65 năm giáo dục Thủ đô: Vẫn còn nhiều trăn trở
Ngày 11/11, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội tổ chức Lễ Tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu Thủ đô năm 2019.
Đây cũng là dịp Kỷ niệm chào mừng 65 năm Ngày thành lập ngành GDĐT Hà Nội (1954-2019), Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều tâm sự, trăn trở với nghề đã được các đại biểu tham dự hội nghị chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân tiêu biểu. Nguồn: phunuvietnam.vn.
Những tiến bộ
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng nhìn lại lịch sử 65 năm xây dựng và phát triển rất đáng tự hào của ngành giáo dục Thủ đô. Từ khi chỉ 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông và một trường kỹ nghệ thực hành với tổng số chưa đầy một vạn học sinh năm 1954, đến nay Hà Nội được mở rộng cả về quy mô, diện tích; quy mô giáo dục tăng gấp đôi, trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số lượng trường học cũng như số lượng giáo viên và học sinh. Toàn thành phố có 2.744 trường từ mầm non tới THPT với hơn 2 triệu học sinh. Trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài. Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 giải và huy chương quốc tế. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn Thành phố là 96,18%. Công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ được nâng cao về chất lượng…
Biểu dương những thành tích đạt được của ngành giáo dục Thủ đô, bà Ngô Thị Thanh Hằng- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, vẫn còn một số nội dung cần quan tâm như: Quy mô, mạng lưới trường lớp ở một số địa bàn, ngành học, cấp học còn chưa hợp lý; Chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng miền chưa đồng đều; Một bộ phận học sinh còn chưa ngoan về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật, tai nạn thương tích và tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn là mối lo của xã hội. Bên cạnh đó một bộ phận cán bộ giáo viên trong đó có cả cán bộ quản lý năng lực còn hạn chế, chưa tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, thiếu chuẩn mực đạo đức. Vẫn còn tồn tại về vấn đề quản lý tài chính, thu chi các khoản phí, gây dư luận xấu trong xã hội. Đời sống, hoàn cảnh của một bộ phận cán bộ giáo viên còn khó khăn.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý năm học 2019-2020, ngành GDĐT Thủ đô cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của Ngành theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Đảng. Trong đó hoàn thành việc rà soát bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường, chú trọng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh… Đặc biệt chú trọng quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Gìn giữ hình ảnh người thầy
Tại Lễ tuyên dương, NGND Nguyễn Kim Hoãn- nguyên Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội chia sẻ, những xúc động về nghề giáo hôm nay. Ông bày tỏ những tâm tư, trăn trở về thân phận những giáo viên hợp đồng của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay chúng ta tổ chức thi tuyển công khai, điều đó rất đáng hoan nghênh nhưng có tình trạng những người mới được vào, còn những người bao nhiêu năm cống hiến trong ngành giáo dục thì lại bị loại ra. Có một lý do là một số quận huyện ký hợp đồng với giáo viên có phần tràn lan nên bây giờ mới tồn đọng nhiều giáo viên hợp đồng như vậy nhưng trong số vài trăm người ấy, cũng cần giải quyết một số vào biên chế…
“Tôi mong các đồng chí lãnh đạo hãy suy nghĩ để tìm ra các giải pháp có lý có tình để tuyển chọn được những giáo viên tận tâm với nghề. Làm sao để giữa cái cũ và cái mới thật hài hòa. Đó là chưa kể những giáo viên hợp đồng có mức lương rất không thỏa đáng, rất thấp…”- NGND Nguyễn Kim Hoãn bày tỏ.
Video đang HOT
Ông đề xuất có cơ chế xét tuyển ưu tiên cho những người lâu năm đã rồi còn bao nhiêu mới tuyển mới. Hoặc mỗi một năm tuyển một tỷ lệ bao nhiêu người đã có hợp đồng với các tiêu chí công khai minh bạch… Kể cả giáo viên đã vào biên chế, nếu không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy thì phải loại ra khỏi ngành. Nhưng không thể nói tất cả những giáo viên hợp đồng đều không đáp ứng đủ điều kiện được tuyển dụng thì không thỏa đáng.
