6 điều bạn cần nắm vững nếu muốn lên đường du học Pháp
Pháp là một điểm đến thu hút nhiều du học sinh trên khắp thế giới mỗi năm, không chỉ bởi chất lượng giáo dục mà còn bởi yếu tố lịch sử – văn hoá lâu đời.
Đến Pháp, du học sinh không những có thể trải nghiệm một trong những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, mà còn có thể thưởng thức nền ẩm thực phong phú, gặp gỡ và kết bạn với nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, như thể đang vừa đi học vừa đi… du lịch vậy.
Nếu bạn đang có ý định chọn Pháp là điểm dừng chân tiếp theo trên con đường học vấn của mình, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin và lời khuyên hữu ích trước khi đến đây.
Có tất cả các loại chương trình học tại Paris: Các trường Đại học Mỹ có cơ sở ở nước ngoài, trường Paris dành cho sinh viên Mỹ và cuối cùng là trường Đại học Paris. Các trường đại học phổ biến nhất hiện nay đa phần đều từng thuộc Viện Đại học Paris cũ (Một trong những viện đại học ra đời sớm nhất ở châu Âu) được gọi với tên Sorbonne. Trong hệ thống Sorbonne có một mạng lưới nhiều trường khác nhau bao gồm 13 Viện đại học phân bố khắp nước Pháp. Và ở mỗi trường lại chuyên về đào tạo một số ngành nghề nhất định mang những đặc thù riêng.
Nếu bạn đang suy nghĩ về việc theo học các khoá trong hệ thống Sorbonne, hãy xem xét cẩn thận các lựa chọn và cân nhắc liệu mình có muốn các khoá học này được tính vào chuyên ngành của mình không. Ngoài ra bạn cần phải nắm được cách các trường ở Pháp chấm điểm (họ sẽ chấm trên thang từ 1-20, trong đó 14-15 tương đương với điểm A). Tương tự như nền giáo dục nước Anh, các trường ở Pháp giao cho sinh viên rất ít bài tập, thường chỉ có một hoặc hai bài kiểm tra lớn, bài báo hoặc bài thuyết trình, bởi vậy hãy cố gắng cải thiện và phát triển kỹ năng nói trước công chúng.
Định vị bản thân và kết bạn
Chính những người Pháp bản địa cho hay họ rất hiếm khi kết bạn mới, bởi vì khi họ tin rằng mình đã tìm được một người bạn thực sự thì tình bạn đó sẽ kéo dài mãi mãi và họ sẽ nỗ lực không ngừng để gìn giữ tình bạn này. Do đó việc kết bạn tại một trường đại học địa phương trở nên vô cùng khó khăn đối với du học sinh vì rất nhiều sinh viên đã tìm được bạn trong những năm đầu đại học, thậm chí là từ lúc còn ở trường trung học. Tuy nhiên đừng để những điều đó làm rào cản cho việc giao hữu, kết bạn của mình, thay vào đó hãy để chúng trở thành động lực giúp bạn hoàn thiện bản thân từ đó trở thành một người bạn khiến mọi người cảm thấy tin tưởng và muốn làm bạn lâu dài.
Một lời khuyên hữu ích dành cho các du học sinh trong việc khởi đầu một tình bạn đó là hãy hỏi và nhờ tới sự giúp đỡ từ những người bạn ngồi cạnh, hãy nói rằng bạn không thể nắm kịp được bài giảng và cần họ giúp. Ngay cả khi bạn đã hiểu tất cả, đó vẫn là một cách tuyệt vời để bắt đầu một cuộc trò chuyện, hãy kể cho họ nghe về nơi bạn đến, lý do bạn đi du học và ước mơ của bạn. Có thể “hạt giống” tình bạn sẽ nảy mầm từ những câu chuyện gần gũi, chân thành như vậy.
Khám phá ẩm thực Pháp
Có thể nói ẩm thực là một trong những trọng tâm của đời sống người dân Pháp. Mặc dù trong vài thập niên trở lại đây, người dân bắt đầu làm quen với việc mua sắm tại các siêu thị và cửa hàng tạp hoá, song những phiên chợ họp 1-2 lần mỗi tuần vẫn là một không gian sống động và thu hút nhiều người. Một trong những cách dễ nhất để thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Pháp là hãy hoà mình vào những phiên chợ từ sáng sớm – bạn vừa được ăn ngon, vừa có thể trò chuyện với những người bán hàng về đời sống của họ nói chung và ẩm thực nói riêng.
