52 tuần tiết kiệm, thử thách giúp thay đổi cuộc đời của nhiều người
Thử thách tiết kiệm trong 52 tuần là một cách tuyệt vời để bạn bắt đầu tiết kiệm tiền. Bạn có cơ hội cải thiện tư duy về tiền bạc của mình, xây dựng thói quen quản lý tiền tốt và đặt nền tảng cho việc hoàn thành các mục tiêu tài chính lớn hơn sau đó.
Thử thách tiết kiệm trong 52 tuần là gì?
Thử thách tiết kiệm trong 52 tuần về cơ bản là bạn sẽ tiết kiệm tiền theo một cách chiến lược trong khoảng thời gian 52 tuần (tương đương với 1 năm). Nếu bạn đảm bảo bám sát và thực hiện đúng thử thách này, bạn sẽ có khoản tiền kha khá vào cuối tuần thứ 52.
Chỉ với mức bắt đầu là 10 nghìn đồng tiết kiệm trong tuần đầu tiên, bạn sẽ tiết kiệm được 13,78 triệu đồng. Thực hiện thử thách này cũng là cách tuyệt vời để bạn nâng cao tính tự giác về tiền bạc của mình.
Khi nào là thời điểm tốt nhất để bắt đầu thử thách tiết kiệm này?
Rất nhiều người lựa chọn việc bắt đầu thử thách tiết kiệm vào khoảnrg thời gian đầu năm mới. Thường thì điều này gắn liền với quyết tâm trong năm mới của chúng ta cũng như sự lạc quan khi bắt đầu một năm mới. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu thử thách 52 tuần tiết kiệm vào bất cứ lúc nào. Không có quy tắc nào quy định thời điểm bạn có thể thực hiện các mục tiêu tài chính của mình. Bởi vậy, thời điểm tốt nhất để bắt đầu một thử thách mới là bất cứ khi nào bạn sẵn sàng.
Có thể nói, đầu tuần mới hay đầu tháng mới sẽ là thời điểm tuyệt vời để bạn bắt đầu. Điều này xuất phát từ tâm lý chúng ta thường có cảm giác về một khởi đầu mới ở những thời điểm này. Đó còn được gọi là “hiệu ứng khởi đầu mới”. Khi bạn cảm thấy mình có một sự bắt đầu đầy mới mẻ, bạn có xu hướng nỗ lực hơn để đạt được thành công.
Tuy nhiên, nhớ rằng dù bắt đầu ở thời điểm nào, bạn cũng phải cam kết với chính mình là sẽ thực hiện nghiêm túc. Sẽ tuyệt hơn khi bạn thực hiện thử thách tiền bạc này với một vài người bạn để có trách nhiệm và động lực hơn khi theo đuổi mục tiêu tài chính của mình.
Thử thách 52 tuần tiết kiệm hoạt động thế nào?
Có 2 cách chính để bạn có thể thực hiện thử thách tiết kiệm trong 52 tuần và chúng đều mang lại hiệu quả như nhau. Điều quan trọng nhất ở đây là bạn cần lựa chọn ra cách phù hợp với mình nhất. Nhất quán chính là chìa khóa.
1. Tiết kiệm từ nhỏ đến lớn
Cách tiếp cận này có nghĩa rằng bạn sẽ thực hiện việc tiết kiệm tăng dần mỗi tuần. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tiết kiệm 10 nghìn đồng trong tuần đầu tiên và sau đó là tăng thêm 10 nghìn đồng trong mỗi tuần tiếp theo.
Cụ thể: Nếu trong tuần đầu tiên bạn tiết kiệm được 10 nghìn đồng, tuần 2 bạn tiết kiệm được 20 nghìn đồng, tuần thứ 3 bạn tiết kiệm được 30 nghìn đồng… và tuần cuối cùng bạn tiết kiệm được 520 nghìn đồng thì tổng cộng khoản bạn tiết kiệm được sau 52 tuần là 13,78 triệu đồng.
