6 “vết xe đổ” nên tránh để bạn học tiếng Anh tốt hơn
Sắp ra trường, các bạn sinh viên mới nháo nhào chạy vào các trung tâm tiếng Anh để “bồi dưỡng cấp tốc”. Thế mới thấy được vai trò tối quan trọng của môn học này và thực tế, việc học tiếng Anh không mấy tươi sáng của sinh viên Việt.
Dưới đây là 6 “vết xe đổ” bạn nên tránh để không sa vào tình trạng trên khi chuẩn bị “đào tẩu” khỏi trường.
Sợ nói tiếng Anh
Một nhược điểm lớn nhất của người học là rất sợ mỗi khi phải nói tiếng Anh. Các bạn nên nhớ rằng, nếu không mắc lỗi có nghĩa là bạn không học được gì. Khi giao tiếp với người nước ngoài, chắc chắn dù là người nói tiếng Anh rất khá vẫn có thể mắc những lỗi nhỏ. Điều quan trọng là bạn hãy “speak without fear” và biết cách “learn from mistakes” sau mỗi lần mắc lỗi. Cũng giống như các em bé sẽ không thể tự bước đi được nếu như sợ vấp ngã.
Chưa biết cách tạo ra cho mình một môi trường học tiếng Anh
Kinh nghiệm của những người học giỏi tiếng Anh là phải biết cách tạo cho mình một môi trường học tiếng Anh thật tốt. Môi trường học tiếng Anh là không gian mà bạn có thể đọc, nghe tiếng Anh ở mọi lúc mọi nơi. Ví dụ bạn có thể học từ vựng bằng cách ghi từ ra các mẩu giấy và dán ở những nơi mà bạn hay nhìn thấy nhiều nhất. Khi đã học thuộc các từ này rồi bạn có thể thay bằng các từ mới khác. Khi đi ra ngoài bạn hãy chịu khó để ý tới những biển báo, tên công ty, biển quảng cáo… có ghi chú bằng tiếng Anh và suy ngẫm tại sao các cụm từ lại được viết như vậy?
Chưa xác định cách học phù hợp
Đã cố gắng rất nhiều, một ngày trau dồi vài chục từ tiếng Anh vào đầu nhưng vẫn chưa khá hơn? Học ngoại ngữ là cả một quá trình tu luyện, yếu tố “chăm chỉ” rất quan trọng nhưng xác định cho mình một cách học phù hợp mới là yêu tố quyết định. Bạn hoàn toàn có thể chọn cách học riêng mà mình yêu thích.
Video đang HOT
Ví dụ: Nếu bạn là người có sở thích nghe, thì bạn hãy nghe càng nhiều bài hát tiếng Anh càng tốt và xem các phim tiếng Anh, các bản tin tiếng Anh. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh, bạn có thể xem các bộ phim có phụ đề bằng tiếng Anh, sưu tầm các hình ảnh có phụ đề bằng tiếng Anh hoặc đọc các tạp chí bằng tiếng Anh,…
Tóm lại, bạn phải chọn cách học phù hợp với mình nhất thay vì học theo lối mòn truyền thống là ghi chép và học thuộc lòng.
Nối mạng để học Tiếng Anh nhưng bị sa vào Games, phim,…
Internet đã mang lại rất nhiều lợi ích cho con người trong mọi lĩnh vực và cả việc học ngoại ngữ cũng không phải là một điều xa lạ. Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều người chọn cách học tiếng Anh qua mạng thay vì đến các lớp trực tiếp. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website học tiếng Anh trực tuyến hữu dụng để học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và thậm chí cả tiếng Anh giao tiếp.
Tuy nhiên, việc quá sa đà vào yếu tố “giải trí” đã không giúp bạn đạt được mục đích ban đầu là học tiếng anh của mình.
Học từ vựng một cách máy móc và không hệ thống
Có một cách học thông thường mà các bạn thường sử dụng là lối học truyền thống: tụng kinh. Nghĩa là, nhìn, đọc, nhìn, đọc,… cách này có thể giúp bạn nhớ từ nhưng hãy nhớ rằng một từ tiếng Anh, trong các câu khác nhau sẽ mang nghĩa khác nhau. Do vậy, bạn nên học từ trong câu, điều đó vừa giúp bạn nhớ lâu, lại biết cách sử dụng của chúng nữa.
Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình. Người nói giỏi là người biết vận dụng vốn từ vựng mà mình biết trong khi có người biết rất nhiều từ nhưng lại không biết đặt câu. Vận dụng càng nhiều thì vốn từ vựng sẽ càng phong phú hơn.
Chào thua “sự kiên trì”
Yếu tố kiên trì luôn đóng vai trò tối quan trọng đối với sự học, học tiếng Anh cũng vậy. Bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy nản lòng khi học mãi mà không hiểu, và chính điều này sẽ khiến bạn đầu hàng ngay lập tức với những khó khăn. Bạn nên nhớ sự thành công thường đạt được nhờ vào sự kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc ngay cả khi người khác nói “không thể làm được”.
Hãy luôn nhớ rằng “có công mài sắt có ngày nên kim” và đừng bao giờ tỏ ra chán nản khi bạn chưa đánh thức được khả năng chính mình.
