5 lý do cho thấy tại sao hình phạt thể xác lại là cách dạy con vô cùng tồi tệ
Dạy con là cả 1 quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên nhẫn, muốn con nghe lời, cha mẹ cần có cách dạy dỗ phù hợp thay vì hơi tí là đòn roi.
Trừng phạt thể xác là một phương pháp phổ biến được sử dụng để giáo dục trẻ con hư hoặc không vâng lời. Một số cha mẹ không ngần ngại việc đánh đòn con cái, và họ sẽ sử dụng bất cứ thứ gì có thể tìm thấy như thắt lưng để đánh con. Mặc dù có thể cha mẹ nghĩ đã đưa con mình đi đúng hướng và tin rằng hành động của mình là vô hại, thế nhưng nghiên cứu cho thấy rằng nó không chỉ gây hại cho trẻ mà cũng chẳng có tác dụng giáo dục gì hết?
1. Đánh đòn không có tác dụng dạy dỗ và chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn
Đánh đòn con không hề có tác dụng như cha mẹ vẫn nghĩ.
Con cái đôi khi rất cứng đầu và sự kiên nhẫn của cha mẹ cũng có giới hạn, nhưng khi dùng đến việc đánh đòn thì cha mẹ cũng không giải quyết được gì. Nghiên cứu cho thấy rằng bạo lực không có tác dụng lâu dài để kỷ luật một đứa trẻ. Thay vào đó, cha mẹ nên giải thích cho con cái là chúng sai ở chỗ nào thay vì đánh mắng. Đòn roi chỉ là cách tạm thời để dừng các hành động của trẻ lại mà thôi.
2. Đây là một cách lạm dụng con cái không hơn không kém
Nghiên cứu cho thấy phần lớn các trường hợp lạm dụng trẻ em bắt đầu bằng việc đánh đòn. Cha mẹ thường có xu hướng tăng mức độ hình phạt thể xác vào các lần tiếp theo nếu con cái không cư xử đúng mực. Mỗi lần làm vậy cha mẹ lại mong đợi nó có hiệu lực, nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Kết quả là cha mẹ cứ không ngừng sử dụng vũ lực và sẽ không thể biết được là mình đã lạm dụng con cái đến mức nào.
3. Đánh đập khiến trẻ trở nên cáu bẳn và nóng giận hơn
Bị ăn đòn nhiều khiến trẻ sau này trở nên cáu giận hơn (Ảnh minh họa).
Trẻ em bị trừng phạt về thể xác trong suốt thời thơ ấu có xu hướng sử dụng bạo lực đối với con cái và bạn đời của chúng. Thậm chí trẻ còn có nguy cơ cao trở thành người vi phạm pháp luật. Lời nói của cha mẹ có thể thuyết phục được con cái, nhưng hành động của chúng ta còn có tác động lớn hơn nhiều. Nếu cha mẹ sử dụng cái tát để giải quyết một cuộc xung đột, thì đó là những gì đứa trẻ sẽ học và làm theo.
Video đang HOT
4. Con cái có thể bị trầm cảm
Chắc chắn cha mẹ không ngờ sử dụng bạo lực có thể khiến trẻ rơi vào trầm cảm.
Nếu bạn đời của bạn đánh bạn, bạn có nghĩ người ấy còn yêu mình không? Điều tương tự này cũng xảy ra với một đứa trẻ. Trẻ sẽ bắt đầu nghi ngờ về tình cảm của bố mẹ mình nếu bị bố mẹ áp dụng những hình phạt thể xác. Chúng sẽ bắt đầu cảm thấy không được yêu thương và có thể bị trầm cảm. Điều này thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ.
5. Khiến trẻ lâm bệnh
Liên tục chứng kiến bạo lực có thể khiến trẻ căng thẳng đến mức làm suy giảm hệ thống miễn dịch và khiến trẻ trở nên dễ mắc bệnh hơn. Trong trường hợp trẻ bị tình trạng sức khỏe nghiêm trọng thì mọi việc càng trở nên tồi tệ.