Nếu bạn muốn tìm đến những quán ăn ngoài thay vì tự nấu ăn, thì hãy tìm hiểu các nhà hàng có chính sách giảm giá dành cho học sinh, sinh viên có ở khắp nơi trong thành phố. Đa số các nhà hàng đều cung cấp các formule, tức là các set đồ ăn có giá dao động từ 4,5-40 euro (nhưng trung bình thường là 11-12 euro cho một set 2-3 món và 1 đồ uống). Formule là cách tốt nhất để giới học sinh, sinh viên có thể trải nghiệm tất cả các món ăn tại một nhà hàng yêu thích, hoặc thưởng thức 1 bữa ăn đầy đủ 3 món điển hình của người Pháp với giá cả phải chăng.
Mặc dù đối với nhiều sinh viên, 11-12 euro cũng không hẳn là một mức giá dễ chịu, song ở Pháp, bữa trưa thường là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Thông thường, mọi người sẽ ăn rất no vào buổi trưa; còn đến tối thì chỉ ăn một tô soup, phô mai và bánh mì.
Nắm vững hệ thống giao thông ở Paris
Đây là cẩm nang dành riêng cho những người muốn tìm một điểm đến tại thủ đô Paris – trái tim của nước Pháp. Hệ thống đường sắt đô thị (metro) tại quốc gia này hoạt động gần như hoàn hảo. Tàu điện ngầm luôn đến đúng giờ, và lại có giá rất rẻ: bạn có thể đăng ký thẻ metro hàng tháng Pass Navigo (metro card) chỉ với giá 75 euro là đã có thể sử dụng toàn bộ hệ thống metro, xe buýt, RER (đường sắt ngoại ô) và transilien (các hệ thống tàu hoả bên ngoài thành phố) để đi đến tất cả mọi nơi.
Với hệ thống giao thông công cộng như vậy, bạn có thể đi thăm thú bên ngoài nội đô Paris với mức giá tương đối rẻ. RATP, công ty cung cấp toàn bộ hạ tầng phương tiện công cộng kể trên, còn có một ứng dụng trên điện thoại di động báo cho bạn biết chính xác khi nào tàu sẽ đến ga. Một số du học sinh cho biết thậm chí ngay cả sau nửa đêm, hầu như họ không bao giờ phải đợi tàu quá 6 phút.
Mặc dù nếu bạn không học tại Paris, hệ thống giao thông công cộng có thể sẽ khác; tuy nhiên đa số các thành phố lớn của Pháp đều có hạ tầng giao thông công cộng khá hoàn chỉnh. Hệ thống đường sắt quốc gia Pháp được kết nối thông với đường sắt của các quốc gia châu Âu khác.
Sống cùng một gia đình người Pháp
Nếu bạn muốn học hoặc thực hành tiếng Pháp, hay muốn hoà mình vào nền văn hoá của nơi đây, một trong những lựa chọn hiệu quả nhất là bạn hãy sinh sống cùng một gia đình người Pháp. Mặc dù đôi khi bạn sẽ có cảm giác hơi “bó buộc” như thể phải trở lại sống cùng… bố mẹ mình một lần nữa, nhưng đây cũng là một cơ hội tốt để trải nghiệm cuộc sống cùng với những người mới, trong một nền văn hoá mới.
Thông thường đa số những gia đình Pháp nhận cho du học sinh ở cùng đều rất vui vẻ, nhiệt tình và thậm chí là “háo hức” được đón tiếp bạn. Họ sẽ sẵn lòng dạy bạn tiếng Pháp (và thậm chí là cả một chút tiếng Anh nữa), trò chuyện về gia đình và cuộc sống của họ, dạy bạn cách nấu ăn (bởi như đã nói ở trên, ẩm thực là tất cả đối với người Pháp!) và khiến bạn có cảm giác như đang ở nhà vậy. Mặc dù để hoà nhập với nhịp sống của một gia đình đôi khi rất khó khăn, nhưng chắc chắn đó là một trải nghiệm xứng đáng, và là cách nhanh nhất để cải thiện vốn tiếng Pháp cũng như hiểu thêm về văn hoá Pháp (thực tế đây cũng chính là một trong những mục tiêu của bạn khi đến đây du học còn gì?!).
Hãy sẵn sàng đối mặt với sự… mơ hồ!
