7 năm là học sinh giỏi vẫn trượt THPT: Đừng ‘đong đếm’ năng lực của con bằng một kỳ thi
Câu chuyện người mẹ phạt con quỳ trước bàn dân thiên hạ chỉ vì con là học sinh giỏi suốt 7 năm nhưng vẫn thi trượt là một câu chuyện buồn, đáng tiếc, là hành động phản giáo dục…
Câu chuyện người mẹ phạt quỳ con vì 7 năm là học sinh giỏi vẫn trượt THPT là một hành động phản giáo dục. (Nguồn: Internet)
Thi trượt không phải là thất bại mà chỉ là khúc cua để đi đến thành công theo một cách khác nhưng không ít phụ huynh đang bi kịch hóa việc thi trượt của con mình.
Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này là cha mẹ chuẩn bị kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ chưa đầy đủ. Chỉ nhìn thấy duy nhất con đường học vấn và gắn kết quả từng chặng đường học vấn của con với danh dự gia đình. Chính lý do này, không ít bậc cha mẹ liên tục bi kịch hóa, phóng đại việc thi trượt của con lên tầm cỡ lớn.
Ngoài ra, vì bắt buộc phải lo con đường đi tiếp theo, thế nên không ít phụ huynh cảm thấy gánh nặng trút lên vai mình. Ức chế vì không được khoe vinh quang của con, ức chế vì có thêm một trọng trách, lo lắng không biết tháng 9 tới, con sẽ đi học tại đâu… là các lý do cha mẹ cảm thấy bi kịch của mình quá lớn.
Hơn thế, sai lầm còn đến từ việc cha mẹ đang “đong đếm” năng lực của con mình bằng một kỳ thi. Để trưởng thành, con cần phải rèn luyện cả đạo đức lẫn kỹ năng. Tuy nhiên, điều này khá mơ hồ và không có thước đo nên các bậc cha mẹ thường bị chú tâm vào điểm số.
Vậy nhưng, với các cháu có năng lực học tập, áp lực ngày một lớn sẽ khiến con thật sự khủng hoảng. Với các cháu năng lực hạn chế, áp lực này sẽ khiến con vô cùng bất mãn, khó chịu, hoặc tự ti, lo sợ và hạn chế khả năng phát huy chính mình.
Trong khi đó, vô số vĩ nhân, danh nhân nổi tiếng thành công đã có tuổi thơ hết sức bình thường và từng nếm trải thất bại trong trường học. Vậy nhưng, cha mẹ sẽ có suy nghĩ, chẳng mấy vĩ nhân như vậy đâu, cứ có học tập, có bằng cấp là yên tâm, là sẽ có tương lai.
Điều này đã khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở thành bi kịch, khoảng cách ngày càng lớn hơn. Có một sự thật, ngay cả những người học hành giỏi giang mà kỹ năng kém hoặc ý thức làm việc không tốt, sự thành công cũng không đến. Trong khi một lần trượt, một lần thất bại, con sẽ vững vàng hơn, hiểu chuyện hơn, biết mình biết người hơn, khiêm tốn hơn và rút được rất nhiều kinh nghiệm.
“Ức chế vì không được khoe vinh quang của con, ức chế vì có thêm một trọng trách, lo lắng không biết tháng 9 tới, con sẽ đi học tại đâu… là các lý do các cha mẹ cảm thấy bi kịch của mình quá lớn khi con thi trượt. Hơn thế, sai lầm còn đến từ việc cha mẹ đang đong đếm năng lực của con mình bằng một kỳ thi”.
Ngoài ra, trượt các nguyện vọng, con còn rất nhiều con đường khác để đi. Đôi khi cánh cửa đóng lại chưa chắc đã phù hợp với con bằng cánh cửa khác đang mở ra.
Biết đâu, ngôi trường con sắp vào học mới, hoặc nghề nghiệp con lựa chọn sau khi tốt nghiệp sẽ đem cho con thành công lớn hơn nơi con vừa thi trượt.
Có một thực tế, cha mẹ quá ảo tưởng về con nên khiến con phải “gánh” thêm quá nhiều áp lực. Học đến mức ăn trên xe, uống nước trên xe, ngủ gục trên xe… chắc chắn không bao giờ là trải nghiệm tốt với trẻ. Đi thi với tâm trạng lo lắng sẽ còn khiến các con dễ bị cảm xúc chi phối, ảnh hưởng đến chính kết quả thi.
