5 lý do để bạn đeo ngay trên tay một chiếc smartwatch
Theo ghi nhận từ AndroidPIT, thị trường thiết bị đeo đang phát triển mạnh mẽ với doanh số tăng 27.5% trong năm 2018 và hứa hẹn sẽ còn tăng mạnh hơn trong năm 2019 theo dự báo từ các nhà phân tích.
Trong hoàn cảnh ấy, vẫn có những người không thích đeo smartwatch, máy theo dõi thể dục hay tai nghe thông minh. Nếu bạn cũng là một trong số đó, dưới đây là 5 lý do để bạn thay đổi suy nghĩ.
1. Giúp giữ dáng, hỗ trợ rèn luyện và bảo vệ sức khỏe
Thiết bị đeo là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc xây dựng một cơ thể cân đối, khỏe mạnh. Ngoài khả năng sử dụng cho nhiều hoạt động (chạy, bơi, đi bộ, tập tạ…), từ đó theo dõi tình trạng thể chất của bạn, giờ đây thiết bị đeo có thể đưa ra cảnh báo trong trường hợp bạn gặp vấn đề về tim hoặc huyết áp.
Tháng 9 năm ngoái, Apple Watch 4 ra mắt với tính năng ghi lại điện tâm đồ và phát hiện té ngã. Không chỉ để quảng cáo, chức năng tuyệt vời này đã thực sự cứu sống nhiều người khi họ gặp sự cố.
Kết hợp cùng sự phát triển của trợ lý kỹ thuật số thông minh ( Google Assistant, Amazon Alexa, Siri…) và công nghệ sinh trắc học, các nhà sản xuất đang có nền tảng hoàn hảo để cung cấp cho người dùng các sản phẩm bổ sung cho hệ sinh thái thiết bị đeo nhằm tiếp tục cải thiện sức khỏe.
2. Nâng cao sự an toàn cá nhân
Không chỉ giúp giữ dáng, hỗ trợ rèn luyện sức khỏe, thiết bị đeo còn có thể bảo vệ bạn. Một số thiết bị được tích hợp chức năng cảnh báo trong hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ, đồ trang sức của công ty Oz (Pháp) có thể gửi tin nhắn SOS đến danh sách liên lạc được thiết lập trong trường hợp nguy hiểm hoặc bị làm phiền.
Gần đây, một sinh viên ở Scotland đã phát triển một thiết bị đeo để bảo vệ những phụ nữ là nạn nhân của nạn quấy rối khi họ ra ngoài vào ban đêm. Nó được thiết kế để cảnh báo bạn bè, nhân viên quán bar/hộp đêm và những người xung quanh bạn khi bị ai đó quấy rối.
Bên cạnh đó, hãng Ford đã thiết kế một chiếc áo khoác thông minh được kết nối giúp người đi xe đạp dễ dàng tìm đường hơn và cho biết sự hiện diện cũng như sự thay đổi hướng đi của họ trong quá trình đạp xe.
Video đang HOT
3. Có thể dùng để thanh toán hàng hóa
Thời của tiền mặt hoặc thẻ tín dụng vẫn chưa đi qua, nhưng giờ đây chúng ta đang ở cái thời mà việc thanh toán có thể thực hiện qua thiết bị đeo, thậm chí là với công nghệ không chạm.
Cả cửa hàng và khách hàng đều thích thú với sự phát triển này vì họ sẽ thuận lợi hơn trong việc giao dịch. Bạn không còn phải suy nghĩ về việc mang theo tiền mặt hoặc thẻ tín dụng (đều tiềm ẩn nguy cơ mất cao hơn thiết bị đeo), mọi thứ được thực hiện trực tiếp với một cử chỉ của cổ tay, qua đó tiết kiệm thời gian thanh toán.
4. Xây dựng phong cách thời trang
Thiết bị đeo đã có những tiến bộ đáng kể về thiết kế trong những năm gần đây. Không còn là những chiếc đồng hồ to dày, quần áo kết nối thô kệch hay giày thể thao nhàm chán, đây đang là thời kỳ của sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao.
Hiện nay, rất nhiều mẫu thiết bị đeo có thiết kế thanh lịch và khách hàng được cung cấp đa dạng sản phẩm, phù hợp với mọi sở thích, lứa tuổi và xu hướng. Vì thế, không ít người dùng cả nam lẫn nữ đã chuyển sang dùng đồng hồ thông minh thay thế cho đồng hồ truyền thống.
