5 việc cần làm để đánh bay mùi khó chịu ở ‘vùng kín’
Bạn không thể loại bỏ tất cả các mùi, nhưng bạn có thể giảm cường độ của mùi ‘ vùng kín’ bằng cách thực hành các quy trình vệ sinh nhất định.
Bình thường, âm đạo tiết ra mùi đặc trưng tùy thuộc vào mỗi cơ thể. Tuy nhiên, khi bạn gặp một số vấn đề như kỳ kinh nguyệt, quên băng vệ sinh hoặc có bệnh lý liên quan đến sinh dục thì mùi âm đạo trở nên rất khó chịu.
Nếu bạn đang cảm thấy sự thay đổi trong mùi ở âm đạo, hãy thử một vài gợi ý sau đây.
1. Nguyên nhân nào gây ra mùi âm đạo?
Âm đạo có khả năng tự làm sạch rất tốt nhưng đôi khi mùi có thể nặng hơn hoặc hơi khó chịu, đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Một số nguyên nhân gây ra mùi âm đạo bao gồm chu kỳ kinh nguyệt, quên băng vệ sinh, sau quan hệ tình dục, đổ mồ hôi và nhiễm vi khuẩn…
Mùi âm đạo có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy – Trưởng khoa khám Sản tự nguyện, BV Phụ sản Hà Nội, mùi hôi âm đạo cũng có thể do các nguyên nhân khác – thường là do sự mất cân bằng độ pH trong âm đạo.
Sau khi quan hệ tình dục, tinh dịch có thể loại bỏ lượng vi khuẩn tốt trong âm đạo do độ pH có tính axit cao hơn, gây ra mùi nồng hơn.
Để băng vệ sinh quá lâu, đặc biệt là loại băng vệ sinh có mùi thơm, cũng có thể làm mất cân bằng độ pH do vi khuẩn gia tăng.
Nhiễm trùng âm đạo là một nguyên nhân phổ biến nhất gây ra mùi tanh và nồng hơn. Viêm nhiễm âm đạo có thể kèm theo tiết dịch màu trắng, xanh lục hoặc xám.
Nếu mùi âm đạo khác thường kèm theo tiết dịch, nóng rát hoặc ngứa thì nên đến chuyên khoa thăm khám ngay lập tức vì đó có thể là một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng âm đạo hoặc một bệnh lây truyền qua đường tình dục như nhiễm trùng roi Trichomonas.
2. Những việc cần làm để loại bỏ mùi hôi âm đạo
Mùi đặc trưng là một phần bình thường của âm đạo, và không có lý do gì để xấu hổ về điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm những cách an toàn và lành mạnh để giảm bớt mùi hôi, thì có một số lựa chọn sau đây.
2.1 Thực hành vệ sinh âm đạo tốt
Video đang HOT
Dịch tiết âm đạo và vi khuẩn có thể tích tụ nếu khu vực này không được rửa sạch, điều này có thể làm nặng thêm mùi hôi theo thời gian. Bác sĩ Christy Boraas – chuyên ngành sản phụ khoa Đại học Y Minnesota, Hoa Kỳ cho biết: Âm đạo có khả năng tự làm sạch bằng cách tiết ra dịch trắng hoặc trong, bạn nên rửa khu vực bên ngoài âm đạo mỗi ngày 1 lần với xà phòng nhẹ, không mùi và nước giúp âm đạo luôn sạch. Trong kỳ kinh nguyệt, bạn có thể rửa 2 lần/ ngày.
Bác sĩ Christy Boraas lưu ý: Hãy nhớ không nên thụt rửa hoặc rửa vào sâu bên trong âm đạo, điều này thực sự có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì nó phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn trong âm đạo.
2.2 Tránh các sản phẩm có mùi thơm
Không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm cho ‘vùng kín’.
Vùng da âm đạo rất nhạy cảm, vì vậy khi bạn sử dụng các sản phẩm có hương thơm hoặc chất phụ gia để vệ sinh âm đạo hoặc dùng băng vệ sinh có mùi thơm có thể gây kích ứng như ngứa và mẩn đỏ.
BS. Boraas lưu ý: “Bạn sẽ gây hại nhiều hơn khi sử dụng các sản phẩm có mùi thơm để vệ sinh vùng kín. Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng các sản phẩm có mùi thơm có thể hữu ích, nhưng sự kích ứng mà các sản phẩm này gây ra có thể dẫn đến sự mất cân bằng vi khuẩn và gây mùi nặng hơn”.
2.3 Mặc đồ lót bằng vải cotton
Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy: Vi khuẩn kỵ khí tồn tại trong âm đạo có thể gây mùi âm đạo. Vi khuẩn này vốn tồn tại trong âm đạo và khi gặp môi trường thuận lợi sẽ phát triển, nhất là môi trường kỵ khí như mặc quần áo quá chật, quá bí trong một thời gian dài.