Phương pháp này phù hợp với những người đang bắt đầu xây dựng thói quen tiết kiệm tiền hoặc có nguồn thu hạn chế và đang cố gắng để tăng thu nhập. Bạn sẽ bắt đầu theo cách khiến bản thân thấy tiết kiệm thực sự dễ dàng và tằng dần độ khó theo thời gian.
2. Tiết kiệm từ lớn đến nhỏ
Cách thứ hai chính là bạn sẽ bắt đầu với việc tiết kiệm 520 nghìn đồng trong tuần đầu tiên và sau đó giảm dần 10 nghìn đồng trong mỗi tuần tiếp theo.
Cụ thể: Nếu bạn bắt đầu với 520 nghìn đồng tiết kiệm trong tuần đầu tiên, tuần 2 tiết kiệm 510 nghìn đồng, tuần 3 tiết kiệm được 500 nghìn đồng và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi sang tuần 52, bạn chỉ cần tiết kiệm được 10 nghìn đồng. Tổng số tiền bạn tiết kiệm được sau 52 tuần vẫn không thay đổi, là 13,78 triệu đồng.
Video đang HOT
Phương pháp này phù hợp với những người muốn bắt đầu với mức tiết kiệm lớn và sau đó giảm dần mức tiết kiệm để tập trung cho những mục đích khác.
Một số mẹo giúp bạn thành công với thử thách 52 tuần tiết kiệm
1. Đưa thử thách vào ngân sách
Khi nói đến tiết kiệm tiền, nhớ rằng tất cả đều cần được thực hiện một cách chiến lược. Ngân sách của bạn về cơ bản là việc tạo ra một kế hoạch cho đồng tiền của mình, để biết nó cần đi những đâu mà bản thân không phải suy nghĩ quá nhiều về nó sau đó.
Việc đưa kế hoạch tiết kiệm vào ngân sách hàng tháng đảm bảo bạn có một kế hoạch khả thi để thực sự tiết kiệm hơn là chỉ đề ra rồi không thực hiện được.
2. Bán những thứ bạn không cần
Rất nhiều người trong chúng ta quây xung quanh mình bằng những thứ mà chúng ta không thực sự cần. Tủ bếp, tủ quần áo, tủ lạnh và đồ chơi trẻ em là những nơi tuyệt vời để bạn bắt đầu dọn dẹp và loại bỏ những thứ mình không cần nữa. Bạn có thể đem bán những thứ này để thu tiền về hoặc trao đổi với người khác để nhận về những món đồ mình thực sự cần thiết.
3. Tìm các chi phí bạn có thể cắt giảm
Hãy cắt giảm các chi phí liên quan đến những thứ bạn không cần hoặc không sử dụng hết. Bạn cần tự hỏi bản thân rằng, liệu mình có đang trả tiền cho những thứ không thực sự cần thiết? Bạn có nhất định phải đến phòng tập không hay có thể tập ở nhà? Bạn có cần trưa nào cũng đi ăn hàng không hay có thể chuẩn bị đồ mang đi? Bạn có đang sử dụng hết gói truyền hình cáp hay internet không?…
Bằng cách rà soát lại các khoản chi của mình, bạn có thể nhanh chóng tiết kiệm được một khoản kha khá mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Để tiền tiết kiệm trong thử thách 52 tuần ở đâu?
Sẽ tốt hơn khi bạn mở một tài khoản ngân hàng hoàn toàn mới (lý tưởng là ở một ngân hàng khác với ngân hàng bạn hiện đang dùng). Một tài khoản tại ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cạnh tranh là một ý tưởng tốt. Bạn có thể lên lịch chuyển khoản để đảm bảo thực hiện đúng cũng như bám sát được thử thách.