5. Không bị mất ngủ
Giấc ngủ là một trong những vấn đề quan trọng đối với tất cả chúng ta. Ngủ và phục hồi một cách khoa học vào ban đêm là điều cần thiết để bạn cảm thấy cơ thể ở trạng thái tốt và đạt năng suất làm việc cao hơn vào ngày hôm sau.
Theo một số nghiên cứu, sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng khi đi ngủ (xuất hiện rất thường xuyên ở nhiều gia đình) là hành động ẩn chứa nhiều hệ quả tiêu cực. Do đó, một số nhà sản xuất hiện đang cung cấp thiết bị đeo có chức năng kiểm soát và cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon hơn và nói lời tạm biệt với chứng mất ngủ.
Nếu những lý do trên đã đủ thuyết phục để bạn sắm một thiết bị đeo thì hãy truy cập vào ô màu cam bên dưới để chọn cho mình một sản phẩm phù hợp nhất nhé. Rất nhiều thiết bị đeo thời trang, cung cấp nhiều tính năng hữu ích đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Samsung, Xiaomi… đang chờ đợi bạn đấy!
Theo Thế Giới Di Động
Vì sao smartwatch, vòng đeo sức khoẻ đo được chính xác?
Tính năng theo dõi bước chân trên các vòng đeo thể thao không phải luôn hoàn hảo, và có những cách bạn có thể thử để giúp chúng đạt hiệu quả cao nhất.
Bạn bước bao nhiêu bước mỗi ngày? Bạn có chắc về kết quả đo được không? Làm sao bạn biết chắc vậy?
Nếu bạn là một trong số rất nhiều người đeo một chiếc vòng tay thể thao, hoặc một chiếc smartwatch, để đếm bước chân, bạn có thể không ngờ tới một sự thật: chúng đang nói dối đấy.
Không phải mọi thông tin từ vòng theo dõi sức khỏe đều chính xác.
Một chiếc vòng đeo thể thao nói với bạn rằng bạn đã đạt đủ mục tiêu đi bộ hàng ngày không có nghĩa bạn đã thực sự bước được chừng đó bước chân. Sự thật đáng buồn là những thiết bị này có thể đếm hụt, hoặc đếm quá, số bước chân bạn đã đi. Và tùy thuộc vào nhãn hiệu của chiếc vòng đeo bạn dùng, kết quả có thể rất khác biệt.
Một phần của lý do là cách thức chúng hoạt động. Các vòng đeo thể thao ngày nay sử dụng các cảm biến quán tính đa trục gọi là gia tốc kế để phát hiện khi nào thiết bị đang di chuyển. Một số còn sử dụng con quay hồi chuyển để xác định phương hướng và chuyển động xoay.
Bởi những cảm biến này cho ra rất nhiều dữ liệu cần phải tính toán và diễn giải bằng phần mềm điều khiển của thiết bị, kết quả thu được thường có thể bị diễn giải sai và không chính xác. Nói cách khác, con số bạn thấy không hẳn là số bước chân bạn đã đi.
Có thể có nhiều lý do giải thích cho điều này.
Hiểu nhầm chuyển động
Khi vòng đeo thể thao của bạn diễn giải dữ liệu từ các cảm biến chuyển động, nó có xu hướng bỏ qua những chuyển động không liên quan đến việc đi bộ. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng làm đúng điều đó. Ví dụ, dùng búa đóng đinh có thể tạo ra những rung động gần giống như chuyển động bước chân, và dữ liệu về rung động này sẽ bị hiểu nhầm là đi bộ.
Các chuyển động nhẹ nhàng hơn cũng có thể gây ra lỗi. Rửa tay, chuẩn bị thức ăn, cho mèo ăn, hay dùng chuột máy tính cũng có thể bị hiểu nhầm là đang bước đi. Sử dụng các thiết bị có khả năng rung - như máy chà láng mặt gỗ khi làm mộc - thậm chí có thể khiến vòng đeo thể thao của bạn ghi nhận hàng trăm bước chân chỉ trong một vài phút ngắn ngủi.
Không chỉ những chuyển động một cách cố ý có thể bị diễn giải sai. Những rung động ảnh hưởng đến toàn bộ hay một phần cơ thể bạn cũng dẫn đến đo bước chân không chính xác. Ví dụ, ngồi trên xe hơi, xe bus, tàu lửa, hay tàu điện có thể tạo ra những chuyển động bị diễn giải thành các bước chân. Đôi lúc sau một giờ lái xe và nhìn lại vòng đeo thể thao của mình, bạn sẽ thấy có hàng trăm bước chân vừa được thêm vào!
