5 tiết học ‘không thể không yêu’ ở trường Ams
Bất kỳ ngôi trường nào cũng sở hữu những tiết học không thể cool hơn và trường Ams cũng không ngoại lệ.
Là một ngôi trường nổi danh với thành tích học tập thuộc “hàng khủng”, điều kiện cơ sở vật chất có 1 không 2 nhưng không vì thế mà các mặt khác của trường Ams kém hấp dẫn. Minh chứng rõ ràng cho việc này đó là bên cạnh vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài thì trường Ams còn ẩn chứa một vẻ đẹp bên trong – đó chính là tinh thần học tập của các bạn học sinh. Và người tạo ra tinh thần hào hứng ấy không ai khác chính là các thầy, cô giáo siêu thú vị cùng những giờ học hứng thú và bổ ích.
Tiết học Vật lý của thầy Đinh Trần Phương – không hề “vật” chút nào
Với một số bạn là thần dân khối D, C, Vật lý là một môn học khá nhó nhằn. Các lớp chuyên Lý thì không sao chứ với những lớp không chuyên thì Lý đúng là một rào cản khó vượt. Ấy vậy mà nỗi lo sợ ấy không hề hiện hữu trong những tiết học của thầy Phương. Chính thầy cũng tự nhận xét về môn Lý là “khó vãi chưởng” nên thầy luôn cố gắng sao cho truyền tải kiến thức đến học sinh nhẹ nhàng nhất.
Lớp học bao giờ cũng vui
Thầy Phương (đứng thứ 2 bên trái) cũng vô cùng thân thiện với các bạn học sinh
Hỏi thầy bí quyết làm thế nào để có được những tiết học hứng thú như vậy thì thầy chỉ bật mí có chút xíu. Đó là thỉnh thoảng trong giờ học thầy lại kể chuyện vui hay “trêu trêu học sinh tí chút để các bạn quên mất là nó khó” thôi. Chính vì phương pháp dạy học hiệu quả và hợp lí của thầy mà Amser nào cũng ao ước được học thầy lắm lắm. Các bạn còn đặt cho thầy nickname là Phương Japan nữa cơ. Chứng tỏ là thầy được yêu quí rất nhiều.
Với câu hỏi “Bạn yêu thích tiết học của giáo viên nào nhất?!” rất nhiều bạn Amsers đã bày tỏ là mình yêu quí thầy Phương
Tiết học Văn của cô Nguyễn Thị Thanh Thủy: Không chỉ là học văn
… mà chúng tớ còn được cô dạy cho cách làm người, cách sống và nhiều nhiều thứ khác nữa. Vì lớp tớ khá là nhiều con gái nên có lần cô bảo: “Tôi thấy con gái các em có ba điều không được làm ở nơi công cộng. Thứ nhất là ngáp ngủ, thứ hai là ngoáy tai, ngoáy mũi và cuối cùng là xỉa răng.”
Biết là cô nói đúng nhưng cả lớp vẫn cứ lăn ra cười, khiến tiết học thoải mái hơn.
Video đang HOT
Cô Thanh Thủy
Cô có giọng văn cực kì truyền cảm, cách dạy dễ hiểu và bọn tớ phục nhất là những lần cô đọc thuộc nguyên cả một tác phẩm dài không sai một chữ.
Cô còn rất hay đùa với học sinh. Cô luôn tự nhận mình là sao, là người nổi tiếng nên những hôm nào cô bận việc cô đều bảo là phải đi diễn hoặc họp fan khiến học sinh không còn biết nói gì. Tuy vui tính là thế nhưng cô cũng rất nghiêm khắc trong chuyện học tập.
Cô còn là một thành viên trong hội “Ngũ Long Công Chúa” nổi tiếng toàn trường với khả năng nấu ăn siêu đỉnh.
Bánh sinh nhật học sinh làm tặng cô. Các bạn rất yêu quí cô nên gọi cô là “Umma Thủy”
Giờ công dân của cô Ninh Hạnh Quyên
Chắc hẳn ai cũng nghĩ công dân thì có gì mà học nhưng thực ra không phải thế. Trong các tiết công dân của cô Quyên, các bạn học sinh học lí thuyết rất ít mà thực hành nhiều hơn.