Theo Trí thức trẻ
Xác định mục đích học tiếng Anh của bản thân
"Yêu cầu của công ty hay các nhà tuyển dụng", "nếu không có bằng tiếng Anh sẽ không thể ra trường",... Đó là câu trả lời bạn sẽ nhận được khi hỏi "học tiếng Anh để làm gì?".
Rất ít khi bắt gặp sinh viên nào trả lời học tiếng Anh để có thể tiếp thu thêm nguồn kiến thức phong phú trên thế giới, hay để có thể giao tiếp được với người nước ngoài. Chính vì tâm lý học để ra trường, học để xin được công việc theo yêu cầu của công ty, mà không ít các bạn sinh viên đã đổ xô đi học tiếng Anh chỉ để lấy bằng.
Học tiếng Anh để xin việc
Đây không phải là một trường hợp hiếm gặp khi bạn hỏi về mục đích học tiếng Anh của sinh viên ngày nay. Rất nhiều sinh viên đều xác nhận việc có được tấm bằng tiếng Anh và bằng Tin học kha khá sau khi ra trường, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi đi xin việc. Bạn Nguyễn Thị Thu Thảo (cựu sinh viên trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cho biết: "Trước khi ra trường mình cũng có học bằng B tiếng Anh, nhưng sau khi đi làm chỉ sử dụng nó một lần là nộp kèm theo hồ sơ xin việc. Nhưng vì công việc không cần dùng đến, nên cái bằng của mình cũng nằm yên một xó, kiến thức về tiếng Anh thì mình cũng chẳng nhớ".
Tiếng Anh - nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên
Nếu bạn vào Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp, dù bạn chọn bất cứ ngành nào đi chăng nữa thì tiếng Anh cũng là môn không thể thiếu trong chương trình học của bạn. Nhiều sinh viên lắc đầu ngao ngán vì phải học môn này đến ba học kỳ và cũng không ít sinh viên phải nộp tiền "ngu" cho học phần này không ít lần.
Bạn Nguyễn Thị Mỹ Ánh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: "Nói về tiếng Anh với mình có thể dùng từ "mù chữ". Tuy đã học tiếng Anh nhiều năm, nhưng mình vẫn rất tệ môn này và chuẩn bị sắp tới mình cũng như nhiều bạn trong lớp phải nộp tiền "ngu" để học lại".
Trong những buổi học tiếng Anh, số lượng sinh viên tham gia có thể nói là ít hơn các học phần khác. Nhiều bạn tham gia đầy đủ các buổi học vì sợ giáo viên điểm danh. Bạn Nguyễn Thị Anh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nói: "Khi còn học cấp hai, vì không mặn mà với môn này nên những buổi học trên lớp chỉ mang tính đối phó, lên đến Đại học mình cũng không thoát khỏi và còn phải học nó đến 3 học kỳ. Mỗi lần có tiết là mình cảm thấy chán nản, sợ nhất là những bài kiểm tra kết thúc học phần, nhiều khi thầy cô dễ dãi thì còn hỏi được vài câu trắc nghiệm, nếu không thì chỉ biết làm theo phương pháp "hên xui".
Không chỉ sinh viên, tiếng Anh còn là nỗi ám ảnh của nhiều người đi làm. Quan sát ở các trung tâm tiếng Anh, nhiều người đi làm quay trở lại trung tâm để học lại tiếng Anh sơ cấp vì công việc của mình cần sử dụng, trong khi trong tay vẫn có bằng tiếng Anh này nọ.
Nói về vấn đề này, bạn Mỹ Ánh (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho biết thêm: "Mình dự định học bằng C tiếng Anh ở một trung tâm theo lời giới thiệu của mấy đứa bạn, nhưng mình cũng đang phân vân vì sợ sau này ra trường tấm bằng tốt quá mà mình không biết gì thì cũng khổ. Vì theo như lời giới thiệu của mấy đứa bạn, trung tâm sẽ đảm bảo đầu ra thấp nhất là loại khá".
Vậy cần xác định lại "học tiếng Anh để làm gì?"
Điều bạn cần làm là xác định ngay từ đầu: "Học tiếng Anh để làm gì?". Nếu bạn xác định được mục đích học của mình, nó sẽ giúp bạn tránh được tình trạng có bằng, có kiến thức nhưng vì công việc không sử dụng đến mà dần dần quên đi hết. Có bằng loại khá tốt trở lên nhưng lại quay lại học tiếng Anh sơ cấp vì không thể sử dụng chúng trong giao tiếp cũng như công việc.
Đặc biệt khi có được mục đích một cách rõ ràng, bản thân bạn cũng nhận ra được con đường phía trước một cách chính xác, hiểu bản thân cần học gì, cần có phương pháp như thế nào là hợp lý. Khi như thế, việc tiếp thu kiến thức của bạn cũng nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều và sẽ tránh việc phí phạm thời gian, công sức lẫn tiền bạc.
Theo Trí Thức Trẻ
Ba yếu tố quyết định chất lượng giảng dạy tiếng Anh Trình độ chuyên môn, các chương trình tập huấn chuyên sâu trong suốt quá trình giảng dạy và sự đồng nhất về tiêu chuẩn chất lượng trong lớp học là những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giảng dạy tiếng Anh. Theo ông Richard O'Donnell, Trưởng khối Giáo viên Trung tâm giảng dạy Hội đồng Anh TP HCM, người có 12...