Chia sẻ quan điểm này, nhà giáo Phạm Quang Phúc – nguyên cán bộ Sở GDĐT cho rằng, những người tham gia dạy học là vì yêu nghề, gắn bó với nghề nhưng không được tuyển dụng thì rất khổ tâm… Đời sống gia đình, tương lai, hạnh phúc của họ thật bấp bênh…
Tình trạng giáo viên được đào tạo nhưng lại không được sử dụng, hoặc tuyển dụng một thời gian ngắn rồi hết hạn hợp đồng, lại lo nơm nớp có được ký tiếp hay không khiến họ khó lòng yên tâm công tác…
Một vấn đề nữa được đề cập tại hội nghị đó là hiện nay có tình trạng các phương tiện truyền thông khai thác quá đà, các trang mạng xã hội lạm dụng hạ uy tín, làm hình ảnh người thầy thấp kém trước con mắt học sinh… Thầy là người trực tiếp truyền đạt kiến thức, dạy dỗ học sinh thành người. Mặc dù trong đó có một vài trường hợp chưa giữ gìn tư cách hoặc ứng xử chưa phù hợp… nhưng không vì thế mà làm xấu đi hình ảnh người thầy nói chung.
Cần hạn chế tình trạng này bởi điều này gây ra tâm lý an phận cho giáo viên. Họ sẽ chỉ làm hết việc, không quá nghiêm khắc với học sinh để tránh xảy ra chuyện này chuyện kia…
“Nếu xu hướng này phát triển thật là nguy hại cho ngành. Vì thế, chúng tôi mong muốn các vị lãnh đạo góp phần định hướng dư luận và truyền thông giữ gìn vị thế của người thầy”- NGND Nguyễn Kim Hoãn đề xuất.
Thu Hương
Theo daidoanket
Ngành Giáo dục Thủ đô bứt phá, đáp ứng yêu cầu đổi mới
Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô đã thay đổi về mọi mặt kinh tế - xã hội, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Trong sự thay đổi mạnh mẽ đó, có sự đóng góp của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tại Lễ khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trước khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố có 1.017 trường với trên 670.000 học sinh và 34.126 giáo viên; trong đó cấp học mầm non có 361 trường với hơn 4.200 nhóm lớp, 137.698 học sinh; cấp Tiểu học có 277 trường và 4 trường liên cấp với hơn 5.700 lớp, 201.992 học sinh; cấp Trung học Cơ sở có 218 trường và 16 trường liên cấp 2 - 3 với gần 4.500 lớp, 176.734 học sinh; cấp Trung học Phổ thông có 101 trường với hơn 2.600 lớp và 116.514 học sinh...
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có địa bàn rộng và đa dạng, có khu vực thành thị, nông thôn, miền núi. Lúc này, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội giữa khu vực nội thành và địa bàn mở rộng có sự chênh lệch lớn, số cơ sở giáo dục các cấp học tăng gấp đôi, số học sinh, đội ngũ giáo viên đều tăng gấp đôi, nhưng trình độ giáo dục không đồng đều giữa các cấp học.
Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý đối với ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.
Với 2.302 đơn vị cơ sở giáo dục, tăng thêm 1.255 đơn vị sau khi sáp nhập, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nỗ lực phát triển, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, quy mô mạng lưới trường, lớp tiếp tục được mở rộng và không ngừng phát triển. Đến nay, Hà Nội có 2.746 trường (gồm 2.744 trường mầm non, phổ thông và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Sở) với 60.391 nhóm lớp, 2.023.866 học sinh.
Chất lượng giáo dục và đào tạo luôn được ngành chú trọng. Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 134 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019 (11 giải Nhất), 21 đề tài đạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019 (3 đề tài đoạt giải Nhất).
Đặc biệt, trong các kỳ thi Olympic quốc tế Toán học (IMO), Vật lý (IPhO), Hóa học (IChO), Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA), học sinh Hà Nội đã xuất sắc giành 3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen, trong đó có 1 học sinh lần đầu tiên đạt điểm tối đa trong phần thi thực hành Hóa học, một học sinh đạt số điểm cao nhất thế giới trong kỳ thi Thiên văn học và Vật lý thiên văn. Trong các kỳ thi quốc tế về Toán, các môn khoa học khác, học sinh Hà Nội cũng xuất sắc giành thứ hạng cao với gần 90 giải và huy chương.
