62 tỉnh thành cho trẻ mầm non đến trường, Hà Nội còn chần chừ đến khi nào?
Bao giờ Hà Nội cho trẻ mầm non trở lại trường là câu hỏi được nhiều phụ huynh, giáo viên quan tâm nhất trong bối cảnh hiện nay.
Chị Thanh Bình (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) rất vui khi sau gần một năm học con trai chị 7 tuổi cũng được đến lớp, gặp thầy cô và bạn bè. Nhưng bé thứ hai 4 tuổi vẫn ở nhà khiến chị sốt ruột. Thời gian ở nhà, từ đứa trẻ không thích xem tivi, chủ động chơi trò chơi, bé Khoai dần bám lấy màn hình ipad, điện thoại. Nhiều hôm mải xem, mẹ gọi đến tiếng thứ ba, bé cũng không trả lời. Mẹ tắt điện thoại là bé khóc toáng, lăn ra nhà, không chịu nín cho đến khi mẹ mở điện thoại.
Tiểu học đến lớp, mầm non thì không?
Bé Khoai ở nhà từ tháng 5/2021 khi dịch COVID-19 bùng phát. Ông bà cao tuổi, không thể thường xuyên trông cháu. Chị Bình từng cho con học chung nhóm trẻ tại nhà một giáo viên khu chung cư chị ở, song sau đó một số bé mắc COVID-19 nên lớp đóng cửa. Bé Khoai ở nhà cho đến nay, bố mẹ thay nhau làm việc từ xa để tiện chăm con, nhưng không thể mãi duy trì cách làm này.
“Tại sao trẻ tiểu học được tới trường mà mầm non thì không?”, chị băn khoăn. Chị mong ngóng từng ngày trẻ mầm non được đến trường vui chơi cùng bạn bạn bè, thầy cô. Trẻ đang trong giai đoạn vàng để phát triển trí tuệ, cảm xúc, trẻ cần vận động phát triển tất cả kỹ năng nhưng đang bị giữ ở nhà quá lâu. Thực tế dù không đi học nhưng trẻ theo bố mẹ đi khắp nơi để vui chơi, du lịch.
Ở nhà, nhiều trẻ chỉ xem tivi, điện thoại. (Ảnh: TT)
Đồng quan điểm, anh Đỗ Tuấn Dũng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, đa số các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao ngoài trời đã được Hà Nội cho phép mở cửa trở lại. Khu vui chơi trẻ em luôn tấp nập, nhưng lại không cho trẻ mầm non đến trường.
Video đang HOT
“Không hiểu sao Hà Nội chưa cho trẻ đến trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay, số ca COVID-19 giảm, nhiều trẻ từng mắc COVID-19, triệu chứng không nặng. Các tỉnh thành đều cho trẻ đi học lại, duy nhất Hà Nội thì khác. Hà Nội còn chần chừ đến khi nào khi gần như các hoạt động trở lại bình thường”, anh băn khoăn.
Con trai chị Hà Thanh Tú (Hoàng Mai, Hà Nội) ngày nào cũng lủi thủi một mình, hết đồ chơi thì chạy ra ngoài xem tivi, điện thoại. Các kỹ năng của bé trước đây dần mất đi như tự xúc cơm, đánh răng, mặc quần áo, mà thay vào đó là nhờ sự hỗ trợ của người lớn. Bé khăng khăng nói không thích đi học, muốn ở nhà. Chị Tú lo nếu trường mở cửa, con cứ mè nheo không đi học thì phải làm sao. Chị mong trường sớm mở cửa để con được gặp gỡ bạn bè, nhất là rèn kỹ năng tự lập tốt hơn.
Nữ phụ huynh cảm thấy khó hiểu khi thủ đô cho trẻ tiểu học đến trường nhưng mầm non vẫn ở nhà. Thời gian qua, chị thường xuyên cho con đi chơi khắp nơi như sân chơi, khu vui chơi, siêu thị để vui đùa thỏa thích. Chưa kể, thành phố mở cửa gần như các hoạt động, trẻ ở nhà cũng vẫn lây nhiễm từ người lớn.
Chị Tú kể nhà chị may mắn còn gửi người nhà trông, nhưng nhiều bạn chị phải gửi con đến lớp nhóm trẻ học chui bấy lâu nay. “Việc đi học kiểu này cũng không khác đến trường là mấy, vì trẻ cùng chơi, cùng ngủ và ăn chung“, chị nói.
“Một tháng, nửa tháng, hay một tuần thôi được đến trường vẫn là cần thiết với trẻ. Trường mở cửa, các cơ sở trung tâm giáo dục khác sẽ mở cửa, tôi muốn con được đi học thêm các môn nghệ thuật, thể thao khác để con có thể cân bằng với việc học”, nữ phụ huynh nói.
Chị Nguyễn Thị Chung (Thường Tín, Hà Nội) băn khoăn khi ở khu vực ngoại thành, không nhiều hoạt động phức tạp như nội thành nhưng vẫn chưa cho trẻ đến trường. “Ở đây, từ lâu trẻ con trong xóm chạy đi chơi khắp nơi, chiều nào chúng cũng rủ nhau chơi đá bóng, hoặc tập xe…”, chị nói và cho biết ban ngày, chị Chung và nhiều phụ huynh khác cùng gửi con nhà một cô giáo chăm sóc.
