55 năm IMO và dấu ấn Việt Nam
Olympic Toán học quốc tế ( IMO) là một cuộc thi thể thao trí tuệ đỉnh cao nhất về Toán hàng năm dành cho học sinh THPT toàn thế giới.
Cuộc đua tài của học sinh giỏi Toán khắp hành tinh
IMO đầu tiên được tổ chức năm 1959 tại Rumani theo sáng kiến của nước này và 7 nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu đã tham gia.
GS Trần Văn Nhung – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước – cho biết: Từ thập niên 1970 – 1980, số đoàn tham dự tăng nhanh và IMO thực sự trở thành cuộc đua tài của học sinh giỏi Toán khắp hành tinh.
Nếu IMO tổ chức đầu tiên chỉ có 7 đoàn với 52 thí sinh thì IMO 2014 tổ chức tại Nam Phi có tới 101 đoàn tham dự với 560 thí sinh.
GS Ngô Bảo Châu (người đứng) cùng các bạn trong đội tuyển IMO.
Theo quy chế IMO, mỗi đoàn tham dự không có quá 6 thí sinh tuổi không quá 20, trình độ không vươt quá THPT. Trên thế giới có những thí sinh dự thi 5 hoặc 6 kỳ IMO, riêng với Việt Nam không quá 2 kỳ (do quy định của ta).
Mỗi đoàn được dẫn đầu bởi một giáo viên trưởng đoàn và phó đoàn, cũng có thể có thêm các quan sát viên. Mỗi kỳ IMO được tiến hành trong 2 ngày, mỗi ngày làm 3 bài toán trong 4 giờ. Số điểm tối đa của 6 bài là 40 điểm, từ năm 1982 là 42 điểm.
Ngoài các huy chương vàng, bạc, đồng còn có các giải thưởng đặc biệt dành cho những học sinh có lời giải rất độc đáo.
Cho đến nay, người Việt Nam duy nhất giành được giải thưởng này là Lê Bá Khánh Trình tại IMO 1979 ở London (Anh). Năm đó, chỉ có 5 học sinh được Hội đồng giám khảo quốc tế chọn ra để bỏ phiếu và kết quả là chỉ duy nhất Lê Bá Khánh Trình người Việt Nam được trao giải đặc biệt.
10 nước thuộc top ten trong 55 năm IMO là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga (Liên Xô), Hungari, Rumani, Hàn Quốc, Bungari, Việt Nam và Đức.
Cho đến nay, trên thế giới có 13 người từng là thí sinh IMO đã giành được giải thưởng Toán học nổi tiếng thế giới, giải thưởng FIELDS. GS.TS Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên, cũng là người đầu tiên của thế giới thứ 3 được nhận giải thưởng cao quý này năm 2010.
40 năm dấu ấn Việt Nam
GS Trần Văn Nhung kể: Chúng ta tham dự IMO từ năm 1974, sau 33 năm tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, cách thức tổ chức IMO của các nước đi trước và khi IMO cùng các bạn quốc tế đề nghị, được phép của Chính phủ Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử, năm 2007, chúng ta đăng cai tổ chức IMO tại Việt Nam.
Khi đó, số đoàn tham gia đạt con số kỷ lục: 93 đoàn từ khắp 5 châu với 520 thí sinh và khoảng 300 thầy cô giáo đi cùng.
Chúng ta đã giúp đỡ Capuchia lần đầu tiên ra nhập IMO và đã xin phép Ban lãnh đạo quốc tế của IMO xin phép Thụy Điển được phép trở lại tham gia sau khi bị khai trừ từ năm 1991 tại Thụy Điển.
Việt Nam đã gây được ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng quốc tế, từ khâu khó nhất là lựa chọn đề thi, chấm thi, tổ chức thi cho đến lễ tân, an ninh và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch…
Video đang HOT
Ưu thế của chúng ta là lực lượng chuyên môn và chấm thi hùng hậu, có trình độ chuyên nghiệp cao cả về Toán sơ cấp và Toán hiện đại, trình độ ngoại ngữ Tiếng Anh thành thạo.
