5 lý do khiến Mỹ, Iran đối đầu
Sự thù địch giữa Mỹ và Iran kéo dài hơn 3 thập kỷ và đến nay vẫn chưa có cách hóa giải. Nguyên nhân là 2 bên có nhiều nhận thức sai lầm về lợi ích quốc gia, tư tưởng, chế độ chính trị cũng như lịch sử, văn hóa và địa lý.
Dưới đây là 5 nhận thức sai lầm nhất của mỗi dân tộc hoặc cả Mỹ và Iran, khiến họ mãi thù ghét và nghi kỵ lẫn nhau.
Sự thù địch giữa Mỹ và Iran bắt nguồn từ nhiều hiểu lầm trong quá khứ.
1. Nhận thức sai lầm của người Iran: Iran có khả năng nối dài xung đột với cường quốc số 1 thế giới và thừa sức tồn tại mà không cần bất cứ nhượng bộ lớn nào.
Iran cương quyết với Mỹ trong chương trình hạt nhân.
Thực tế: Từ năm 2005, mâu thuẫn giữa phương Tây và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này gợi lại cuộc chiến tranh Iran – Iraq trong giai đoạn 1980 – 1988. Nội bộ chính quyền Cộng hòa Hồi giáo mâu thuẫn xung quanh quan điểm cho rằng, cái giá phải trả cho việc kiên quyết theo đuổi chương trình hạt nhân là quá đắt và họ đang đi quá xa, tương tự như những gì họ từng hành động trong cuộc chiến tranh với Iraq năm xưa.
Trong cuộc chiến tranh với Iraq, ban đầu lãnh tụ Ruhollah Khomeini của Iran mạnh mẽ cam kết sẽ giành chiến thắng và lật đổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Tuy nhiên, sau đó, ông Khomeini phải rút lại những lời lẽ trên và đành ngậm ngùi thừa nhận việc này giống như “uống một chén thuộc độc”. Khi đó, Iran phải chấp nhận thương lượng với kẻ thù và ký lệnh ngừng bắn với các điều khoản thiệt thòi.
Ngày nay, trong xung đột với phương Tây, Cộng hòa Hồi giáo cũng duy trì niềm tin rằng, họ có thể kiên trì đến cùng và chiến thắng. Iran tin vậy sau khi tính tới các yếu tố như: sự tăng giá dầu một khi chiến sự nổ ra; các khó khăn của Mỹ ở cả trong và ngoài nước, cũng như tính không bền vững của các lệnh trừng phạt quốc tế đối. Tehran tin rằng, sớm muộn rồi Mỹ cũng sẽ phải chấp nhận chương trình hạt nhân của họ; đồng thời thừa nhận họ là cường quốc khu vực và từ bỏ việc đe dọa thay đổi chế độ Tehran.
Video đang HOT
Trong cuộc chiến với Iraq năm 1982, khi Iran đang giành được lợi thế, phe thực dụng nước này chủ trương chấp dứt chiến tranh. Trong khi đó, phe cứng rắn khăng khăng muốn theo đuổi đến cùng. Ngày nay, phe thực dụng Iran cảnh báo phe cứng rắn không nên xem thường các biện pháp trừng phạt hà khắc, coi đó là cuộc chiến tranh với phương Tây và Mỹ.
Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến Iran – Iraq, phe thực dụng cho rằng Iran nên tránh uống chén thuộc độc (ngừng đối đầu với Mỹ) vì các quyết định hồ đồ hôm nay có thể gây hậu quả trong tương lai.
2. Nhận thức sai lầm của người Mỹ: Các biện pháp trừng phạt là một lựa chọn thay cho chiến tranh và sẽ góp phần xác lập các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy dân chủ tại Iran.
Thực tế: Có nhiều tranh cãi xung quanh các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Không ít người bi quan. Các nghiên cứu về trừng phạt kinh tế (bao gồm các lệnh trừng phạt thương mại hoặc đóng băng các tài sản tài chính) đều đi đến kết luận rằng, chúng cuối cùng sẽ thất bại. Chưa kể, các biện pháp trừng phạt làm “bần cùng hóa” người dân và đôi khi dẫn tới nhiều hậu quả. Cuba cũng như Iraq trong những năm 1990 và 2000 là các ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, hiện Mỹ và phương Tây vẫn kỳ vọng, các lệnh trừng phạt mới nhất và nặng nhất đánh vào dầu mỏ và hệ thống ngân hàng Iran sẽ buộc chính phủ nước này phải từ bỏ giấc mơ hạt nhân bởi áp lực đến từ sự giận dữ và oán thán của người dân trong nước. Tuy nhiên, không may, nhiều bằng chứng cho thấy trên thực tế, trừng phạt cản trở dân chủ.
Theo Chỉ số Dân chủ do Economist Intelligence Unit cung cấp năm 2010, 71% trong số 88 quốc gia bị xếp hạng không dân chủ trên thế giới phải sống chung với các lệnh trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, chỉ một trong số 35 nước chuyển đổi sang con đường dân chủ kể từ năm 1955 gặp áp lực từ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
3. Nhận thức sai lầm của Iran: Phương Tây đang suy yếu, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế. Gánh nặng kinh tế đang đè nặng lên Quân đội Mỹ. Chiến tranh với Iran không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Iran tin Mỹ sẽ không dám gây chiến.
Thực tế: Cả trong nền chính trị Mỹ lẫn Iran, phe cứng rắn luôn là thế lực đầy quyền uy. Ở Washington, chính sách đối đầu với Iran là một trong vài vấn đề được cả lưỡng đảng ủng hộ rộng rãi tại Quốc hội. Các biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ áp dụng cho Ngân hàng Trung ương Iran được Quốc hội Mỹ nhanh chóng ủng hộ là minh chứng. Trong khi đó, ở Tehran, phe chống Mỹ luôn có tiếng nói vũng chắc và mạnh mẽ.
