5 nguyên tắc rèn thói quen ứng xử tốt, tạo động lực cho học sinh
“Tạo cho học sinh một viễn cảnh là tạo cho học sinh có động lực sống, thôi thúc học sinh hành động cho những mục tiêu sống cao cả, có vậy học sinh mới có đủ nghị lực vượt qua những cám dỗ ham muốn tầm thường hàng ngày, tích cực rèn luyện những thói quen tốt.”
Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) trong một hoạt động ngoại khóa (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Đó là tâm huyết và cách làm của NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội); Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội suốt 30 qua, vì những lứa học sinh “cá tính”.
NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, “nhà trường kiểu mới phải làm việc một cách chủ động dựa trên nhu cầu hứng thú cá nhân”. Do đó, quá trình giáo dục ở đây không phải chỉ biết “đòi hỏi” học sinh “phải thế này, phải thế kia” mà nhà sư phạm phải chủ động tìm phương pháp tác động để giúp cho học sinh tự phấn đấu đạt được những điều tốt đẹp mà họ mong muốn; đồng thời đây cũng chính là mong muốn của các nhà giáo dục và cha mẹ học sinh.
Sau nhiều năm gắn bó với ngôi trường có nhiệm vụ tiếp nhận học sinh “cá biệt” của Hà Nội, NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm đã đúc kết 5 nguyên tắc tạo ra những thói quen ứng xử tốt, trừ bỏ những thói quen ứng xử không phù hợp với chuẩn mực chung của nhà trường, gia đình, xã hội, từ đó tạo động lực để học sinh thực hiện những hoài bão tốt đẹp.
Kiên trì chấp nhận những mặt mạnh và cả những mặt yếu kém của học sinh.
Theo phân loại của nhà bác học Howard Gardner: con người có 8 loại trí thông minh. NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các thầy cô phải chấp nhận mọi biểu hiện của học sinh để từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.
Trên cơ sở chấp nhận để hiểu rõ nguyên nhân, lý do dẫn đến tình trạng yếu kém hiện tại ở các em để rồi từ đó tìm cách giúp các em biết cách điều chỉnh. Nếu thiếu bước khởi đầu thừa nhận này, nhà sư phạm sẽ không thấy hết trách nhiệm, không đủ kiên trì giáo dục.
Các lực lượng giáo dục phải khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh.
Nguyên tắc này yêu cầu mỗi hành vi, mỗi thiếu sót của học sinh đều được ghi nhận và tìm cách hiểu rõ bản chất, nguyên nhân rồi đi đến kết luận xử lý, còn trong quá trình tìm hiểu không được thành kiến, chụp mũ, hoặc thờ ơ với thiếu sót của học sinh.
Video đang HOT
NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội); Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội (Ảnh: NVCC)
Giúp học sinh thấy rõ lợi hại để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội.
Học sinh lứa tuổi THPT đang trong quá trình hoàn thiện thành những người lớn nên có nhiều cá tính, tính độc lập cao, không thể ép buộc học sinh ngay mà phải có phương pháp để học sinh thấy hết cả cái lợi, cái hại của mỗi hành vi. Từ đó học sinh tự lựa chọn, tự quyết định.
Thầy cô và cha mẹ phải theo dõi chặt chẽ và giúp đỡ học sinh điều chỉnh kịp thời những sự lựa chọn chưa hợp chuẩn mực, khích lệ kịp thời những hành vi tốt. Nhà trường nào cũng phải thực hiện song hành kỷ luật áp đặt và kỷ luật tự giác, tích cực nhưng với học sinh yếu kém phải kiên trì thực hiện kỷ luật tự giác.
Giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng.
Học sinh lứa tuổi THPT dễ có thói quen tự do, coi thường lợi ích của người khác, bất chấp chuẩn mực giá trị của xã hội. Tập thể mà học sinh phải hòa nhập đầu tiên là tập thể lớp học. Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải mất nhiều công sức để tác động hình thành các thói quen, những yêu cầu cao của tập thể mỗi lớp.
Những lớp học đạt hiệu quả giáo dục cao là những lớp GVCN biết hình thành dư luận tập thể, buộc mỗi thành viên của lớp phải tôn trọng lợi ích tập thể để điều chỉnh hành vi cá nhân. Lớp không thể chấp nhận những học sinh tự ý bỏ học. đi muộn nhiều lần, nói tục, chửi bậy … Tất cả đều bị trừ điểm thi đua của lớp. Có như vậy tập thể học sinh mới biết cách giám sát, động viên từng thành viên thực hiện tốt nội qui, qui chế của trường.
Chỉ có con đường này chúng ta mới giải quyết được những nhân cách rối nhiễu buộc học sinh phải điều chỉnh tính cách cho phù hợp với nhu cầu sống chung của mọi người xung quanh.
Gieo nhu cầu mới và quan trọng là biết tổ chức cho học sinh thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó.