Bởi hầu hết vòng đeo thể thao đo bước chân khi bước lên cầu thang hay lên dốc, chúng sử dụng tổng hợp các cảm biến chuyển động và cảm biến đo áp suất không khí. Khi bạn đi lên vị trí cao hơn, áp suất không khí giảm xuống. Và không may là việc thay đổi áp suất không khí cũng có thể khiến vòng đeo thể thao đếm nhầm số bậc thang bạn đã bước lên.
Thậm chí những thay đổi chóng vánh của thời tiết cũng có thể khiến thiết bị nghĩ bạn đang leo cầu thang.
Ví dụ, đi thang máy có thể bị xem là đang đi lên cầu thang. Áp suất không khí thay đổi khi đi xe hơi hoặc các phương tiện chuyển động khác có thể gây sai lệch khi đếm bước chân, và đi vào hoặc đi ra những tòa cao ốc có áp suất không khí khác với bên ngoài cũng vậy. Thậm chí những thay đổi chóng vánh của thời tiết cũng có thể khiến thiết bị nghĩ bạn đang leo cầu thang.
Làm sao để có được kết quả chính xác?
Có thể thấy các vòng đeo thể thao không phải là thiết bị đếm số bước chân hoàn hảo. Nhưng bạn không cần nó phải chính xác đến tuyệt đối mới biết được liệu mình đã bước được nhiều hơn hay ít hơn so với ngày hôm trước hay không. Có một vài thứ bạn có thể làm để đảm bảo sẽ có kết quả chính xác nhất có thể.
1. Đọc... hướng dẫn sử dụng
Điều đầu tiên quan trọng nhất để đảm bảo thiết bị của bạn chính xác nhất có thể là đọc...hướng dẫn sử dụng. Hãy làm theo những chỉ dẫn của nhà sản xuất thật cẩn thận khi thiết lập thiết bị và khi sử dụng nó. Đảm bảo bạn sử dụng vòng đeo đúng cách sẽ giúp thu được kết quả đo bước chân chính xác hơn.
2. Sử dụng tay không thuận
Nhiều vòng đeo thể thao yêu cầu bạn chỉ rõ bạn đeo trên tay thuận hoặc tay không thuận. Thay thuận thường là tay hoạt động nhiều hơn - dù bạn đang dùng công cụ lao động hay đang khuấy nồi nước nấu bún - do đó nó sẽ dẫn đến sai sót nhiều hơn. Ngay cả khi hướng dẫn sử dụng của vòng đeo không nhắc đến điều này, lời khuyên ở đây là hãy thử đeo thiết bị trên tay không thuận.
3. Đeo thật chặt
Đảm bảo rằng bạn đeo thiết bị chặt trên cổ tay. Một số người không thích đeo vòng hay đồng hồ chặt, nhưng nếu vòng đeo thể thao cứ xoay lên xoay xuống quanh cổ tay thì làm sao nó đếm bước chân chính xác được? Chưa kể đeo vòng tay không chặt còn khiến cảm biến nhịp tim và các tính năng khác hoạt động không như mong muốn nữa.
4. Chú ý những lúc không hoạt động
Nếu bạn chú trọng chi tiết, hãy ghi lại hoạt động trước và sau khi đếm bước chân, khi bạn ngồi trong một thời gian dài hoặc làm việc gì đó khác không liên quan đến bước đi. Sau đó bạn có thể trừ số bước chân đếm sai đó khỏi kết quả tổng hợp vào cuối ngày. Cách này còn có thể giúp bạn đếm được bao nhiêu bước chân bị diễn giải nhầm trong một ngày. Bạn còn có thể tháo vòng đeo ra trước khi bắt đầu thực hiện các hoạt động mà bạn biết sẽ tạo ra những kết quả sai, như sử dụng máy chà láng bề mặt gỗ hay chơi nhạc cụ.
Theo Zing
Mẹo bảo vệ điện thoại trong những ngày hè nóng bức Ít ngày trước, mình đã từng đề cập về việc điện thoại có thể sạc pin chậm hơn vào mùa hè do ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Bây giờ, mình xin giới thiệu đến các bạn một số mẹo bảo vệ điện thoại khi thời tiết trở nên nóng bức được đúc kết bởi trang AndroidPIT. 1. Tránh nhiệt độ cao Nếu...