Đó là tập hợp quý hiếm gồm 50 nhà Toán học Việt Nam trẻ, xuất sắc từ trong và ngoài nước, trong đó, nhiều người là cựu thí sinh IMO từng đạt huy chương vàng, bạc, đồng…
Nhờ có sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, của các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đã ra đời và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ký bổ nhiệm lãnh đạo Viện, đứng đầu là GS Ngô Bảo Châu.
Điều này thể hiện uy tín khoa học cao ở trong nước, khu vực và thế giới đã tạo điều kiện và môi trường để các nhà Toán học Việt Nam trong và ngoài nước cùng hợp tác nghiên cứu, đào tạo các nhà Toán học, khoa học quốc tế xuất sắc, góp phần quan trọng phục hưng và phát triển Toán học Việt Nam, cả lý thuyết lẫn ứng dụng.
Theo GS Trần Văn Nhung, trong 40 năm qua chúng ta tham dự IMO không chỉ vì đây là cuộc thi cao nhất, một cuộc thi để rèn luyện trí tuệ của học sinh giỏi toán khắp hành tinh mà còn với mục đích: Học hỏi để trưởng thành, đổi mới, cải tiến, hiện đại hoa viểc đào tạo, huấn luyện, ra đề thi và chấm thi học sinh giỏi Toán ở Việt Nam, góp phần quan trọng phát triển Toán học Việt Nam nói riêng, khoa học giáo dục Việt Nam nói chung.
Đồng thời, khuyến khích sự học – chìa khóa của sự phát triển và hưng thịnh quốc gia – để hội nhập quốc tế về Toán, khoa học giáo duc, góp phần tăng uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Những học sinh IMO và chuyên toán không chỉ trở thành những nhà toán học xuất sắc như Ngô Bảo Châu mà còn cả những nhà khoa học xuất sắc trên các lĩnh vực khác, như GS Vật lý Đàm Thanh Sơn, như anh Nguyễn Hà Đông trong Tin học…
Trong 40 năm qua, Việt Nam đã tham dự 37 trên tổng số 39 kỳ IMO, đoàn Việt Nam thường lọt vào top ten.
Những điều thú vị
GS Trần Văn Nhung đã thống kê rất chi tiết, trong 40 năm qua, chúng ta có 9 học sinh đạt điểm tuyệt đối, đó là: Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến Cường, Ngô Đắc Tuấn, Đỗ Quốc Anh, Lê Hùng Việt Bảo, Nguyễn Trọng Cảnh.
Có 6 học sinh 2 lần đạt huy chương vàng liên tiếp, đó là: Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn, Vũ Ngọc Minh, Lê Hùng Việt Bảo và Phạm Tuấn Huy.
Phan Vũ Diễm Hằng là nữ thí sinh IMO đầu tiên của Việt Nam và năm 1795 chị giành huy chương đồng. Tính đến IMO 2014, Việt Nam có 10 nữ thí sinh đã từng tham dự IMO, giành được tổng cộng 10 huy chương, trong đó có 5 huy chương bạc và 5 huy chương đồng.
Nguyễn Thị Thiều Hoa là nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam giành huy chương bạc tại IMO 1976. Và, đến nay chúng ta vẫn chờ nữ thí sinh Việt Nam đầu tiên giành huy chương vàng IMO.
Nguyễn Tiến Dũng là thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất khi tham gia IMO. Năm 1985, khi chưa tròn 15 tuổi, anh đã giành huy chương vàng với số điểm 35/42.
Có điều thú vị là, 3 huy chương vàng IMO đầu tiên của Việt Nam đều thuôc về người gốc Huế, đó là: Hoàng Lê Minh, Lê Bá Khánh Trình và Lê Tự Quốc Thắng.