Từ những yêu cầu giáo dục chung, GVCN cũng như cha mẹ học sinh còn phải biết kích thích đúng những sở trường cá nhân, những ham muốn của nhóm học sinh và từ đó đưa ra những hình thức sinh hoạt tập thể cũng như hướng dẫn cá nhân hoạt động. Đây là một trong những biện pháp giáo dục hữu hiệu với nhiều học sinh.
NGƯT – TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ rằng: “Mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng với những bài học xây dựng trường trong 30 năm qua, có thể khẳng định, dù nền kinh tế Việt Nam chưa theo kịp những nước phát triển, nhưng chúng ta vẫn có thể xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến và có thể đuổi kịp các nước có nền giáo dục tiên tiến trong một số năm nhất định như giáo dục Phần Lan hiện nay nếu chúng ta tích cực chỉ đạo để các nhà trường có cơ chế phát triển và có đủ điều kiện theo đúng chuẩn mực: Tự chủ – Dân chủ – Nhân văn; đảm bảo sự phát triển công bằng cho mọi đối tượng giáo dục; có một đội ngũ nhà giáo được đào tạo, tuyển chọn và tôn vinh để họ có điều kiện phát huy nội lực, có động lực và phát triển năng lực, tài năng sư phạm, tâm huyết sáng tạo cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo những công dân “đẳng cấp thế giới”.
Bảo Minh
Theo GDTĐ
Lắp camera trong lớp học: Áp lực lên giáo viên lẫn học sinh
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), không thể khẳng định chất lượng giáo dục ở các lớp có lắp camera sẽ được nâng cao hơn so với các lớp không lắp camera.
Giáo viên cần sự cộng tác, giúp đỡ trong việc giáo dục con em và tạo điều kiện cho họ hiểu sâu, rộng về thế giới về giáo dục chứ không phải tạo thêm áp lực cho công việc này.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
PV: Là một nhà giáo và cũng là một nhà quản lý, ông nghĩ như thế nào về việc phụ huynh "bí mật" lắp camera trong lớp học mà không được sự đồng ý từ phía nhà trường, giáo viên và học sinh?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Mong muốn minh bạch những thông tin tại trường học là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và xã hội. Nhưng làm bất kể điều gì cũng cần tuân thủ theo pháp luật và tôn trọng quyền riêng tư của giáo viên và học sinh. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là không chỉ giáo viên mà học sinh cũng có quyền được bảo vệ đời tư của mình, nếu các em không muốn thì không được truyền đi những thông tin vi phạm đời tư của các em.
Trong câu chuyện này có 2 vấn đề. Một là chuyện tổ chức camera giám sát của từng trường là việc riêng của mỗi trường, họ thỏa thuận, thống nhất giữa giáo viên và học sinh, gọi chung là nội bộ của nhà trường, không được sử dụng ra ngoài. Họ thảo luận với nhau như thế nào đó là việc của họ. Nhưng tuyệt đối không được dùng nó để bêu xấu thầy cô. Còn phụ huynh đòi hỏi lắp camera với mục đích giám sát và con em người ta là không đúng pháp luật vì vi phạm quyền riêng tư của cả thầy và trò.
Về mặt đời sống, trình độ của phụ huynh là không đồng đều. Thái độ, cách ứng xử và quan điểm cũng khác nhau trước mỗi sự việc trong khi giáo viên có phương pháp sư phạm riêng để giảng dạy, uốn nắn học sinh nên có thể không phải phụ huynh nào cũng đồng tình. Điều này nên để tập thể sư phạm nhà trường, nhà quản lý và những người có chuyên môn đánh giá, không nên để phụ huynh tham gia quá sâu về vấn đề này. Không thể ai muốn làm gì cũng được. Phụ huynh không thể cậy số đông để gây sức ép với giáo viên và nhà trường để lắp camera với mục đích này.
Hiện nay một số trường đã lắp camera ở cổng trường, hành lang, sân trường để quản lý chung, ông có đồng tình?
- Điều này tôi ủng hộ vì nó có ý nghĩa là camera giám sát bảo vệ nhà trường. Cái này có tính bảo mật tốt vì theo tôi được biết nó sẽ chỉ được mở khi có chuyện xảy ra hoặc có bộ phận trực theo dõi riêng, không phải ai cũng có thể truy cập để xem được. Còn ở các lớp học, ban giám hiệu phải thường xuyên đi kiểm tra giữa giờ học để nắm bắt tình hình giảng dạy của giáo viên.
Quan điểm cá nhân của ông nếu nhà trường lắp camera để kiểm tra các tiết dạy của giáo viên?
