5 trào lưu chơi “dế” nổi nhất tại VN
Từ lâu, điện thoại xách tay đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống di động tại Việt Nam. Ngoài yếu tố về giá, đây là thị trường mà nhiều “hàng độc” không có máy chính hãng xuất hiện. Đi cùng với điện thoại xách tay, các thú chơi điện thoại xách tay, “dế” cổ… cũng có mặt.
Những năm trước đây, các phong trào chơi SL4x của Siemens, điện thoại StarTAC hay sưu tầm các model cổ diễn ra rầm rộ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trào lưu này ngày càng kén người chơi hơn, trong khi smartphone đa tính năng, hỗ trợ văn phòng, giải trí… ngày càng lên ngôi, đi kèm và các phong trào cả mới lẫn cổ, nhưng gắn kèm với điện thoại thông minh, mạnh mẽ.
Dưới đây là 5 trào lưu chơi điện thoại nổi tiếng nhất tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây.
Sử dụng iPhone
iPhone đi kèm là các thủ thuật unlock. Ảnh: Quốc Huy.
iPhone có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, ngay sau khi model này khai sinh tại Mỹ. Ba model là 2G, 3G, 3GS đã được xách tay về Việt Nam, chiếm thị phần gần như lớn nhất trên thị trường xách tay. Theo đó, số lượng người dùng iPhone cũng trở nên đông đảo.
iPhone là chiếc di động cảm ứng số một hiện nay, với màn hình chạm đa điểm, qua ba phiên bản vẫn giữ nguyên kích thước 3,5 mm. Apple không bán iPhone tại Việt Nam, model này gần như bị khóa với các nhà cung cấp mạng nước ngoài, trừ rất ít hàng quốc tế. Chính vì thế, các công cụ bẻ khóa, jailbreak (hack để cài ứng dụng lậu), rất được chú ý.
iPhone còn đi kèm với vô số các dịch vụ như cài đặt phần mềm, tải nhạc, phim, mua phụ kiện bảo vệ. Tuy nhiên, gần đây, những chiếc iPhone bán tại Việt Nam xuất hiện nhiều hàng “nhái”, “dựng”, gây hoang mang cho người dùng.
Phong trào chơi BlackBerry
BlackBerry “hàng dựng” giá rẻ từng xâm chiếm thị trường. Ảnh: Quốc Huy.
Phong trào chơi BlackBerry chỉ xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây, đặc biệt rầm rộ từ cuối 2007 và năm 2008. Ban đầu, BlackBerry chỉ là những model xách tay từ Mỹ, châu Âu với thiết kế bàn phím QWERTY, kiểu dáng hầm hố thu hút nhiều người mong muốn tìm một chiếc điện thoại “lạ”.
Video đang HOT
Sự xuất hiện của những chiếc BlackBerry “hàng dựng” từ Trung Quốc, có giá từ 600.000 đồng đã thu hút một lượng người dùng rất lớn, dù những sản phẩm này gặp nhiều vấn đề về chất lượng, nhiều chủ hàng đánh tráo hàng xách tay “xịn” với hàng làm lại.
Chơi BackBerry trước đây được xem là thú chơi “hàng độc”, bởi đây là những model không chỉ lạ về thiết kế, máy còn rất khó sử dụng, cách cài đặt phần mềm, đi đến các ứng dụng cũng không dễ cho người bình thường.
Từ cuối 2008, BlackBerry cổ dần dần ít xuất hiện, trong khi hãng này liên tục đưa ra các model cao cấp như Bold, dòng Storm cảm ứng… khiến BlackBerry không còn là di động giá rẻ, ngoài ra, máy cũng mạnh các tính năng giải trí hơn.
Chơi Palm cổ
Dòng Palm với ký ức “vang bóng một thời”. Ảnh: Quốc Huy.
Palm và PDA chạy Windows Mobile là những dòng di động “lạ” đầu tiên, đặt nền móng cho xu hướng dùng smartphone tại Việt Nam từ những năm 2002 đến 2005. Tuy nhiên, với việc hãng Palm gặp khó khăn, tham gia sản xuất cả nền tảng Windows Mobile, hệ điều hành Palm chậm cải tiến, làm cho phong trào chơi Palm tại Việt Nam dần mất người dùng.
