5 lần Trung Quốc khước từ tàu chiến Mỹ cập cảng
Việc từ chối cho tàu chiến Mỹ cập cảng Hong Kong được coi là một hình thức phản ứng của Bắc Kinh đối với các hành động của Washington.
Tàu sân bay USS John C. Stennis. Ảnh: US Navy
Hôm 28/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo không cho phép cụm tàu sân bay chiến đấu USS John C. Stennis của hải quân Mỹ cập cảng Hong Kong. Đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ bị nhà chức trách Trung Quốc từ chối cập cảng vì các lý do chính trị, theo USNI.
Trong một tuyên bố đăng trên tờ SCMP, các quan chức ngoại giao Trung Quốc nói các chuyến thăm của tàu hải quân nước ngoài diễn ra “trên cơ sở tùy từng trường hợp phù hợp với các nguyên tắc chủ quyền và những hoàn cảnh cụ thể”.
Scott Harold, chuyên gia phân tích Viện RAND cho rằng sự cố này nhiều khả năng là phản ứng của Bắc Kinh với chuyến thăm mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter lên tàu sân bay Stennis đi qua Biển Đông hồi tháng 4.
“Việc này thường xảy ra khi Trung Quốc không diễn đạt được hết về mặt ngoại giao. Sự cố này diễn ra theo chiều hướng xấu”, Harold nói.
Theo Sam LaGrone, chuyên gia phân tích Viện Hải quân Mỹ, ngoài vụ tàu USS John C.Stennis, trong giai đoạn từ 2007 đến 2014, đã có 4 lần các tàu chiến Mỹ khác bị từ chối cập cảng Hong Kong liên quan trực tiếp đến những bất đồng chính trị giữa Washington và Bắc Kinh.
Video đang HOT
Năm 2007, ngay sau khi Tổng thống Mỹ George W.Bush đề nghị Quốc hội Mỹ trao huy chương cho lãnh tụ Tây Tạng Dalai Lama và việc chính quyền Mỹ công bố một thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan, các quan chức Trung Quốc đã từ chối cho hai tàu quét mìn lớp Avenger của hải quân Mỹ cập cảng.
Đến tháng 10/2007, hai tàu chiến USS Patriot và USS Guardian cũng bị nhà chức trách Trung Quốc từ chối cho phép vào cảng Hong Kong để trú ấn và tiếp liệu trước một cơn bão lớn, theo New York Times.
“Với những người dành cả cuộc đời đi biển, có một nguyên tắc mà chúng tôi luôn nằm lòng là khi một ai đó gặp khó khăn thì bạn phải ra tay giúp đỡ, sau đó để họ đi”, Đô đốc Mỹ Gary Roughead lúc đó nói với các phóng viên.
Cũng trong năm 2007, cụm tàu sân bay chiến đấu Kitty Hawk đã bị từ chối cập cảng Hong Kong cùng một chiếc máy bay tiếp tế của không quân Mỹ và khu trục hạm lớp Oliver Hazard Perry USS Reuben James, theo CNN.
Hai thủy thủ trên tàu sân bay USS George Washington nhìn về những tòa nhà ở Hong Kong từ xa. Ảnh: US Navy
“Hàng trăm thân nhân thủy thủ trên tàu sân bay Kitty Hawk và các tàu hộ tống đã đáp chuyến bay đến Hong Kong để chào mừng họ, khi Trung Quốc từ chối cho cụm tàu cập cảng vào phút chót”, theo tuyên bố của hải quân Mỹ.
Tháng 8/2014, vài tháng sau khi Mỹ điều hai pháo đài bay B-52 băng qua Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) Trung Quốc đơn phương áp đặt trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã từ chối chuyến thăm Hong Kong của khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Halsey.
Dù cụm tàu sân bay chiến đấu USS John C. Stennis không thể ghé thăm ở thời điểm hiện tại, các quan chức Mỹ dự đoán việc tiếp cận cảng Hong Kong của hải quân Mỹ sẽ sớm diễn ra.
“Chúng tôi đã có nhiều lần ghé cảng Hong Kong thành công, gồm cả chuyến thăm gần đây của tàu USS Blue Ridge, và chúng tôi hy vọng việc này sẽ tiếp tục trong thời gian tới”, Đô đốc Bill Urban, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Nghị sĩ Mỹ kêu gọi đưa tàu sân bay thăm Đài Loan
Sau khi bị Trung Quốc từ chối cho tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis cập cảng Hồng Kông, Washington nên xem xét điểm thăm mới ở châu Á, trong đó có Đài Loan, theo một nghị sĩ Mỹ.
Tàu sân bay John C. Stennis trên Biển Đông tháng 3.2016Hải quân Mỹ
Đó là lời kêu gọi do Chủ tịch Tiểu ban lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Randy Forbes đưa ra ngày 2.5 (giờ địa phương), theo hãng thông tấn Đài Loan CNA.
Ông Forbes nhấn mạnh rằng đã đến lúc Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét các địa điểm thăm viếng mới cho tàu sân bay. "Khi tình trạng Trung Quốc kiểm soát trực tiếp Hồng Kông ngày càng tăng, Hải quân Mỹ nên xem xét đưa tàu sân bay đến những nơi được chào đón và ổn định hơn".
Ông nhấn mạnh rằng nhiều đồng minh và đối tác, trong đó có Đài Loan, "chắc chắn sẽ chào đón các tàu sân bay cùng thủy thủ đoàn của chúng ta".
Tàu khu trục USS Stockdale (DDG 106) diễn tập bắn pháo hạm 127 mm trên Biển Đông ngày 29.4.2016. Tàu này đang hộ tống tàu sân bay John C. Stennis tuần tra Biển Đông Ảnh: Hải quân Mỹ
Trước đó vài ngày, sau khi Trung Quốc từ chối chuyến thăm viếng nói trên, ứng viên tranh cử tổng thống thuộc đảng Cộng hòa là thượng nghị sĩ Ted Cruz đã viết trên Twitter: "Tàu sân bay Mỹ bị từ chối thăm Hồng Kông. Đó là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không phải là một đối tác của Mỹ. Thay vào đó, chúng ta nên điều tàu sân bay tới Đài Loan".
Dù không có quan hệ chính thức, Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí chính của Đài Loan và hai bên vẫn duy trì hợp tác chặt chẽ về an ninh lẫn quân sự, theo CNA.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm tàu sân bay Stennis trên Biển Đông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ thăm tàu sân bay USS John C. Stennis khi tàu này đang hoạt động tại Biển Đông vào ngày 15.4. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm tàu sân bay USS John C. Stennis hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ Tại buổi lễ kết thúc cuộc tập trận chung Balikatan giữa Mỹ...