5 cách phòng ngừa bệnh đường hô hấp
Gần đây các bệnh đường hô hấp đang có xu hướng gia tăng. Người già, trẻ nhỏ và những người mắc các bệnh lý mạn tính là đối tượng dễ bị mắc bệnh.
Vậy người dân cần làm gì để phòng tránh các bệnh lý đường hô hấp.
Thời tiết lạnh kết hợp ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây gia tăng các ca bệnh đường hô hấp. Một số bệnh đường hô hấp thường gặp trong thời gian này là cúm, viêm phổi, viêm amidan, viêm mũi họng, sổ mũi, viêm xoang dị ứng…
Dấu hiệu mắc các bệnh đường hô hấp
Khi mắc các bệnh đường hô hấp, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Hắt hơi
- Sổ mũi
- Sốt
- Ho có đờm hoặc ho khám có thể ho ra máu
Video đang HOT
Một số trường hợp nặng có thể đau ngực thậm chí khó thở
Không khí ô nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh đường hô hấp tăng nhanh.
Phòng ngừa các bệnh đường hô hấp
Việc phòng ngừa có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp hoặc tránh làm tăng nặng ở những người đã có sẵn bệnh nền. Để phòng ngừa các bệnh lý hô hấp, người dân có thể chủ động thực hiện các biện pháp sau:
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Do chỉ số ô nhiễm trong không khí ngày càng cao, người dân cần bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang tốt nhất là N95 và N99 vì đây là loại khẩu trang có thể lọc được bụi mịn. Nếu ở nhà, người dân nên dùng máy lọc không khí, đảm bảo không gian thông thoáng.
Người dân nên rửa mũi họng và tay chân hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
- Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bạn nên bổ sung, tăng cường dinh dưỡng vào thực đơn hàng ngày. Ngoài ra có thể tăng cường vitamin khoáng chất thông qua các loại thực phẩm hoặc uống vi chất như: kẽm, vitamin C, men vi sinh… Một số loại thực phẩm tốt cho đường hô hấp và tăng sức đề kháng như: bông cải xanh, cam, táo, rau xanh, trứng, sữa… Bên cạnh đó, đừng quên uống đủ 2l nước mỗi ngày. Việc uống đủ nước giúp đảm bảo lượng nước cho cơ thể, đảm bảo quá trình trao đổi chất hiệu quả, giúp tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý trong đó có bệnh đường hô hấp.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày và vệ sinh tay chân sau bằng xà phòng/nước sát khuẩn khi đi ngoài đường về nhà.
- Có chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, mệt mỏi. Việc căng thẳng, mệt mỏi thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Do vậy, người dân cần duy trì tập luyện để tăng sức đề kháng, một số bài tập thở cũng rất tốt cho đường hô hấp. Hơn nữa việc tập luyện cũng là cách để giảm căng thẳng, stress.
Đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể khi ra ngoài vào lúc thời tiết lạnh là cách để phòng ngừa bệnh lý đường hô hấp.
- Không để cơ thể nhiễm lạnh: Những ngày thời tiết chuyển mùa không nên để cơ thể nhiễm lạnh đột ngột như thói quen tắm nước lạnh hay đi ra ngoài mà không giữ ấm cơ thể… Bạn cần phải giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là các vùng cổ, vùng ngực, bàn chân, bàn tay…
Với những trường hợp có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi thoáng qua có thể sử dụng các loại thuốc cảm cúm thông thường hoặc dùng các biện pháp dân gian như chanh quất mật ong để giảm triệu chứng. Tuy nhiên với những trường hợp có dấu hiệu nguy hiểm như sốt cao liên tục, khó thở, ho kéo dài, ho ra máu… cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị. Hoặc những người có dấu hiệu mắc bệnh lý đường hô hấp trên những người mắc bệnh nền cũng nên cơ sở y tế để tránh trường hợp diễn biến nặng.
Gia tăng bệnh nhân nhập viện do thay đổi thời tiết
Thời tiết chuyển lạnh gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp. Vì vậy, nếu không biết cách điều trị và dự phòng bệnh thì nguy cơ nhập viện là rất lớn.
Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội, số lượng người cao tuổi, có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp nhập viện có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, các khoa nhi cũng ghi nhận số lượng bệnh nhi tăng đột biến, nhiều phòng kín giường bệnh.
