5.000 tỉ đồng cho đổi mới sách giáo khoa
Bộ GD-ĐT chiều 15/4 đã tổ chức họp báo quý I giải đáp nhiều thắc mắc của các phóng viên liên quan đến Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa và đổi mới thi tốt nghiệp 2014.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại Ủy ban thường vụ Quốc hội, bộ dự trù kinh phí cho đề án là 34.275 tỉ đồng, tuy nhiên tại buổi họp báo, ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình SGK, cho rằng con số hơn 34.000 tỉ này mới chỉ là khái toán.
(Ảnh: Phạm Mai/Vietnam )
Ông Thống cũng cho biết thêm, con số 34.000 tỉ đồng không chỉ dùng cho việc viết sách mà có tới 7-8 đầu việc. “Tên đề án khiến người ta hiểu nhầm. Số tiền giành cho việc viết sách chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng, chúng tôi không chỉ viết sách mà còn phải bồi dưỡng cho hàng triệu giáo viên ở 35.000 trường học trên cả nước trong hàng chục năm” -ông Thống nói.
Chuyên gia này cũng bật mí thêm, song song với đề án đổi mới chương trình – SGK này là hai đề án về cơ sở vật chất và đề án đào tạo giáo viên. Quốc hội sẽ phải thông qua 3 đề án để có thể đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.
Trước ý kiến của PGS Văn Như Cương cho rằng việc viết SGK chỉ có thể tốn khoảng 34 – 36 tỉ đồng, tính cả các phát sinh với yêu cầu cao hơn thì cũng chỉ làm tròn thành 100 tỉ đồng, bằng 3/1.000 số đã công bố, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng chưa nhận được kiến nghị cụ thể về việc này.
Về những lo ngại học sinh lớp 12 sẽ đỗ tốt nghiệp 100% theo quy định mới, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng việc tốt nghiệp 100% chỉ là dự đoán và còn phải chờ.
Ông Trinh cho hay, nhiều sở GD-ĐT đã thực hiện quản lý điểm bằng phần mềm nên không thể sửa điểm dễ dàng. “Bộ sẽ tăng cường thanh tra xử lý những vi phạm liên quan đến việc này. Về lâu dài, phải khơi dậy tính tự giáo của các nhà giáo, nhà trường và học trò” – ông Trinh nói.
Video đang HOT
Theo VNE
Đổi mới SGK sau năm 2015: Ngổn ngang trăm mối
Nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đang tiến hành cuộc "cách mạng" trong thay đổi chương trình sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015
Chương trình SGK sau năm 2015 thiết kế theo hướng giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn. Ảnh: Mạnh Xuân
Nếu thành công, đây được xem là cuộc "đại phẫu" lớn khiến giáo dục Việt Nam "thay máu". Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn còn quá nhiều việc phải làm trong khi đó thời gian từ nay đến năm 2015 không còn nhiều. Câu hỏi đặt ra, liệu công cuộc đổi mới này có được tiến hành thuận lợi, đúng theo lộ trình đặt ra?
5 giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra chuẩn bị cho đổi mới chương trình SGK sau năm 2015 là: Chuẩn bị điều kiện để xây dựng chương trình, biên soạn SGK; xây dựng chương trình biên soạn SGK thử nghiệm; biên soạn tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ dạy và học; triển khai thực hiện chương trình và SGK mới; tuyên truyền về đổi mới chương trình SGK.
Chạy đua với thời gian
Theo nội dung Dự thảo Đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, nhiều nội dung liên quan tới mục tiêu, nội dung, biện pháp thực hiện đổi mới được đề cập khá cụ thể, nhưng một số nội dung quan trọng về nhân lực, nguồn lực, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân... vẫn chưa được Bộ này nêu lên một cách rõ ràng, đầy đủ. Đó còn chưa kể, việc đưa ra quá nhiều "mệnh lệnh" đổi mới trong khi điều kiện thực thi, thời gian thực hiện còn nhiều vấn đề cần bàn.
Ông Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói: Muốn đổi mới GD-ĐT phải xác định rõ cơ cấu hệ thống giáo dục. Khi chưa rõ cơ cấu hệ thống giáo dục thì không thể làm chương trình SGK được. Ví dụ, thời gian học ở các bậc học nhất là bậc THPT cần 3 năm như hiện nay hay chỉ cần 2 năm? Việc phân luồng, phân ban theo tỷ lệ như thế nào? Sự liên thông giữa các bậc học, các loại trường tiến hành ra sao?...
"Sau khi xác định rõ cơ cấu hệ thống giáo dục thì sẽ tiến hành xây dựng chương trình SGK, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, tổ chức đánh giá thi cử ở cuối các bậc học", ông Nhĩ đề xuất.
Cũng theo ông Nhĩ, tại Dự thảo Đề án Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch học tập ở cấp THCS và THPT chỉ học có 1 buổi/ngày, như vậy là trái với chủ trương lâu nay đang phấn đấu cho 2 cấp học này cần được học 2 buổi/ngày.
