7 quán ăn lâu năm trong hẻm Sài Gòn
Bánh canh “chờ”, phở Minh hay cháo vịt cô Hợp đều là những địa chỉ lâu năm và đón đông khách.
Bánh canh “chờ”
Quán nằm ở đầu một con hẻm trên đường Nguyễn Phi Khanh, quận 1. Thực khách lần đầu đến đây sẽ bất ngờ khi quán chỉ bán đúng một giờ mỗi ngày. Quán mở cửa vào khoảng 3h chiều, nhưng chưa đến giờ đã có nhiều người chờ sẵn, không ít khách tới trễ phải quay lại hôm sau. Điều thú vị ở địa chỉ này không bảng hiệu, khách quen gọi là “bánh canh cô tóc bạc” vì người ngồi bán là một phụ nữ có mái tóc trắng xóa.
Thực đơn của quán chỉ có duy nhất món bánh canh ăn cùng giò heo. Điểm cộng ở đây là sợi bánh thơm dai, nước dùng ngọt và giò heo giòn mềm. Khi ăn, bạn có thể chấm giò heo với nước mắm ớt cay để tăng thêm mùi vị. Giá cho một phần ăn dao động trong khoảng 25.000 đến 40.000 đồng, rẻ nhất là tô bánh canh giò.
Cháo vịt cô Hợp
Nằm trong sâu trong một con hẻm trên đường Xóm Chiếu (quận 4), quán mở từ cuối những năm 90. Anh Quyền (trong ảnh) cho hay, anh được mẹ giao lại quán từ 3 năm trước. Trước đó, ông chủ 32 tuổi đã phụ mẹ bán hàng và học công thức nấu nướng. Mỗi ngày, quán bán hết ít nhất 12 con vịt lấy từ Long An, nấu khoảng 3 kg gạo và bán chừng 5 – 6 tiếng là hết hàng.
Thực đơn của quán có 2 món bún và cháo nhưng cháo vịt được khách ưa chuộng hơn hẳn. Thịt vịt được làm kỹ nên không hôi, săn chắc, ăn kèm không thể thiếu chén nước mắm gừng nêm nếm vừa vặn. Bạn có thể gọi tô cháo thịt vịt giá 30.000 đồng hoặc suất cháo trắng ăn kèm gỏi vịt giá 62.000 đồng.
Bánh canh “tennis”
Quán nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Nguyễn, quận 1, đã mở được 30 năm. Hàng vỉa hè, không biển hiệu nhưng mỗi ngày bán cả trăm bát nhờ miếng bò viên có kích thước “khủng”, được nhiều thực khách ví như trái bóng tennis. Quán mở cửa từ khoảng 15h, bán khoảng 3 tiếng là nghỉ.
Trong số các loại đồ nêm cho khách gia giảm được xếp gọn trên bàn, tô ớt xào khiến thực khách chú ý vì cách làm lẫn hương vị khác biệt. Mọi suất ăn luôn được chủ quán hào phóng múc nhiều bánh canh. Tô đầy đủ có giá 35.000 đồng, tô giò không giá 25.000 đồng, còn tô bánh canh chỉ có bò viên giá 27.000 đồng. Thực khách có thể yêu cầu đồ ăn kèm theo sở thích.
Video đang HOT
Phở Minh
Phở Minh là một trong những tiệm phở gắn bó với nhiều thế hệ người Sài Gòn suốt hơn nửa thế kỷ qua. Theo bà Sáu Dần (chủ quán), tiệm ngày xưa chỉ là một xe đẩy nhỏ ở trong hẻm đường Pasteur, cạnh rạp Casino (sau đổi tên thành Vinh Quang). Đến năm 1950, gia đình bà mới có một gian nhà nhỏ để kê bàn và bắt đầu đón khách trong một con hẻm nhỏ và yên tĩnh trên đường Pasteur, quận 1. Hiện quán chỉ phục vụ khách vào buổi sáng.
Vị phở Bắc tại đây thể hiện qua nước dùng thanh, ngọt từ xương mà không có thêm phụ gia. Thoảng trong hơi khói toả ra từ nồi nước dùng đang sôi ở góc nhà là mùi gừng nóng ấm. Thực khách đến đây có thể gọi các suất ăn tái, nạm, gân theo sở thích. Mỗi suất ăn có giá trung bình 50.000 đồng.