Chỉ duy nhất Hà Nội chưa mở cửa
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện chỉ còn Hà Nội chưa có kế hoạch cụ thể cho trẻ mầm non đến trường. “Lãnh đạo Hà Nội sẽ phải quyết định cho học sinh mầm non tới trường, tùy theo tình hình dịch cụ thể”, ông Sơn nói.
Trrong 62 tỉnh thành cho trẻ mầm non đến trường, có 7 tỉnh tạm dừng một huyện hoặc một thành phố do dịch bệnh tăng nhanh. Các địa phương nhận thấy việc đưa học sinh trở lại trường là cần thiết nên chỉ đạo rất quyết liệt và tích cực, dù tình hình dịch bệnh ở mỗi nơi một khác.
Về vấn đề cho trẻ mầm non đi học, hôm 4/5, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngay sau khi học sinh từ khối lớp 1 đến 6 đi học trở lại, Sở sẽ cho lấy ý kiến phụ huynh, làm căn cứ để có phương án đề xuất UBND TP cho trẻ mầm non đi học trở lại.
Theo thống kê, Hà Nội đang có hơn 500.000 học sinh mầm non (khoảng 28% trẻ theo học tại các trường ngoài công lập). Gần một năm trẻ mầm non chưa trở lại trường, nhiều cơ sở giáo dục dừng hoạt động. Khi mở cửa trở lại, các đơn vị cần thời gian rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, khu vui chơi nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Ngoài ra, các trường cũng lau dọn, vệ sinh khử khuẩn phòng học, bàn ghế, đồ dùng học tập, lên các phương án đón trẻ đảm bảo an toàn phòng chống dịch để dạy học trực tiếp bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho trẻ trở lại trường vô cùng cần thiết. (Ảnh minh họa: H.C)
“Cần cho trẻ đến trường ngay
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam bày tỏ, việc cho trẻ trở lại trường vô cùng cần thiết, nhất là lứa tuổi mầm non. Trẻ không được đến trường thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm…
Vị chuyên này nêu thực tế thời gian qua trẻ ở nhà mắc COVID-19 rất nhiều. Nếu trẻ đến trường và thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức thì nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn so với khi trẻ ở nhà. Tuy nhiên, ông lưu ý, mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ, nới lỏng chứ không buông lỏng. Các trường phải triển khai các biện pháp phòng dịch, phụ huynh cũng phối hợp tốt với nhà trường đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bác sĩ Trần Đình Huy, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng bày tỏ, đây là thời điểm lý tưởng cho trẻ mầm non quay lại trường. Việc trẻ ở nhà hay tới trường đều chịu những nguy cơ dịch bệnh như nhau, trừ khi các bé nhốt ở nhà hoàn toàn. Không bố mẹ nào dám khẳng định các con 24/7 không tiếp xúc với ai hay hoàn toàn không có nguy cơ lây nhiễm cho con?
Bên cạnh đó, không nên đợi tiêm xong vaccine toàn bộ trẻ 5-11 tuổi mới được đến trường. Thứ nhất, không phải phụ huynh nào cũng đồng ý cho con tiêm, vậy nếu không tiêm là không được đi học? Thứ 2, vaccine chỉ làm giảm các triệu chứng khi mắc COVID-19 chứ không hoàn toàn ngăn chặn lây nhiễm 100%.
“Khi nguy cơ lây nhiễm là tương đương nhau thì việc trẻ được học tập, chăm sóc tại trường mầm non sẽ làm giảm các hệ lụy về kiến thức, tâm sinh lý. Giữa hai phương án đều không trọn vẹn, chúng ta buộc phải chọn phương án tích cực hơn. Tôi tin rằng, mở lại khối mầm non, tiểu học trước các khối khác là một hướng đi cần xem xét và áp dụng sớm”, bác sĩ Huy nhấn mạnh.
Trẻ Mầm non ở Cà Mau trở lại trường học từ ngày 12/4
Ngày 8/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành công văn cho phép trẻ Mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 trên địa bàn tỉnh trở lại trường học từ ngày 12/4/2022.
Trong qua trình giảng dạy, giáo viên phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch theo quy định. Ảnh tư liệu: Huỳnh Anh/TTXVN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, hiện số ca mắc COVID-19 ở Cà Mau giảm còn dưới mức 500 ca/ngày và có chiều hướng tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học được thực hiện tốt. Do vậy, UBND tỉnh chủ trương tổ chức dạy và học trực tiếp trên tinh thần đảm bảo an toàn cho trẻ Mầm non và học sinh tại các cơ sở giáo dục.
Ông Nguyễn Minh Luân yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện nghiêm các điều kiện, quy định về phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn trong trường học; chú trọng việc tổ chức bữa ăn bán trú nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục tổ chức tốt công tác dạy và học trực tiếp theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, phụ huynh sẽ yên tâm hơn khi cho trẻ Mầm non và học sinh đi học trực tiếp trong những ngày sắp tới.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường khi tổ chức dạy và học trực tiếp. Đặc biệt là nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh để kịp thời hỗ trợ, tư vấn về tâm lý, giúp các em ổn định trong việc học tập, rèn luyện; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc để xảy ra các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, gây mất an toàn trong trường học.
Thêm nhiều trường mầm non, trung học cơ sở ở Hà Nội đạt chuẩn quốc gia Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành quyết định về việc công nhận thêm 17 trường mầm non và 6 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ký quyết định công nhận thêm 17 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 6 trường mầm non đạt...