484 đầu sách tham khảo được giới thiệu vào trường học
Đây là một kênh rất hữu ích để teen mình tìm những cuốn sách đáng tin cậy.
Mới đây, NXB Giáo dục Việt Nam có công văn gửi các Sở GD&ĐT về danh mục sách tham khảo dùng cho thư viện trường học từ năm 2013 – 2014. Ngoài sách tham khảo cho các cấp 1,2,3 còn có tranh ảnh, đĩa và các tạp chí chuyên san.
Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt Danh mục sách tham khảo dùng cho thư viện trường học. Các cơ sở giáo dục trong toàn quốc dựa vào danh mục này để lựa chọn những cuốn sách phù hợp với nhu cầu giáo viên và học sinh, bổ sung cho thư viện, bỗ trợ quá trình dạy – học.
Sách tham khảo trên thị trường hiện nay rất bát nháo. Ảnh minh họa: Internet.
Gần 80 đầu sách tham khảo cho học sinh phổ thông, có nhiều loại sách rất hữu ích: Sổ tay kiến thức các môn học phổ thông: Văn, Sử, Địa, Đại, Hình, Sinh… phục vụ kỳ thi tốt nghiệp, tài liệu chuyên Tin học, chuyên đề luyện thi đại học các môn… do các tác giả có uy tín: Vũ Thanh Khiết, Ngô Ngọc An, Lê Thông, Hồ Sĩ Đại chủ biên…
Danh mục tài liệu các sách tham khảo gửi về thư viện trường không bắt buộc nhưng là kênh quan trọng định hướng cho học sinh và phụ huynh trong thị trường sách tham khảo đang “bát nháo” hiện nay.
Theo TNO
Loạn sách tham khảo
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ tại các nhà sách ở TP.HCM, chỉ riêng môn toán và tiếng Việt của bậc tiểu học đã có gần 500 loại sách tham khảo khác nhau. Không chỉ phụ huynh mà ngay cả giáo viên cũng hoa mắt với rừng sách này.
Video đang HOT
Sách tham khảo cấp tiểu học bày bán tại một nhà sách ở TP.HCM Ảnh: MỸ DUYÊN
"Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học là trường chúng tôi phải tiếp hàng loạt nhà xuất bản (NXB). Họ đến để tiếp thị các loại sách tham khảo. Cũng có NXB đã từng nghe tên tuổi, có NXB tôi chưa từng nghe bao giờ. Họ đến giới thiệu những cuốn sách mà khi xem đến tên tác giả, ban giám hiệu trường phải hỏi nhau xem người này là ai, đã từng làm việc trong ngành giáo dục chưa... vì thấy tên lạ quá, khó tin tưởng. Khi mở sách ra xem thì hỡi ôi, nhiều chi tiết vừa sai về kiến thức vừa phản sư phạm" - hiệu trưởng một trường tiểu học ở Củ Chi, TP.HCM cho biết.
Cũng theo hiệu trưởng trên, những người tự xưng là đại diện của các NXB đặt vấn đề với trường rằng: nhà trường giới thiệu sách của NXB cho phụ huynh mua sách, họ sẽ trả "hoa hồng" từ 15-20% (tùy theo cuốn) cho trường, có người còn tự xưng là người của NXB ĐH Sư Phạm TP.HCM để tăng thêm uy tín nhằm bán sách.
Còn ông Lê Thanh Hà, giám đốc NXB ĐH Sư Phạm TP.HCM, cho biết: "Từ khi tôi làm giám đốc NXB ĐH Sư Phạm TP.HCM, tôi chưa yêu cầu hay gợi ý ai mua sách hay tổ chức bán sách ở đâu cả. Tôi xin khẳng định NXB cũng không có chủ trương về việc này. Để tránh việc một số người mạo danh NXB ĐH Sư Phạm TP.HCM, có hai dấu hiệu để nhận biết cán bộ nhân viên của trường: một là nhân viên có đeo thẻ, hai là nếu chúng tôi có cử nhân viên đến liên hệ công việc với ai đều cấp giấy giới thiệu của trường có đóng dấu tròn đỏ".