Công tác phổ cập giáo dục nhằm duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học cũng luôn được ngành chú trọng thực hiện. Năm 2013, thành phố Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi; năm 2015 được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; tiếp tục duy trì xóa mù chữ và phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở, đồng thời hoàn thiện các bước chuẩn bị cho phổ cập giáo dục bậc trung học.
Sẵn sàng các điều kiện để phát triển
Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch về việc xóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp giai đoạn 2009 - 2010 cần xây mới 5.523 phòng học với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng cho các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở tập trung ở 15 quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng (vùng ngoại thành, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc).
Nhiều công trình xây dựng cơ bản và một số công trình trọng điểm đã được tập trung đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, như Dự án Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam với kinh phí 429 tỷ đồng; dự án Trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ gần 300 tỷ đồng; Dự án Trường Trung cấp đa ngành Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) 158 tỷ đồng; Dự án Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) 198 tỷ đồng...
Các danh mục thiết bị phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông cũng được ngành quan tâm, đầu tư. Công tác thư viện trường học được chú trọng, đến nay 100% trường học đã có thư viện. Chương trình chiếu sáng học đường, vệ sinh nước sạch đã được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các trường học được cải thiện rõ rệt theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Cơ bản xóa phòng học tạm, phòng học nhờ, cấp 4 xuống cấp, thực hiện vượt mức kế hoạch đề ra làm cho diện mạo các nhà trường ở Hà Nội ngày càng thay đổi, rút ngắn khoảng cách về cơ sở vật chất giữa các trường trong toàn thành phố.
Chuẩn bị cho khai giảng năm học mới 2019 - 2020, toàn thành phố đã xây mới được 67 trường học các cấp học, trong đó có 34 trường được thành lập mới với tổng kinh phí khoảng 3.900 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa được 407 trường học các cấp học với tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng. Thành phố đã cấp tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới là hơn 836 tỷ đồng.
Xác định việc phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, trong những năm qua, số trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội có bước phát triển đáng kể. Tính đến hết tháng 9/2019, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 55,1%, trong đó công lập là 66,8%.
Bên cạnh việc chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên vững chuyên môn, chuẩn phong cách. Hàng năm, ngành đều xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hàng chục nghìn lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Nhiều cuộc vận động, phong trào nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các giáo viên trong toàn ngành như cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo", giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo".... Các phong trào, cuộc vận động này đã góp phần tạo dựng nên đội ngũ giáo viên Thủ đô tâm huyết, yêu nghề và chung sức vì sự phát triển của sự nghiệp giáo dục.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, bên cạnh việc rà soát, chuẩn hóa đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cả về số lượng, chất lượng, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục tăng cường nền nếp quản lý, chỉ đạo, điều hành; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý; chuẩn hóa, số hóa, đồng bộ dữ liệu; cập nhật, khai thác hiệu quả thư viện bài giảng (e-learning), đề kiểm tra minh họa trực tuyến...
Công tác tài chính, thực hiện quy chế dân chủ, kiểm tra nội bộ trong trường học sẽ được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Công tác thi, tuyển sinh đầu cấp, phân tuyến tuyển sinh hợp lý nhằm hạn chế số học sinh trái tuyến, giảm sĩ số học sinh/lớp. Đặc biệt, toàn ngành sẽ nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện tốt chương trình thí điểm đào tạo song bằng trong trường phổ thông và các cuộc thi quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn tại các trường chuyên, trường chất lượng cao, góp phần tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng giáo dục ở các cấp học, đặc biệt quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh sẽ được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Nguyễn Cúc
Theo TTXVN
Hòa Bình: Thành lập đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tỉnh lĩnh vực GD thường xuyên Sở GĐ&ĐT Hòa Bình vừa ký Quyết định thành lập đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tỉnh lĩnh vực giáo dục thường xuyên. Ảnh minh họa/internet Theo đó, đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tỉnh lĩnh vực giáo dục thường xuyên thuộc chuyên môn: trung tâm học tập cộng đồng; phổ cập giáo dục; xóa mù chữ; nông thôn mới; quản...