Video đang HOT
Ngoài ra, khi việc học hành được đặt quá nặng, con sẽ thiếu hụt vô khối các kỹ năng sống, các kinh nghiệm sống và tính cách tốt đẹp. Thời gian dành cho mỗi con người chỉ có 24 giờ, không ai có nhiều hơn. Dành thời gian để rèn luyện những thứ còn thiếu trong con người con trước khi đến tuổi trưởng thành chính là phần quan trọng số 1 trong đào tạo một con người.
Quá ảo tưởng, sức ép nặng nề, việc đào tạo quan trọng kia bị bỏ ngỏ sẽ còn là các lý do cho những bi kịch xảy ra. Việc một người mẹ bắt con quỳ vì thi trượt là một đòn giáng mạnh xuống tâm lý đứa trẻ.
“Trượt các nguyện vọng, con còn rất nhiều các con đường khác để đi. Đôi khi cánh cửa đóng lại chưa chắc đã phù hợp với con bằng cánh cửa khác đang mở ra”.
Trượt thì cũng trượt rồi, giờ quan trọng là cha mẹ và con cần nhìn lại chính mình để tìm kiếm xem đã sai lầm ở đâu để rút kinh nghiệm, thiếu chỗ nào để bổ sung. Nếu cứ xoáy vào kết quả trượt, chúng ta sẽ không giải quyết được điều gì, có khi còn gây thêm các sai lầm tiếp theo.
Áp lực thi cử, áp lực điểm số, áp lực thành tích không phải là câu chuyện mới nhưng tôi cảm thấy buồn và chán nản khi câu chuyện thành tích đã nói mãi rồi những vẫn không phải là chuyện cũ, vẫn là “chuyện thường ở huyện”.
Phụ huynh – xin hãy nhìn rộng ra hơn chút nữa. 5, 10, 20 năm sau, sẽ chẳng có ai nhớ đến thất bại này của con ngoài chính con. Vì thế, việc gây ra những áp lực lớn lên con lúc này chỉ khiến chúng ta làm hỏng mọi chuyện, vô tình đánh cắp đi cơ hội của con, khiến con đánh mất chính mình.
7 năm là học sinh giỏi vẫn trượt THPT: Vì sao các em không biết mình 'đang đứng ở đâu'?
Từ chuyện 7 năm là học sinh giỏi nhưng vẫn trượt THPT, có thể nói để nâng đỡ học sinh, để hoàn thành chỉ tiêu đã nảy sinh những điểm số ảo, thành tích ảo.
Vì thế, các kỳ thi mới cần thiết để chính học sinh soi lại bản thân, định vị lại mình...
Nhìn từ câu chuyện 7 năm là học sinh giỏi vẫn trượt đại học nghĩ về bệnh thành tích trong giáo dục. (Nguồn: TT)
Xung quanh câu chuyện một phụ huynh phạt con quỳ giữa sân trường vì thi trượt xôn xao dư luận thời gian qua, TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, nếu vẫn xét thành tích của nhà trường, giáo viên bằng thành tích học tập của học sinh thì tình trạng ảo, điểm số ảo trong giáo dục vẫn xảy ra.
Bà có quan tâm câu chuyện người mẹ phạt con quỳ vì trượt trường công và trường dân lập cũng không nhận?
Mất bình tĩnh khi con nhận kết quả thất bại là phản ứng thường thấy của các bậc cha mẹ học sinh. Họ không thể nào bình tĩnh nổi do sự kỳ vọng quá lớn, do việc ghép thành tích học tập của con với danh dự gia đình.
Vì đâu điểm học và điểm thi lại lệch nhau? Có phải điểm số của học sinh ở trường quá cao nhưng không tỷ lệ thuận với chất lượng học tập thật nên mới để xảy ra những bi kịch tương tự?
Điểm học và điểm thi chênh nhau không phải là quá đặc biệt do tâm lý học sinh khi thi cử sẽ bấp bênh hơn lúc đang học. Với các học sinh vốn có sức học tốt, nhưng trong quá trình ôn tập, các em không nhiệt tình và trách nhiệm ôn thi, sức học sẽ đuối hơn khi đồng loạt các bạn dồn sức cho học tập. Với những trường hợp các em thường xuyên làm bài cẩu thả, điểm thi sẽ rất bấp bênh. May mắn tính không sai thì con được điểm cao, không may mắn mà bài nào cũng tính sai thì điểm sẽ vô cùng thấp.