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Ân - hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM - cũng nêu quan điểm: "Đầu năm học, các NXB đến giới thiệu sách nhiều lắm nhưng ban giám hiệu trường không tiếp. Sách tham khảo bây giờ được xuất bản tràn lan, chất lượng không biết như thế nào nên không thể giới thiệu cho phụ huynh được. Trước đây, Sở GD-ĐT TP có giới thiệu bộ sách trắc nghiệm môn toán, môn tiếng Việt. Chúng tôi có xem và thấy nội dung bổ ích, tác giả bộ sách là người có uy tín trong ngành nên mới giới thiệu cho phụ huynh mua cho con em".
Hoa mắt vì sách tham khảo
Tại Hà Nội, số lượng sách tham khảo các cấp tại các nhà sách có tới hàng ngàn cuốn. Theo thống kê của một phụ huynh có con học lớp 4 cho biết: "Chỉ một nhà sách ở phố Nguyễn Xí, sách tham khảo cấp tiểu học có trên 100 sách khác nhau, sách tham khảo cho các cấp THCS, THPT có khoảng 500 đầu sách. Trong số đó, "văn mẫu" chiếm số lượng áp đảo trong số sách tham khảo các cấp dưới các tên gọi "150 bài văn mẫu", "200 bài văn mẫu", hoặc "Để học tốt môn văn".
Trong khi đó ở TP.HCM, chỉ riêng môn toán và tiếng Việt của bậc tiểu học, qua khảo sát của chúng tôi tại các nhà sách, đã có gần 500 loại sách tham khảo khác nhau. Đặc biệt, từ lớp 3 trở lên các sách tham khảo về tự nhiên, xã hội và tiếng Anh cũng chiếm một số lượng lớn trên kệ của các nhà sách.
Tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (chi nhánh Nguyễn Văn Cừ, Q.1, TP.HCM) có 33 loại sách tham khảo toán lớp 1, 17 loại sách tham khảo tiếng Việt lớp 1. Nhiều sách có cả tập 1, 2 do rất nhiều tác giả biên soạn. Không chỉ thế, nhà sách còn có hơn 50 sách tham khảo tiếng Việt, 50 sách tham khảo toán lớp 2. Từ lớp 3 trở lên, số lượng sách tham khảo càng tăng, cụ thể: 54 sách tham khảo tiếng Việt, gần 60 sách tham khảo toán lớp 3, 50 sách tham khảo toán và 51 sách tham khảo tiếng Việt lớp 4; hơn 60 đầu sách tham khảo tiếng Việt, toán lớp 5. Bên cạnh đó, ở các nhà sách khác như Thăng Long, Fahasa mỗi nhà sách cũng có gần 400 loại sách tham khảo của bậc tiểu học...
Nội dung chính của các sách tham khảo thường là hướng dẫn giải bài tập cho học sinh, văn mẫu, bộ đề thi trắc nghiệm và tự luận cơ bản lẫn nâng cao, sách soạn bài của giáo viên, sách giúp phụ huynh kèm con học tại nhà... Cách trình bày của các loại sách không khác gì sách luyện thi chuyển cấp hay đại học. Giá của các sách tham khảo này cũng rất da dạng, dao động 15.000-50.000 đồng/quyển.
Giáo viên cũng đau đầu
Một giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.9, TP.HCM kể mỗi lần đi chọn sách tham khảo cô rất nhức đầu. Giữa một rừng sách, trong đó có những cuốn sách mà cô tìm tên tác giả trên Google nhưng không biết người đó là ai, công tác ở đâu, học hàm, học vị như thế nào... Thế nên có cuốn sách tập viết cho học sinh lớp 1 mà cũng sai về kiến thức cơ bản: từ cách đặt bút, điểm dừng bút, cách nối các nét chữ, mẫu chữ...
Thậm chí có cuốn không có ô li.
