5 quán bún ốc tuyệt ngon
Với người Hà Nội, thưởng thức món bún riêu, bún ốc còn như một nét văn hóa đặc sắc.
Quán ốc bà Béo – Hòe Nhai
Từ lâu nay, quán ốc bà Béo nằm ngay đầu phố Hòe Nhai đã trở thành điểm đến đầy tin tưởng của các thực khách sành ăn đất Kinh kỳ. Xuất hiện sớm nhất và nổi tiếng với món bún riêu ốc thập cẩm.
Ngoài sự đầy đặn và phong phú của các nguyên liệu thì nhiều khách hàng cho biết, bún ốc ở quán ngon vì có nước dùng được chế biến kỹ, xương ống được ninh nhừ, vớt bọt kỹ nên nước trong veo. Cùng với cà chua, chủ quán cũng cho thêm dấm bỗng ngon để làm nên nồi nước dùng có màu sắc rất hấp dẫn, đẹp mắt, có vị chua thanh dìu dịu rất dễ ăn.
Dù có nhiều ý kiến phản ảnh rằng bún ốc bà Béo hiện nay không còn được như xưa thì quán vẫn thu hút rất đông thực khách, không chỉ người Hà Nội mà cả thực khách ở các tỉnh xa và cả người nước ngoài.
Bún ốc Thụy Khuê
Nằm khiêm nhường tại con ngõ nhỏ 530 Thụy Khuê là một quán ốc thuộc dạng “vô danh” trong bản đồ ẩm thực Hà thành. Quán mở từ hàng chục năm nay nhưng chỉ mở từ Tết tới hết ngày mùng 10 nên khá xa lạ với số đông khách hàng. Tuy nhiên, với những người dân sống quanh khu vực này hoặc những người đã sinh sống ở Hà Nội lâu năm, đây lại là một điểm đến quen thuộc những ngày đầu năm.
Không cẩu thả và chộp giật như nhiều hàng ốc khác, dù chỉ bán có vài ngày thì mọi thứ đều được chế biến rất cẩn thận, sạch sẽ như bún ốc nhà làm, nước dùng được chế rất vừa miệng, và đậm đà, vừa có vị ngọt của xương hầm kỹ, vừa vẫn giữ được vị thanh mát vốn có của ốc, lại pha thêm chút chua chua, thơm thơm của cà chua giấm bỗng. Và quan trọng hơn, dù bán chỉ vào ngày Tết thì giá cho mỗi bát bún vẫn chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng cho bún ốc không và 30.000 đồng cho một bát bún ốc, bò, giò.
Video đang HOT
Bún ốc Tình quê – Cao Đạt
Mở hàng sớm, giá và chất lượng giữ nguyên so với ngày thường là những điểm cộng đầu tiên cho hàng bún ở con phố nhỏ này. Đã từ lâu, hàng bún Tình quê là một địa chỉ quen thuộc đối với những ai mê bún ốc. Ngoài sự sạch sẽ trong khâu chế biến, sự tận tình trong cách phục vụ, thực khách tới quán còn ấn tượng bởi tô bún lớn với đầy đủ: đậu, giò, chuối, ốc, bò mà với nhiều người, nếu chỉ để ăn sáng thì với tô bún như vậy, có thể no xuyên tới tận chiều.
Tại quán có ba loại nước dùng cho thực khách tùy ý lựa chọn: nước riêu chua, nước riêu ngọt, nước riêu chua ngọt. Và giá cho mỗi bát bún chỉ là 35.000 đồng.
Bún ốc Khương Thượng
Nói về ốc Hà Nội, không thể không nhắc tới làng ốc Khương Thượng. Từ hàng chục năm nay, nơi đây nổi tiếng với các món chế biến từ ốc như: chả ốc, nem ốc, chạo ốc, lẩu ốc hay bình dân nhất là bún ốc.
Tới làng Khương Thượng (nay là phố Khương Thượng), thực khách có thể bị hoa mắt bởi số lượng của các hàng bún nơi đây. Bình dân vỉa hè với gánh hàng rong và vài chiếc ghế đơn sơ có, quán cóc lụp xụp trong chợ có, cả nhà hàng sạch sẽ mấy tầng lầu cũng có… Thế nhưng, có một địa chỉ nổi tiếng nhất bạn nên tham khảo là quán ốc bà Lương trong ngõ 191.
Bát bún ốc chuối đậu tại quán lúc nào cũng hấp dẫn thực khách bởi màu sắc rực rỡ, vẻ mỡ màng óng ả của cà chua chưng, từ con ốc thấm đều gia vị, chuối xanh với đậu được nấu bở nhuyễn và tơi ngon, cùng với nước dùng béo ngậy, chua chua cay cay hài hòa. Thêm chút rau chuối thái mỏng, ăn kèm húng Láng, tía tô, rau ngò. Thế là đầy đủ hương vị của bát bún ốc cổ truyền của người Hà Nội xưa. Bởi thế mà 50 năm qua, quán không khi nào ngơi khách. Bát bún nồng nàn không chỉ làm dịu cơn thèm mà còn mang lại sự thích thú khi được thưởng thức món ăn ngon.
Bún ốc phủ Tây Hồ
Không còn độc đáo như xưa với chính thứ ốc mít, ốc nhồi đặc sản bắt từ hồ Tây, nhưng bún ốc Tây Hồ vẫn rất hút khách, đặc biệt là với những du khách đến thăm Phủ ngày đầu năm.