Làm gì với khoản tiết kiệm từ thử thách tiết kiệm 52 tuần này
Khi bạn đã có được khoản tiết kiệm từ thử thách này, bạn có thể hướng tới:
- Mục tiêu tài chính ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn
Ví dụ: Nếu bạn cần tiết kiệm tiền cho việc chuyển nhà, mua sắm đồ đạc mới hay những kế hoạch khác đòi hỏi số tiền lớn, khoản có được từ thử thách này sẽ là phần đóng góp, giúp bạn đến ngày càng gần hơn với mục tiêu chính.
- Tăng cường quỹ khẩn cấp
Tiết kiệm cho quỹ dự phòng khẩn cấp là chìa khóa giúp bạn vượt qua khó khăn khi gặp phải vấn đề như mất việc hoặc không thể lao động do sức khỏe… Số tiền bạn tiết kiệm được từ thử thách này giúp bạn tăng cường quỹ dự phòng khẩn cấp, trải qua những tháng nghỉ việc một cách nhẹ nhàng hay thanh toán viện phí…
- Trả nợ
Đẩy nhanh việc trả nợ của bạn và giảm số tiền lãi phải trả mỗi tháng bằng cách dùng số tiền thu được từ thử thách tiết kiệm 52 tuần. Một khi các khoản nợ lãi suất cao của bạn được trả hết, bạn sẽ có nhiều tiền hơn nữa để thực hiện các mục tiêu tiết kiệm của mình.
- Đầu tư vào thị trường chứng khoán
Một cách tuyệt vời để bạn sử dụng số tiền tiết kiệm của mình chính là đặt tiền vào nơi nó có thể tiếp tục phát triển. Đầu tư về cơ bản là cách để bạn gia tăng số tiền của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải có mục tiêu rõ ràng và biết cách chấp nhận rủi ro.
- Một thứ gì đó vui vẻ
Đó có thể là chuyến du lịch của các gia đình thân thiết, kỳ nghỉ cùng cha mẹ hay khóa học làm bánh chuyên nghiệp mà bạn luôn ao ước.
Lợi ích của thử thách tiết kiệm 52 tuần
1. Bạn sẽ trở thành một người tiết kiệm nhất quán
Thử thách tiết kiệm trong 52 tuần là một cách tuyệt vời để bạn tạo thói quen tiết kiệm nhất quán, đặc biệt nếu tiết kiệm tiền vốn là điều bạn khó thực hiện. Bạn có thể theo dõi số dư của mình tăng lên theo thời gian, cảm thấy có động lực hơn và thu được số tiền không nhỏ ở cuối kỳ.
2. Bạn sẽ có động lực để tiết kiệm nhiều tiền hơn nữa
Để ngày càng tiến gần hơn đến tự do tài chính hay đạt được những mục tiêu lớn, hãy thử thách bản thân bằng cách gia tăng gấp đôi hoặc gấp ba số tiền gửi hàng tuần. Ngoài ra, bất cứ khi nào bạn có một số tiền phát sinh như được thưởng, được cho, bạn có thể đặt nó vào thử thách tiết kiệm của mình.
Tiến bộ bạn đạt được khi kết thúc thử thách này sẽ thúc đẩy bạn muốn làm lớn hơn. Đôi khi, một sự thúc đẩy nhỏ từ việc tham gia thử thách tiền bạc có thể đưa bạn đến con đường tốt hơn, cải thiện tài chính cá nhân của mình.
Kết luận
Thử thách tiết kiệm trong 52 tuần là một cách tuyệt vời để bạn bắt đầu tiết kiệm tiền. Bạn có cơ hội cải thiện tư duy về tiền bạc của mình, xây dựng thói quen quản lý tiền tốt và đặt nền tảng cho việc hoàn thành các mục tiêu tài chính lớn hơn sau đó. Với cam kết bám sát thử thách, theo thời gian số dư tài khoản ngân hàng của bạn sẽ tăng lên và bạn sẽ có được sự an tâm về tài chính. Đây sẽ là một trải nghiệm hữu ích và đáng nhớ, giúp bạn thay đổi cuộc sống của mình.
