5G và SIM rác sẽ là “tâm điểm” thị trường viễn thông cuối năm
Bộ Thông tin và Truyền thông quyết tâm trong 6 tháng cuối năm 2019 phải xử lý triệt để các vấn nạn về rác viễn thông như SIM rác, tin nhắn rác, trong khi cả 3 mạng di động lớn bắt đầu thử nghiệm 5G khẳng định Việt Nam không chịu đi sau trong lĩnh vực này.
3 nhà mạng lớn được phép thử nghiệm 5G
Trong nửa đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông: Viettel, VNPT và Mobifone. Tháng 5/2019, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng với Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam.
Hiện Viettel đã công bố thử nghiệm 5G tại Hà Nội trong tháng 5/2019 và tiếp tục mở rộng mạng di động 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. VNPT đang khẩn trương thiết lập mạng 5G thử nghiệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, còn Mobifone dự kiến thử nghiệm tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Bên lề hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long đã chia sẻ với báo chí, VNPT được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm mạng 5G từ tháng 5/2019.
Hiện tại, VNPT đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để tiến hành thử nghiệm mạng 5G sớm nhất. Với công nghệ 5G, VNPT đã sớm bắt tay vào thực hiện các công đoạn từ khi khái niệm về thế hệ mạng này được đưa ra.
Theo VNPT, để có thể triển khai mạng 5G thành công cả về công nghệ lẫn kiến trúc mạng lưới, Tập đoàn đã chuẩn bị một lực lượng nghiên cứu và phát triển (R&D) hùng mạnh để có thể làm chủ và tham gia vào hệ sinh thái 5G (từ mạng lưới, nền tảng platform kết nối cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G, an ninh, bảo mật và an toàn).
Bên cạnh đó, VNPT cũng tăng cường hợp tác với nhiều đối tác công nghệ lớn trên thế giới để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập hạ tầng công nghệ, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực.
“Việc thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới” – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
“SIM rác” có được xử lý triệt để trong năm nay?
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận 21.888 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng phản ánh với VinaPhone là 5.055 lượt (chiếm 23,1%), MobiFone là 2.921 lượt (chiếm 13,3%), Viettel là 2.819 lượt (chiếm 12,9%) và Vietnamobile là 935 lượt (chiếm 4,3%).
Video đang HOT
Đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tình trạng SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao đã giảm đáng kể nhưng vẫn tái diễn. Bộ đã xử phạt 4 doanh nghiệp là Viettel, VNPT VinaPhone, Mobifone, Vietnamobile về hành vi vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành văn bản nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông nếu vẫn còn để xảy ra tình trạng SIM rác.
Để thúc đẩy việc phòng, chống tin nhắn rác và thư rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vận hành 24/7 hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456, hệ thống phần mềm thu thập thư rác chuyên dụng và Cổng thông tin chống thư rác.
Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện việc kiểm tra thường xuyên các doanh nghiệp, yêu cầu nộp báo cáo xử lý tin rác hàng tuần. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cắt giảm 1,85 triệu tài khoản viễn thông do không đủ thông tin thuê bao hoặc bị phát hiện là thuê bao kích hoạt sẵn.
Trước những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2019, phải xử lý triệt để các vấn nạn về rác viễn thông như SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6/2019, Việt Nam có khoảng 134,5 triệu thuê bao di động, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số thuê bao di động sử dụng dịch vụ 3G, 4G là 128,6 triệu. Số thuê bao điện thoại cố định ở Việt Nam hiện khoảng 4 triệu thuê bao.
Theo Báo Pháp Luật
Những dấu ấn khó tin của Viettel khi đầu tư ra nước ngoài
Cách đây 13 năm, Tập đoàn Viettel mới là 'tân binh' trên thị trường viễn thông Việt Nam với 2 triệu thuê bao và hoàn toàn 'vô danh' với thế giới. Thế nhưng, công ty ấy vẫn quyết tâm tiến ra thế giới chỉ với 1 triệu USD tiền vốn, và điểm đến đầu tiên là Campuchia.