Về 5 giải pháp thực hiện Đề án đổi mới chương trình SGK sau 2015 mà Bộ đưa ra trong Dự thảo, theo ông Nguyễn Minh Thuyết-nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đây chưa hẳn là giải pháp mà chỉ là những nội dung của Đề án, tức là công việc dự định làm.
Giải pháp thực hiện theo vị GS này cơ quan quản lý phải trả lời được 5 vấn đề. Thứ nhất là hiện cơ quan quản lý đang thiếu những nghiên cứu về lý luận phát triển chương trình SGK. Để làm được điều này, một mặt cần cử người đi học, mặt khác tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên hiện thời gian không còn nhiều nên phải hiện thực hóa bằng các biện pháp cụ thể.
Thứ hai, hiện ta đang thiếu đội ngũ chuyên nghiệp làm chương trình SGK. Nhưng thời điểm 2015 đã cận kề, Bộ GD-ĐT không kịp xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp. Do vậy giải pháp phải là xây dựng bộ khung cán bộ chuyên nghiệp ở cấp cao, còn lại huy động nhân lực theo khả năng và chất lượng sản phẩm của từng người.
Thứ nữa, hiện công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên chưa theo kịp đổi mới về chương trình SGK. Vậy nên giải pháp chắc chắn phải là đổi mới công tác đào tạo của các trường sư phạm và công tác bồi dưỡng giáo viên.
Cuối cùng về cơ sở vật chất, hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Giải pháp chắc chắn phải là chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp. Nhưng trong điều kiện tài chính và điều kiện thời gian eo hẹp như hiện nay rất khó, phải khắc phục bằng cách nào?
Bên cạnh đó, theo ông Thuyết, để thực hiện thành công Đề án đổi mới chương trình SGK sau 2015, chủ thể thực hiện việc "xây dựng chương trình, biên soạn SGK phổ thông" là rất quan trọng. Tuy nhiên, toàn bộ các công việc này đều do một chủ thể (Bộ GD-ĐT hoặc các Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK cấp quốc gia và cấp tỉnh) thực hiện; không thấy có sự tham gia của xã hội ngoài việc "trưng cầu ý kiến" các chuyên gia, các cơ sở GD- ĐT.
Theo ông Thuyết, việc xây dựng chương trình SGK nên có "khoảng trống" để tiếp thu sáng kiến của xã hội.
Theo nội dung Dự thảo Đề án chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, chương trình SGK sau năm 2015 được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp Tiểu học và cấp THCS, phân hóa rõ dần từ cấp Tiểu học đến cấp THCS và sâu hơn ở cấp THPT. Giảm số lượng môn học bắt buộc trong mỗi cấp học, lớp học và tăng các môn học, các chuyên đề học tập tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu, tiếp cận nghề nghiệp của học sinh.
Một hay nhiều bộ SGK?
Với câu hỏi hiện nhiều chuyên gia giáo dục quan tâm, liệu sau năm 2015 có tồn tại một chương trình, nhiều bộ SGK hay không, nhưng tại Dự thảo Đề án của Bộ vẫn chưa nhắc tới nội dung này.
Nhưng, theo ông Nguyễn Minh Thuyết, nếu có nhiều bộ SGK như yêu cầu của xã hội thì ngoài SGK do Bộ GD-ĐT trực tiếp tổ chức biên soạn, những bộ SGK do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn sẽ được trình cho ai duyệt, thẩm định và dạy thử nghiệm vào lúc nào.
"Vấn đề kéo theo liên quan đến chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là các nhà xuất bản nước ngoài có được phép đầu tư vào biên soạn SGK ở Việt Nam hay không? Nếu câu trả lời là "có thể được" thì cũng cần phải được chính thức hóa để các nhà xuất bản nước ngoài, các địa phương, các nhà xuất bản trong nước có cơ sở pháp lý để yên tâm hoạt động trong lĩnh vực biên soạn SGK theo chương trình được Nhà nước ban hành" là đề xuất của ông Hoàng Văn Vân-ĐH Quốc gia Hà Nội.
Để việc đổi mới chương trình SGK sau 2015 thành công, ông Nguyễn Tùng Lâm- Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về kế hoạch, nội dung và cách thức triển khai thực hiện chương trình SGK mới phải được tiến hành song song với việc biên soạn chương trình SGK mới với thời gian thích hợp.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng: Các giải pháp về trang thiết bị dạy học, điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi địa phương cũng phải được tiến hành song song với các việc biên soạn chương trình SGK và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để đảm bảo khi việc biên soạn chương trình SGK hoàn thành thì đã có đủ điều kiện về trang thiết bị dạy học, điều kiện cơ sở vật chất để có thể tiến hành ngay việc triển khai thực hiện chương trình SGK mới.
Theo VNE
Sách đồng dao phản cảm của trẻ mầm non gây sốc "Bác gì? Bác Hồ. Hồ gì? Hồ nước,..." hay "Quả gì? Quả đấm" - đó là những ngôn ngữ xuất hiện trong một cuốn sách đồng dao dành cho trẻ mầm non. Đồng dao phản cảm, bạo lực Gần đây, nội dung của bài Đồng dao chơi vỗ tay in trong trang 8, tập 6 của bộ sách Đồng dao dành cho trẻ...