5 lỗi sai khiến học sinh dễ mất điểm khi thi Ngữ Văn vào lớp 10
Sai đề, lạc đề, thiếu dẫn chứng, bỏ sót ý… là những lỗi sai thường thấy của học sinh khi làm bài thi Ngữ văn vào lớp 10.
Với kinh nghiệm giảng dạy và chấm thi nhiều năm, thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Hệ thống giáo dục Hocmai.vn chia sẻ 5 lỗi sai học sinh thường gặp trong khi làm bài thi môn Ngữ văn.
Phân bố thời gian chưa hợp lý
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có thời gian làm bài là 120 phút với cấu trúc đề gồm nhiều câu hỏi cùng các ý hỏi nhỏ. Để giành được điểm số cao, học sinh cần hoàn thành toàn bộ các câu hỏi trong đề thi. Muốn vậy, bên cạnh nền kiến thức vững chắc, học sinh cũng cần lưu ý phân bố thời gian hợp lý cho mỗi câu hỏi.
Một số học sinh do mải mê làm những câu mình nắm chắc kiến thức mà quên, thậm chí bỏ qua những câu hỏi khác. Việc trình bày dài dòng, chi tiết ở những câu có điểm số thấp mà không đầu tư cho các câu hỏi có điểm số cao hơn cũng là lý do khiến các em mất điểm.
Ngoài ra, nhiều em viết kỹ phần mở bài, đoạn đầu thân bài dẫn đến thiếu thời gain cho đoạn cuối nên viết vắn tắt, thiếu ý, thậm chí không thể làm trọn vẹn kết bài.
Những điều này khiến học sinh có kiến thức chắc chắn, có thể làm tốt bài nhưng lại không làm kịp.
Thầy Nguyễn Phi Hùng.
Không đọc kỹ đề bài
Mỗi câu hỏi trong đề thi đều có những từ khoá quan trọng để học sinh xác định dạng bài, phạm vi kiến thức, các yêu cầu… Nếu không đọc kỹ đề bài, các em sẽ dễ dàng mất điểm với các lỗi dưới đây:
Sai đề, lạc đề: bài làm hoàn toàn sai lệch với các yêu cầu của đề bài. Mắc lỗi này, bài viết sẽ không được điểm.
Viết lan man không trọng tâm: Đây là trường hợp bài viết xác định “đúng” nhưng chưa “trúng” yêu cầu của đề bài, trình bày dài dòng, lan man sang những vấn đề khác mà đề không hỏi. Việc này vừa làm mất thời gian của học sinh vừa khiến bài làm mất điểm.
Bỏ sót các yêu cầu phụ của bài: Do không đọc kỹ đề nên học sinh bỏ qua các yêu cầu phụ trong câu hỏi. Tuy là yêu cầu phụ nhưng nó vẫn mang lại những điểm số quý giá. Bỏ qua những yêu cầu này, bài làm sẽ không thể đạt điểm tối đa.
Video đang HOT
Trả lời quá vắn tắt
Nhiều học sinh có thói quen đề hỏi gì thì trả lời trực tiếp và rất ngắn gọn mà không dẫn dắt, diễn giải, phân tích, đôi khi câu trả lời cụt ngủn, không đủ chủ ngữ – vị ngữ. Điều này khiến bài làm không thể giành điểm tối đa dù đã trả lời đúng trọng tâm.
Không nêu dẫn chứng cho bài, đoạn văn nghị luận xã hội
Bài nghị luận xã hội luôn xuất hiện trong các đề thi. Bên cạnh hệ thống các luận điểm, lí lẽ, để tăng tính thuyết phục của bài văn học sinh cần đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Dẫn chứng không cần nhiều nhưng phải được chọn lọc, vừa đảm bảo tính chính xác, tiêu biểu và sát hợp với vấn đề cần nghị luận. Học sinh không nên nêu dẫn chứng kiểu liệt kê mà cần phải phân tích chúng.
Không tuân thủ các yêu cầu về trình bày bài thi
Chữ viết ẩu, khó đọc; bài làm gạch xoá lem nhem; sử dụng và lạm dụng các ký hiệu; bài viết hai màu mực… là những lỗi khiến bài làm của học sinh không được đánh giá cao.