Làm điều thần kỳ kế tiếp ngay khi tiến ra nước ngoài
Ở thời điểm đó, ban lãnh đạo Viettel chấp thuận đầu tư vào Campuchia với số vốn 1 triệu USD với riêng 446.000 USD đã là thiết bị. Quyết định này được đưa ra sau khi Viettel chi 98.000 USD nghiên cứu thị trường của quốc gia láng giềng.
Với 663.000 USD tiền mặt, Viettel đã kéo cáp thành công từ An Giang về thủ đô Phnom Penh. Từ tháng 7-10/2006, tuyến cáp hoàn thành và dịch vụ VoIP mang lại doanh thu chỉ sau 3 tháng. Số tiền 81.000 USD thu được từ VoIP tiếp tục được đầu tư để "nuôi" mảng Internet và di động sau này.
Tại Campuchia, Viettel thực hiện chiến lược "hạ tầng đi trước, kinh doanh theo sau" và "lấy nông thôn vây thành thị" (từng thành công vang dội ở Việt Nam), và sau này cũng áp dụng thành công ở nhiều thị trường quốc tế.
Năm 2009, sau 3 năm có mặt tại Campuchia, Viettel bắt đầu kinh doanh dịch vụ di động với cái tên Metfone. Metfone tăng trưởng siêu tốc dù mới bắt đầu kinh doanh nhờ vào việc phủ sóng toàn bộ 25 tỉnh thành. Chỉ sau 2 năm, Metfone vươn lên giữ vị trí số 1 về thị phần. Đó là một quá trình còn thần tốc hơn cả việc vươn lên vị trí số 1 ở Việt Nam, khi Viettel phải mất 4 năm mới làm được điều đó - một hiện tượng đã được coi là thần kỳ của ngành viễn thông thế giới.
Thừa thắng xông lên, Viettel đầu tư sang nước bạn Lào. Ở Lào, Viettel đã giúp bạn gây dựng lại một doanh nghiệp của Nhà nước vốn đang gặp nhiều khó khăn cả về vốn và chiến lược phát triển. Unitel tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 cán bộ nhân viên có mức thu nhập trung bình khoảng 2,5 triệu LAK/người/tháng và vài nghìn cộng tác viên.
Song song với đó, công ty cũng hỗ trợ triển khai hệ thống cầu truyền hình giao ban xa cho Bộ Quốc phòng Lào; hỗ trợ triển khai miễn phí dịch vụ Internet cho hơn 600 trường học và cơ sở giáo dục...
Ông Bee Mua, Phó Tổng giám đốc Unitel chia sẻ: "Sự phát triển của Unitel trong 2 năm đầu tiên kể từ lúc mở mạng cứ như một giấc mơ. Chỉ trong 2 năm từ khi khai trương, Unitel đã vươn lên vị trí hãng viễn thông số 1 của Lào, cả về mạng lưới, thuê bao, doanh thu, nộp thuế...".
Tại hai quốc gia láng giềng, Viettel đã đầu tư nghiêm túc, bền vững, có trách nhiệm với nhân dân, Chính phủ và đất nước bạn, góp phần củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước ông Dương. "Chúng tôi đi ra nước ngoài cùng với tâm niệm mình không chỉ là đại diện của Viettel mà là đại diện của Việt Nam", ông Nguyễn Cao Lợi - Phó Tổng giám đốc Viettel Global, một trong những người Viettel đầu tiên đến Campuchia chia sẻ.
Người hùng sau thảm họa và những kỳ tích của viễn thông thế giới
Năm 2010, trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người Haiti xảy ra. Thủ đô Port-au-Prince gần như bị san phẳng, hơn 2 triệu người lâm vào cảnh không nhà. Cộng thêm vào đó, Haiti vốn đã có kinh tế chính trị xã hội đều bất ổn. 80% trong số 9,8 triệu người dân Haiti thời đó vẫn sống trong cảnh nghèo đói, với thu nhập chưa tới 2 USD/ngày.