Thay vì đánh con cha mẹ có thể tham khảo một số cách xử lý dưới đây:
Bạn đang mất kiên nhẫn
Hãy xem xét lại những kỳ vọng của mình và tự hỏi bản thân xem hành vi của con cái có phù hợp với độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ hay không? Điều này có thể trì hoãn sự cáu giận và giúp bạn suy nghĩ về sự việc với một thái độ nhân từ hơn nhiều.
Bạn liên tục yêu cầu con cái hãy cư xử ngoan ngoãn, nhưng chúng không vâng lời
Đừng mặc định rằng con cái sẽ tự nhận ra lỗi sai của mình. Hãy nói rõ ràng ra cho chúng hiểu là đang sai ở đâu và tại sao?
Con bạn đang nổi giận
Hình phạt time-out rất thích hợp để áp dụng mỗi khi nổi nóng và mất kiểm soát.
Lúc này cha mẹ có thể áp dụng hình phạt time-out. Bình tĩnh đưa con đến một nơi yên tĩnh và giải thích lý do tại sao hành vi của chúng không được chấp nhận. Sau đó nói với con rằng chúng có thể quay lại trò chơi của mình sau khi đã bình tĩnh lại và chờ trong 2 phút. Nếu con tranh cãi hoặc la hét lại, hãy bắt đầu đếm ngược 2 phút nữa.
Con bạn sắp mất kiểm soát
Khi những đứa trẻ sắp mất kiểm soát bản thân, cha mẹ mà nổi đóa theo chỉ làm cho tình hình xấu đi. Hãy giữ bình tĩnh, giao tiếp bằng mắt và hạ thấp giọng nói của bạn. Việc giữ bình tĩnh có thể giúp giải quyết mọi chuyện.
Con cái không muốn lắng nghe bạn
Hãy cho con thấy hậu quả của những hành vi sai trái đó, miễn là không gây tổn thương gì đến con. Chắc chắn chúng sẽ rút ra được bài học từ những sai lầm của mình.
Nguồn: Brightside
Theo Helino
Bạn đọc viết: Đừng dạy con bằng lời nói sắc hơn dao!
Xã hội hiện đại với nguồn tri thức khổng lồ về cách nuôi dạy con trẻ đang tạo ra cho chúng ta biết bao cơ hội để yêu thương, uốn nắn con đúng cách.
Trong khi nhiều bố mẹ Việt học hỏi cách nuôi dạy con theo kiểu mẹ Nhật, người Do Thái... thì không ít phụ huynh vẫn còn đi theo lối mòn xưa cũ: Dạy trẻ bằng đòn roi, bằng lời nói sắc hơn dao.
Ảnh minh họa
Tôi có người bạn gái rất nóng tính trong cách dạy con. Yêu thương và chiều chuộng hết mực cậu con trai duy nhất từ tấm bé nên cậu bé khá bướng bỉnh và lì lợm. Lên 5 tuổi, con lại càng tỏ vẻ ương ngạnh và khó bảo. Thế là đòn roi và lời quát mắng của bố mẹ liên tục trút xuống.
Mỗi bữa ăn là một "cuộc chiến" thật sự giữa bố mẹ và con trẻ. Sau những lời hối thúc nhai cơm, nuốt cơm, là tiếng quát mắng liên miên: "Đồ lì lợm", "Mày ăn cái giống gì mà khó dạy thế hả?", "Tao bóp mũi cho chết bây giờ!"... Tiếp đó nữa là đòn roi quất vào người đến lằn ngang lằn dọc.
Mọi người thường khuyên bạn bớt đánh, bớt mắng con lại vì nó chỉ khiến cho tình hình tồi tệ thêm, cái tính bướng bỉnh của con càng trở nên căng thẳng. Khi một đứa trẻ trở nên lì đòn, dạn đòn thì hậu quả sẽ khó lường. Bạn nghe xong cũng ậm ừ suy nghĩ. Thế mà mọi chuyện vẫn như cũ, đòn roi cùng những lời nói sắc hơn dao của bạn cứ thế quất thẳng vào con.