Do đó, bạn nên chọn đồ lót bằng vải cotton là một loại vải thoáng khí hơn, không giữ ẩm. Các loại sợi không phải cotton, chẳng hạn như sợi tổng hợp sẽ giữ nhiệt, mồ hôi tiết ra nhiều có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm men và gây mùi âm đạo.
Phụ nữ nên giữ cho vùng kín luôn khô thoáng và một trong những cách tốt nhất để làm điều đó là chọn chất liệu đồ lót bằng vải thoáng khí. Khi tập thể dục ra mồ hôi nhiều nên thay quần áo ướt càng sớm càng tốt.
Chọn đồ lót bằng chất liệu cotton thoáng khí.
2.4 Thử dùng men vi sinh
Probiotics là vi khuẩn sống và nấm men giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, và một số như chủng vi khuẩn lactobacilli có thể cải thiện sức khỏe của hệ vi khuẩn trong khu vực âm đạo.
Bạn có thể mua các chất bổ sung lactobacilli được điều chế đặc biệt cho sức khỏe âm đạo nhưng nếu bạn không thấy cải thiện trong vài tuần đầu tiên có nghĩa nó không hữu ích với bạn.
2.5 Nói chuyện với bác sĩ
Khi bạn lo lắng về mùi âm đạo của mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, bác sĩ có thể xác định xem đó có phải là do nhiễm trùng hay không. Nếu phát hiện nguyên nhân mùi âm đạo do nhiễm trùng cơ bản, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc uống, thuốc đặt để giảm vi khuẩn gây viêm nhiễm và khôi phục lại sự cân bằng độ pH.
ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy cho biết thêm: Các viêm nhiễm âm đạo có thể điều trị khỏi nhưng không dứt điểm, rất dễ tái nhiễm. Khi có bất cứ biểu hiện nào khác thường như mùi âm đạo hôi, tanh kèm theo khí hư ra quá nhiều, có màu vàng, màu xanh hoặc màu hồng nhạt, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.
7 lý do khiến 'cô bé' có mùi khó chịu
Khi có mùi hôi nhẹ ở vùng kín không có nghĩa là bạn đã có bệnh. Tuy nhiên nếu dịch âm đạo có mùi tanh và rất hôi tức là đã có điều gì đó không ổn.
Một cách rất tự nhiên, âm đạo có khả năng tự làm sạch do nó sẵn chứa vi khuẩn và nấm men hữu ích. Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Sản tự nguyện, BV Phụ sản Hà Nội, trong âm đạo tồn tại cả loại vi khuẩn tốt và vi khuẩn có hại. Bình thường, vi khuẩn có lợi giúp chuyển hóa glycogen thành acid lactic giúp cân bằng môi trường pH âm đạo. Khi môi trường âm đạo vì một lý do nào đó bị xáo trộn, độ pH vượt quá 3,8-4,5 thì vi khuẩn có hại phát triển gây viêm nhiễm.
Điều này có thể biểu hiện qua những mùi khó chịu và những dấu hiệu đặc trưng của nhiễm khuẩn như khí hư có màu sắc khác thường, mùi tanh hoặc có thể như trứng thối,... Mùi hôi ở vùng kín của phụ nữ là điều mà hầu hết phụ nữ đều phải đối mặt. Bình thường âm đạo của bạn có mùi hôi tự nhiên do thói quen ăn uống và sinh hoạt, một số mùi âm đạo khác thường có thể báo hiệu điều gì đó không ổn. Đây là cách nhận biết liệu mùi đó có bình thường hay không và khi nào bạn nên đi khám.
7 lý do phổ biến khiến mùi âm đạo của bạn có thể thay đổi:
1. Viêm âm đạo do vi khuẩn
Khi âm đạo có mùi hôi khó chịu phần lớn nguyên nhân do nhiễm trùng gọi là viêm âm đạo do vi khuẩn, tạo ra mùi tanh. Ngoài mùi hôi tanh, chị em còn có thể bị ngứa ngáy, khó chịu và tiết dịch màu vàng hoặc vàng nhạt.
2. Bỏ quên băng vệ sinh trong âm đạo
Mùi hôi khó chịu có thể đến từ nguyên nhân bên ngoài chẳng hạn như băng vệ sinh (tampon) bị bỏ quên. Có nhiều chị em sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san và bỏ quên không lấy ra. Trong trường hợp này, vi khuẩn đã nhân lên trong "vật lạ" giống như một ổ áp-xe và đến khi được loại bỏ, mùi hôi sẽ biến mất.
