74 vụ lừa đảo trên Internet trong hai tháng
Trong hai tháng qua, công an đã phát hiện, xử lý 74 vụ, 174 cá nhân lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, theo trung tướng Tô Ân Xô.
Bên lề họp báo Chính phủ chiều 6/9, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho VnExpress biết, thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có xu hướng gia tăng, thậm chí diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia. Việc này gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: Nhật Bắc
Trong số đó, vụ nổi cộm là sàn giao dịch ngoại hối Hitoption hoạt động trái pháp luật, lừa hàng chục nghìn người tham gia đầu tư với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Thế Dương, Nguyễn Văn Quyền để điều tra về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 290 Bộ luật Hình sự.
Những người này được xác định trực tiếp can thiệp vào hệ thống để làm thay đổi tỷ lệ, khiến nhà đầu tư thua lỗ và chiếm đoạt tiền. Cơ quan chức năng kiểm tra trên hệ thống sàn Hitoption có gần 1.000 người tham gia, tổng số tiền nạp vào kể từ khi mở sàn ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Mở rộng điều tra, Bộ Công an phát hiện Dương, Quyền còn tạo lập hàng chục sàn giao dịch khác có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp với hơn 115.000 tài khoản; có số dư hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó tổng số tiền nhà đầu tư đã rút ra là 611 tỷ đồng…
Theo Chánh văn phòng Bộ Công an, để phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương nắm rõ thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, thường xuyên thông báo để người dân cảnh giác và xử lý kịp thời những kẻ vi phạm.
Bộ cũng kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tội phạm như tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, hoạt động cung ứng, sử dụng sim, thẻ điện thoại; quản lý việc mở thẻ, sử dụng thẻ ngân hàng, thanh toán qua biên giới.
Bộ Công an cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Sàn tiền ảo "khủng" bị Công an Hải Phòng đánh sập như thế nào?
Sàn giao dịch tiền ảo "khủng" Hitoption tại Hà Nội vừa bị Công an Hải Phòng đánh sập sau 2 tháng theo đuổi, phá án.
Video đang HOT
Sập bẫy tiền ảo lợi nhuận "khủng"
Sàn giao dịch tiền ảo Hitoption do Nguyễn Thế Dương (SN 1996, trú tại phòng 1605, tòa nhà Star Tower, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), là Giám đốc Công ty TNHH MTV ANT Group) điều hành và Nguyễn Văn Quyền (SN 1983, trú tại Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) phụ trách kỹ thuật.
Hoạt động phạm tội cùng phương thức thủ đoạn của các đối tượng liên quan đến sàn giao dịch này bị công an bóc gỡ, phơi bày.
Theo tài liệu điều tra, tháng 6/2020, Nguyễn Thế Dương thiết lập sàn giao dịch ngoại hối Hitoption.net, sử dụng chế độ BOT (chơi tự động). Sàn Hitoption do Dương điều hành và Quyền phụ trách kỹ thuật.
Sau khi thành lập sàn, các đối tượng dụ dỗ lôi kéo người đầu tư tham gia theo phương thức đa cấp, người đầu tư trước giới thiệu người đầu tư sau vào sàn sẽ được hưởng hoa hồng 1,5%. Nhìn mức hoa hồng hấp dẫn, nhiều người đã giới thiệu người thân, quen, họ hàng cùng rót tiền vào đầu tư.
Quá trình tham gia sàn, người đầu tư cũng thường được các đối tượng chăm sóc, tặng nhiều quà có giá trị mỗi khi giới thiệu thêm người mới/tăng thêm doanh số đầu tư của nhóm hoặc quà dịp lễ tết, sinh nhật... để gây thiện cảm.
Chưa hết, để tạo sự tin tưởng cho người tham gia, sau khi thành lập sàn Hitoption.net, Dương luôn "nổ" đây là "sàn Anh quốc", cam kết lãi suất ổn định từ 6 đến 15%/tháng, người chơi có thể rút tiền vốn và lãi về bất kỳ lúc nào.
Ngoài ra, để mở rộng quy mô hoạt động, khuếch trương việc làm ăn, Dương còn thành lập Công ty TNHH MTV ANTGROUP (trụ sở tại tầng 7, tòa nhà CTM Complex, số 139 Cầu Giấy, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội), thuê gần 100 nhân viên gọi điện mời gọi hoặc quảng cáo, môi giới, tư vấn người đầu tư tham gia qua mạng xã hội.
Đối tượng điều hành sàn giao dịch tiền ảo "khủng" được xác định là Nguyễn Thế Dương (Ảnh: Công an cung cấp).
Luật chơi tại sàn được Dương xây dựng gồm 2 cách cơ bản. Cách thứ nhất, người chơi tự chọn theo phương thức tỉ giá lên/xuống giữa các cặp ngoại tệ trong thời gian 30 giây. Sau 30 giây nếu dự đoán đúng thì được hưởng 90% tiền đặt cược, mất 5% phí giao dịch, nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền. Cách thứ hai, người chơi có thể mua chế độ tự động với lợi nhuận cam kết 6 - 15%. BOT đánh trong vòng 100 ngày thì người chơi sẽ rút cả vốn lẫn lãi.
Trên thực tế, dù người tham gia chọn cách tự chơi hoặc đặt chế độ tự động thì Dương đều có thể điều chỉnh để mỗi người thắng hay thua theo ý đối tượng. Do đó, thời gian đầu, để lôi kéo người chơi, Dương sẽ cho người chơi mới thắng, kiếm được lợi nhuận cao để tiếp tục nạp tiền vào sàn hoặc huy động thêm người khác tham gia để được hưởng hoa hồng từ sàn. Sau đó Dương điều chỉnh cho người chơi không rút được tiền trong tài khoản trên sàn ra hoặc thua hết tiền trên tài khoản để chiếm đoạt.