Ngoài ra, điểm thi và điểm học chênh nhau cũng có thể đến từ các lý do khác. Đôi khi trong quá trình học tập, giáo viên cũng nâng đỡ vì biết lực học của các em thực chất ra sao. Cũng có trường hợp điểm ảo để hoàn thành chỉ tiêu. Chính vì thế, các kỳ thi mới cần thiết để chính các học sinh soi lại bản thân mình.
Từ câu chuyện này báo động chất lượng ảo trong giáo dục ra sao, theo bà?
Tôi nghĩ đây chỉ là 1 câu chuyện nhỏ, không thể là đại diện cho bức tranh giáo dục toàn cảnh. Tuy vậy, giáo dục với chất lượng ảo cũng không phải là điều quá xa lạ với chúng ta. Nhiều năm học sinh giỏi mà điểm thi kém thì không thể hiện gì nhiều nhưng với những học sinh lên lớp liên tục nhưng đọc viết không nổi mới thể hiện rõ nét nhất chất lượng ảo của giáo dục.
Hiện tượng ngồi nhầm lớp diễn ra không hiếm, điều này đã gây khó khăn cho rất nhiều giáo viên nhưng nghiêm trọng hơn là làm hại cả cuộc đời của học sinh. Tôi đang giúp đỡ 3 em học sinh có kết quả học tập đã lên đến lớp 4 - 5 nhưng trình độ đọc viết và làm tính chỉ bằng lớp 1 - 2. Thậm chí, có em còn chưa biết viết. Tôi không hiểu với tình trạng giáo dục ảo kiểu này, cuộc đời của các em sẽ ra sao.
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, để có thể học thật thi thật, điều đầu tiên phải tách bạch hoàn toàn giữa đánh giá giáo viên và thành tích của học sinh.
Phải chăng việc đánh giá, xếp loại học sinh hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập khi học sinh giỏi nhiều hơn học sinh trung bình, khi trong lớp ai ai cũng là học sinh giỏi? Còn nguyên nhân nào nữa?
Ban đầu, giáo dục tiểu học là cấp học đánh giá học sinh mềm hơn, ưu ái hơn để động viên các em có thêm nỗ lực cố gắng. Vì thế, điểm số của các em được tính toán để đánh giá cao hơn dẫn đến nhiều học sinh giỏi hơn học sinh kém.
Đáng ngại là sau đó, hiện tượng này lan khắp các cấp học. Nếu như thời của tôi, học cấp 3 được học sinh giỏi là vô cùng khó khăn thì bây giờ, điều đó đã quá dễ dàng. Để điểm số cao cho các em có cơ hội kiếm học bổng trong các trường đại học là lý do hợp lý nhưng nếu điểm quá cao so với sức học của các em thì việc học tập tại các trường đại học sẽ khó khăn hơn nhiều khi các em không xác định được chính sức học của mình.
Việc đánh giá học sinh chưa sát, chưa thực chất không chỉ gây nên sự ảo tưởng, hy vọng ảo cho mọi người mà còn kéo theo biết bao bi kịch xảy ra?
Tôi nghe rất nhiều bậc cha mẹ than thở con điểm thi cao ngất trời, nhưng khi sang các trường đại học ở nước ngoài học thì lập tức gặp khó khăn, thậm chí không hiểu gì cả. Nhiều em lỡ dở vì phải bỏ ngang việc học do quá khó khăn, không đáp ứng được. Điều này xuất phát từ chính những điểm số ảo khiến các em không tìm được đúng trường đại học phù hợp với mình. Ngay chính cả các trường đại học trong nước, hiện tượng này cũng không hề hiếm.
Vậy nhưng, những tình huống này không đáng lo ngại bằng hiện tượng "ngồi nhầm lớp" khi các em có điểm số cao vút nhưng vẫn không đọc thông, viết thạo. Tình trạng có trẻ lên cấp 2 vẫn không thuộc bảng cửu chương là điều mà các giáo viên cấp 2 rất vất vả. Rất nhiều em sau đó bị kết luận bất thường và gặp khó khăn thậm chí phải dừng việc học.
