5 nữ thủ khoa đầu ra năm 2020
Cùng tốt nghiệp bằng xuất sắc, Anh Thư được xét tuyển thẳng học thạc sĩ tại ĐH Quốc gia Singapore, Minh Hòa và Khánh Linh gây ấn tượng khi thành thạo 4 ngoại ngữ.
Nguyễn Thị Minh Hòa (sinh năm 1998) là thủ khoa đầu ra khóa 55 của ĐH Ngoại thương Hà Nội với GPA đạt 4.0/4.0. Cô từng được nhận học bổng AIMS dành cho sinh viên Đông Nam Á, đến Hàn Quốc học trao đổi trong 4 tháng. Nữ thủ khoa có thể sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ là tiếng Anh, Trung, Nhật và Hàn. Minh Hòa hiện làm việc cho một công ty của Nhật để tích lũy thêm kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội du học thạc sĩ ngành Logistics tại Bỉ hoặc Hà Lan.
Trần Diệu Hương (sinh năm 1998) tốt nghiệp ngành Tài chính doanh nghiệp, ĐH Kinh tế Quốc dân sau 3,5 năm. Không chỉ hoàn thành chương trình học sớm so với tiến độ, nữ sinh còn là thủ khoa của trường nhờ điểm tích lũy học tập đạt 3.92/4.0.
Trước đó, Diệu Hương từng tiếc nuối vì không đủ điểm đỗ nguyện vọng yêu thích là ngành Kế toán – Kiểm toán. Phải đến năm thứ 2 đại học, cô mới tìm hiểu sâu hơn về ngành Tài chính doanh nghiệp. Cũng trong khoảng thời gian này, Diệu Hương liên tiếp góp mặt ở nhiều sự kiện, cuộc thi liên quan đến tài chính, chứng khoán. Nữ sinh từng lọt top 6 Risk Management và giành giải ba Economic Champion.
Video đang HOT
Nguyễn Anh Thư (sinh năm 1998) là thủ khoa của ĐH Luật Hà Nội. Cô tốt nghiệp bằng xuất sắc chuyên ngành Luật chất lượng cao với GPA đạt 3.71/4.0. Nữ sinh từng đoạt huy chương vàng hạng mục Hòa giải viên trong cuộc thi Hòa giải quốc tế tổ chức ở Singapore. Sở hữu thành tích học tập tốt, Anh Thư được xét tuyển thẳng để học thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore.
Chu Phương Thảo (sinh năm 1998) là thủ khoa hiếm hoi của ĐH Văn hóa Hà Nội học vượt tiến độ trước một năm và có điểm tổng kết toàn khóa đạt loại xuất sắc 3.56/4.0.
Cô nàng sinh năm 1998 rất năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa, từng nhận nhiều giải thưởng như Sao tháng Giêng, Sinh viên 5 tốt, quán quân VHH’s Got talent năm 2016, Miss Tài năng và á khôi 2 của cuộc thi Miss HUC 2017, top 5 Miss Bellydance – Unlimited Competition 2020.
Kết thúc 4 năm đại học ở Việt Nam và một năm học trao đổi tại Nhật Bản, Phạm Khánh Linh (sinh năm 1997) trở thành thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) với điểm tổng kết 3.83/4.0. Nữ sinh gây ấn tượng khi thành thạo 4 ngoại ngữ gồm Anh, Trung, Nhật, Pháp.
Linh hiện có trong tay chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT 111/120, tiếng Nhật JLPT N1 và tiếng Pháp DELF B2. Sau tốt nghiệp, nữ thủ khoa làm biên dịch viên cho thư viện Nguyễn Văn Hưởng – Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. Sắp tới, Khánh Linh dự định học lên thạc sĩ tại Nhật Bản hoặc châu Âu.
Những nữ thủ khoa giàu nghị lực
Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi niềm riêng khó nói hết thành lời. Nhưng bằng nghị lực, quyết tâm và đam mê học tập, những nữ thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 đã luôn nỗ lực vượt khó để vươn lên trong cuộc sống.
