5 tính năng cực hay trên Android mà iPhone cần phải có ngay lập tức
iPhone trong tương lai có lẽ sẽ cần có những tính năng mà những smartphone Android đang làm rất tốt này.
1. Màn hình always-on
Những thiết bị của Motorola, LG, Samsung đã trang bị tính năng always-on cho phép màn hình luôn hiện các thông tin như ngày giờ, thời tiết và thông báo mới.
Bạn có thể xem nhanh các thông tin trên chỉ bằng một cái liếc mắt mà không cần mở màn hình làm gián đoạn công việc.
Trên iPhone, bạn có thể dễ dàng check thông báo bằng cách chạm vào màn hình nhưng giữa việc chạm và liếc nhìn thì chắc hẳn nhìn vẫn tiện hơn.
2. Đa nhiệm tốt hơn
Sẽ thật tuyệt nếu Apple bổ sung những tính năng đa nhiệm để tận dụng kích thước màn hình ngày càng lớn của iPhone.
Android mặc định đã hỗ trợ chia đôi màn hình từ năm 2016, nhiều hãng như Samsung thậm chí còn trang bị trước đó nhiều năm.
3. Tặng kèm củ sạc nhanh
Apple đã hỗ trợ sạc nhanh kể từ iPhone 8 nhưng bạn phải mua thêm bộ sạc ngoài hỗ trợ chuẩn USB Power Delivery thì mới xài được và giá thì khá đắt.
Trong khi nhiều máy Anndroid từ lâu đã được tặng kèm củ sạc nhanh trong hộp, không cần tốn kém mua sạc rời như iPhone.
Video đang HOT
4. Tai thỏ ít “ lộ liễu” hơn
Màn hình viền mỏng đã phổ biến hơn trên smartphone trong một năm qua, một số hãng đã đi tiên phong loại bỏ tai thỏ.
Ví dụ như trên Galaxy S10, Samsung đã thay thế nguyên một dải khuyết đen bằng lỗ tròn cho camera trước mà chúng ta gọi là “nốt ruồi”..
Hy vọng Apple sẽ tìm cách loại bỏ phần tai thỏ này, chí ít là làm cho nó ít “lộ liễu” hơn.
5. Cảm biến vân tay trong màn hình
Với tính năng nhận diện khuôn mặt Face ID, Apple đã mạnh dạn loại bỏ cảm biến vân tay Touch ID từ mẫu iPhone X trở đi giúp màn hình có thiết kế tràn xuống cạnh đáy tạo nên nét hiện đại.
Tuy nhiên, nhiều smartphone Android như Galaxy S10 hay Pixel 3 trang bị cả tính năng quét khuôn mặt và quét vân tay, trong đó S10 có cảm biến vân tay nằm trong màn hình.
Nếu iPhone trong tương lai có cả Face ID và Touch ID trong màn hình, chắc chắn mọi thứ sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều.
Theo Dân Việt
Trải nghiệm Realme C2: Smartphone cho mọi người
Tiếp nối đàn anh năm ngoái, Realme C2 nhắm vào phân khúc smartphone giá rẻ với thiết kế được làm mới bằng màn hình giọt nước, họa tiết kim cương, cùng viên pin dung lượng cao kết hợp nền tảng Android 9.0 Pie mới.
Thiết kế
Vẻ ngoài của Realme C2 trông khá bắt mắt so với tầm giá của nó bởi chi tiết giọt sương tối giản ở phía trước kết hợp viền màn hình khá mảnh mai dù cầm vẫn dày.
Mặt lưng nhựa của máy cho cảm giác cầm ôm tay với phần viền được bo cong kết hợp họa tiết kim cương thú vị - chi tiết mà nó kế thừa từ đàn anh Realme 2. Ngoại trừ cụm camera nổi lên ở góc trái trên thì phần còn lại của lưng máy khá liền mạch vì Realme C2 không trang bị cảm biến vân tay, do đó thao tác mở khóa máy phải dựa vào khả năng nhận dạng khuôn mặt qua camera trước hoặc các hình mẫu, mã PIN quen thuộc.
Kết hợp với cỡ màn hình 6,1 inch nên tổng thể kích thước của Realme C2 vẫn khá gọn - xấp xỉ Realme C1 "tai thỏ" - cho thao tác bằng một tay, dễ cầm nắm với thiết kế bám tay của máy.
Chất lượng gia công của máy khá ổn trong tầm giá và phần khung cho cảm giác cứng cáp, chắc chắn. Hơi tiếc khi phần màn hình vẫn hơi nổi lên so với sườn máy nên cho cảm giác cầm, vuốt vẫn còn hơi cấn tay.
Realme C2 tiếp tục gắn bó với cổng microUSB và vẫn duy trì giắc tai nghe 3,5mm ở cạnh đáy. Máy hỗ trợ 2 nanoSIM đi kèm khe cắm microSD chuyên biệt để mở rộng bộ nhớ.
Tính năng
Realme C2 được trang bị màn hình IPS LCD 6,1 inch tỉ lệ 19,5:9 với độ phân giải HD khá khiêm tốn - nhưng phù hợp tầm giá - và được bảo vệ bởi kính Gorilla Glass 3.