Một trong những khía cạnh khó nhất khi sinh sống và học tập tại Pháp là đôi khi, bạn sẽ phải đối mặt với sự… mơ hồ trong cách giao tiếp của người dân nơi đây. Ví dụ:
- Giáo sư nói với bạn rằng trong học kỳ này bạn sẽ phải chuẩn bị một bài thuyết trình miệng, nhưng không nói cụ thể là khi nào…
- Chủ nhà nói với bạn rằng hôm nay sẽ ăn tối muộn hơn một chút, nhưng không nói rõ là mấy giờ…
- Bảo tàng có một biển báo nói rằng sinh viên sẽ được giảm giá vé tham quan, nhưng đến khi bạn đưa thẻ sinh viên của mình ra thì lại không chấp nhận…
- Biển báo dưới ga tàu điện ngầm bị ghi nhầm, khiến bạn lạc đường…
Đây là những tình huống thực tế mà nhiều du học sinh đã gặp phải trong quá trình sinh sống và học tập tại Pháp. Cách duy nhất để vượt qua những nghịch cảnh “trớ trêu” này là bạn đừng bao giờ ngại đặt câu hỏi. Hãy cố gắng vượt qua mọi sự ngại ngùng và đừng bao giờ để bản thân rơi vào tình trạng quá lo lắng hay sợ hãi một điều gì đó… có như vậy bạn mới có thể học hỏi và biết thêm nhiều điều mới ở một đất nước xa lạ được.
Theo Helino
Bố mẹ đáng yêu 'siêu cấp' là đây: Không bắt ép, con cứ thoải mái chọn ngành, chọn trường
Cứ đến kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, bên cạnh áp lực thi cử thì áp lực chọn trường, chọn ngành cũng là một trong những khó khăn không nhỏ cho cả học sinh lẫn phụ huynh.
Clip phỏng vấn: Phụ huynh có còn đặt áp lực 'chọn trường, chọn nghề' cho con không?
'Chọn trường, chọn nghề' - Cuộc chiến không của riêng ai
Không phải chỉ đến kỳ thi quan trọng, chuyện ngành nghề tương lai của con mới được đem ra tranh bàn trong nhiều gia đình. Câu chuyện này đã âm ỉ bấy lâu nay, trở thành đề tài nóng hổi.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2018, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hoặc làm các công việc không đúng chuyên ngành. Chính điều này đã tạo ra tâm lý vô cùng lo lắng cho phụ huynh và học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường để theo học với những hoang mang: Ngành nào ra trường sẽ dễ kiếm việc? Ngành nào lương cao? Trường nào tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất?...
Gia đình nào cũng vậy, cũng mong muốn cho con mình có một tương lai suôn sẻ nên thường định hướng con theo những ngành học và làm ngành nghề theo truyền thống, có mối quan hệ quen biết để dễ xin việc và có công việc ổn định khi ra trường. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này lại thường đối nghịch với sở trường và sở thích của các con.
Nhiều tín hiệu tích cực
Tính đến thời điểm này, các thí sinh đã có quyết định cho việc chọn trường, chọn ngành để theo học và trang bị hành trang kiến thức cho tương lai với các trường đăng kí xét tuyển ở nguyện vọng 1. Đa số các em đã chọn được trường, chọn được ngành học vì tự tin ở bản thân, đã thực sự xác định được mình muốn gì, thích gì và sẽ làm được việc gì sau khi tốt nghiệp.
Em Tùng Lâm chia sẻ kế hoạch tương lai với sự ủng hộ của gia đình.
Không chọn một ngôi trường đại học trong nước, Tùng Lâm (THPT Nguyễn Tất Thành) quyết định nối dài con đường học vấn ở nước ngoài: 'Tuy chưa chọn được đất nước mình sẽ đến nhưng em dự định sẽ đi du học về Marketing. Em tham gia kì thi THPT Quốc gia 2019 chỉ để xét điểm tốt nghiệp'. Quyết định này của Lâm được gia đình ủng hộ: 'Từ trước đến giờ, mọi vấn đề liên quan đến chuyện học tập của em, bố mẹ luôn để em tự quyết và hỗ trợ'.
Giống như bố mẹ của Tùng Lâm, nhiều bậc phụ huynh khác cũng có những tư duy tiến bộ chứ không còn tính chất 'áp đặt' con cái như trước đây. Khi những bạn học sinh đã tìm hiểu đầy đủ các thông tin khi chọn ngành chọn nghề và có những quyết định của riêng mình thì bậc cha mẹ hoàn toàn ủng hộ, tin tưởng nghe theo. Điều này dung hòa được hai yếu tố, nhu cầu xã hội và sở thích cá nhân.
Học ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội sẽ đảm bảo các em có một công việc ổn định sau khi ra trường. Và làm một công việc mà bản thân có niềm đam mê, yêu thích sẽ giúp các em vượt qua những khó khăn, áp lực và dễ dàng đạt được thành công trong nghề.
Theo baodatviet
Vì sao Pháp thu hút du học sinh? Với những người mong muốn ở lại Pháp làm việc sau khi tốt nghiệp, triển vọng nghề nghiệp ở đất nước này rất hứa hẹn, đặc biệt ở thủ đô. Trang Topuniversities đưa ra những lý do khiến nhiều du học sinh lựa chọn Pháp. Pháp có các trường kinh doanh tốt nhất thế giới Chất lượng giáo dục ở Pháp đã được...