Chỉ có 2 thí sinh Việt Nam đã tham dự IMO mà không học trường chuyên là Chế Quang Quyền, bằng danh dự IMO 1985 (học sinh trường THPT Long Thành – Đồng Nai) và Võ Văn Huy, huy chương đồng IMO 2011 (học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, Tây Hòa, Phú Yên).
GS Trần Văn Nhung cũng kể thêm một câu chuyện thú vị. Đó là, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, Việt Nam không tham dự IMO 1977 ở Nam Tư, mặc dù đã tổ chức xong đội tuyển.
Những học sinh này phải vội vã trở về địa phương ôn cấp tốc thêm Lý, Hóa để dự thi đại học, dù chỉ còn 3 tuần.
Tuy vậy, các bạn đều đạt điểm cao cả 3 môn, từ 24 đến 29 điểm. Bốn người trong số đó vẫn kiên trì tiếp tục nghề Toán và đã trở thành GS.TSKH là Nguyễn Đình Công, Đinh Nho Hào, Nguyễn Việt Dũng và Lê Hồng Vân.
Điều này cho thấy quá trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị đội tuyển rồi dù có dự thi IMO hay không, như “con gà đẻ trứng vàng”, đã ảnh hưởng rất tốt đến sự nghiệp của mỗi thí sin và Toán học Việt Nam.
Theo Hiếu Nguyễn/Báo Giáo dục Thời đại
Kể chuyện học sinh Việt thi Toán quốc tế
Những câu chuyện, tâm sự của các giáo sư, cựu thành viên đội tuyển Việt Nam được ôn lại nhân dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic Toán quốc tế.
GS Trần Văn Nhung: "Liên Xô (cũ) và CHDC Đức đã giúp đỡ và tham dự IMO lần đầu tiên"
Đầu tháng 2/1974, Bộ Giáo dục CHDC Đức chính thức mời Bộ Giáo dục nước ta cử đoàn tham gia IMO lần thứ 16, được tổ chức tại Berlin vào hè năm 1974. GS, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên giao nhiệm vụ tuyển chọn và thành lập đội học sinh giỏi toán của miền Bắc để bồi dưỡng trước khi đi Berlin.
1974 là năm đầu tiên cả Việt Nam và Mỹ cùng tham dự IMO. Việt Nam có huy chương vàng, Mỹ không có. Do chữ U và chữ V gần nhau trong bảng chữ cái nên trưởng đoàn Việt Nam và trưởng đoàn Mỹ được xếp ngồi cạnh nhau trong buổi công bố kết quả. Trưởng đoàn Mỹ đã bắt tay (kín dưới bàn) chức mừng đoàn Việt Nam.
Những giáo viên, cựu học sinh tham gia đội tuyển IMO của Việt Nam - Ảnh Nguyễn Đình.
Theo thầy Lê Hải Châu, báo bưu điện CHDC Đức ngày 26/8/1974 viết: "Người ta vỗ tay lâu nhất để hoan nghênh đoàn học sinh Việt Nam lần đầu dự thi với 5 em đã chiếm 4 giải, trong đó có một giải vàng. Làm thế nào mà giải thích nổi tại sao những học sinh của một đất nước đang trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc lại có được một vốn kiến thức toán học tốt như vậy".
GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN, 4 lần làm trưởng đoàn IMO của Việt Nam: Trong mỗi kỳ thi Olympic Toán học, các "vận động viên" phải tranh tài qua 6 bài toán, mà hội đồng thi lựa chọn theo tiêu chí 2 bài "dễ", 2 bài "trung bình, 2 bài "khó".