Thảm họa xảy ra chỉ 3 ngày trước khi Viettel sang quốc gia châu Mỹ này ký hợp đồng thành lập liên doanh về viễn thông. Khó có thể tin là Viettel sẽ quay lại và thực hiện cam kết đầu tư bởi 90% các công trình lớn của Haiti bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng rất nặng. Đây là chưa kể đến việc sau đó, bệnh dịch tả khủng khiếp, lây lan nhanh đã cướp đi mạng sống của 5.000 người Haiti.
Nhưng bất chấp tất cả những khó khăn về khoảng cách địa lý, công nghệ, cơ sở hạ tầng và thậm chí là dịch bệnh, những người Việt Nam và Haiti tại liên doanh Natcom không hề chùn bước. Chỉ sau hơn 1 năm chính thức đầu tư, ngày 7/9/2011, Natcom đã chính thức khai trương mạng viễn thông, với cơ sở hạ tầng về mạng di động đứng số 1 Haiti. Natcom đã nhanh chóng có 250.000 thuê bao di động chỉ sau 1 tháng cung cấp thử nghiệm trước ngày khai trương (7/9/2011).
Đây là một câu chuyện lãng mạn thời hiện đại của ngành viễn thông thế giới mà trước đó không ai nghĩ sẽ xảy ra. Đây cũng là lý do mà Telecom TV One (Anh) đã bình luận rằng "Viettel bắt đầu đi trên con đường mà những nhà tư bản sợ phải đi!" khi hãng viễn thông Việt Nam thành lập liên doanh Natcom và xây dựng hạ tầng. Năm 2017, Natcom lần đầu tiên chia cổ tức 3 triệu USD cho các cổ đông sau gần 7 năm hoạt động - một cái kết có hậu cho câu chuyện cổ tích viễn thông được tạo ra bởi một công ty Việt Nam tại Haiti.
Tiếp tục dấn thân vào các quốc gia nghèo nhất, Viettel đến Mozambique. Movitel hiện là nhà mạng số 1 tại Mozambique về hạ tầng mạng lưới, thị phần cũng như dịch vụ và sự sáng tạo, góp phần thay đổi diện mạo ngành viễn thông và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia này. Không phải vô cớ mà Movitel được mệnh danh là "Điều kỳ diệu của châu Phi" và vinh dự nhận tới 6 giải thưởng quốc tế uy tín.
Kể đến thị trường nghèo nhất Đông Nam Á, Đông Timor là một thị trường rất nhỏ (dân số 1,2 triệu), địa hình có 90% là đồi núi nên việc triển khai hạ tầng mạng lưới sẽ rất tốn kém, khó thi công. Bên cạnh đó, dù dân số ít nhưng mạng di động nào cũng phải đầu tư một hệ thống tổng đài và bộ máy hoàn chỉnh nên chi phí cho mỗi thuê bao sẽ rất cao.
Thế nhưng, chỉ sau 6 tháng khai trương, Telemor đã kinh doanh có lãi. Đây là điều rất khó tin bởi theo tính toán thông thường, một mạng viễn thông mới vào Đông Timor tồn tại được đã khó chứ chưa nói đến chuyện có lãi với thời gian siêu tốc như vậy.
Thần tốc hơn, ở thị trường Burundi, Viettel có lãi chỉ sau 1 tháng. Burundi là thị trường mà Viettel vươn lên vị trí số 1 nhanh nhất trong lịch sử, chỉ sau 7 tháng. Cùng với việc trở thành công ty viễn thông lớn nhất, Lumitel cũng lập kỷ lục doanh thu bù chi phí hoạt động nhanh nhất, sau 2 tháng kể từ khi khai trương.
Bước ngoặt ở Peru và tương lai ở Myanmar
Việc Viettel tới Peru đã tạo ra dấu ấn đặc biệt khi chưa bao giờ có một công ty Việt Nam nào đầu tư mạng viễn thông ở quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành với việc thử sức với một thị trường "không nghèo". Khi Viettel xuất hiện, Peru đã có mật độ điện thoại di động đạt trên 100%.