Sau mỗi bài học cô thường cho những ví dụ để thảo luận và hiểu bài hơn. Như đợt học về vấn đề phủ định biện chứng và phủ định siêu hình, cô cho làm ví dụ luôn là bài thơ “Hoa Huệ” của Bế Kiến Quốc khiến ai cũng đau đầu tranh luận mãi không biết ai sai ai đúng để giành được điểm 10 của cô. Nhờ có động não và bày tỏ quan điểm, tiết học không còn nhàm chán nữa.
Cô Hạnh Quyên
Đặc biệt bài thi học kỳ năm lớp 10 của chúng tôi không phải là kiểm tra trên giấy như bình thường mà là chia thành 4 nhóm, cô giao cho 3 nhóm mỗi nhóm một vấn đề xã hội đang gặp phải và một nhóm chịu trách nhiệm phản biện và nhận xét 3 nhóm kia. Việc này vừa nâng cao khả năng làm việc nhóm lại vừa bắt buộc mọi người phải nghe bài thật kỹ để còn nhận xét.
Nhờ cô mà môn công dân đã không còn nhàm chán hay vô vị nữa!
Tiết học công dân của cô Trần Thị Thu Hương
Tự nhận mình là “đồ đệ” của cô Quyên, cô Hương cũng là một cô giáo được nhiều học sinh yêu mến. Cách giảng bài của cô có phần sôi động hơn cô Quyên một chút xíu. Nhiều lúc cả cô và trò mải bàn luận về bài mà … lạc đề lúc nào không biết. Từ một vấn đề rất nhỏ nhưng cô đã giải thích rất kỹ và liên hệ ra cuộc sống rộng hơn.
Như hôm trước chúng tớ học về khái niệm “hàng hóa”, cô đã đặt ra một câu hỏi là: Vậy con người có phải là hàng hóa không?. Bạn thì bảo đúng, bạn bảo sai và cuối cùng cô đã giải thích rất rõ ràng rằng: Con người không phải là hàng hóa. Họ không tự bán chính mình, họ chỉ bán sức lao động của mình mà thôi. Từ đấy mà không ai còn phải lăn tăn về khái niệm này nữa. Vì cả tuần mới có một tiết công dân nên bạn nào cũng mong chờ đến tiết cô để được “đàm đạo” như các chính trị gia vậy.
Giờ sử của cô Nguyễn Thu Hương
Những năm gần đây, vấn đề học môn sử đang rất được quan tâm. Số người thi khối C cũng như say mê môn sử đang ngày càng khan hiếm. Nhưng lớp chúng tôi thì là một ngoại lệ.
Cứ đến giờ sử của cô Hương là bọn tớ lại vô cùng hào hứng. Cô ít khi kiểm tra 15′ mà thay vào đó là lấy điểm tích cực xung phong của các tổ rồi khi nào được 9 hay 10 thì cô mới lấy vào sổ. Cách tính điểm này rất mới lạ và làm cho lớp tớ lúc nào cũng trong tình trạng quá nhiều người giơ tay khiến cô không biết chọn ai. Những nhân nào lười biếng cũng phải giơ hết tay lên để lấy điểm cho tổ của mình.
Bên cạnh đó, với một số bài dài hoặc hay thì cô phân công cho mỗi tổ về làm một phần để hôm sau diễn kịch hoặc thuyết trình trước lớp. Chính vì thế mà lớp tớ mới ra đời nhiều vở kịch bất hủ và những bài thuyết trình có 1 không 2. Những phương pháp dạy của cô Hương khiến học trò tiếp thu môn sử một cách rất nhẹ nhàng và… tự nguyện.
Đó là một số những tiết học vô cùng ấn tượng của trường Ams mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Mong rằng sẽ ngày càng có nhiều những tiết học bổ ích và thú vị như thế này để những giờ học không còn “buồn ngủ” nữa!