Trong kỳ thi Olympic 2006 ở Slovenia, 2 bài "dễ" được chọn là lĩnh vực Số học và Hình học, 2 bài "khó" thuộc lĩnh vực Đại số, bài kia là toán tổ hợp. Khi hội đồng chọn xong tôi đã hơi lo cho đoàn Việt Nam, vì thế mạnh của chúng ta là Số học và Hình học, nay hai lĩnh vực đó đều được chọn bài dễ (mà dễ thật!), nên thế mạnh đó không còn phát huy tác dụng. Cũng còn may là một trong hai bài "khó" là Đại số, nên có thể học sinh Việt Nam sẽ làm bài đó tốt hơn các nước khác. Kết quả đúng như vậy, nếu kể số điểm có được từ bài "khó" đại số, thì đoàn Việt Nam xếp thứ 3, trong khi một bài "trung bình" thuộc dạng tổ hợp thì đoàn ta chỉ có số điểm 6/42, đứng khoảng thứ 60.
Kỳ thi này đoàn Việt Nam đã đoạt được 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ. Trong tổng số 90 nước tham gia, có 6 đoàn hơn chúng ta về số huy chương, và 12 đoàn hơn về tổng điểm.
Ông John Webb, thư ký của Ủy ban Olympic toán quốc tế khi trò chuyện với tôi có kể rằng: Nhiều người hỏi ông xem các đoàn thường thuộc "top ten" của Olympic là những đoàn nào, và tất nhiên ông nhắc đến Trung Quốc, Nga, Mỹ, nhưng khi nhắc đến Việt Nam thì người nghe giật nảy mình hỏi lại. Họ muốn biết xem tại sao một nước nghèo như Việt Nam mà lại thường đứng trong "top ten" của Olympic. John Webb trả lời rằng ông cũng không hiểu, và đang định tìm hiểu bí mật của điều đó khi đến Việt Nam tham dự IMO 2007 tại Hà Nội.
Trần Nam Dũng (HCB IMO 1983) - trường ĐH Khoa học Tự nhiên ((ĐHQG TPHCM): Những sự kiện thú vị xung quanh các thí sinh IMO của Việt Nam
Trần Trọng Hùng và Phan Phương Đạt là hai thí sinh đầu tiên của Việt Nam tham dự hai kỳ IMO liên tiếp (cùng vào 2 năm 1987 và 1988). Trần Trọng Hùng đạt 2 huy chương bạc còn Phan Phương Đạt đạt 1 bạc, 1 đồng.
Nguyễn Tiến Dũng là thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất tham dự IMO. Anh tham dự IMO 1985 khi chưa tròn 15 tuổi và đạt huy chương vàng với số điểm 35/42.
Hà Huy Minh (HCĐ IMO 1989) và Hà Huy Tài (HCB IMO 1991) là cặp anh em (chú bác) duy nhất từng tham dự IMO. Trong gia đình này còn có người chú Hà Huy Bảng cũng từng tham dự IMO 1976 (nhưng không đạt giải). Theo GS Hà Huy Khoái, chính vì cần dạy cho các con và các cháu nên GS đã để tâm hơn đến toán sơ cấp để sau này trở thành một chuyên gia có tiếng trong đào tạo, bồi dưỡng HSG.
Có một trường hợp họ hàng ít được biết đến hơn là trường hợp của Trần Nam Dũng (cậu), huy chương bạc IMO 1983 và Lê Nam Trường (cháu), huy chương bạc IMO 2006. Điều thú vị là chiếc huy chương bạc của Trần Nam Dũng là huy chương IMO đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng, còn huy chương bạc của Lê Nam Trường là huy chương IMO đầu tiên của Hà Tĩnh (là quê nội của Lê Nam Trường và quê ngoại của Trần Nam Dũng).
Nguyễn Hùng Sơn là cái tên duy nhất xuất hiện trong danh sách đội tuyển Việt Nam dự IMO hai lần, nhưng không phải là hai lần liên tiếp mà cách nhau ...đúng 10 năm. Nguyễn Hùng Sơn "anh" đạt huy chương đồng IMO 1976 còn Nguyễn Hùng Sơn "em" đạt huy chương bạc IMO 1986. Hiện nay TS Nguyễn Hùng Sơn "anh" làm việc tại Viện Vật lý, Hà Nội, còn GS TSKH Nguyễn Hùng Sơn "em" làm việc tại Viện Toán học, khoa Toán cơ tin, ĐH TH Vac-sa-va.
