5 học sinh Việt giành Huy chương Vàng cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu
5 học sinh Trường THCS Hồ Xuân Hương đã xuất sắc vượt qua các thí sinh của hơn 10 quốc gia để mang về thành tích xuất sắc nhất, đạt Huy chương Vàng tại cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu (AIGC) tại Singapore vừa qua.
Tham dự cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu được tổ chức tại Singapore từ ngày 15 -17/11, nhóm 5 học sinh lớp 7H Trường THCS Hồ Xuân Hương (Hà Nội) gồm các em Nguyễn Thị Hằng Linh, Cao Nguyễn Châu Giang, Nguyễn Thị Phương Thảo, Đào Văn Anh và Ngô Phương Linh đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng với đề tài thiết thực: “Chế tạo các hạt nano bạc và ứng dụng để điều trị bệnh sương mai trên cây cà chua nhằm thay thế sử dụng thuốc trừ sâu độc hại”. Đây cũng là thành tích quốc tế đánh dấu mốc quan trọng trong năm học đầu tiên của nhà trường.
Sáng ngày 4/12, tại trường THCS Hồ Xuân Hương đã diễn ra buổi lễ trao Huy chương và Giấy chứng nhận cho các em học sinh tham dự cuộc thi. Ông Phạm Gia Hữu – Quận Ủy viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào Tạo Quận Thanh Xuân đã đến trao giải và động viên các em.
GS Hà Huy Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS Hồ Xuân Hương chia sẻ tại buổi lễ sáng 4/12.
Chia sẻ tại buổi lễ, GS Hà Huy Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS Hồ Xuân Hương cho biết, định hướng học đi đôi với hành, biến những kiến thức trong sách vở trở thành đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng được trong thực tiễn là điều vô cùng quan trọng.
Với định hướng ấy, ngay từ những ngày đầu năm học, nhà trường luôn chú trọng việc hướng dẫn học sinh tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, trải nghiệm sáng tạo. Ngoài giờ học trên lớp, học sinh cũng được tham gia nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo tại các trường Đại học, các Viện nghiên cứu; đồng thời được tham gia các lớp học ngoại khóa về tiếng Anh, Khoa học.
Nhờ vậy, dù là những thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi nhưng các học sinh của Trường THCS Hồ Xuân Hương đã vươn lên giành được kết quả cao nhất.
GS Hà Huy Bằng và Ông Phạm Gia Hữu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Thanh Xuân trao Huy chương và Giấy chứng nhận cho học sinh đoạt giải.
Video đang HOT
“Những thành tích này sẽ là bước đà quan trọng trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu khoa học của các em và cũng đánh dấu một bước phát triển của nhà trường trong định hướng học sinh ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống” – GS Hà Huy Bằng chia sẻ.
Là một trong những thí sinh đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi, Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết nhóm lựa chọn đề tài “Chế tạo các hạt nano bạc và ứng dụng để điều trị bệnh sương mai trên cây cà chua nhằm thay thế sử dụng thuốc trừ sâu độc hại” bắt nguồn từ việc môi trường Việt Nam hiện nay đang quá ô nhiễm. Đặc biệt, nếu lạm dụng việc sử dụng thuốc trừ sâu có thể sẽ gây hại cho môi trường.
Khi quyết định lựa chọn đề tài này, nhóm của Thảo đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ vô cùng to lớn đến từ các Thầy cô trong trường. Các em cũng phải trực tiếp đi tới các cánh đồng để thí nghiệm. Tình cờ, nhóm biết đến chất nano bạc với cơ chế diệt khuẩn rất tốt, không gây kháng thuốc và rất thân thiện với môi trường.
Nguyễn Thị Phương Thảo – một trong những thí sinh đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi
“Chúng em đã thử nghiệm phun vào cây cà chua – những cây đang bị bệnh sương mai thì nhận thấy sau 3 – 4 tháng đem lại hiệu quả bất ngờ. Vì thế chúng em đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu hơn về hiệu quả mà các hạt nano bạc mang lại. Qua cuộc thi, em nhận thấy bản thân say mê với khoa học hơn. Em thấy khoa học vô cùng mới mẻ và hấp dẫn”, Phương Thảo cho biết.
Đổi mới sáng tạo toàn cầu (AIGC) là cuộc thi uy tín dành cho học sinh, sinh viên tại Singapore. Cuộc thi có sự tham gia của hơn 10 quốc gia như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
Với mục tiêu khuyến khích và công nhận những người trẻ tuổi có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới, AIGC là sân chơi của các nhà đổi mới trẻ từ khắp nơi trên thế giới cùng vượt qua những thách thức với tinh thần cạnh tranh thân thiện, thúc đẩy mối quan hệ quốc tế giữa các nhà đổi mới toàn cầu.