Màn hình có mật độ điểm ảnh 282ppi nên chi tiết hiển thị sẽ bị rỗ nếu quan sát ở một khoảng cách gần. Nhưng máy vẫn có lợi thế màn hình rộng rãi cho nhu cầu giải trí.
Màu sắc được thể hiện ở mức trung tính với dải màu rộng với độ sáng tối ưu cho việc hiển thị trong nhà. Khả năng hiển thị ngoài trời của Realme C2 chưa tốt bởi độ sáng và góc nhìn khiêm tốn, đặc biệt gặp khó khăn khi cần quan sát trực tiếp dưới ánh nắng. Thông qua camera selfie, Realme C2 hỗ trợ nhận dạng mở khóa bằng khuôn mặt và tính năng này hoạt động tốt, nhanh chóng trong điều kiện ánh sáng đầy đủ đến trung bình, và gặp trở ngại chút ít khi ánh sáng yếu.
Máy được trang bị chip Helio P22 (12nm) tám nhân có xung nhịp tối đa 2.0GHz từng xuất hiện trên Xiaomi Redmi 6 và hơi kém tiếng so với Snapdragon 450 (14nm) trên Realme C1.
Realme C2 sẽ có hai phiên bản bộ nhớ với mức giá cách biệt đáng kể: 2,99 triệu đồng cho bản RAM 2GB & bộ nhớ 16GB và 3,69 triệu đồng cho bản RAM 3GB & bộ nhớ 32GB.
Thử hiệu năng tổng hợp với AnTuTu thì máy đạt khoảng 76.000 điểm, kết quả khá tương đồng với mức 74.000 điểm của Realme C1. Thực tế sử dụng thì máy phản hồi tốt với các thao tác thường ngày như nghe gọi, nhắn tin, lướt web, Facebook... và chơi các game cơ bản như Temple Run, Subway Surfers... Thỉnh thoảng khi mở ứng dụng hay kéo thanh notification thì có hơi giật, lắc.
Thử cày PUBG Mobile trong vòng 30 phút trên máy cho thấy Realme C2 có thể xử lý khá mượt ở thiết lập đồ họa thấp trong suốt quá trình chơi dù có nhiều lúc số khung hình/giây bị tụt rõ rệt. Realme C2 lên kệ với Android 9.0 Pie mới kết hợp ColorOS 6 với nhiều ứng dụng cài sẵn.
Cụm camera kép trên máy vẫn là 12MP (f/2.2) và 2MP hỗ trợ chụp ảnh xóa phông với camera chính nay đã hỗ trợ lấy nét nhanh PDAF. Máy ảnh tích hợp Chroma Boost - tối ưu độ bão hòa và tương phản ảnh - giúp tạo ra ảnh trong trẻo, ít nhiễu với màu sắc phong phú.
Khả năng chụp chân dung xóa phông của máy khá ổn với chủ thể tách bạch so với phông nền với phần rìa chủ thể được xử lý khéo, ít bị lẹm ngoại trừ những chi tiết khó như tóc...
Nhìn chung ảnh chụp đủ sáng từ Realme C2 phù hợp để chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt chế độ HDR sẽ mang đến những bức ảnh có có dải dynamic range nổi bật. Máy ảnh selfie của Realme C2 vẫn là 5MP giống C1 và cũng đi kèm khả năng làm đẹp AI với các chế độ làm mịn, trắng... với chất lượng ảnh về chi tiết và màu sắc đạt mức khá. Realme C2 cũng hỗ trợ quay phim Full HD 30 hình/giây và có cả chế độ quay chậm 80 hình/giây ở độ phân giải 480p.
Loa ngoài của Realme C2 không quá ồn ào với chất âm trung bình và vị trí đặt ở cạnh đáy nên người dùng cần lưu ý để không bịt khe loa khi cầm máy ngang đế chơi game hay xem phim.
Viên pin 4.000mAh của máy tuy vẫn lớn nhưng là một sự giảm nhẹ từ mức 4.230mAh của tiền nhiệm Realme C1. Dù vậy thì máy vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trung bình đến 2 ngày hoặc có thể chơi game liên tục trong 8 tiếng - 10 tiếng. Không hỗ trợ sạc nhanh nên máy mất tầm 2-2,5 giờ để nạp đầy viên pin với củ sạc 5V-2A đi kèm.
Kết luận
Realme đã làm mới C2 với màn hình giọt nước tối giản kết hợp họa tiết kim cương lạ mắt ở phía sau. Dù có những điều chỉnh về chip xử lý hay dung lượng pin nhưng nhìn chung máy vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng phổ thông kèm thời lượng pin ấn tượng. Riêng việc thiếu vắng cảm biến vân tay sẽ trở thành điểm trừ của Realme C2 khi so găng với các đối thủ cùng tầm giá như Redmi 7, Nokia 3.2...
Theo ICTNews
iOS 13 lộ diện - Dark Mode, nhiều ứng dụng được làm mới Trên phiên bản iOS 13, Apple chủ yếu tập trung vào việc nâng cao hiệu suất thiết bị thay vì tạo ra tính năng mới. Trang 9to5mac vừa đăng tải một số ảnh chụp màn hình của hệ điều hành iOS 13 sắp ra mắt. Theo đó, thay đổi được người dùng mong chờ nhất là chế độ Dark Mode đã xuất hiện...