5 quan niệm sai lầm lớn nhất về tiền bạc mà nhiều người tưởng đúng
Hãy chấp nhận sự thật là chi phí sinh hoạt có xu hướng tăng lên khi thu nhập của bạn tăng lên. Đó chính là lạm phát lối sống.
Muốn gia tăng tiết kiệm và đầu tư khi thu nhập tăng, điều rất quan trọng và cần thiết là lập ngân sách và bám sát nó thay vì tăng chi tiêu theo mức tăng lương.
Bạn chắc hẳn đã từng nghe thấy ai đó nói rằng một mức thu nhập tốt sẽ là điều quyết định cho tài chính tự do hoặc thậm chí trước giờ đó vẫn là niềm tin của bạn. Nhiều người cũng tin rằng, tiền bạc luôn có cách tự vận hành của nó và bạn có thể tiết kiệm sau này bởi không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tiết kiệm.
Tuy nhiên, những quan niệm này sẽ dẫn bạn đến những quyết định tài chính tệ hại. Để có được tài chính vững, bạn cần có hiểu biết đúng đắn và thay đổi những điều trước giờ mình vẫn hiểu sai.
Một mức lương tốt sẽ đảm bảo tài chính cho bạn
Một quan niệm sai lầm phổ biến là khi bạn kiếm được một công việc với mức thu nhập tốt, bạn sẽ được đảm bảo về tài chính. Sự thật là, ngay cả với một mức lương tốt, bạn vẫn hoàn toàn có thể gặp khó khăn với việc thanh toán các hóa đơn.
Bạn luôn có thể chi tiêu nhiều hơn số tiền mình kiếm được, đặc biệt là khi bạn không có ngân sách. Hãy chấp nhận sự thật là chi phí sinh hoạt có xu hướng tăng lên khi thu nhập của bạn tăng lên. Đó chính là lạm phát lối sống. Muốn gia tăng tiết kiệm và đầu tư khi thu nhập tăng, điều rất quan trọng và cần thiết là lập ngân sách và bám sát nó thay vì tăng chi tiêu theo mức tăng lương.
Ngay cả khi bạn là người có thu nhập cao, bạn vẫn cần một kế hoạch tài chính vững chắc, trong đó vạch ra rõ các mục tiêu đầu tư và tài chính dài hạn (như trả hết nợ, xây dựng danh mục đầu tư, kế hoạch mua nhà, xây nhà...). Và tất nhiên, đừng bao giờ quên xây dựng quỹ khẩn cấp để đề phòng trường hợp bạn bị mất việc làm hoặc không thể làm việc vì một lý do nào đó. Một công việc với mức thu nhập tốt chỉ là một phần trong việc đảm bảo tài chính.
Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi
Nếu bạn luôn có cách suy nghĩ này, cho rằng mọi thứ rồi sẽ diễn ra theo cách mà nó phải làm, bạn sẽ ngày càng tụt lại, cách xa so với mục tiêu tài chính của mình.
Trong chuyện tiền bạc cũng vậy, khi bạn không tích cực lập kế hoạch và tiết kiệm cho những sự kiện lớn của cuộc đời thì bạn sẽ không có được các nguồn lực sẵn sàng khi sự việc đó đến. Nếu bạn có một khoản nợ lớn và không lên kế hoạch trả nợ, khả năng cao là bạn sẽ nợ nhiều hơn trong tương lai.
Đó là lý do tại sao bạn luôn cần chủ động và có kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế. Kế hoạch này sẽ giúp bạn có thể tận hưởng cuộc sống trong khi vẫn tiến ngày càng gần với mục tiêu tài chính của mình.
Mất quá nhiều công sức để lập ngân sách mà không thực sự hữu ích
Một quan niệm sai lầm về tiền bạc phổ biến khác là việc lập ngân sách tốn quá nhiều công sức mà không giúp bạn thay đổi tình hình.
