong 20 đến 30 giây.
2. Dhanur Asana (Tư thế cái cung)
Lợi ích: Tư thế yoga này làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan sinh sản và thúc đẩy sức khỏe tình dục ở nam giới. Tư thế này cũng giúp ngăn ngừa rối loạn cương dương và xuất tinh sớm, nhờ đó làm tăng khả năng sinh sản ở nam giới.
Cách làm: Nằm sấp, hai tay đặt xuôi theo người và giữ hai chân cách nhau. Gấp đầu gối và dùng tay giữ mắt cá chân, hít vào và thở ra thật sâu. Trong khi thở, kéo ngực lên khỏi mặt đất và kéo chân thẳng với mũi bàn chân. Giữ tư thế này trong 15 đến 20 giây.
3. Hal Asana (Tư thế lưỡi cày)
Lợi ích: Tư thế yoga này thúc đẩy lưu thông máu đến vùng chậu và tăng cường sức khỏe sinh sản.
Cách làm: Nằm ngửa, hai cánh tay và lòng bàn tay áp xuống sàn nhà. Trong khi thở, đưa hai chân lên quá đầu và chạm sàn bằng bàn chân. Giữ tư thế này trong 20 đến 30 giây và thở bình thường
4. Paschimottan Asana (Ngồi cúi ra trước)
Video đang HOT
Lợi ích: Bài tập yoga này giúp làm săn chắc các cơ nâng đỡ các cơ quan sinh sản và ngăn ngừa rối loạn cương dương.
Cách làm: Ngồi bệt và duỗi thẳng chân ra trước, các ngón chân hướng lên trần nhà. Trong khi hít vào, giơ cánh tay và từ từ gấp người về phía trước để giữ lấy ngón chân cái. Cúi đầu sao cho trán chạm vào đầu gối. Tiếp tục thở trong tư thế này trong 15 đến 20 giây.
5. Kumbhak Asana (Tư thế tấm ván)
Lợi ích: Bài tập yoga này tăng cường phần thân trên và tăng sức bền tình dục. Ngoài ra, nó cũng giúp làm tăng sức khỏe tình dục.
Cách làm: Nằm sấp, đặt hai bàn tay dưới vai của bạn và hạ người xuống sàn nhà. Nâng phần thân trên, chân và mông ra khỏi sàn theo một đường thẳng. Giữ tư thế này trên lòng bàn tay và ngón chân trong 15-30 giây.
6. Bhujang Asana (Tư thế rắn hổ mang)
Lợi ích: Tư thế rắn hổ mang loại bỏ căng thẳng ở cơ lưng và cột sống. Nó cũng thúc đẩy sức khỏe của các cơ quan sinh sản và nhờ đó làm tăng khả năng sinh sản.
Cách làm: Nằm sấp, hai lòng bàn tay đặt dưới vai. Trong khi hít vào, nhấc ngực lên khỏi mặt đất với đầu ngước lên trần nhà. Từ từ, nâng phần thân trên đến vùng rốn của bạn và duy trì tư thế này trong khi hít sâu 5 đến 10 lần.
7. Pada Hasthasana (Đứng cúi người ra trước)
Lợi ích: Tư thế yoga này kéo giãn hông, chân và cột sống. Nó cũng làm tăng lưu thông máu đến não.
Cách làm: Đứng thẳng và trong khi hít vào giơ hai tay lên trên đầu mà không gấp khuỷu tay. Trong khi thở ra từ từ, cúi người về phía trước cho đến khi bàn tay chạm vào bàn chân và duy trì tư thế này trong 20 đến 30 giây.
8. Nauka Asana (Tư thế chiếc thuyền)
Lợi ích: Nauka Asana khiến bụng, hông và chân khỏe mạnh. Nó giúp săn chắc cơ vùng chậu và giúp giải phóng các hoóc-môn sinh dục.
Cách làm: Nằm ngửa và đặt tay lên đùi. Hít vào và thở ra đồng thời bằng cách nhấc ngực, cả hai tay, chân và đầu lên khỏi mặt đất. Giữ tư thế này và tiếp tục thở sâu.