Thủ khoa Nguyễn Thị Năm cùng gia đình tại Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020.
Nỗ lực vượt khó
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Thị Năm đã ấp ủ ước mơ trở thành sinh viên mỹ thuật. Ước mơ đó thúc đẩy Năm quyết tâm thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Suốt 5 năm học, Năm đều đạt thành tích xuất sắc trong học tập, được nhận học bổng. Năm cũng giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Năm vinh dự là một trong 88 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020.
Học giỏi là thế nhưng ít ai biết rằng gia đình Năm có hoàn cảnh rất khó khăn. Khi bước chân vào giảng đường đại học cũng là lúc Năm phải lăn lộn làm đủ mọi việc như giúp việc theo giờ, bán hàng ở siêu thị, làm gia sư... để có tiền trang trải cuộc sống. "Bố em là cựu chiến binh, mẹ là cựu thanh niên xung phong. Cả bố và mẹ đều mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu, kinh tế eo hẹp, vì vậy để lo cho em ăn học là việc rất khó khăn...", Năm xúc động kể.
Khó khăn như càng thôi thúc Năm không ngừng sáng tạo. Lấy cảm hứng từ những đồ dùng mà người thân thường sử dụng, Năm đã cho ra đời nhiều mẫu sản phẩm ưu việt. Trong đó có bộ sưu tập "Một nửa cuộc sống", với nhiều thiết kế ấn tượng như ghế nghỉ cho người già, robot cắt cỏ, robot quản gia...
Đặc biệt, sản phẩm tốt nghiệp "Bộ bàn ghế ăn" của Năm dành tặng bố mẹ đang được nhiều công ty chú ý, được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc. Chính vì thế, ngay từ khi chưa tốt nghiệp, Năm đã được nhận vào làm việc tại một đơn vị thiết kế đồ nội thất. "Em mong muốn làm ra những sản phẩm phục vụ con người với nhiều tính năng và an toàn", Năm chia sẻ.
Với thủ khoa Học viện Cảnh sát nhân dân Đinh Song Thương, do mồ côi cha từ khi 9 tuổi nên từ nhỏ, Thương đã phải vừa học, vừa phụ giúp mẹ làm công việc đồng áng. Năm 12 tuổi, Thương đã phải xa gia đình lên học trường nội trú nhưng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi cùng nhiều thành tích đáng nể. Năm học lớp 12, Song Thương đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Nuôi mơ ước trở thành chiến sĩ công an, nhưng năm đầu tiên thi tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân, Thương không đủ điểm. Không nản chí, Thương vừa học nguyện vọng 2, vừa đi làm thêm giúp gia đình và tiếp tục ôn thi. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, một năm sau, Song Thương trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Thương chia sẻ: "Sự vất vả của mẹ đã khiến em luôn nỗ lực trong học tập. Mẹ em từng căn dặn, muốn phục vụ quê hương, đất nước có nhiều cách, nhưng việc trước tiên là phải học tập thật tốt, thật chăm chỉ. Lúc đó em cũng có suy nghĩ chọn học nghề y, giáo viên, nhưng sau đó đã chọn thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân, mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé để giữ bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân".
Là một trong bốn thủ khoa kép năm 2020, Quàng Thị Quỳnh Anh bước chân vào giảng đường Trường Đại học Sân khấu điện ảnh khi đã gần 30 tuổi và đã lập gia đình. Đam mê múa, quyết tâm theo đuổi ước mơ, cô gái dân tộc Thái đăng ký học ngành Biên đạo múa. Năm đầu học đại học, gia đình Quỳnh Anh có biến cố lớn, bố mất, mẹ phải điều trị bệnh ung thư. "Em từng có ý định nghỉ học. Sau đó, gia đình, bạn bè động viên, em nhận ra mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để báo hiếu bố mẹ và không được từ bỏ mơ ước của mình", Quỳnh Anh chia sẻ.