Sách tham khảo toán lớp 1 cũng vậy, có cuốn đưa cả bài tập cộng có nhớ vào trong khi học sinh lớp 1 chưa học đến dạng bài này. "Học sinh lớp 1 học chủ yếu bằng tranh ảnh nhưng có nhiều bức tranh, chính bản thân tôi cũng không biết phương án nào đúng. Mỗi lần đi chọn sách tham khảo, tôi mất ít nhất hai giờ nhưng có khi không mua được cuốn nào" - giáo viên này cho biết.
Cô Nguyễn Thị Thùy - giáo viên lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp, Q.Tân Bình, TP.HCM - chia sẻ kinh nghiệm: "Khi đi chọn sách tham khảo, việc đầu tiên của tôi là chọn sách của các NXB có uy tín, sau đó là tên tác giả. Có nhiều tác giả viết sách rất nổi tiếng, họ là người có kinh nghiệm trong ngành, có nghiên cứu, am hiểu về giáo dục tiểu học. Mua sách của các tác giả này thì yên tâm hơn. Nhưng kinh nghiệm quý báu nhất khi chọn sách là phải đọc từng trang một".
Theo lời cô Thùy, đến thời điểm này nhiều nhà sách vẫn còn bày bán sách tham khảo dùng cho chương trình tiểu học cũ (trước năm 2000). Riêng sách tham khảo về tập làm văn dành cho học sinh tiểu học, cô Thùy cho rằng chất lượng cần phải xem lại. "Vì có những cuốn dày vài chục trang nhưng chỉ học được vài từ hay. Phụ huynh nếu có mua cho con em sử dụng nên kiểm tra kỹ và có sự chắt lọc trước khi dạy cho con em mình" - cô Thùy kết luận.
Trao đổi với chúng tôi, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM cho rằng: "Học sinh tiểu học đang phải học quá nặng, chương trình tiểu học đang quá tải, cần phải giảm tải. Một số bài trong sách giáo khoa còn phải bỏ bớt thì nhà trường không nên đưa thêm sách tham khảo cho học sinh học nữa". Theo vị hiệu trưởng này, thật ra sách tham khảo cần cho giáo viên hơn là học sinh. Bởi giáo viên cần đọc nhiều, hiểu nhiều để có thêm kiến thức ra bài tập cho học sinh.
Phạt tối đa 30 triệu đồng
Xung quanh vấn đề loạn sách tham khảo và thiếu kiểm soát những thông tin phản giáo dục trong các sách, tài liệu tham khảo, ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - đã trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về việc áp dụng chế tài xử lý đối với các trường hợp sai phạm. Ông Bằng cho biết:
- Nghị định số 138/2013/NĐ-CP đã quy định phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sách, tài liệu không đúng quy định và phạt 15-30 triệu đồng đối với hành vi mua sắm, tiếp nhận sách, tài liệu không đúng quy định. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra giáo dục các cấp tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra các đơn vị nói trên và các hoạt động vi phạm theo trách nhiệm của mình về quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo.
* Cái yếu trong việc quản lý sách tham khảo vào nhà trường lâu nay là việc thực hiện quy định không nghiêm. Vậy Bộ GD-ĐT có thể công khai những nơi làm trái quy định và mức chế tài để thể hiện sự kiên quyết, nghiêm khắc với việc này không?
- Bộ và các cấp quản lý sẵn sàng công khai và cũng mong muốn mọi người giúp trong việc giám sát, phản ảnh những tổ chức, cá nhân làm trái để kịp thời kiểm tra, xử lý, bảo đảm các quy định thực hiện trong thực tế.
* Khi nào Bộ GD-ĐT ra văn bản phối hợp với Bộ Thông tin - truyền thông trong việc siết chặt quản lý sách tham khảo bên ngoài nhà trường?
- Hiện nay công việc soạn thảo văn bản đang được tích cực thực hiện. Công việc phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Tuoitre
Cấm GV vận động phụ huynh mua sách tham khảo Cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên, nhân viên không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách tham khảo tới học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên dưới bất kỳ hình thức nào. Cấm giáo viên lợi dụng chức vụ...