Quán cơm do thành viên trong một gia đình cùng nhau quán xuyến các công việc, từ đi chợ, nấu nướng cho đến phục vụ khách. Địa chỉ này ở đầu một con hẻm trên đường Võ Văn Tần, quận 3 và đã 30 năm tồn tại. Gian bếp chính đặt ở trước cửa quán, bày biện các món ăn trông bắt mắt. Quán mở cửa từ khoảng 6h đến trưa là nghỉ, đông khách nhất vào khoảng 7h – 8h.
Thực đơn của quán nổi bật với món cơm tấm sườn nướng, bì, chả hoặc trứng chiên. Điều khiến khách hài lòng là miếng sườn được nêm nếm tròn vị, không bị khô. Bếp nướng đặt trên tầng hai của nhà. Đầu bếp nướng liên tục để đảm bảo sườn luôn nóng hổi, tươi ngon khi phục vụ khách. Bên cạnh đó, cơm ở đây cũng được nhiều thực khách khen ngon nhờ hạt gạo trắng, thơm và dẻo. Sợi bì do nhà làm, phần lớn là thịt, ít mỡ và da. Suất ăn có giá từ 40.000 đồng.
Bún măng vịt “đợi”
Quán không bảng hiệu, nằm sâu trong con hẻm 281 đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình. Thực khách phải vất vả mới tìm được đến địa chỉ dù quán đã bán trên 50 năm không đổi. Quán mở cửa từ 15h30 và đóng cửa ngay sau đó một tiếng, thực khách đến trễ sẽ không được thưởng thức món ăn.
Địa chỉ này bán bún măng ăn kèm thịt vịt hoặc gỏi vịt. Theo nhiều thực khách sành ăn, nước lèo và nước mắm tại đây được nấu theo vị miền Nam. Thịt vịt thơm và mềm. Ngoài ra, quán còn bán lòng vịt, huyết vịt. Một tô bún đầy đủ giá từ 35.000 đồng, suất gỏi và bún măng riêng dành cho một người có giá 65.000 đồng.
Phở dì Hạnh
Quán có thâm niên 44 năm nằm trong một con hẻm nhỏ gần Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM ở quận 1. Như bao quán bình dân khác, khách ngồi trên bàn ghế thấp, xung quanh bếp của bà chủ để thưởng thức món ăn. Do nồi nước lèo cũng đặt ngay đó nên khi ngồi vào bàn, bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm của nước hầm xương ống bò. Quán có ít người phục vụ nhưng luôn đông khách.
Sợi phở ở quán có bản nhỏ, mềm. Nước dùng trong, vị đậm đà. Bạn có thể gọi các món phở quen thuộc như tái gân, tái nạm hay bò viên. Trên bàn ăn khách luôn sẵn những thố rau sống, hai loại tương và ớt, chanh… Quán phục vụ khách từ khoảng 8h đến trưa. Mỗi suất ăn có giá trung bình 35.000 đồng.
Mỗi ngày một món: Cách nấu Bún măng vịt
Bún măng vịt ăn kèm với rau sống tươi ngon, thêm nước mắm gừng ngon đậm đà, rất hợp vị.
Chuẩn bị nguyên liệu nấu bún măng vịt
Vịt đã được sơ chế sạch: 1 con khoảng 1-1,2 kg.
Tiết vịt: 500g.
Măng tươi: 500g.
Gừng tươi: 1 nhánh.
Chanh: 2 trái.
Rau sống ăn kèm: Rau muống chẻ, bắp chuối thái lát, rau thơm, rau quế, giá đỗ hoặc bất cứ loại rau nào mà bạn thích nhé.
Ớt sừng: 3 trái.
Bún tươi: 1 kg.
Hành lá, rau mùi: 100g.
Gia vị: Muối, hạt nêm, bột ngọt, tiêu bột, ớt bột, dầu ăn, hành khô, tỏi, rượu trắng.
Sơ chế nguyên liệu nấu bún măng vịt
Chanh: Lấy nước cốt
Gừng tươi: Gọt vỏ, rửa sạch, 1/3 đập dập, 1/3 thái chỉ, 1/3 để nguyên.
Vịt: rửa sạch với nước có pha một ít rượu, nước cốt 1 trái chanh, 2 thìa muối để vịt sạch, tiếp đó xát phần gừng đã đập dập lên toàn bộ thân vịt trong 5 phút rồi rửa sạch lại 1 lần nữa, để ráo.