Cẩm Tú
Theo Dân trí
Chuyên gia lưu ý cách thở sai nguy hiểm trong yoga
Yoga được biết đến là một phương pháp tập luyện có sự kết hợp hòa quyện giữa thể xác và tinh thần tại một thời điểm. Đặc biệt, người tập yoga sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ.
Cô gái đang thực hiện một động tác trong tập luyện yoga - Ảnh - T.T.D
PGS.TS.BS Phạm Huy Hùng, phó chủ tịch Hội Dưỡng sinh TP.HCM, huấn luyện viên lớp yoga Dưỡng sinh, bệnh viện Y học cổ truyền (TP.HCM), cho biết yoga là một phương pháp luyện tập có nguồn gốc từ Ấn Độ khoảng 5.000 năm trước. Phương pháp này được nhiều quốc gia áp dụng và biến tấu phù hợp với điều kiện từng nước.
Có rất nhiều loại yoga như Hatha Yoga, Ashtanga Yoga, Iyengar Yoga... Hiện nay yoga phổ biến trên khắp thế giới phần lớn là thuộc về nhóm yoga về thể xác (Hatha yoga, yoga thể dục). Nhóm yoga về tinh thần ít phổ biến hơn. Dù là loại yoga nào, thì việc tập đúng cách và những hiệu quả yoga mang lại cho sức khỏe là điều không thể chối bỏ.
Thở đúng cách cực quan trọng
PGS.TS.BS Phạm Huy Hùng cho biết trong tập luyện yoga, quan trọng nhất là phải thở đúng cách. Nếu thở sai cách thì bất cứ ai cũng có thể gặp nguy hiểm, đặc biệt là người già và người có các bệnh về mạch máu.
Theo Đông y, trong chăm sóc sức khỏe con người cốt yếu là "khí huyết lưu thông". Và tập yoga với cách thở sâu giúp khí huyết lưu thông tốt. Do cách hít thở sâu, yoga là phương pháp tập luyện ít tốn thời gian, nhưng mang lại hiệu quả cao.
Trong đó, giữ hơi đúng cách rất quan trọng. Khi hít sâu cơ thể nhận được một lượng lớn dưỡng khí (y học Ấn Độ gọi là prana) rất tốt cho cơ thể.
Sau đó người tập không nên thở ra ngay mà nên giữ hơi theo sức của mỗi người, để tăng thời gian hấp thu dưỡng khí vào máu, rồi theo hệ tuần hoàn đến tất cả các cơ quan trong cơ thể từ các nội tạng đến các tuyến nội tiết, tế bào, giúp bảo đảm chức năng các nội tạng, tuyến nội tiết.
"Thông thường trong lúc giữ hơi, theo bản năng con người sẽ biến thành nín hơi, nén hơi. Nghĩa là người tập sau khi hít vào, đóng thanh quản, nín hơi, lồng ngực hạ xuống khiến áp suất trong lồng ngực tăng lên, máu về tim phổi khó khăn, ứ ra ngoại biên, làm tăng áp lực mạch máu não, nếu bệnh nhân có sẵn bệnh tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch cảnh thì rất dễ vỡ gây tai biến.
Đó là tai biến mà người xưa gọi là tẩu hỏa nhập ma (xuất huyết não do vỡ mạch máu não) hoặc bán thân bất toại (liệt nửa người )" - PGS.TS.BS Phạm Huy Hùng chia sẻ.
Lúc giữ hơi, người tập phải giữ nguyên lồng ngực nở lớn, mở thanh quản bằng cách liên tục hít vào, cơ hoành vẫn hạ xuống thì áp lực ở trong phổi, trong lồng ngực vẫn âm, máu vẫn lưu thông tốt mà không làm tăng áp lực ngoại vi.
10 lợi ích sức khỏe từ yoga
Yoga là bộ môn kết hợp nhuần nhuyễn giữa cơ thể và trí óc bao gồm những bài tập thể chất kết hợp với thở, với thư giãn để giải tỏa căng thẳng đồng thời làm khí huyết lưu thông. Vì vậy yoga mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe của con người.