Vượt qua nỗi đau và khó khăn, Quỳnh Anh càng cố gắng hơn. Thành quả là Quỳnh Anh đã có những phần thưởng và đóng góp cho nghệ thuật múa tại những cuộc thi tài năng, liên hoan ca múa nhạc toàn quốc; được nhận danh hiệu Sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, giai đoạn 2017-2019; nhận học bổng Vừ A Dính năm 2019 do Trung ương Đoàn trao tặng...
Học Bác để sống có ích
Không chỉ là một đảng viên trẻ năng nổ, nhiệt tình, Đinh Song Thương còn là Bí thư chi bộ gương mẫu cả trong học tập, rèn luyện và có lối sống giản dị. Năm 2019, Song Thương được tuyên dương là gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong lực lượng Công an nhân dân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Song Thương bộc bạch: "Là một đảng viên trẻ, đồng thời là chiến sĩ công an, điều em luôn cố gắng học tập Bác là tư tưởng thân dân, gần dân, coi trọng nhân dân".
Vì vậy, Song Thương luôn ghi nhớ, vận dụng những bài học ấy vào công việc, rèn luyện mỗi ngày để xứng đáng là chiến sĩ Công an nhân dân, đúng như lời Bác Hồ đã dạy. Nhiều chuyến đi thực tế tại các vùng sâu, vùng xa, Song Thương đã tích cực giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân vùng bị thiên tai... "Thời gian được sống cùng người dân, em càng thấm thía lời Bác dạy, càng hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của việc học tập, noi theo tấm gương, đức tính khiêm tốn, giản dị của Người.
Em mong muốn, dù làm việc ở đâu cũng tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, cống hiến hết mình để bảo vệ sự bình yên của nhân dân", Song Thương bày tỏ.
Chung một lòng kính yêu Bác Hồ, Nguyễn Thị Năm đã miệt mài vẽ tranh để tham gia cuộc thi tuyên truyền, cổ động việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019. Với 5 bức tranh dự thi, 3 bức của Năm đã đoạt giải cao. Năm cho biết, học Bác về lòng nhân ái, em đã nhiều lần dạy vẽ miễn phí cho thiếu nhi. "Bố mẹ luôn nhắc nhở em học tập và làm việc phải theo gương Bác Hồ. Em học Bác ở tinh thần tự lập, sáng tạo cũng như trách nhiệm trong công việc. Đã nhận việc gì, em sẽ luôn cố gắng hoàn thành thật tốt. Em sẽ đem hết khả năng của mình để phát triển nhiều sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống", Năm chia sẻ.
Nói về những nữ thủ khoa giàu nghị lực này, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Chu Hồng Minh khẳng định: "Các thủ khoa là tấm gương sáng cho các lớp sinh viên tiếp theo về tinh thần lạc quan, ý chí vươn lên trong cuộc sống, trong học tập và rèn luyện. Với danh hiệu thủ khoa, họ sẽ phát huy hết khả năng, lòng nhiệt huyết, cống hiến sức trẻ của mình, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển".
Dẫu không may mắn có được những điều kiện thuận lợi trong cuộc sống, nhưng những nữ thủ khoa vẫn vượt lên nghịch cảnh, dám đương đầu với khó khăn, thử thách để theo đuổi ước mơ. "Tôi mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ dân tộc thiểu số khác, để khẳng định rằng sự cố gắng nỗ lực trong học tập sẽ không bao giờ là muộn", Quàng Thị Quỳnh Anh bộc bạch.
Khát khao đến giảng đường của cậu học sinh nghèo người dân tộc Khơ-mú Trở thành thủ khoa đầu ra của trường THPT huyện Quế Phong (Nghệ An) Moong Văn Dương đã tới cổng giảng đường đại học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em vẫn chưa thể bước chân vào trường. Không học thêm vẫn có thể giành được điểm 10 Moong Văn Dương (18 tuổi), trú bản Nhật Nhoóng (xã Nậm Nhoóng,...