Hơn nữa, Peru là quốc gia mà ngành viễn thông bị thống trị bởi 2 tập đoàn thuộc nửa trên của Top 10 thế giới là Movistar và Claro, điều chưa từng có ở các thị trường mà Viettel đầu tư. Và cũng không giống như các thị trường trước đó, Bitel (thương hiệu của Viettel tại đây) khai trương dịch vụ mà chưa có hạ tầng viễn thông lớn nhất.
Nhưng dù trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam, mật độ điện thoại di động đã vượt ngưỡng 100%, 3G ở Peru vẫn chỉ tập trung phủ sóng ở thành phố lớn. 3G vẫn "trắng sóng" ở nông thôn và ở môt số vùng núi cao thậm chí chưa có 2G. Đó chính là cơ hội cho Viettel. Tại Peru, Bitel trở thành mạng di động đầu tiên phủ sóng 3G toàn quốc khi khai trương và là mạng di động 3G Only duy nhất của Viettel vào thời điểm đó (năm 2014).
Ngoài mạng 3G Only, Bitel là thương hiệu viễn thông duy nhất có hệ thống bán hàng riêng (cả SIM v à thiết bị đầu cuối) phủ tới tận huyện, xã ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, Bitel cũng là nhà mạng có nhiều dịch vụ gia tăng độc đáo so với các đối thủ...
Trong 3 năm liên tiếp (2015-2017), Bitel là công ty có tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh nhất Peru. Đây cũng là nguyên nhân giúp cho tốc độ tăng trưởng thuê bao của toàn Peru giai đoạn 2014 - 2018 lên tới 30%, trong khi con số này tại các nước trong khu vực chỉ là 6%. Chỉ sau 2 năm, Bitel đã kinh doanh có lãi trong khi mạng di động khác vào Peru đã 10 năm vẫn lỗ.
Nếu như cách đây 13 năm, Viettel chỉ có 1 triệu USD khi sang Campuchia, và giờ Metfone có hơn 5,1 triệu thuê bao sau 10 năm, thì đầu tư sang Myanmar, Viettel đã thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, và chỉ mất 8 tháng để đạt 5,2 triệu thuê bao. Mytel đạt tốc độ tăng trưởng mà hiếm mạng viễn thông nào trên thế giới có được và là tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong số 11 thị trường viễn thông mà Viettel đang kinh doanh (bao gồm cả Việt Nam). Myanmar dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của Viettel ở nước ngoài trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Trong gần 30 năm lịch sử, Viettel đã chứng minh được năng lực thực sự khi liên tục làm bùng nổ dịch vụ viễn thông di động ở nhiều quốc gia trên thế giới, có hơn 100 triệu khách hàng, trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới về thuê bao.
Chia sẻ về câu chuyện đầu tư viễn thông ra nước ngoài, một lãnh đạo cấp cao của Viettel cho biết: "Trong khi nhiều người nghĩ rằng, viễn thông là xa xỉ thì Viettel lại nghĩ rằng, viễn thông là thứ hàng hóa thiết yếu, như cơm ăn, nước uống hàng ngày, do đó bằng mọi cách phải phổ cập dịch vụ, mang cơ hội kết nối đến cho bất kỳ ai.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng công nghệ càng cao thì giá càng đắt thì Viettel lại nghĩ rằng, công nghệ càng cao thì giá càng rẻ. Nếu như Apple đưa chiếc iPhone giá hàng ngàn USD tới cho 10% người giầu nhất thì Viettel sẽ mang chiếc smartphone đến cho 90% số người còn lại... Đó cũng là một bí quyết giúp Viettel thành công ở Việt Nam cũng như khi tiến ra nước ngoài".
Theo Tiền Phong
Vodafone Tây Ban Nha hợp tác cùng Huawei ra mắt dịch vụ mạng 5G Tập đoàn viễn thông Vodafone Espana ngày 15/6 đã ra mắt các dịch vụ mạng 5G thương mại đầu tiên ở Tây Ban Nha, cùng với sự hợp tác về kỹ thuật của 'gã khổng lồ' viễn thông Trung Quốc Huawei. Một cửa hàng của Huawei tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN Như vậy, "xứ sở bò tót" đã trở...