Theo Hoa Học Trò
Thầy giáo của "môn học sống còn"
Không thể bước tiếp vì tiếng xe ầm ào trước mặt, còi xe đe dọa sau lưng, tiếng chuyển động từ tứ phía đổ tới, vỉa hè mấp mô bị choán bởi cột điện, xe hàng rong, biển hiệu...
Thầy Hùng dạy môn "định hướng giao thông" trên bản đồ nổi - Ảnh: Tự Trung
Ấy vậy mà đã nhiều năm nay, những đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự đông đúc này lại đã quen với những em học sinh khiếm thị tay cầm cây gậy trắng đi dọc lề, băng qua đường, qua ngã tư, vòng xoay, đi đến trường, đi siêu thị, đi bơi... Bước chân các em lúc đầu cũng run run, cây gậy dò đường lúc đầu cũng rụt rè, dáng vẻ lúc đầu cũng hoảng hốt. Nhưng rồi tất cả thuần thục dần. Ấy là nhờ bộ môn "định hướng di chuyển" của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, nhờ những giáo viên hết sức kiên nhẫn, hết sức tận tâm tận sức của bộ môn này.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, người dạy "định hướng di chuyển" lâu năm nhất ở trường, vừa được Đài Tiếng nói VN (VOV) vinh danh "Hiệp sĩ giao thông" bởi những đóng góp ấy của mình.
Giờ học sống
"Cứ nghĩ mình sáng mắt, khỏe mạnh thế này mà ra đường ở Sài Gòn có khi còn thấy sợ, các em khiếm thị sẽ còn khó khăn biết bao nhiêu" Thầy Nguyễn Phi Hùng
Tiết "định hướng giao thông" lớp 6A2, đa số các em đã tự băng qua ngã tư thuần thục, chỉ còn Đạt và Dũng. Đạt vừa chuyển trường từ Long An, học những giờ "định hướng" đầu tiên. Dũng thì ngoài khiếm thị còn thêm chứng tay chân yếu. Thầy Hùng dẫn hai em đứng bên vạch sơn trắng dành cho người đi bộ ngay trước cổng trường kiên nhẫn lặp lại: "Tay phải cầm gậy, vẽ cung trước mặt nào. Tay trái giơ cao lên khỏi đầu báo hiệu. Tai lắng nghe, đây không phải ngã tư, không có đèn đỏ. Dòng xe di chuyển liên tục, nghe rõ không. Nhưng vì đầu kia có đèn đỏ nên xe cũng sẽ di chuyển theo đợt, các em chú ý khi nhận thấy ngớt tiếng xe thì bắt đầu đi". Hai cậu học sinh theo hiệu lệnh dò gậy băng qua đường, thầy bước phía sau hai bước, vừa chăm chú theo dõi từng động tác để nhắc nhở học trò vừa quan sát từng chiếc xe chạy trên đường để đảm bảo an toàn.
Thêm hai vòng nữa mấy thầy trò mới lên lớp ôn lại bài "Băng qua ngã tư không đèn" trên bản đồ nổi. Phân biệt chiều chuyển động của dòng xe bằng thính giác, dùng gậy để dò phân biệt đoạn lề thẳng, lề cong, giữ tâm thế bình tĩnh... Thầy Hùng nắm tay từng em dò trên bản đồ: "Em rõ chưa, đây là đoạn lề cong, lề cong này sẽ hướng thẳng ra giữa ngã tư. Nếu em bắt đầu băng qua từ đây thì sẽ đi thẳng đến giữa bốn dòng xe, rất nguy hiểm thấy không. Tuyệt đối không bao giờ được đi ở đoạn lề cong, phải tìm đến chỗ đoạn lề thẳng... Sao nãy Đạt run vậy? Thực hiện đúng lời thầy dạy thì sẽ qua đường được, không có gì phải run. Nhớ nha".