Mấy hôm trước thôi, trong cơn nóng giận, bạn đã quát lớn vào tai con: "Ra khỏi nhà, đi đâu thì đi!". Cậu bé sượng trân nhìn mẹ rồi vùng vằng đi ra ngõ. Mọi người chỉ nghĩ con chỉ quanh quẩn ở đâu đó quanh ngõ nhưng không ngờ thằng bé lên năm đi thẳng một mạch trên con đường bê tông đầy nắng.
Bà ngoại con vội vàng chạy theo, gọi con lại. Con vờ như không nghe và cứ thế bước tới. Bà ngoại chụp lấy tay con và con vùng vằng bảo: "Cháu không phải con của mẹ, mẹ đuổi thì cháu đi...". Dù dỗ dành thế nào con cũng chẳng chịu về, dù khuyên thế nào con cũng không chịu vào đứng dưới bóng râm mà cứ trân mình dưới cái nắng hạ.
Giờ thì bạn tôi đã biết cái tính bướng bỉnh, cứng đầu của con trai mình lớn đến thế nào. Và bạn càng thấm thía hơn hết thảy những tổn thương bắt đầu hình thành trong lòng một đứa trẻ vì những lời phủ nhận, mạt sát, ruồng rẫy của mình.
Bố mẹ nào cũng yêu thương con, chỉ có điều cách thể hiện tình yêu thương của mỗi người có chút khác biệt. Lâu nay, bố mẹ Việt thường dạy con theo đúng nghĩa đen của cách ứng xử "thương cho roi cho vọt" và "những nơi cay đắng là nơi thật thà". Vậy nên, việc đánh con, mắng con vô tình trở thành "chuyện cơm bữa".
Nhiều bạn trẻ hôm nay khẳng định mình lớn lên trong đòn roi và lời la mắng của bố mẹ. Nhưng trong lòng các bạn có gợn lên chút nào sự uất ức, hờn giận thậm chí là chỉ muốn bản thân mình biến mất khỏi thế gian này không? Hẳn là có, chỉ có điều chúng ta không đủ can đảm để bỏ đi, để biến mất.
Đòn roi quất xuống chỉ là nỗi đau trên cơ thể. Còn những lời xỉ mắng, ruồng rẫy, mạt sát từ bậc sinh thành chẳng khác gì vết cắt cứa vào trái tim non nớt của con cái. Tâm hồn của con trẻ sẽ bị tổn thương, đau đớn, dằn vặt. Vết hằn trong quá khứ ấy sẽ khó phôi phai theo thời gian, chỉ là nó nằm im ỉm ở đâu đó thôi và thỉnh thoảng nhói lên đầy nhức nhối.
Báo chí dạo gần đây liên tục đưa tin về những cái chết trẻ. Nỗi đau in hằn trong người ở lại và nỗi ân hận cũng xót xa không kém... Báo chí cũng đề cập đến những đứa trẻ bỗng dưng biến mất. Và khi người ta tìm được các con, lí do bọn trẻ đưa ra cho hành động bỏ nhà đi bụi của mình là do bị bố mẹ la mắng, tịch thu điện thoại...
Một lời mắng mỏ của bố mẹ, một hành động tiêu cực từ phụ huynh đôi khi tưởng chẳng có gì lại có thể đẩy một đứa trẻ vào ngõ cụt khiến con cạn nghĩ và hành động nông nổi. Để rồi nỗi đau sau đó sẽ kéo dài đến không ngờ.
Bởi vậy, mong rằng mỗi bố mẹ khi dạy con, xin đừng dùng lời nói sắc hơn dao làm đau bọn trẻ và làm đau chính mình...
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Tuyệt đối không làm 3 việc này trước khi trẻ 6 tuổi nếu không muốn con thua cuộc ngay tại vạch xuất phát và hủy hoại cuộc sống sau này Nếu đi ngược với các quy luật phát triển tự nhiên, chúng ta càng gây hại, ảnh hưởng tới cả tương lai của trẻ. Theo nghiên cứu, trước khi trẻ lên 6 tuổi không nên làm 3 việc này. Điều thứ nhất: Đừng ép trẻ viết chữ từ sớm Trước khi trẻ 6 tuổi, các ngón tay vẫn chưa phát triển hết, một...