Bên cạnh các lỗi trên, học sinh cũng nên ghi ý ra giấy nháp ngay sau khi đọc đề để tránh bỏ sót ý, lặp ý, đồng thời dành thời gian để soát lại bài, kiểm tra thông tin trên giấy thi, đặc biệt là số báo danh, số tờ để tránh việc thất lạc bài thi.
Thu Ngân
Theo vnexpress.net
Tỉ lệ chọi căng thẳng, nhiều học sinh hạ nguyện vọng lớp 10
Trước tỉ lệ chọi vào lớp 10 tăng đột biến, nhiều học sinh ở TP.HCM đã hạ nguyện vọng cho 'chắc ăn', cũng có em hạ nguyện vọng vì nghe theo bạn bè.
Học sinh lớp 9/1 Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) ký xác nhận sau khi chỉnh sửa nguyện vọng lớp 10 trong ngày 10-5 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Năm nay sẽ không còn những bài toán hàn lâm, hóc búa mà những câu hỏi kiểm tra năng lực nhạy bén về toán học, năng lực vận dụng kiến thức toán vào thực tế của thí sinh
Ông Dương Bửu Lộc (chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP.HCM)
Chiều 10-5, các trường THCS trên địa bàn TP.HCM đã "chốt" việc chuyển đổi nguyện vọng vào lớp 10 của học sinh lớp 9. Ghi nhận từ nhiều trường cho thấy học sinh hạ nguyện vọng so với đăng ký trước đó.
"Trường chúng tôi chỉ có 1 học sinh xin chuyển nguyện vọng. Điều đáng nói, có 18/213 học sinh chọn trường nghề chứ không đăng ký thi vào lớp 10" - ông Nguyễn Hữu Chương, hiệu trưởng Trường THCS Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận), cho biết.
"Giảm xuống cho chắc ăn"
Theo một số học sinh lớp 9 Trường Đào Duy Anh, năm nay tỉ lệ "chọi" vào lớp 10 các trường THPT ở Phú Nhuận không biến động nhiều. Khi đăng ký nguyện vọng lần 1 các em được giáo viên chủ nhiệm tư vấn khá kỹ nên quyết định không đổi.
Trong khi đó, ở Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), bà Lê Thị Thu Thủy, hiệu trưởng, cho biết: "Có hơn 40% học sinh xin đổi nguyện vọng.
Chỉ một số ít học sinh đổi nguyện vọng theo hướng tăng lên (chọn trường THPT có điểm chuẩn năm trước cao hơn nguyện vọng ban đầu). Còn lại, đa số học sinh đổi nguyện vọng theo hướng giảm xuống cho chắc ăn.
Ví dụ có em đạt học lực giỏi, lúc đầu chọn nguyện vọng 1 là trường THPT thuộc tốp đầu, nay hạ xuống trường tốp 2. Chưa kể trường chúng tôi cũng có 10 học sinh chủ động chọn con đường học nghề chứ không tiếp tục học văn hóa".
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Chi, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền, Q.12, chia sẻ: "Đa số học sinh đổi nguyện vọng theo hướng từ cao xuống thấp. Thậm chí, có em học rất tốt nhưng chọn nguyện vọng vào trường THPT thuộc tốp giữa.
Trong đó, có em hạ nguyện vọng vì muốn mình chắc chắn đậu. Nhưng cũng có em hạ nguyện vọng vì nghe theo bạn bè. Cả nhóm bạn chơi thân với nhau, rủ nhau đăng ký vào một trường THPT với hi vọng sau này được học chung lớp. Những trường hợp này chúng tôi phải mời phụ huynh lên tư vấn riêng".
Tuy nhiên, ở Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), ông Nguyễn Bá Hoàng, hiệu trưởng, cho biết: "Các học sinh giỏi ở trường tôi không dao động. Chỉ có một số học sinh học lực trung bình xin đổi nguyện vọng mà thôi.
Hầu hết các em hạ nguyện vọng xuống trường có điểm chuẩn thấp hơn so với nguyện vọng ban đầu do thấy tỉ lệ "chọi" vào các trường THPT khu vực Bình Thạnh năm nay tăng cao".
Nước rút ôn luyện
Thời điểm này, hầu hết các trường THCS đều mở lớp ôn thi tuyển sinh lớp 10 dành cho học sinh lớp 9. Bà Thu Thủy, hiệu trưởng Trường Hoàng Hoa Thám, kể: "Trường chúng tôi tổ chức ôn tập theo trình độ học sinh.