"Cất vó"
Phương thức thủ đoạn của các đối tượng khiến công tác phá án gặp khó khăn (Ảnh: Công an cung cấp).
Phương thức thủ đoạn tinh vi như vậy nhưng mọi hoạt động phạm tội của các đối tượng tại sàn giao dịch này không qua mắt được các trinh sát thuộc phòng An ninh Kinh tế (PA04), Công an TP Hải Phòng.
Đầu tháng 4/2021, qua công tác nắm tình hình địa bàn, các trinh sát đã phát hiện sàn giao dịch ngoại hối trên không gian mạng Hitoption với nhiều hoạt động có dấu hiệu bất minh.
Sau khi đi sâu tìm hiểu, xác định thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, PA04 đã báo cáo lãnh đạo Công an thành phố để cùng phối hợp với Cảnh sát hình sự Hải Phòng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá.
Chuyên án mang bí số "HIT6" do Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Giám đốc Công an Hải Phòng chỉ huy.
Sau khi xác lập chuyên án, lực lượng tham gia phá án đã vận động người đầu tư phối hợp cung cấp thông tin mà họ có về sàn giao dịch này và các đối tượng tham gia vào hoạt động của sàn, khu vực hoạt động của các đối tượng.
Từ những thông tin trên, Ban chuyên án đã trinh sát ngoại tuyến, qua đó xác định được căn cước, lai lịch, chỗ ở, di biến động của các đối tượng. Các trinh sát nhận định, Nguyễn Thế Dương đối tượng điều hành sàn giao dịch và Nguyễn Văn Quyền phụ trách kỹ thuật.
Kết quả 3 tháng trinh sát, PA04 đã làm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động của sàn Hitoption, khoanh vùng được cơ sở vận hành dưới vỏ bọc công ty ANT Gorup tại Cầu Giấy, Hà Nội.
Sau một thời gian theo sát mọi di biến động của các đối tượng cũng như hoạt động của sàn giao dịch này, Ban chuyên án quyết định "cất vó".
Ngày 2/6, Ban chuyên án đã huy động hơn 40 cán bộ tổ chức thành 7 Tổ công tác phối hợp với Công an phường sở tại ở Hà Nội, tiến hành triệu tập các đối tượng tham gia sàn Hitoption.
Theo Ban chuyên án, việc kịp thời đấu tranh, xử lý nhóm đối tượng trên đã ngăn chặn được nhiều người dân bị lôi kéo tham gia đầu tư dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Công an cung cấp).
Theo Thượng tá Phạm Tiến Dũng - Phó trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an Hải Phòng, đây là vụ án có quy mô rất lớn từ trước đến nay trên địa bàn, liên quan đến tổ chức, hoạt động của hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, BOT, tiền ảo, website trái phép trên không gian mạng.
Số lượng các nhà đầu tư trên sàn giao dịch lớn, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với số tiền giao dịch rất lớn.
Cũng theo Thượng tá Dũng, quá trình điều tra, phá án Ban chuyên án cũng gặp không ít khó khăn. Ban đầu, thông tin do người đầu tư cung cấp không rõ ràng, chỉ biết tên các đối tượng và khu vực hoạt động của văn phòng nên công tác trinh sát, xác định căn cước, lai lịch, di biến động của đối tượng không dễ dàng.
Bên cạnh đó, thời điểm Ban chuyên án tiến hành trinh sát tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động của cán bộ tham gia phá án gặp không ít khó khăn.
Chưa kể, hoạt động của những người đầu tư và đối tượng điều hành hoạt động của sàn giao dịch này rất khó xác minh khi các giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng được bảo mật chặt chẽ. Phương thức giao tiếp của các đối tượng điều hành cũng đều thông qua mạng internet, việc thu thập chứng cứ chứng minh không đơn giản.
Việc phá án thành công, theo đó, như đánh giá của một lãnh đạo PA04, có ý nghĩa lớn, giúp ngăn chặn được nhiều người bị chiếm đoạt tài sản, giúp bảo vệ an ninh kinh tế, chính sách tiền tệ nói chung.
Theo vị lãnh đạo này, Ban chuyên án sẽ tiếp tục phân tích các dữ liệu đã thu thập được để mở rộng đấu tranh, xử lý các đối tượng phạm tội.
Công an TP Hải Phòng khuyến cáo, hiện Việt Nam chưa công nhận các loại tiền kỹ thuật số, chỉ có ngân hàng và các tổ chức tín dụng mới được cấp phép trong hoạt động giao dịch ngoại hối. Do đó, hầu hết các sàn giao dịch ngoại hối trên không gian mạng chưa được cấp phép nên việc người dân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch này sẽ gặp nhiều rủi ro, dễ rơi vào bẫy của các đối tượng hòng chiếm đoạt tài sản của người tham gia đầu tư.
Chiêu lừa đảo của sàn giao dịch Hitoption: Điều chỉnh thắng, thua theo ý muốn Nhằm chiếm đoạt tài sản, người quản lý, điều hành sàn giao dịch ngoại hối Hitoption điều chỉnh người chơi thắng hoặc thua theo ý muốn bằng thủ đoạn tinh vi. Ngày 22/6, Công an TP Hải Phòng cho biết, ực lượng công an đã phá chuyên án, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam hai bị can do có hành...