Bài học băng qua đường, qua ngã tư này các em bắt đầu học từ lớp 5, và chương trình cũng chỉ dừng ở đó nhưng tại Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, học sinh sẽ được học bộ môn này đến tận lớp 7, đều đặn mỗi tuần bốn tiết, cả lý thuyết lẫn thực hành. Cô Hà Thanh Vân, hiệu trưởng, và thầy Nguyễn Phi Hùng đều bảo không thể quên cái ngày 20-11 cách nay hơn mười năm, một nữ sinh khiếm thị đã ra trường đến thăm, chúc mừng thầy cô. Khi ra về, vì chủ quan em băng qua đường không dùng gậy. Những chiếc xe chạy tới đã không tránh đường vì không biết em là người khiếm thị. Tai nạn xảy ra, em mất trong sự thương tiếc, day dứt của bao nhiêu người. Quyết tâm đẩy mạnh môn học mang tính sống còn mà lại không có trong chương trình chính thức bắt đầu từ đó.
Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn học sinh trong tiết học băng qua đường - Ảnh: Tự Trung
10 em/lớp là quá nhiều rồi
"Cứ nghĩ mình sáng mắt, khỏe mạnh thế này mà ra đường ở Sài Gòn có khi còn thấy sợ, có lúc còn lạc đường, các em khiếm thị sẽ còn khó khăn biết bao nhiêu. Bộ môn này đâu thể là phụ với các em được" - thầy Hùng tâm sự giữa lúc chờ các em lớp 4A ôn lại cách xác định các hướng đông, tây, nam, bắc bằng ánh nắng mặt trời. Một cô giáo lớp 3 sang mượn giáo án, thầy vui vẻ gật đầu. Những tập giáo án soạn riêng cho từng lớp, thầy Hùng đã nằm lòng từ bao năm nhưng vẫn soạn lại, bổ sung qua mỗi năm, vẫn mang hàng tập lên lớp mỗi buổi. Trong ấy, tôi thấy những ghi chú bằng mực đỏ, mực xanh: "Chú ý Yến định hướng yếu, nhầm lẫn trái phải, Hùng yếu chân, Hằng khua gậy chưa chuẩn... Chú ý: cảm giác diện thị chỉ có ở các em khiếm thị bẩm sinh". Giáo án có bài riêng cho từng em là như thế. Thầy Hùng lại cười: "Lớp này có mười em, thế là quá nhiều với tôi rồi".
Có dự giờ suốt một tiết học "định hướng di chuyển" mới thấy rõ như thế nào là "mười em là quá nhiều". Với một câu hỏi "Em làm thế nào xác định được bốn hướng chính? Bốn hướng phụ là gì?" phải lặp lại đủ mười lần, phải chắc chắn là cả mười em cùng hiểu rõ, cùng xác định đúng. Hôm trước học bài này, bé Việt Hoa nghỉ ốm, và thầy sẽ phải dạy lại một lần nữa cho Việt Hoa. Ở đây các em không thể mượn bài về chép khi nghỉ học, không thể thị phạm trên một em để cả lớp cùng theo dõi được. Đến khi xuống sân tập đi gậy, ra đường tập đi cặp lề mới lại thấy một lần nữa "mười em là nhiều quá". Thầy Hùng mướt mồ hôi để theo dõi, nhắc nhở từng cặp đôi một. Qua hai tiết học, giọng thầy khàn đi thấy rõ: "24 năm về trường, mười mấy năm dạy môn này, việc mình làm mỗi ngày chỉ âm thầm vậy thôi, không ngờ lại được chương trình an toàn giao thông để ý tới mà gọi là hiệp sĩ giao thông. Mình chỉ mong luyện được cho các em để thành phản xạ, ra đường tự tin và không bị tai nạn là mừng rồi".
Nói vậy rồi thầy Hùng lại quay sang cất mớ gậy trắng các em vừa thu lại, tất tả đi vòng quanh sân để gom đủ mười học sinh lên lớp ôn lại lý thuyết, ôn cho đến khi nào mọi bài học biến thành phản xạ.
Nhìn theo bóng thầy Hùng chợt nghĩ ai có thể nói đó là một giáo viên dạy môn phụ. Môn học này là môn học sống còn với các em, đâu thể nào không tận tâm tận sức. Lại không thể không nhớ về những tranh luận ồn ào đã được đặt ra không biết bao nhiêu lần về việc phổ cập học bơi lội trong trường phổ thông. Cũng là chuyện sống còn đó mà, cần thêm nhiều người tận tâm, tận sức.