Những em học lực giỏi có nguyện vọng vào trường, lớp chuyên sẽ học riêng một lớp. Những em khá học riêng, trung bình học riêng. Như thế để giáo viên dễ dàng soạn giáo án, học sinh cũng dễ nắm bài".
Ngoài ra, nhiều học sinh vẫn chọn giải pháp học thêm ở trung tâm. "Em vừa đăng ký và đi học luyện thi vào lớp 10 tại một trung tâm. Thực sự em rất hoang mang. Mỗi ngày thầy cho giải từ 1 - 2 đề do thầy biên soạn mà em chỉ giải được 30-40% câu hỏi. Nếu cứ đà này chắc em rớt lớp 10.
Ba mẹ yêu cầu em phải đi học luyện thi cấp tốc môn toán vì trường THPT mà em đăng ký có tỉ lệ "chọi" quá cao. Trong khi môn toán năm nay đổi mới cách ra đề chứ không giống đề của những năm trước" - T.H., học sinh lớp 9 ở Q.3, tâm sự.
Không ra những bài toán hóc búa
Thầy Nguyễn Anh Hoàng - tổ trưởng tổ toán Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) - cho rằng: "Chỉ còn ba tuần nữa là đến ngày thi tuyển sinh 10. Thời điểm này, học sinh cần hệ thống lại kiến thức, ôn lại cách làm những bài toán thực tế theo hướng bám sát đề thi mẫu của Sở GD-ĐT.
Nếu bây giờ học sinh mới bắt đầu học, bắt đầu làm quen với đề thi mẫu, với những bài toán thực tế thì đã trễ rồi. Kiến thức và kỹ năng giải toán phải được tích lũy và rèn luyện ngay từ đầu năm học chứ trong vòng vài tuần sẽ rất khó cải thiện tình hình".
Ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT, cũng khẳng định: "Nếu có tích hợp kiến thức hóa học, vật lý... vào câu hỏi thì bản chất của câu hỏi vẫn yêu cầu thí sinh phải giải quyết vấn đề của toán học.
Các em sẽ vận dụng kiến thức về tam giác đồng dạng, tỉ số lượng giác, lãi suất phần trăm, tính diện tích, thể tích, định lý Pitago, Talet... để giải quyết vấn đề.
Đặc biệt năm nay sẽ không còn những bài toán hàn lâm, hóc búa mà những câu hỏi kiểm tra năng lực nhạy bén về toán học, năng lực vận dụng kiến thức toán vào thực tế của thí sinh".
Cùng quan điểm, cô Lê Ngọc Xuân Khánh - giáo viên môn văn Trường THCS Tùng Thiện Vương, Q.8 - khuyên: "Thời điểm này học sinh cần ôn lại những kiến thức chính của chương trình, nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
Khá nhiều học sinh đã hỏi tôi có nên đăng ký luyện thi cấp tốc trong một tháng trước khi thi không, tôi cho rằng không nên vì dục tốc bất đạt. Trong một tháng làm sao có thể "ôm" hết kiến thức và kỹ năng của cả năm học".
Đề thi: kiến thức mức cơ bản
Theo thầy Nguyễn Anh Hoàng: "Đề thi môn toán năm nay dự kiến sẽ có ba bài toán theo dạng truyền thống, bốn hoặc năm bài theo dạng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nếu gặp những câu hỏi đưa kiến thức các môn khác vào, học sinh cũng đừng quá lo lắng vì Sở GD-ĐT đã thông báo kiến thức lý, hóa, sinh chỉ ở mức cơ bản.
HS cần lưu ý một điều: bài toán thực tế không có phần lắt léo, đánh đố như bài toán truyền thống. Vì vậy, học sinh phải đọc kỹ đề, hiểu được yêu cầu của đề và vận dụng tư duy logic, khả năng suy luận, lập luận để giải bài. Đối với những bài toán thực tế, học sinh không thể học một cách máy móc và rập khuôn".
Theo tuoitre.vn
Đồng Tháp: Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 Sở GD&ĐT Đồng Tháp hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 năm học 2018 - 2019. Ảnh minh họa/internet Theo đó, tuyển sinh lớp 6 bằng xét tuyển. Riêng Trường THCS Kim Hồng, thuộc thành phố Cao Lãnh, căn cứ vào nhu cầu đăng ký tuyển sinh của học sinh có thể thực hiện tuyển sinh theo phương thức xét tuyển...