Các thế hệ thầy, trò từng dự thi IMO - Ảnh Nguyễn Đình.
Nguyễn Đặng Hợp (HCB) IMO năm 2003:Tôi đã từng hoang mang và hoài nghi
Hè năm 2003, đội tuyển toán quốc tế Việt Nam được tập huấn ở Viện Toán học trước kỳ thi chính thức vào tháng 7. Ngoài các thầy giáo giàu kinh nghiệm, chúng tôi còn được học với một nhóm các nhà toán học của Viện Toán học.
Bài giảng của các nhà toán học của Viện Toán khác với những gì chúng tôi được học trước đó. Viện Toán khuyến khích chúng tôi vào đọc sách trong thư viện, và đó là lần đầu tiên tôi được tiếp cận các tạp chí tiếng Anh.
Ấn tượng mạnh nhất khi làm việc với các nhà toán học này có lẽ là sự hoang mang, và sự hoang mang này sẽ biến thành nỗi hoài nghi những năm đầu đại học của tôi. Tại sao chúng tôi lại phải biết những khái niệm rắc rối này? Có phải là bổ ích hơn nếu tập trung vào những bài toán sơ cấp khó, để tăng khả năng giải toán trong kỳ thi sắp tới?
Những băn khoăn và hoài nghi đó chưa bao giờ được thổ lộ trực tiếp với các thầy ở Viện. Tôi hiểu rằng nhiều người sẽ thấy những suy nghĩ đó rất ngây thơ. Quả thực, chúng không chỉ ngây thơ, mà còn góp phần làm nên một bức tường vô hình ngăn cách tôi khỏi các thầy.
Sau này, khi không còn thuộc về thế giới của thi cử, khi được công việc nghiên cứu mở ra cho những chân trời mới, bức tường vô hình đó đã dần dần bị xóa bỏ.
Dù còn ở rất xa với các thầy về những cống hiến cho khoa học, tôi hiểu ra được phần nào cố gắng của các thầy trong thời gian đó để mang lại cho chúng tôi một cơ hội tiếp cận toán học sớm hơn, trực tiếp hơn phần đông những bạn bè học sinh giỏi phổ thông khác.
Phạm Việt Cường (HCB) và Nguyễn Kiều Hiếu (HCB) IMO năm 2010: Nếu yêu toán hãy dũng cảm tiến lên.
IMO mới là chương đầu tiên của một cuốn tiểu thuyết, đánh dấu sự kết thúc quãng thời gian êm đềm của tuổi học trò vô tư. Một câu hỏi lớn mà chúng tôi tự hỏi mình sẽ học gì và sẽ học ở đâu trong thời gian sắp đến? Là Toán học! Câu trả lời có vẻ hiển nhiên, nhưng không hẳn là vậy!
Chúng tôi đã đắn đo khá nhiều. Chúng tôi lúc đấy không hình dung ra được học toán bao gồm những gì, học toán để làm gì hay đơn giản là tôi có đủ khả năng để học toán hay không. Những câu hỏi như vậy đã khiến chúng tôi trăn trở kể từ sau IMO. Cuối cùng, chúng tôi quyết định đăng kí vào Lớp cử nhân tài năng Toán học của trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội.
Sau một năm rưỡi tại ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, chúng tôi thi đỗ vào ĐH Bách khoa Paris. Chuyến đi lần này đối với chúng tôi nhiều hứa hẹn hơn so với chuyến đi đầu tiên.
Đã hơn bốn năm đã trôi qua kể từ ngày chúng tôi tham gia IMO. Bằng những trải nghiệm của cá nhân, chúng tôi đã có một cái nhìn khác hơn về Toán học. Nếu các bạn yêu Toán học, hãy dũng cảm tiến lên phía trước.
Theo Ngân Anh/Báo Vietnamnet