Lệ Thanh
Theo vietnamnet
Giáo dục phổ thông mới: Triển khai còn nhiều nỗi lo
Thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đang cận kề, tuy nhiên đến nay vẫn còn những băn khoăn, lo lắng từ phía dư luận xã hội.
Học sinh tiểu học (Ảnh minh họa: HỒNG QUÂN)
Lãng phí thời gian
Từ cuối năm 2013, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Đã qua sáu năm, Nghị quyết vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống một cách rộng rãi. Theo lộ trình đã được điều chỉnh thì từ năm học 2020-2021 bắt đầu thay sách giáo khoa (SGK) cho học sinh lớp 1. Như vậy, tới năm 2033 mới có lứa học sinh phổ thông đầu tiên được hưởng thụ trọn vẹn chương trình giáo dục mới. Thời gian quá lâu, mất 20 năm, chúng ta mới hoàn thành việc đưa chương trình mới vào thực tiễn.
Theo các nhà khoa học, thì ngày nay, cứ sau ba năm tri thức nhân loại tăng gấp đôi. Vì thế, thời gian để đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa của các nước thường là trong khoảng từ 12 tới 15 năm. Với cách làm chưa thật quyết liệt, để thời gian "chết" như vừa qua thì tính hiện đại của chương trình mới liệu có còn, hay lại lạc hậu so với chính giáo dục của chúng ta.
Đáng chú ý, còn chưa đầy một năm học nữa là thay SGK lớp 1. Nhưng hiện còn quá nhiều công việc quan trọng, đòi hỏi giáo dục phải chạy nước rút hoàn thành: Thẩm định và quyết định những bộ SGK được phép sử dụng; địa phương lựa chọn bộ SGK; in và phát hành SGK kịp năm học mới; tập huấn giáo viên dạy lớp 1, theo từng bộ SGK; tiếp tục chuẩn bị các bộ SGK lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới.
Khó đủ điều kiện học 2 buổi/ngày
Không chỉ về mặt thời gian, điều đáng lo hiện nay là vấn đề học 2 buổi/ngày ở tiểu học. Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, cả nước có khoảng 80% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Như vậy, để triển khai chương trình mới cần lo cho 20% học sinh tiểu học còn lại. Nhìn vào tỷ lệ có vẻ như không nhiều nhưng việc bảo đảm điều kiện cho 20% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày không đơn giản. Bởi thực tế, nước ta phải mất hơn 20 năm mới có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày như hiện nay. Trong khi những nơi dễ thì làm rồi, giờ còn lại là những địa phương có khó khăn gấp nhiều lần.
Mặt khác, cùng với học 2 buối/ngày là quy định 35 tiết/tuần, học sinh ăn trưa tại trường. Trong khi đó, tình trạng sĩ số học sinh tăng cơ học hằng năm, trường học xuống cấp, tỷ lệ giáo viên/ trên lớp không bảo đảm, huy động đóng góp của phụ huynh, xã hội hóa khó khăn, giảm biên chế giáo viên và thiếu quỹ đất làm trường. . . là những nguyên nhân chủ yếu kéo theo tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày khó có thể tăng lên, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị giảm. Thí dụ, tại TP Hồ Chí Minh, năm học 2018-2019, giảm gần 4% số HS học 2 buổi/ngày so với năm học trước.
Để giải quyết cơ sở vật chất cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây mới và xóa phòng học tạm với gần 12 nghìn phòng học ở tiểu học, giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, đó mới là kế hoạch của đề án còn triển khai đến đâu, hiệu quả thế nào, có nhanh được không, vẫn còn là dấu hỏi. Đáng chú ý, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định: Sĩ số học sinh quyết định sự thành bại của chương trình mới.
Trong khi thực tế hiện nay, sĩ số học sinh các trường ở thành phố, thị xã, hoặc các khu công nghiệp quá cao, gấp trên ba lần so các nước có nền giáo dục tiên tiến (15 -20 học sinh/lớp) và vượt xa so quy định hiện hành (35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở THCS). Việc giảm sĩ số lớp học với ngành giáo dục dường như là bất khả kháng. Điều đó đồng nghĩa không thể đổi mới phương pháp theo hướng tổ chức hoạt động học, tăng cường tương tác cho học sinh và mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới khó có thể đạt được.
Giáo viên theo chuẩn nào?
Cùng với các điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định trực tiếp tới chất lượng giáo dục. Dạy học phân hóa, trải nghiệm và tích hợp là những phương pháp tiếp cận dạy học mới và hiện đại, được coi trọng trong chương trình giáo dục mới. Vì vậy, giáo viên cần năng lực trí tuệ nghề và hành nghề cao hơn, năng lực hành xử đạo đức và văn hóa nhà trường lành mạnh và văn minh hơn. Hiện nay, cả nước có hơn một triệu giáo viên phổ thông, trong đó cơ bản là đạt chuẩn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là chuẩn nào? Chuẩn lý luận hay chuẩn thực dạy theo phương pháp giáo dục mới?