Sự thật là trong những tháng đầu tiên lập ngân sách, bạn có thể sẽ gặp phải khó khăn. Điều này không chỉ với lập ngân sách mà với bất kỳ thói quen tốt nào khi bắt đầu thực hiện, bạn đều có thể gặp phải những trở ngại.
Nhiều người đã từ bỏ việc lập ngân sách chỉ sau 1 hoặc 2 tháng thực hiện và họ nói rằng nó không thực sự hiệu quả. Tuy nhiên nếu bạn kiên trì hơn và bám sát những gì đã đặt ra, bạn sẽ thấy lập ngân sách không hề rắc rối và sẽ đem lại hiệu quả tuyệt vời. Ngân sách có thể giúp bạn ngừng lo lắng về tiền bạc, giúp bạn đạt được mục tiêu nhanh hơn nhiều. Đây cũng là công cụ có thể giúp bạn thoát khỏi nợ nần, chìa khóa để ổn định tài chính lâu dài.
Tôi có thể bắt đầu tiết kiệm sau này
Khi ở những năm 20, bạn có thể nghĩ rằng việc nghỉ hưu hay chăm sóc con cái còn xa đối với mình. Tuy nhiên, sự thật là bạn không nên nghĩ vậy.
Càng tiết kiệm sớm, bạn sẽ càng nhanh đạt được mục đích và tận hưởng được sự kỳ diệu của lãi suất kép. Không bao giờ là quá muộn để tiết kiệm song điều đó không có nghĩa rằng bạn nên chần chừ và bỏ lỡ việc tiết kiệm, luôn tặc lưỡi và cho rằng mình hoàn toàn có thể bắt đầu vào tháng sau, năm sau.
Thu nhập của bạn thường sẽ tăng lên theo độ tuổi, khi bạn đạt được trình độ nghiệp vụ cao hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên chờ đến khi có thu nhập cao mới tiết kiệm là suy nghĩ sai lầm. Thu nhập của bạn sẽ tăng lên khi bạn nhiều tuổi hơn nhưng chi phí của bạn cũng vậy.
Hãy ưu tiên việc tiết kiệm cho cuộc sống gia đình, nuôi con, nghỉ hưu hay bất kỳ mục tiêu nào khác và ngừng viện cớ để ngăn bản thân lập kế hoạch cho tương lai.
Đâu cần phải lo lắng về khoản nợ đó
Nhiều người cảm thấy rất an tâm khi mình hoàn toàn có đủ khả năng để thanh toán mức tối thiểu mối tháng của khoản nợ. Họ nghĩ rằng mọi chuyện sẽ diễn ra thuận lợi, khoản nợ sẽ nhanh chóng được xử lý mà thôi. Nhiều người thậm chí quyết định vay tiền mua xe, mua nhà bởi ngân hàng nói rằng thu nhập của họ đủ để vay số tiền đó.
Việc chỉ thanh toán tối thiểu mỗi tháng không phải lúc nào cũng khiến khoản nợ của bạn giảm xuống, đặc biệt nếu bạn phải trả lãi suất cao. Bạn cần biết nhiều hơn về tình hình nợ của mình, tỷ lệ nợ trên thu nhập. Không nên ký vào một thỏa thuận chỉ bởi họ nói rằng bạn có thể trả được nó. Bạn cần có cái nhìn tổng quát về khoản nợ của mình, lập kế hoạch để nhanh chóng xóa sổ nó. Không có điều gì tự diễn ra khi bạn không bắt đầu hành động.
Là phụ nữ nhất định phải có tiền: 6 bí kíp tiền bạc giúp chị em đổi đời Bạn có thể cảm thấy khó khăn khi mới bắt đầu nhưng chắc chắn bạn sẽ học được những bài học quý báu để đạt được thành công về mặt tài chính sau này. Tiền bạc không phải là tất cả song có tiền các chị em sẽ độc lập hơn, tự chủ hơn trong cuộc sống. Nhiều nghiên cứu được thực hiện...