Ông Nguyễn Trọng Thanh, 81 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD nhập viện trong tình trạng co thắt phế quản, tăng dịch nhầy trong đường hô hấp gây khó thở. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính rất nhạy cảm với thời tiết. Thời tiết thay đổi là người tôi rất mệt mỏi, khó thở. Khi vào viện kịp thời được các bác sĩ điều trị nên cũng đỡ hơn, ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh đang điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt xô.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện hữu nghị Việt xô cho biết: "Vào thời điểm giao mùa, nếu không dự phòng cẩn thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tái phát và tiến triển rất nhanh. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất. Ngoài phổi tắc nghẽn mãn tính, thời điểm này người cao tuổi cũng thường nhập viện do các bệnh lý hô hấp và tim mạch".
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm khuyến cáo với người cao tuổi vấn đề sử dụng thuốc cần hết sức lưu ý để tránh tình trạng bệnh nặng thêm. Người cao tuổi thường ngại đi khám bệnh và tự ý đi ra hiệu thuốc kể về tình trạng bệnh và mua thuốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả điều trị do không được cá thể hóa. Mỗi người cao tuổi khi đến bệnh viện sẽ được tham khám và có các phác đồ thích hợp với thể trạng và mức độ bệnh khác nhau.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi.
Những ngày gần đây trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tại nhiều bệnh viện đều tăng khoảng 20 -30% so với bình thường. Đây là thời điểm khiến sức đề kháng của trẻ giảm cùng với mật độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên. Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải - Phòng điều trị tích cực - Trung tâm nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các phòng trong trung tâm lúc nào cũng kín giường, trong đó có những bệnh nhi chưa đầy một tháng tuổi bị suy hô hấp nặng, phải thở máy do căn nguyên virus RSV. Bệnh nhân phải thở oxy dòng cao, hỗ trợ chăm sóc hô hấp và ăn qua xông. Hiện tại bệnh nhân được kết hợp điều trị hai loại kháng sinh. Tại Trung tâm đang có khá nhiều bệnh nhân viêm phổi do RSV.
Các bác sĩ cho biết, không chỉ gây suy giảm miễn dịch, chuyển biến nhanh dẫn đến biến chứng nặng, RSV còn hay đồng nhiễm hơn các loại virus khác. Vì thế nhiều trường hợp bội nhiễm phải dùng kháng sinh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tình trạng viêm đường hô hấp do virus RSV sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.
Hầu hết bệnh nhân nhập viên do nhiễm khuẩn đường hô hấp đặc biệt là viêm phổi do RSV. Bệnh nhân mắc cúm cũng rất nhiều. Dù đã cuối mùa sốt xuất huyết, nhưng số bệnh nhân nhập viện cũng rất cao. Đáng chú ý đó là sốt xuất huyết khi mới khởi phát có biểu hiện tương đối giống các bệnh sốt virus khác, nên nhiều phụ huynh dễ nhầm, chủ quan không đưa trẻ đến khám bệnh, tự điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt có thành phần Inbuprofen hoặc truyền dịch không đúng phác đồ có thể khiến bệnh diễn biến nặng lên, bác sĩ Lê Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm.
Bác sĩ Lê Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nhi - Bệnh viện Bạch Mai.
Theo các bác sĩ, thời tiết lúc giao mùa thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, dễ bị vi rút, vi khuẩn tấn công gây bệnh như cảm cúm, viêm mũi họng và nguy hiểm hơn có thể làm tái phát các bệnh lý mạn tính. Việc phòng bệnh lúc chuyển mùa là vô cùng quan trọng trong cộng đồng và đối với từng người. Nhất là ở người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ để tránh bệnh diễn tiến nặng. Cùng với việc lưu ý phòng bệnh bằng việc tiêm chủng đầy đủ các loại bệnh theo mùa, theo độ tuổi, thì giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát và chú ý vệ sinh cá nhân như rửa tay, rửa mũi súc họng cũng góp phần phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa./.
9 triệu chứng ung thư vòm họng giống cảm cúm Ung thư vòm họng là loại ung thư nguy hiểm, người mắc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp nên chủ quan. Anh T.Q.A. (39 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) đến Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương khám vì đau đầu, ù tai một bên, cảm giác trong tai có tiếng ve kêu. Ban đầu, anh cho...