- Tôi cho rằng có nhiều cách để kiểm tra tiết dạy của giáo viên. Có thể bằng cách dự giờ, kiểm tra giáo án... Tôi không ủng hộ việc lắp camera trong từng lớp học bởi nếu để ngăn chặn việc giáo viên đánh mắng học sinh thì có thể kiến nghị với tập thể sư phạm nhà trường, nêu cao trách nhiệm của ban giám hiệu. Nhưng chất lượng giáo dục ở các lớp có lắp camera có được nâng cao hơn không thì tôi cho rằng, sẽ không. Giáo viên cần sự cộng tác, giúp đỡ trong việc giáo dục con em và tạo điều kiện cho họ hiểu sâu, rộng về sáng và giác ngộ ra bối cảnh đang làm họ đánh mất mình từ đó hồi tâm chuyển ý và nỗ lực thay đổi bản thân thay vì tạo áp lực thêm cho họ...
Nói thêm là trường tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như vậy. Chúng tôi luôn cố gắng đối thoại giữa giáo viên và phụ huynh, giữa học sinh và thầy cô, giữa giáo viên và ban giám hiệu nhà trường...
Dưới góc độ tâm lý, ông có cho rằng việc lắp camera trong lớp học phổ thông nếu được triển khai đại trà trên diện rộng sẽ khiến giáo viên và học sinh không thoải mái khi đến lớp?
- Cá nhân tôi không đồng tình với việc này. Cần cân nhắc thật kỹ về vấn đề này bởi nếu làm không tốt sẽ vi phạm quyền riêng tư của giáo viên và học sinh. Ngay cả việc lắp xong sẽ sử dụng những thông tin này như thế nào, theo cách nào, trong nội bộ nhà trường hay công khai để phụ huynh biết cũng là vấn đề cần được tranh luận thấu đáo và có sự thống nhất cao trong tập thể sư phạm nhà trường. Không nên áp đặt để tạo áp lực cho giáo viên, thậm chí khiến họ cảm thấy mình bị trù dập, theo dõi, gài bẫy... thì không thể tập trung giảng dạy tốt được.
Tuy nhiên, việc giáo viên bị "nghe lén" bằng các thiết bị thông minh hiện nay khá phổ biến. Tất nhiên là họ sẽ không vui vẻ gì rồi nhưng thầy cô phải hiểu là bây giờ học sinh rất thông minh. Nếu thầy cô mẫu mực, chuẩn mực thì chắc sẽ không lo việc bị nghe lén, quay lén. Tuy tôi không ủng hộ việc này nhưng tôi cho rằng các thầy cô cũng nên chuẩn bị trường hợp những gì mình nói, mình làm hôm nay sẽ bị công khai ra dư luận theo những cách mình không ngờ nhất. Vì vậy, cẩn trọng trong lời nói, hành động việc làm thì sẽ tránh được những sai lầm. Có thể là họ chọn nghề hoặc cũng có thể là nghề chọn họ nhưng khi đã quyết định trở thành giáo viên là phải chấp nhận hết những khó khăn vất vả của nghề. Khi đứng trên bục giảng là phải bỏ hết mọi chuyện cá nhân, gia đình lại để tập trung giảng dạy, không nên để những cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến công việc.
Ngược lại, tôi cũng mong xã hội và các bậc phụ huynh có cái nhìn cảm thông hơn với công việc của nhà giáo. Áp lực là điều ai cũng biết trong khi 50 học sinh một lớp là 50 tính cách khác nhau, thầy cô cũng không phải là "siêu nhân" luôn luôn làm tốt, không bao giờ mắc lỗi. Ông cha ta có câu "Không ai nắm tay được cả ngày" nhưng nếu dùng tình thương đối xử với học sinh thì tôi tin rằng sẽ tránh được những hành động nóng giận quá đáng, sẽ tìm được phương pháp tốt nhất để dạy học trò...
Trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nhiều bậc cha mẹ trang bị cho con điện thoại thông minh, đồng hồ định vị... Đó là nhu cầu chính đáng nhưng sử dụng nó như thế nào lại là câu chuyện cần phải bàn. Chẳng hạn, đang giờ học nhưng điện thoại đổ chuông ầm ĩ, hay giờ ngủ trưa bố mẹ gọi điện cho con sẽ làm ảnh hưởng đến những bạn khác... Nên một số trường tiểu học có đề nghị phụ huynh không sắm đồng hồ, điện thoại cho con mang đến trường. Một số trường thì không cấm nhưng có hướng dẫn về việc sử dụng vào khung giờ nào là phù hợp. Phụ huynh cần hiểu và thống nhất quan điểm cùng với nhà trường trong việc giáo dục con trẻ, không nên "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Thu Hương (thực hiện)
Theo daidoanket
Lớp học hạnh phúc: Mang niềm vui đến với học trò "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" là khẩu hiệu của nhiều trường học. Tuy nhiên, trên thực tế không phải GV nào cũng thực hiện được điều này. Vậy làm thế nào để HS thấy vui và hạnh phúc mỗi khi đến trường? TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình,...