Trong khoa học giáo dục, giáo viên được đào tạo dài hạn trong các trường sư phạm, nhưng vẫn phải đào tạo lại, ngắn hạn khi ra trường. Nhà trường mới là cần năng lực sáng tạo và sự trải nghiệm của giáo viên. Ngành giáo dục đã lo xa, đào tạo lại từ 5 năm trước cho đội ngũ giáo viên. Nhưng cái yếu là chỉ nâng cao năng lực về lý luận sư phạm, còn thực sự đổi mới phương pháp dạy học lại không được áp dụng thường xuyên. Mặt khác, cả nước thiếu khoảng 76.000 giáo viên khi chương trình mới đi vào thực tiễn. Đáng chú ý, cả nước thừa khoảng 12.000 giáo viên dạy bộ môn và cũng thiếu chừng đó giáo viên dạy tin học, ngoại ngữ, công nghệ và dạy tích hợp cùng với tổ chức hoạt động trải nghiệm. Nỗi lo kép "thừa và thiếu giáo viên" đang hiện hữu, đòi hỏi người quản lý phải xử lý thế nào để vừa bảo đảm chất lượng giáo dục và vừa không gây xáo trộn đội ngũ.
Một chương trình và nhiều bộ SGK là xu hướng của giáo dục hiện đại, liệu chúng ta có phát huy thế mạnh có được hay chính nó lại trở thành những lo toan, khó làm. Nhiều bộ SGK, đồng nghĩa với nhiều đơn vị tổ chức, nhiều phương thức và nội dung tập huấn thay sách khác nhau. Vì vậy, bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1 có những đặc điểm và yêu cầu khác với bồi dưỡng giáo viên dạy học các lớp khác. Cần "đầu xuôi đuôi lọt". Lớp 1 chưa cần chú trọng nhiều tới nội dung kiến thức mà chủ yếu là giáo viên dạy học sinh các kỹ năng sống, cách hành xử hằng ngày. Đặc biệt tập làm quen cách nghĩ, hình thành bước đầu về cách học, phương pháp học theo đinh hướng tự học, sáng tạo trong chương trình mới.
Ngành giáo dục cần sớm tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1 theo chương trình mới và bồi dưỡng không thể rộng quá, chung chung, nặng lý luận, xa thực tế giảng dạy. Mặc dù, không thể tập huấn kiểu "cầm tay chỉ việc" cho giáo viên như giai đoạn cũ, nhưng cũng không thể đánh giá quá cao đội ngũ giáo viên ở tiểu học trong việc sáng tạo, độc lập giải quyết tốt các tình huống, các kỹ thuật dạy cụ thể trên lớp.
Mặt khác, cần tập huấn cho giáo viên trong môi trường thực không giả định. Không thể bắt giáo viên phải tưởng tượng cách dạy, cách hướng dẫn học sinh hoạt động trong môi trường dạy học "ảo". Tuyệt đối không tập huấn theo cách cũ là dạy các tiết mẫu và sau đó giáo viên ghi nhớ, về trường máy móc áp dụng làm theo. Giáo viên khi thảo luận nhóm cần phát huy tính dân chủ, nghệ thuật điều hành của báo cáo viên để làm sao mọi học viên được nói hết những suy nghĩ của mình. Kết hợp kiến thức của báo cáo viên và kinh nghiệm thực tế của giáo viên, nhưng cần tôn trọng và nhiều trường hợp cụ thể báo cáo viên phải nghe theo giáo viên..Bài học kinh nghiệm sinh hoạt chuyên môn trong mô hình trường học mới rất cần được nhắc tới và vận dụng vào thời điểm này. Bởi vì khoảng 30% các trường tiểu học và gần 18% các trường THCS đều có trải nghiệm về mô hình trường học mới.
Dư luận quan tâm và chờ đợi những giải pháp tối ưu của Bộ giáo dục và Đào tạo, của chính quyền địa phương các cấp để những nỗi lo chỉ là lo xa mà không có thể trở thành hiện thực của giáo dục Việt Nam trong những năm tới.
ĐẶNG TỰ ÂN
Theo Nhân dân
'Tự chủ đại học không có nghĩa các trường phải tự bơi' Đó là chia sẻ của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi lễ khai khóa năm học mới 2019-2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM, sáng 5/10. Sáng nay, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức lễ khai khóa năm học 2019 với chủ đề "Tự chủ đại học - Đổi mới và sáng tạo". Đây là hoạt động truyền thống, được tổ chức...