1 - Tiêu hóa
Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp kích thích sự tuần hoàn máu , giúp tăng hiệu quả của hệ tiêu hóa, đào thải các độc tố bên trong cơ thể, hỗ trợ hoạt động đường ruột được trơn tru, khỏe mạnh. Giúp giải quyết các chứng chậm tiêu, đầy hơi, táo bón ..
2 - Cải thiện giấc ngủ
Tập yoga mỗi ngày đều đặn có thể giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn, do đưa lượng oxy nhiều lên não giúp cân bằng hưng phấn ức chế của hệ thần kinh.
3 - Giúp máu lưu thông tốt hơn
Tác dụng chính của yoga giúp cho tuần hoàn máu lưu thông và tác động đến toàn bộ cơ thể; giúp da săn chắc, hồng hào hơn.
4 - Hỗ trợ điều trị cột sống
Yoga có rất nhiều động tác tập ở tư thế nằm, thuận lợi cho cột sống. Do đó phòng và hỗ trợ điều trị các chứng đau lưng, đau cổ gáy, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm giai đoạn bảo tồn nội khoa ...
5 - Vóc dáng thon gọn
Việc tập yoga tác động mạnh đến các cơ sau thân, và cơ bụng, hông... giúp cơ thể chuyển hóa các chất tốt hơn. Góp phần giữ vóc dáng gọn gàng, giảm thiểu hiện tượng tích mỡ, béo bụng.
6 - Viêm xoang
Tập yoga kích thích tuần hoàn máu đến các xoang. Giúp bạch cầu, đại thực bào cũng như thuốc vùng xoang nhiều hơn. Bên cạnh đó, những động tác yoga có thể khắc phục được thông đường dẫn khí và làm bong dịch nhầy.
7 - Tinh thần thoải mái
Yoga còn có tác dụng giảm stress, duy trì sự ổn định về tinh thần.
8 - Vấn đề chăn gối
Yoga giúp kích thích tuần hoàn, nuôi dưỡng những tuyến nội tiết, cơ quan ... Các hoạt động của tuyến sinh dục, buồng trứng được bảo đảm và cải thiện chức năng.
9 - Xoa bóp nội tạng
Khi thở sâu, cơ hoành hạ xuống thấp tạo áp xuất rất lớn trong khoang bụng tạo tác dụng xoa bóp nội tạng, máu lưu thông tốt hơn. Thông thường khi con người ngày càng lớn tuổi thì các bộ phận trong cơ thể dễ bị sa do các cơ, dây chằng yếu, giảm trương lực. Tập yoga giúp cơ bụng săn chắc, các nội tạng đỡ bị sa.
10 - Tươi nhuần não bộ
Tập yoga giúp cung cấp một lượng máu lên não dễ dàng, giúp nuôi dưỡng tế bào thần kinh, trung khu thần kinh, tươi nhuận bộ não.
PGS. TS. BS Phạm Huy Hùng cho biết yoga cũng như các môn thể dục, nên tập hàng ngày, vào buổi sáng hoặc chiều, tối để nâng cao sức khỏe.
"Tôi khuyến khích người lớn tuổi tập yoga, tuy nhiên phải được hướng dẫn an toàn bởi người có chuyên môn, đặc biệt họ nên hạn chế các tư thế mạnh có thể gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, người tập yoga cần phải có chế độ ăn dinh dưỡng khoa học, điều này sẽ hỗ trợ rất tốt giúp nâng cao hiệu quả tập yoga." - PGS. TS. BS Phạm Huy Hùng chia sẻ.
Theo tuoitre.vn
8 dấu hiệu thầm lặng của ung thư gan Hãy chắc chắn rằng bạn được kiểm tra thường xuyên nếu có nguy cơ, và đến gặp bác sĩ nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào nghi có liên quan quan với ung thư gan. Tiền sử viêm gan C Một số đặc điểm có thể dẫn đến nguy cơ bị ung thư gan. Những người có tiền sử viêm gan C có...