Ngoài mùi khó chịu, điều đặc biệt quan trọng là bạn phải nhanh chóng lấy tampon ra nếu bạn bị đau vùng chậu hoặc sốt cao. Trong một số trường hợp hiếm hoi, vi khuẩn xâm nhập vào máu gây hội chứng sốc nhiễm độc có thể nguy hiểm đến tính mạng.
3. Bệnh lây qua đường tình dục
Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), có thể khiến âm đạo của bạn có mùi. Nhiễm trùng này thường tạo ra mùi tanh. Bác sĩ chuyên khoa có thể khám cho bạn và làm xét nghiệm để chẩn đoán một số yếu tố liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục, ví dụ như trichomonas. Phương pháp điều trị được ưu tiên là dùng thuốc kháng sinh. Điều quan trọng là cả bạn và đối tác của bạn phải được điều trị.
4. Chế độ ăn uống không lành mạnh
Các chuyên gia cho rằng, những gì bạn ăn và uống có thể ảnh hưởng đến mùi âm đạo của bạn. Thường xuyên ăn một số loại thức ăn cay hay chua có thể làm mất cân bằng môi trường âm đạo gây mùi khó chịu.
Nếu bạn nhận thấy rằng mùi bình thường của âm đạo biến mất và bạn đang ăn nhiều thực phẩm chế biến, hãy thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường ăn trái cây và rau quả và xem liệu điều đó có tạo ra sự khác biệt hay không.
5. Ung thư cổ tử cung
Mặc dù không phải là nguyên nhân phổ biến gây ra mùi âm đạo nhưng một trong những triệu chứng của ung thư cổ tử cung là dịch tiết ra có lẫn máu có mùi hôi.
6. Mồ hôi
Mặc quần áo quá chật, quá bí làm mồ hôi ra nhiều chắc chắn sẽ khiến âm đạo của bạn có mùi khó chịu. Khi bạn đổ mồ hôi, đặc biệt là trong khi tập thể dục, các tuyến mồ hôi ở bẹn của bạn tiết ra một chất lỏng do vi khuẩn trên da của bạn. Điều này tạo ra một mùi đáng chú ý mà bạn có thể phát hiện ra sau một buổi tập thể dục cường độ cao.
7. Thời kỳ kinh nguyệt
ThS. Diêm Thị Thanh Thủy cho biết, trong thời kỳ kinh nguyệt, môi trường âm đạo cũng rất dễ bị thay đổi. Vì máu kinh có nồng độ pH cao hơn (tầm 7,4) nên làm phá vỡ môi trường acid trong âm đạo.
Hệ vi khuẩn tốt trong âm đạo của bạn có thể tạm thời biến mất trong kỳ kinh nguyệt và bạn có thể nhận thấy "mùi kim loại". Tuy nhiên, loại mùi này sẽ biến mất sau khi kinh nguyệt kết thúc.
Nhiều phụ nữ cảm thấy tự ti về mùi âm đạo của mình.
Thông thường, với một số nguyên nhân đơn giản như kỳ kinh nguyệt hay do chế độ ăn uống, mùi khó chịu có thể tự hết sau khi bạn sạch kinh hoặc thay đổi chế độ ăn. Nhưng với một số nguyên nhân do viêm nhiễm thì cần phải đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng xử trí thích hợp.
Khi thấy vùng kín có mùi hôi hoặc mùi khác lạ gây khó chịu, kèm theo các triệu chứng như ngứa rát, dịch tiết âm đạo có màu bất thường, rất có thể chị em đã bị viêm nhiễm phụ khoa. Bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm tra âm đạo của bạn để tìm các dấu hiệu tiết dịch, thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm trên một mẫu dịch âm đạo hoặc kiểm tra nồng độ pH của âm đạo để xem liệu có mắc bệnh gì hay không.
ThS. Diêm Thị Thanh Thủy cho biết, nếu đi khám phát hiện bệnh về sinh dục thì bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị, có thể cả hai vợ chồng đều phải dùng thuốc mới điều trị dứt điểm được.
Những bất thường về mùi có thể tự khỏi nhưng cũng có thể tái đi tái lại. Chính vì vậy, bạn cần đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân và được dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc nghe lời mách bảo sử dụng các loại thuốc ngâm, thuốc đặt không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm duyệt bởi Bộ Y tế.
Thói quen sau khi "lâm trận" khiến chị em rước bệnh vào người Theo chuyên gia, đây là thói quen của nhiều chị em, tưởng là tốt nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi để virus và vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn, viêm nhiễm. Có nên vệ sinh "cô bé" ngay sau khi quan hệ? Ngay sau khi làm chuyện ấy là phải vệ sinh vùng kín là thói quen của nhiều chị em....