Tiết vịt: Luộc chín, thái miếng vừa ăn.
Măng tươi: Thái thành từng sợi dài khoảng 5cm, rồi cho vào nồi nước sôi có pha 1 thìa muối, luộc kỹ trong 30 phút để măng ngon mà không bị đắng, sau đó xả kỹ với nước lạnh, để ráo.Ớt sừng: Rửa sạch, bỏ cuống, để riêng.
Hành lá, rau mùi: Nhặt vừa rửa sạch, phần đầu hành cắt khúc dài 5cm, lá hành và rau mùi thái mịn.
Hành khô, tỏi: Làm sạch, băm nhỏ, để 2 củ hành chẻ làm 4.
Rau sống ăn kèm: Nhặt và rửa sạch, để ráo, bày ra đĩa.
Thực hiện nấu bún măng vịt
Cho vào nồi một lượng nước vừa đủ để luộc vịt cùng với 1 thìa muối, gừng thái chỉ, hành tím đã chẻ làm 4, phần đầu hành để thịt vịt thơm ngon, đậm đà, nhớ là thả vịt vào luộc ngay từ đầu nhé, khi nước luộc vịt sôi bạn dùng thìa lớn vớt sạch hết phần bọt và mỡ bên trên để nước nấu của cách nấu bún măng vịt được trong ngon.
Khi thấy thịt vịt đã chín tới (bạn có thể dùng đũa đâm xuyên qua vịt để kiểm tra nhé) bạn vớt ra, ngâm vào chậu nước lạnh khoảng 5 phút, có thể cho thêm một ít đá viên, làm như thế thịt vịt sẽ không bị khô, không bị thâm đen và ngọt ngon hơn nhé, sau đó chặt vịt thành từng miếng vừa ăn, trong khi đó vẫn để lửa nhỏ liu riu để giữ nóng nồi nước luộc vịt nhé.
Phi thơm 3 thìa dầu ăn với hành tỏi băm nhỏ và 1 thìa ớt bột rồi cho măng đã luộc chín vào xào, nêm thêm 1 thìa hạt nêm, 1 thìa bột ngọt, 1 thìa nước mắm, thìa đường sao cho có vị vừa ăn, xào khoảng 5 phút đến khi măng ngấm đều gia vị thì bạn cho toàn bộ phần măng xào vào nồi nước luộc vịt, đảo nhẹ, cho thêm phần tiết vịt và toàn bộ phần đầu hành còn lại vào, nêm nếm lại gia vị cho nồi nước bún măng vịt có vị vừa ăn là được.
Làm nước mắm gừng ăn kèm bún măng vịt: Cho phần gừng còn lại, 3 trái ớt, 1 củ tỏi đã được lột vỏ, 1,5 thìa đường vào cối giã thật nhỏ nhuyễn rồi cho hỗn hợp ra bát, trộn với 4 thìa nước mắm, 1 thìa chanh tươi là bạn đã có 1 bát nước mắm gừng ngon đậm đà để ăn kèm món bún măng vịt này rồi đấy.
Yêu cầu và thưởng thức món bún măng vịt
Nước bún măng vịt trong, ngọt thanh, hấp dẫn, vị vừa ăn, thịt vịt ngọt ngon, không có mùi, không bị thâm đen, không bị khô, rất ngon miệng, các loại rau sống ăn kèm tươi ngon, nước mắm gừng ngon đậm đà, rất hợp vị.
Khi ăn bạn cho bún ra tô, xếp thịt vịt lên trên chan nước dùng, cho ít tiết vịt, măng, rắc ít hành lá, rau mùi thái nhỏ và một ít tiêu bột lên trên là bạn đã có thể thưởng thức vị ngon hấp dẫn của món bún măng vịt này rồi đấy, dùng kèm nước mắm gừng và rau sống ăn kèm cho thêm phần đậm đà nữa nhé.
Quán ăn gần 30 năm đổi món mỗi ngày Khách đến quán cô Thuận trước dãy chung cư trên đường Tháp Mười, quận 6 không biết trước hôm nay họ sẽ được ăn gì. "Hôm qua thấy nước lèo màu đỏ sao hôm nay chuyển sang màu vàng rồi bà Thuận? Món này là phở hay bún bò vậy?", anh Sơn Hạnh (quận 6) đứng cạnh nồi nước phở bò ngạc nhiên...