Trong khi Palm Pre vừa ra mắt, chưa phổ biến bởi chạy trên nền CDMA, thì các model dòng Palm được dân chơi sử dụng vẫn là dòng Treo như 650, 680, đặc biệt, sự có mặt của rất nhiều các model cổ của Palm, Sony, Toshiba.
Các cuộc gặp mặt của giới dùng Palm vẫn được tổ chức liên tục tại Hà Nội, TP HCM, tuy nhiên, gần như là các trao đổi về máy cũ và ôn lại quá khứ của dòng di động “vang bóng một thời” này.
Di động Windows Mobile
Windows Mobile là dòng điện thoại khá sâu về công việc, gần đây nhiều model thêm tính năng giải trí. Ảnh: Quốc Huy.
Giống như Palm, Windows Mobile tiền thân các các PDA không phone có mặt sớm tại Việt Nam, thông qua các nhóm người dùng tại Hà Nội, TP HCM từ 2002. Cho đến những năm 2004, 2005, gắn liền với trào lưa này là thương hiệu O2. Gần như, khi nhắc tới PDA phone, là nhắc tới O2 giống như iPhone là điện thoại cảm ứng hiện nay.
Tuy nhiên, từ cuối 2005, O2 dần mất vị thế tại Việt Nam bởi các model hãng này không còn ấn tượng. Trong khi đó, HTC bắt đầu khẳng định tên tuổi, gần đây, di động chạy Windows Mobile còn đón nhận thêm các nhà sản xuất như E-ten (tiền thân của Acer), Samsung, Toshiba…
Người dùng PDA phone tại Việt Nam bị san sẻ sang các dòng khác như BlackBerry, đặc biệt là iPhone khá nhiều. Tuy nhiên, đây vẫn là một trào lưu lớn, không chỉ gắn với model “khủng” mà còn các ứng dụng văn phòng đầy đủ, nền tảng mạnh về công việc.
Chơi “dế” Nhật
“Dế” Nhật với thiết kế lạ. Ảnh: Quốc Huy.
So với các phong trào trên, thú chơi điện thoại mang các thương hiệu của Nhật Bản được ít người biết hơn. “Dế” Nhật là những model mang thương hiệu Sharp, Panasonic, hoặc gắn tên các nhà mạng của nước này như DoCoMo, Softbank… các thiết bị này có màn hình phân giải lớn, thiết kế lạ với kiểu dáng gập, xoay.
Di động Nhật kén người dùng, máy ít phần mềm cài thêm, các công đoạn để unlock nhiều máy cũng khó khăn. Ngoài ra, nhiều model đến từ Nhật Bản không hợp với mạng GSM tại Việt Nam, các hiện tượng mất sóng thường xuyên xảy ra, nhất là máy “bẻ khóa”. Gần đây, điện thoại Nhật có các phiên bản thương mại, không phải unlock.
Dù là một dòng ít người biết đến, nhưng điện thoại Nhật có nhiều fan chung thủy. Người dùng máy thích các tính năng giải trí đỉnh cao, chụp ảnh đẹp, hơn nữa dòng điện thoại này cũng không có hàng “nhái”, “dựng”…
"Đại tiệc" của làng điện thoại di động năm 2009
Năm qua, người sử dụng chứng kiến cuộc "lột xác" trong lĩnh vực di động, nơi smartphone trỗi dậy với Apple iPhone và hàng loạt sản phẩm trên nền Palm WebOS, Google Android, RIM BlackBerry và Windows Mobile khác.
2009 được coi là năm của smartphone (điện thoại thông minh). Dù giới phân tích dự đoán doanh số giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, trong số 1,2 tỷ điện thoại được xuất xưởng toàn cầu vẫn có tới 190 triệu smartphone theo ước tính của Frost & Sullivan.
Đây là con số đáng ngạc nhiên bởi smartphone là dòng điện thoại cao cấp, đắt tiền và kén người dùng, và cho thấy sản phẩm này đang trên đường "áp đảo" điện thoại bình dân chỉ trong khoảng 5 năm tới. Mức tăng trưởng hấp dẫn của smartphone một phần vì trong 12 tháng qua, các nhà sản xuất đã liên tục làm mới chính họ khi trình làng những thiết bị có kiểu dáng bắt mắt với những công nghệ hàng đầu.