Phe cứng rắn của cả Mỹ và Iran luôn duy trì niềm tin rằng, đối thủ đang suy yếu còn họ thì có khả năng chiếm ưu thế nhờ dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Chính nhận thức sai lầm này là nguyên nhân khiến căng thẳng giữa Iran và Mỹ ngày càng leo thang.
Cụ thể, Iran tin chắc Mỹ suy yếu nên không đủ lực theo đuổi một cuộc chiến tranh chống lại họ. Các thách thức về kinh tế và chính trị mà Mỹ đang phải đối mặt sẽ khiến giới lãnh đạo nước này phải e dè và chùn bước. Khái niệm về sự suy giảm của Mỹ vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp Mỹ thực sự đang xuống dốc, thì đây cũng không hẳn là yếu tố cản trở Mỹ tấn công Iran. Thậm chí, nó có thể khiến kịch bản chiến tranh có nhiều nguy cơ bùng phát hơn. Không loại trừ khả năng, suy yếu buộc giới lãnh đạo Mỹ phải dùng vũ lực để duy trì quyền bá chủ.
4. Nhận thức sai lầm của Mỹ: Mâu thuẫn truyền kiếp với Iran đơn thuần là vì bản chất chế độ của họ. Do đó, việc thay đổi chế độ Iran chính là cách hóa giải tối ưu và triệt để nhất, giúp cải thiện quan hệ song phương.
Mỹ muốn lật đổ chế độ Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
Thực tế: Tình trạng đối kháng giữa Mỹ và Iran hình thành trong thời kỳ đế chế Ottoman sụp đổ, các cường quốc nước ngoài nhanh chóng chộp lấy cơ hội xâm nhập vào khu vực, lấp chỗ trống quyền lực. Thêm vào đó, tính chất đối kháng rõ rệt giữa các quốc gia, dân tộc thời Chiến tranh Lạnh cùng là một trong những nguyên nhân chính khiến Iran theo đuổi đường lối chống Mỹ mạnh mẽ. Trong khi đó, Mỹ cũng xem Iran là mối đe dọa đến các lợi ích cốt lõi quốc gia.
Trước Cách mạng Iran năm 1979, Mỹ – Iran bắt đầu xuất hiện các mâu thuẫn về lợi ích. Chính sách về dầu của Hoàng gia Iran những năm 1970, cộng với sự can thiệp trực tiếp của họ vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia Arab trong khu vực (như Iraq và Oman) là nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ với Mỹ.
Ngày nay, dù cho các ưu tiên cũng như bản chất chế độ khác xa đế chế Ottoman, chính phủ Iran vẫn duy trì một số nguyên tắc của chính quyền cũ, chẳng hạn, đối ngoại độc lập, kinh tế tự chủ nhằm nắm quyền lãnh đạo khu vực.
Điều này đụng chạm đến các lợi ích chiến lược dài hạn của Mỹ tại Trung Đông. Nó đe dọa cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ dựng lên dựa trên các chính phủ đồng minh. Cấu trúc này giúp giữ ổn định giá dầu mỏ – một điều vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế số 1 thế giới, đồng thời bảo đảm sự hiện diện của họ tại đây.
Vì vậy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thù địch giữa Mỹ – Iran không chỉ bắt nguồn từ xung đột giữa 2 nền văn minh hay 2 hệ tư tưởng mà còn bởi mâu thuẫn trong những lợi ích cốt lõi mà mỗi quốc gia theo đuổi.
5. Sai lầm chung: Mỹ – Iran sẽ chiến tranh “lạnh” chứ không “ nóng”.
Mỹ và Iran sẽ kìm chế và không gây chiến?
Thực tế: Nhiều cuộc chiến tranh tốn kém kéo dài cả thập kỷ nhưng không mang lại kết quả như mong đợi của Mỹ ở Trung Đông góp phần làm Washington thực tế hơn. Khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như các diễn biến của Mùa xuân Arab đang đẩy các chiến lược gia Mỹ hướng tới các mục tiêu có tính khả thi hơn.
Trong khi đó, hàng loạt các nỗ lực ngoại giao liên tiếp nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân Iran của Mỹ cho đến nay không hề mang lại bất cứ kết quả nào. Chúng không thể hóa giải bất đồng chính trị giữa 2 kẻ thù truyền thống. Ngược lại, việc Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran càng nối dài thêm mâu thuẫn giữa hai bên.
Do đó, Mỹ cũng như Iran đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, thế giới không ngừng biến đổi xung quanh họ. Từ Ai Cập cho đến Pakistan, những đồng minh lâu năm xung quanh Iran của Mỹ đang ngày càng mâu thuẫn và bất đồng với cường quốc số 1 thế giới vì những lý do riêng. Trong khi đó, Israel, đồng minh ruột của Mỹ liên tục đe dọa tấn công Cộng hòa Hồi giáo, làm căng thẳng thêm tình hình an ninh khu vực.
Ngoài ra, Mùa xuân Arab cũng đang thách thức ảnh hưởng và quyền lực Mỹ cũng như Iran tại Trung Đông. Trong vòng xoáy Mùa xuân Arab, cả cường quốc số 1 thế giới lẫn cường quốc khu vực đều có tham vọng củng cố và bành trướng ảnh hưởng của họ ra toàn Trung Đông. Trong bối cảnh đó, những cái “đầu nóng” ở Mỹ và Iran có thể gây chiến, hủy diệt cả 2 bên.
Phương Đăng
Theo Infornet.vn