Từ dạy đan chiếu đến "định hướng giao thông"Thầy Hùng vốn tốt nghiệp Trường Sư phạm kỹ thuật, về Trường Nguyễn Đình Chiểu để dạy các em đan chiếu. Môn "định hướng di chuyển" khi ấy được thầy Tuấn, cô Phụng dạy bằng kinh nghiệm và các bài học cũ từ những năm 1970 chưa được cập nhật. Trước lúc về hưu, thầy Tuấn dạy lại cho thầy Hùng những bài cơ bản và từ ấy, thầy Hùng giã từ những bài tập dệt chiếu để sang học và dạy định hướng. Thầy bật cười: "Ngày ấy mình mò mẫm dạy các em mò mẫm. Tự bịt mắt lại để đặt mình vào hoàn cảnh học trò, tưởng tượng rồi soạn giáo án dạy. Không phải tất cả các em đều khiếm thị, trong lớp có một số em nhìn kém, mình cũng cho bịt mắt lại để học với các bạn cho đều. Sau này được tập huấn thêm với chuyên viên nước ngoài mới biết làm vậy là... sai bét. Cô giáo bảo các em còn chút khả năng nào về thị giác thì phải tìm cách phát huy tối đa, phải có cường độ bài học, bài tập riêng cho từng em một. Đây là kỹ năng sống còn của từng người mà. Nhớ lại thấy mình bậy thiệt". Trong mắt mọi ngườiKhó tìm được giáo viên như thầy Hùng"Tìm được giáo viên dạy bộ môn "định hướng di chuyển" là rất khó. Nhiều người không muốn dạy vì định kiến là môn phụ. Nhiều người khác lại không thích hợp vì tính tình không đủ kiên nhẫn, sức khỏe không đủ để bao quát cả lớp, sâu sát từng em, phản xạ không đủ để đảm bảo an toàn cho các em và cả mình khi ra đường. Lương thì tất nhiên, lại thấp. Trong hoàn cảnh như thế, thầy Nguyễn Phi Hùng đã trụ với môn này suốt bao nhiêu năm, từ cái ngày thầy là giáo viên duy nhất của một bộ môn không chính thức tới giờ". (cô Hà Thanh Vân, hiệu trưởng Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu)Thật đáng khâm phụcTrong bộ môn này của Trường Nguyễn Đình Chiểu có một cô giáo mới có hoàn cảnh rất đặc biệt: cô Phạm Thị Thúy Hằng. Cô là mẹ của bé Việt Hoa, học sinh lớp 4A. Vốn là cô giáo dạy môn sinh vật cấp II, khi bé Việt Hoa được các bác sĩ khẳng định là không thể phục hồi thị lực, cô đưa con đến Trường Nguyễn Đình Chiểu theo học. Con học cách sống với bóng tối và mẹ học cách sống với con. Cô học bộ môn "định hướng di chuyển" và chăm sóc trẻ đa tật rồi trở thành cô giáo của trường từ đó. Cô kể: "Mình là phụ nữ, là mẹ mà đôi khi còn không kiên nhẫn nổi, thấy nóng ruột với những lóng ngóng của con mình. Nói vậy là để nói thật là khâm phục khi nhìn cách thầy Hùng dạy đám trẻ mỗi đứa mỗi tật, trong ấy có con tôi".
Theo tuổi trẻ
15 trường đại học đẹp nhất Anh quốc Những ngôi trường đẹp như bức tranh này được xây dựng từ thế kỷ trước, chủ yếu mang phong cách kiến trúc phục hưng đầy lãng mạn. 1. Trường đại học Queen's BelfastĐược Nữ hoàng Victoria xây dựng vào năm 1845, ngôi trường có hơn 300 tòa nhà trong khu ngoại ô phía Nam Belfast thơ mộng đầy cây lá. Đây là tòa...