Việc áp chỉ tiêu vào từng giáo viên như hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng ảo trong ngành giáo dục luôn tồn tại?
Theo tôi, đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất. Tôi biết có vô vàn trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chính các em. Có rất nhiều cháu bé sống với tâm trạng mình là người bỏ đi khi cứ ngồi học ở lớp cao mà sức học thì chỉ dưới đó vài lớp.
Các em cảm thấy lạc lõng, thấy mình ngu dốt, kém cỏi. Các em tự ti, lo ngại về mọi thứ, thậm chí có trẻ còn sợ chữ. Tất cả chỉ vì câu chuyện làm đẹp hồ sơ của lớp khiến phụ huynh, giáo viên và nhà trường đẩy tất cả học sinh lên lớp.
"Nhiều bậc cha mẹ than thở con điểm thi cao ngất trời, nhưng khi sang các trường đại học ở nước ngoài học thì lập tức gặp khó khăn, thậm chí không hiểu gì cả. Điều này xuất phát từ chính những điểm số ảo khiến các em không tìm được đúng trường đại học phù hợp với mình. Ngay chính cả các trường đại học trong nước, hiện tượng này cũng không hề hiếm".
Tôi biết có những giáo viên chiến đấu với cả nhà trường và phụ huynh để cho học sinh được đúp lớp. Cô đã gặp khá nhiều phiền phức từ phía nhà trường vì điều này ảnh hưởng đến thi đua của cả trường.
Vì thế, nếu vẫn xét thành tích của nhà trường, giáo viên bằng thành tích học tập của học sinh thì tình trạng ảo này vẫn xảy ra.
Dư luận thường bức xúc, lên án nếu ở đâu đó xảy ra chuyện gian lận thi cử, gian lận điểm số, thế nhưng có phải một bộ phận phụ huynh cũng đang vô tình tiếp tay cho căn bệnh thành tích và chất lượng ảo trong giáo dục?
Có giáo viên kể, sau khi thuyết phục nhà trường để cho một em học sinh học rất kém ở lại lớp, cô đã gặp sự phản ứng hết sức dữ dội từ chính phụ huynh của học sinh đó.
Thậm chí, họ vu khống cho cô là moi tiền, trù dập học sinh và bằng mọi cách chuyển con đi nơi khác. Rõ ràng, khi phía phụ huynh cũng đang coi trọng điểm số và việc lên lớp đều đặn, họ đã vô tình trở thành người gây ra những hệ lụy đau khổ cho con em mình.
Theo bà, để học thật, thi thật, cho ra "sản phẩm" giáo dục thật thì cần giải pháp nào?
Để có thể học thật thi thật, điều đầu tiên phải tách bạch hoàn toàn giữa đánh giá giáo viên và thành tích của học sinh.
Tôi cảm thấy khó hiểu nhất là tại sao chúng ta không ghi nhận công sức của giáo viên thông qua sự tiến bộ của học sinh mà lại đánh giá bằng điểm số. Kiểm tra khả năng thực chất của các em không khó nếu như mỗi Sở Giáo dục & Đào tạo có một đoàn thanh tra liên tục đến kiểm tra các trường một cách ngẫu nhiên. Các vấn đề kiểm tra ngoài kiến thức còn có kỹ năng và cả các hành vi như chào hỏi, cư xử, giao tiếp... cũng có thể đánh giá được trong buổi kiểm tra.
Ngoài ra, giáo dục Việt Nam nên dành thời lượng cho hình thức thi vấn đáp. Đây là hình thức đánh giá chính xác nhất năng lực của học sinh. Nếu mỗi kỳ thi có 50% đánh giá bằng vấn đáp thì công cuộc "học thật, thi thật" sẽ nhanh chóng đạt kết quả tốt.
Xin cảm ơn TS!
Thi cử quá nhiều lấy đi cơ hội phát triển của học sinh Đó là nhận xét về vấn đề thi cử của PGS Chu Cẩm Thơ (ảnh), Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam). Theo các nghiên cứu, việc lạm dụng các kỳ thi có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực - ẢNH: PHẠM HÙNG PGS Chu Cẩm Thơ (ảnh), Phó...