Đến phủ vào thời gian này là một dãy các hàng quán chuyên kinh doanh mặt hàng bún ốc, bánh tôm. Thực khách đi qua con phố này không chỉ bị choáng ngợp bởi màu sắc, hương vị thơm ngon, hấp dẫn tỏa ra từ những nồi nước dùng công nghiệp cỡ lớn, những chồng bánh tôm vàng ruộm bắt mắt mà còn bị choáng ngợp bởi lượng khách khổng lồ tại đây.
Vẫn là bát bún riêu ốc thập cẩm với đầy đủ bò, giò, ốc theo yêu cầu của thực khách, vẫn là hương vị chua chua, cay cay, thanh thanh của bún ốc thường thấy, thế nhưng “Hỏi giá trước và mặc cả trước khi ăn bún” vẫn một lời khuyên chưa bao giờ “lỗi thời” đối với thực khách tới đây nếu bạn không muốn có một chuyến du xuân đầu năm méo xệch vì bị “chặt chém”.
Theo Mananhsankhau
Canh bún rau nhút mát lòng ngày nóng
Bát canh bún nóng hổi, hấp dẫn với màu xanh mướt của rau nhút, rau muống hòa trong vị ngọt thanh, đậm đà của nước dùng rất vừa miệng.
Canh bún là món ăn vỉa hè rất phổ biến ở Sài Gòn vào mỗi buổi chiều. Thoạt nhìn qua, món canh bún của người miền Nam không khác là bao so với bún riêu của miền Bắc, nhưng thành phần nguyên liệu khác nhau, cách chế biến lại đơn giản, không cầu kỳ. Món ăn được nấu từ xương lợn, gạch cua, ăn kèm với rau muống, mắm tôm... Ngoài rau muống, một vài quán canh bún ở Sài Gòn lại cho thêm rau nhút luộc. Chính hương vị thanh mát của rau nhút đã làm cho món ăn bình dân này trở nên hấp dẫn hơn trong những ngày nắng nóng.
Canh bún là món ăn rất phổ biến ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.
Không có nhiều thành phần quen thuộc của canh bún như đậu phụ, tiết lợn, ốc bươu... món canh bún rau nhút chỉ đơn giản với riêu cua, chả cây, rau nhút và rau muống. Đầu tiên, cua đồng mua về rửa sạch, bóc bỏ yếm, tách thân cua khỏi mai, khêu gạch cua ra bát. Phi thơm hành băm nhỏ với dầu hạt điều xào gạch cua chín. Thân cua để ráo nước cho vào cối, thêm ít muối giã nghiêng chầy, sau đó hòa phần cua đã giã nhỏ với nước lạnh, lọc cua lấy nước, bỏ bã. Cho nước cua đã lọc lên bếp đun nêm gia vị, đun sôi khi gạch cua nổi thì vớt gạch cua ra bát.
Riêu cua, rau nhút, chả cây... là những thành phần bạn có thể gọi nếu muốn ăn thêm. Ảnh: Khánh Hòa.
Để phần nước dùng có vị ngọt thanh, đậm đà, người bán thường ninh xương lợn để lấy nước dùng. Xương lợn được rửa sạch, cho vào nồi nước sôi chần sơ qua, sau đó vớt ra, đổ bỏ phần nước vừa chần. Cho nước sạch vào nồi, bỏ xương lợn vào và bắt đầu ninh để lấy nước dùng. Rau muống, rau nhút nhặt bỏ cọng già, ngắt khúc vừa ăn và rửa sạch. Cho rau vào nồi luộc chín, sau đó vớt ra và cho ngay vào thau nước đá lạnh để giữ màu xanh và độ giòn cho rau. Sau đó vớt rau ra rổ, để ráo nước.
Rau nhút được cắt khúc luộc chín, khi ăn giòn sần sật, vừa ngon miệng vừa đem lại sự thanh mát cho thực khách. Ảnh: Khánh Hòa.
Phi thơm hành tím với thìa nhỏ màu hạt điều, cho nước hầm xương vào đun sôi. Sau đó cho tiếp phần riêu cua, bún tươi vào nấu chín, nêm gia vị cho vừa ăn. Khi ăn, múc canh bún ra bát, cho lên bề mặt một ít rau muống, rau nhút, chả cây và ít tóp mỡ. Cho vào bát ít mắm tôm, tí ớt bằm, một ít chanh trộn đều và thưởng thức.
Những sợi bún to, mềm dai, lát chả hấp ăn hơi dai dai giòn giòn, bên cạnh đó là riêu cua, rau muống, rau nhút luộc, cùng với mùi thơm của hành phi, tóp mỡ giòn rụm... Tất cả hòa quyện vào nhau thấm đẫm trong nước dùng có vị ngọt thanh, đậm đà, đem đến cho thực khách một món ăn bình dân nhưng rất ngon miệng.
Khánh Hòa(Monngonsaigon)
Đi ăn bún, miến mọc Hàng Lược ngày hè Quán bình dân và giản dị nhưng lúc nào khách cũng đông tấp nập có lẽ cũng là do cái sự ngon, bổ, rẻ của quán ăn lâu năm này. Bắt đầu mở hàng từ 7giờ sáng nhưng chỉ đến tầm hơn 9 giờ là quán đã hết veo, khách đến đông nhất là tầm 8 giờ, ăn ào ào một loáng là...