X6 - điện thoại đẹp mắt với màn hình cảm ứng đầu tiên thuộc dòng X series của Nokia.
Nokia vẫn thống lĩnh thị trường, nhưng là về mặt doanh số chứ không phải về mặt công nghệ như họ từng đóng vai trò tiên phong nhiều năm trước. Dù vậy, năm qua hãng này cũng liên tục cho ra đời những sản phẩm thu hút sự chú ý lớn như "ngọn cờ đầu" N97 cùng phiên bản rút gọn N97 Mini, doanh số đáng tự hào của E71 mở đường cho thành công sắp tới của E72, "máy tính cầm tay" N900, điện thoại có camera 8 megapixel N86, điện thoại nghe nhạc với thiết kế đẹp X6 và thậm chí còn gia nhập làng máy tính với Booklet 3G.
Motorola Droid và điện thoại Android sẽ dẫn đầu trong vài năm tới.
Sau năm 2008 đầy "nắng hạn" của Android với duy nhất T-Mobile G1, người tiêu dùng đã đón nhận những trận mưa rào của HTC Magic, Hero, Samsung Galaxy... được trang bị hệ điều hành của Google. Motorola Droid được dự kiến sẽ đạt mốc 1 triệu máy bán ra trong quý đầu tiên ra mắt. Tổng cộng có khoảng 3,7 triệu smartphone chạy nền tảng Android được xuất xưởng năm nay, nhân đôi lên 8,2 triệu năm tới và Android sẽ thay Symbian OS đứng đầu thị trường vào năm 2014 theo thống kê của Frost & Sullivan. Trong khi đó, hãng Gartner còn tin tưởng Android sẽ chiếm vị trí á quân ngay trong năm 2012.
HTC HD2 với cấu hình mạnh.
Hồi tháng 2, Toshiba gây bất ngờ khi công bố điện thoại TG01 "cách mạng hóa cả thế giới giải trí di động", không những có kiểu dáng quyến rũ mà còn được trang bị chip lên tới 1 GHz. Ngay sau đó, một loạt thiết bị tốc độ cao khác sử dụng bộ vi xử lý ARM Cortex-A8 và Qualcomm Snapdragon như Acer neoTouch, HTC HD2, Nokia N900, Sony Ericsson Xperia X10... cũng gia nhập thị trường.
Sony Ericsson Satio.
Trong khi đó, Samsung cùng Sony Ericsson nâng cảm biến ảnh trong điện thoại di động lên mức 12 megapixel với Pixon và Satio. 8 megapixel cũng đang dần thay 5 megapixel trở thành số chấm phổ biến trên điện thoại. Điều này làm nổ ra những cuộc tranh cãi rằng bao nhiêu megapixel là đủ còn Jeremy Newing, Giám đốc tiếp thị của LG tại Anh, khẳng định không có lý gì điện thoại lại không thể thay thế máy ảnh số du lịch.
LG BL40 ""siêu mẫu"".
Smartphone, thiết bị nhỏ bé với màn hình lớn nhất chỉ 4,8 inch, ngày càng tạo nhiều bất ngờ như LG BL40 tích hợp màn hình tỷ lệ 21:9 hay Samsung Omnia HD quay phim 720p. Mới đây, hình ảnh Sony Ericsson Kurara sử dụng chip ARM Cortex A8 và đồ họa PowerVR SGX với khả năng ghi hình độ nét cao tương tự cũng đã xuất hiện trên Internet. Dự kiến, Sony Ericsson sẽ công bố sản phẩm này tại triển lãm Mobile World Congress ở Barcelona (Tây Ban Nha) vào tháng 2/2010.
Apple tiếp tục có một năm thành công với iPhone 3GS. Dù đã lên đến thế hệ ba với kiểu dáng không thay đổi nhưng iPhone vẫn chưa hề đem đến sự nhàm chán. Điện thoại của "Quả táo" có thể không phải là thiết bị mạnh nhất, nhanh nhất, đẹp nhất... nhưng nó trở thành chuẩn mực, thước đo trong làng điện thoại thông minh. Chưa kể, trước tốc độ "bành trướng" của kho ứng dụng App Store, các hãng khác cũng lần lượt cho ra đời "chợ" phần mềm riêng như Windows Marketplace, BlackBerry App World, Nokia Ovi Store, Android Market...
Theo VnExpress